Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Mới được triển khai từ năm học 2020-2021, mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học cho học sinh (gọi tắt là mô hình) đã bước đầu đạt được những kết quả thiết thực.
Một buổi truyền thông giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; quy tắc, văn hóa ứng xử trong trường học tại Trường THCS Lương Chí ( thị xã Nghi Sơn) tháng 11-2020.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, thực trạng học sinh lệch lạc về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, thậm chí vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Điển hình là việc liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường bắt nguồn từ những mâu thuẫn, xích mích không đáng có.
Học sinh tham gia vào các vụ bạo lực học đường, vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Gần đây nhất, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã xảy ra 2 vụ bạo lực học đường (1 vụ tại TP Thanh Hóa, 1 vụ tại Quảng Xương) đã gây bức xúc cho dư luận xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường giáo dục tại các trường học, địa phương. Nguyên nhân chính được xác định đó là công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; quy tắc, văn hóa ứng xử trong trường học cho học sinh những năm qua chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí vẫn còn bị xem nhẹ.
Từ thực tế nói trên, việc triển khai thí điểm mô hình tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh là rất cấp thiết. Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là học sinh. Đồng thời, xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong trường học, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình và xã hội; trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Mô hình được thí điểm triển khai tại 10 trường THCS, THPT tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện Như Thanh, Quan Hóa, bắt đầu từ năm học 2020-2021.
Theo đó, các trường đã có sự sáng tạo trong cách thức tổ chức sao cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Về cơ bản, các trường đưa các nội dung của bộ quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; văn hóa ứng xử trong gia đình Việt Nam hiện nay; những nguyên tắc ứng xử cơ bản trong gia đình: tôn trọng – bình đẳng – yêu thương – chia sẻ; giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại tình dục, phòng ngừa ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội; kỹ năng lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác, góp ý, phê bình; các văn bản về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, về văn hóa ứng xử vào trong trường học…
Video đang HOT
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng tờ rơi, tập gấp phát cho học sinh; các trường còn xây dựng kịch bản, nội dung chương trình truyền thông, giáo dục; đến học sinh toàn trường. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như: viết truyện ngắn, xây dựng tiểu phẩm, thi hùng biện; tổ chức sinh hoạt định kỳ về nội dung giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, xã hội cho học sinh.
Những phương thức truyền thông có sức lan tỏa này đã bước đầu khơi dậy ý thức và lối sống trách nhiệm trong học sinh. Bên cạnh đó, nhận thấy ý nghĩa thiết thực của mô hình, nhiều trường còn lồng ghép các hoạt động truyền thông trong sinh hoạt đầu tuần, trong hoạt động của lớp, khối, đoàn thanh niên, đội thiếu niên; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em học sinh, có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành như tư pháp, công an…
Từ tháng 9 đến giữa tháng 12-2020, đã có gần 60 buổi tuyên truyền cấp trường, mỗi trường tổ chức được ít nhất 4 buổi truyền thông/tháng. Ngoài ra, còn có hàng trăm buổi sinh hoạt truyền thông ở khối, lớp. Một số trường đã triển khai có hiệu quả cao, như: Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa), Trường PT Dân tộc nội trú Quan Hóa, THPT Như Thanh, THPT Sầm Sơn…
Qua đánh giá của ban giám hiệu các nhà trường, mô hình đã thực sự trở thành một diễn đàn quan trọng trong công tác giáo dục của các nhà trường. Đồng thời là sân chơi ngoại khóa thiết thực đối với học sinh, góp phần tạo ra môi trường giáo dục chuẩn mực, ứng xử văn hóa – văn minh. Mỗi một học sinh khi tham gia vào các hoạt động của mô hình sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực ngay tại trường, gia đình mình. Khi các em trở về với gia đình sẽ có cách ứng xử văn hóa, đúng mực với các thành viên trong gia đình, từ đó sẽ lan tỏa ra cộng đồng, xã hội.
Những kết quả bước đầu đạt được tại 10 trường học thí điểm mô hình là tiền đề quan trọng để tiếp tục nhân rộng mô hình tại các trường học, địa phương khác. Điều cốt lõi từ mô hình là học sinh – những nhân vật chính không ngừng được tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, để có cách ứng xử đúng mực, văn hóa – văn minh, qua đó tạo môi trường giáo dục thực sự chuẩn mực.
Liên tiếp vụ việc học sinh đánh bạn: Đình chỉ học cao nhất 2 tuần có làm học sinh "nhờn"?
Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp học sinh đánh "hội đồng" bạn học. Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, cần tăng cường các biện pháp giáo dục phòng chống bạo lực học đường, bởi dự kiến kỷ luật cao nhất là đình chỉ học 2 tuần được cho là khá "nhẹ".
Liên tiếp vụ việc nữ sinh đánh bạn tàn nhẫn
Ngày 25/11, Trường THPT Quảng Xương 4 (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đã thông tin về vụ việc nữ sinh của trường dùng mũ bảo hiểm đánh bạn xảy ra vào ngày 20/11. Để giải quyết mâu thuẫn cá nhân với người thân, em H.T.H.N (lớp 11C2) đã đánh em P.T.M (lớp 12T) và bắt em này quỳ gối xin lỗi. Sau khi đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh N liên tiếp dùng mũ đập vào đầu nữ sinh M được đưa lên mạng xã hội, Trường THPT Quảng Xương đã làm rõ sự việc, báo cáo với Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, ngày 23/11, Hội đồng kỷ luật Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cùng các đơn vị có liên quan đã họp và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật đối với 6 học sinh (lớp 8 và 9) tham gia đánh "hội đồng" nữ sinh Đỗ Lê V phải nhập viện. Theo lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, ngoài đình chỉ học 1 tuần, 6 học sinh đều bị xếp loại hạnh kiểm trung bình trong tháng 11 này.
Sự việc cụ thể như sau, khoảng 11h30, ngày 18/11, hai học sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi là Đỗ Lê V và Hoàng Yến M, do mâu thuẫn trên mạng xã hội nên cả hai hẹn nhau tới sân bóng để giải quyết. Tại đây, nữ sinh Đỗ Lê V bị Hoàng Yến M cùng các nữ sinh trên túm tóc giật ngã, dùng tay, chân đấm, đá. Sau khi đoạn clip nữ sinh bị bạn đánh "hội đồng" được đưa lên mạng, dư luận xã hội hết sức bất bình trước sự việc nhiều nữ sinh đánh bạn tàn nhẫn, trong khi đó nhiều em khác đứng ngoài cổ vũ, quay clip...
Ba nữ sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) đánh nhau trước cổng trường. Ảnh: T.L
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc học sinh đánh bạn, rồi quay clip tung lên mạng xã hội. Trước đó, hàng loạt vụ việc đau lòng đã xảy ra gây bất bình dư luận. Cụ thể, vào ngày 24/9 vừa qua, một nhóm nữ sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã đánh "hội đồng" bạn ngay trước cổng trường, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Trước đó, ngày 29/5, hai nữ sinh lớp 8 (Trường THCS Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) hẹn em học sinh lớp 6 ra một địa điểm gần trường thay nhau đánh.
Kỷ luật ngày càng nhẹ, học sinh không biết "sợ"?
Theo các chuyên gia giáo dục, tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã trở thành tình trạng gây nhức nhối của ngành Giáo dục và toàn xã hội. Đây không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây xảy ra liên tục hơn trong các trường học, bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội...
Với những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp... Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành. Bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân, từ phim, truyện bạo lực, sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường. Chưa có sự tư vấn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...
Nhiều năm công tác quản lý giáo dục, NGƯT Đặng Đình Đại - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, hiện tượng học sinh gặp các vấn đề học đường như bị cô lập, tẩy chay, trấn lột, thậm chí là bị đánh đã xảy ra từ khá lâu. Tuy nhiên, gần đây học sinh có xu hướng ngang nhiên đánh bạn theo kiểu đánh "hội đồng", quay clip tung lên mạng xã hội. Dù đã được thầy cô, gia đình thường xuyên tuyên truyền, song vẫn diễn ra hiện tượng này như một thực trạng đáng buồn.
Để khắc phục, theo NGƯT Đặng Đình Đại: "Bên cạnh công tác giáo dục, tư vấn thường xuyên cho các em về tác hại của bạo lực học đường. Cũng cần đề cao vai trò của nhà trường, gia đình. Trong đó, vai trò của giáo viên là hết sức quan trọng, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Ngoài công tác chuyên môn, trong thời gian giảng dạy, tiếp xúc với học sinh, giáo viên cần gần gũi, nắm bắt tình hình trong lớp học, biểu hiện của học sinh, luôn lắng nghe, chia sẻ làm chỗ dựa cho học sinh, từ đó giúp đỡ học sinh khi gặp tình huống nào đó. Phụ huynh không nên khoán trắng vai trò dạy dỗ con cái cho nhà trường, cần phải gần gũi, động viên, chia sẻ cùng con. Quan sát những biểu hiện, hỏi han để tư vấn, giúp con vượt qua khó khăn nào đó".
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Thông tư quy định về khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo quy định chỉ còn 3 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp, tối đa 2 tuần với vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Thay vào đó là các hình thức kỷ luật giáo dục tích cực. Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, khi hình thức kỷ luật học sinh được giảm xuống, cũng cần đề cao vai trò của nhà trường, bởi nếu không thực sự thường xuyên dạy kỹ năng sống, tuyên truyền hậu quả của bạo lực học đường, học sinh sẽ dễ dàng "nhờn" và đối phó bởi quy định dừng việc học tập cao nhất 2 tuần là chưa đủ mạnh.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ GD&ĐT đăng tải xin ý kiến góp ý của dư luận đến hết ngày 31/10/2020. Dự thảo bỏ quy định đuổi học đến 1 năm, thay vào đó chỉ là hình thức tạm dừng thời gian học tập trên lớp tối đa là 2 tuần. Trong Dự thảo cũng không còn quy định việc tổ chức kiểm điểm, phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường. Các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp dự kiến sẽ không được áp dụng đối với học sinh tiểu học. Thay vào đó, ở cấp học này sẽ chỉ sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.
Trường học Hà Nội chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử cho học sinh "Xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử trong nhà trường - Phòng, chống bạo lực học đường" là nội dung giờ sinh hoạt dưới cờ của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Buổi sinh hoạt dưới cờ ý nghĩa của học sinh trường Trần Quốc Toản Cô Nguyễn Quỳnh Trâm - Phó hiệu trưởng Trường...