Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Con lo 1, phu huynh lo 10
Sáng nay (2/6), hơn 85.000 thí sinh trên địa bàn TP Hà Nội dự thi vào lớp 10 với bài thi môn Ngữ Văn. Bên ngoài cánh cổng trường thi, nỗi lo lắng hiện rõ trên gương mặt của các bậc phụ huynh.
Thí sinh kết thúc bài thi môn Ngữ Văn tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: HH
Thấp thỏm chờ đợi ngoài cổng trường thi
Gần kết thúc thời gian làm bài thi, bên ngoài cổng trường thi tại Trường THPT Lê Quý Đôn, trời bắt đầu mưa, hai bên đường khá đông phụ huynh đứng ngồi đợi con.
Gương mặt anh Đặng Văn Đoàn (Yên Xá, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) có con gái thi vào Trường THPT Lê Quý Đôn không giấu được nỗi lo lắng. Anh Đoàn cho biết, mặc dù nhà cách điểm thi chỉ 3km, nhưng tâm lý lo lắng nên anh vẫn cố đợi con đến lúc kết thúc môn.
Không chỉ anh Đoàn mà nhiều phụ huynh khác cũng đứng, ngồi la liệt trên vỉa hè. Ngày thi đầu tiên vào Chủ nhật được nghỉ làm nên nhiều người đến trường thi ngồi chờ con.
Bên cạnh lo lắng, nhiều phụ huynh bầy tỏ mong muốn con sẽ được học trong ngôi trường công lập ưng ý.
Bên ngoài cổng trường thi tại Trường THPT Lê Quý Đôn phụ huynh lo lắng đừng chơ con. Ảnh: HH
Anh Đoàn chia sẻ: Nhà có 2 con ăn học, anh lớn học Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, học phí trường dân lập cao, nên giờ mong muốn con gái được học vào trường công lập cho bố mẹ đỡ nặng gánh.
“Mặc dù con gái học lực khá, từ lớp 1 đến lớp 9 đều là học sinh giỏi, nhưng bố mẹ vẫn không khỏi lo lắng bởi “học tài thi phận”, rồi tỷ lệ chọi vào trường con đăng ký thuộc top cao, không đỗ thì sẽ phải học trường dân lập tốn tiền lắm. Con đi thi, cả nhà tôi lo lắng, nhiều khi con lo 1, nhưng bố mẹ lại lo 10″ – anh Đoàn tâm sự.
Nhiều phụ huynh khác chia sẻ, cuộc cạnh tranh “tấm vé” vào lớp 10 công lập còn khó hơn nhiều vào đại học. Nhiều cháu thi không đỗ trường công lập gần nhà, gia đình không có điều kiện học trường ngoài công lập thì phải đi học xa cách nhà hàng chục km.
Anh Đoàn kể: Năm ngoái, đồng nghiệp anh có con không đỗ nguyện vọng 1 nên mặc dù nhà ở nội thành, con phải xuống tận Hoài Đức để học, đi lại rất vất vả, tốn kém.
Video đang HOT
Theo con số mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội công bố, năm nay, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên của Hà Nội là 63.090 chỉ tiêu. Số thí sinh đăng ký dự thi là 85.873. Đây là năm có tỷ lệ chọi thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, khác với mọi năm chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ Văn thì năm nay thí sinh phải dự thi 4 môn (Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) mới được tham gia xét tuyển vào các trường công lập. Điều này khiến áp lực thi cử tăng lên.
Đề Văn có câu hỏi chung chung, khó hiểu
Kết thúc 120 phút làm bài thi môn Ngữ Văn sáng nay, nhiều thí sinh cho biết, câu hỏi nghị luận xã hội “phải chăng hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình”, chung chung và khó hiểu.
Phạm Trà My – cựu học sinh lớp 9 A1, Trường THCS Phú Lương là học sinh giỏi, có sở trường môn Văn, nhưng Trà My cho biết, đề thi câu nghị luận xã hội rất chung chung và khó hiểu, em chưa xác định được chủ đề chính của đề bài là gì?
Đề thi môn Ngữ Văn có câu hỏi nghị luận xã hội được nhiều thí sinh nhận xét là chung chung, khó hiểu. Ảnh: HH
Ở lớp học, em đã làm nhiều bài nghị luận xã hội nhưng đề bài có chủ đề rất rõ ràng, còn với đề bài này em thấy khá mông lung, chỉ hiểu được là trong hoàn cảnh khó khăn con người sẽ biết được ý chí và nghị lực của bản thân, em có lấy dẫn chứng cụ thể những tấm gương vượt khó như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, hay nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu để minh họa cho bài viết.
Ngoài câu nghị luận xã hội làm khó thí sinh, so với năm ngoái đề thi được thí sinh đánh giá là dễ hơn, nhiều thí sinh cho biết dự kiến được 6,5-7,5 điểm.
Nguyễn Khánh Linh, dự thi nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lê Quý Đôn và nguyện vọng 2 vào THPT Lê Lợi cho biết: Đề thi sát với chương trình lớp 9, so với năm ngoái có phần dễ hơn. Câu nghị luận xã hội, theo em là khó nhất. Đề tài không đưa ra 1 vấn đề cụ thể mà yêu cầu rất chung chung là trong trường hợp khó khăn con người có thể thấy mình như thế nào? Em chỉ nói được về tinh thần lạc quan của con người. Em hi vọng sẽ được 7 điểm.
Nói về tâm lý trước kỳ thi này, Khánh Linh cho biết, thời gian học của em kín mít trong tuần, tuy nhiên đây là kỳ thi quan trọng nên áp lực với học sinh là điều không tránh khỏi. Để giữ đầu óc tỉnh táo, em luôn ngủ trước 11 giờ đêm, tránh căng thẳng quá lại không làm được bài.
Các bạn sinh viên tình nguyện sẵn sàng cầm ô, và nước uống tiếp sức cho thí sinh sau khi kết thúc bài thi môn Ngữ Văn. Ảnh: HH
Chiều 2/6, bắt đầu từ 14 giờ 30, thí sinh làm bài thi môn Toán. Thời gian làm bài mỗi môn là 120 phút.
Sáng 2/6, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác tổ chức thi vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019 tại điểm thi Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình).
Tại đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng đã kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện quy chế thi tại trường cũng như phòng thi.
Trao đổi nhanh với báo chí, ông Phạm Quốc Toản – Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định, chất lượng các cán bộ tham gia kỳ thi đã được rà soát, chuẩn bị rất kỹ từ cách đây 2 tháng.
Việc lắp đặt thêm hệ thống camera tại phòng bảo quản đề, bài thi nhằm tăng cường an ninh cho kỳ thi.
Qua kiểm tra sáng nay, các trưởng điểm thi và cán bộ coi thi, thành viên điểm thi đã được quán triệt, học tập quy chế thi đầy đủ; công tác tổ chức đang triển khai đến thời điểm này theo đúng quy định của Sở.
Tại điểm thi Trường THCS Phan Chu Trinh, các bảng biểu, yêu cầu, thông báo được thực hiện theo đúng quy định của quy chế thi.
Hải Hà
Theo thanhtra.com.vn
Thi vào lớp 10 công lập: Phụ huynh thấp thỏm chờ con ngoài cổng trường
Sáng nay (2/6), gần 86.000 học sinh trên địa bàn TP Hà Nội bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Gác hết mọi công việc, các ông bố, bà mẹ cùng con tới trường thi, thấp thỏm đứng ngồi không yên dõi theo con ngoài cổng trường...
Phụ huynh đứng ngồi chờ con ngoài cổng trường thi
Ghi nhận tại trường THCS Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội), từ 6h30 sáng, các em học sinh đã có mặt khá đông đủ tại điểm thi. Nhiều em tranh thủ mang sách vở ra ôn lại kiến thức trước giờ thi. Ngoài cổng trường, các ông bố, bà mẹ thấp thỏm không yên dõi theo con em mình. Nhiều bậc phụ huynh tranh thủ chút thời gian ít ỏi căn dặn con một số vấn đề cần lưu ý, động viên để tạo tâm lý thoải mái nhất cho con.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh (nhà ở Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ) đưa con đi thi tại điểm thi THCS Văn Khê. Chị Quỳnh cho biết, con mình đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Quang Trung, nguyện vọng 2 vào THPT Trần Hưng Đạo.
Phụ huynh dõi theo con trước khi cánh cổng trường thi khép lại
"Năm nay các cháu phải thi tới 4 môn, nhiều gấp đôi số môn năm ngoái nên gia đình tôi khá lo lắng. Tuy nhiên, công việc của tôi bận rộn nên không có nhiều thời gian quan tâm đến con. Việc học hầu hết do cháu tự chủ động. Con thấy thiếu, hổng kiến thức ở môn nào thì xin bố mẹ đi học thêm môn đó. Tôi thấy cháu có tâm lý khá vững vàng nhưng bản thân tôi không khỏi lo lắng. Bởi kinh tế gia đình tôi không mấy dư dả. Nếu không đỗ vào trường công, cháu đành phải học dân lập với chi phí cao...", chị Quỳnh chia sẻ.
Các em học sinh tập trung trước cửa phòng thi từ sớm
Lo lắng nhưng cố gắng không lộ ra ngoài để con thêm áp lực, chị Quỳnh luôn động viên con bình tĩnh, tự tin để "vượt vũ môn".
Nhiều em tranh thủ mang sách vở ra ôn lại bài
8h30 phút sang, các em học sinh đã trải qua 30 phút làm bài thi, trong khi nhiều bậc phụ huynh chọn các quán nước để chờ đợi con thì chị Đặng Thị Bẩy (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông) vẫn "cố thủ" ở cổng trường để dõi theo con. Cùng với chị còn có rất nhiều bậc phụ huynh khác. Gương mặt họ không dấu được sự lo lắng xen lẫn niềm hy vọng lớn. Ai nấy đều hiểu rằng, việc thi đỗ vào trường công lập có chất lượng tốt sẽ là bước đi quan trọng trên con đường tương lai phía trước của con em mình.
Phụ huynh đợi con ngoài cổng trường...
Chị Bẩy cho biết con mình năm nay dự thi nguyện vọng 1 vào THPT chuyên Nguyễn Huệ.
... với tâm trạng thấp thỏm...
"Tôi cũng có một chút áp lực vì số lượng môn thi của con nhiều hơn. Đặc biệt là môn Sử với khá nhiều mốc thời gian cần ghi nhớ vốn không phải lợi thế của con mình. Tuy nhiên, có lo lắng cũng không giải quyết được gì vì chỉ làm con thêm áp lực. Tôi định hướng cho con nắm chắc các kiến thức cơ bản để giành số điểm tương đối tại kỳ thi này", chị Bẩy bày tỏ.
NGỌC LINH
Theo tuoitrethudo
Phụ huynh mắng con lề mề, thí sinh hớt hải đến điểm thi vì muộn giờ Ngày hôm nay (2/6), cả triệu học sinh trên cả nước bước vào kỳ thi ganh đua lên "cấp 3" THPT công lập. Riêng tại thủ đô Hà Nội đã có tới hơn 86.000 thí sinh tham dự. Ngay từ rất sớm, các bạn trẻ thanh niên tình nguyện đã có mặt tại cổng trường Chu Văn An (Tây Hồ) để hướng dẫn...