Tuyển sinh thạc sĩ: Lại miễn thi ngoại ngữ
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ vừa công bố, Bộ GD-ĐT khôi phục việc miễn thi ngoại ngữ với một số trường hợp, tương tự quy chế từ năm 2008 và khác với quy chế mới ban hành.
Nhiều học viên, giảng viên không giấu được bối rối trước những thay đổi khi quy chế hiện hành mới được triển khai hơn một năm.
“Xoay 180 độ”
Theo dự thảo, việc tổ chức thi tuyển sinh đầu vào thạc sĩ với môn ngoại ngữ sẽ dựa vào khung trình đô năng lực ngoại ngữ dạng thức đê thi ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 của khung châu Âu.
Song thủ trưởng cơ sở giáo dục có quyền miễn thi cho một trong các trường hợp: có bằng tốt nghiệp ĐH đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; bằng tốt nghiệp ĐH chính quy ngành ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo thạc sĩ; chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp với chương trình đào tạo thạc sĩ, tương đương cấp độ B1 khung châu Âu; học viên là người nước ngoài.
Theo các cán bộ đào tạo, quy định mới đã “xoay 180 độ” so với quy định hiện hành. Từ tháng 8-2011 đến nay, thí sinh dự thi cao học bất luận có bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ nào cũng phải qua thi tuyển.
Thậm chí khi một số trường cố tình lờ quy định, vận dụng quy định cũ, cho miễn thi ngoại ngữ người học từ nước ngoài về, người có bằng ĐH chính quy… liền bị Bộ GD-ĐT yêu cầu “hủy kết quả trúng tuyển” với hơn 1.000 học viên của 14 trường ĐH lớn.
Trong cuộc họp với các trường, để giải thích lý do việc bắt thi ngoại ngữ với những trường hợp đặc biệt này, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT “bật mí” lý do “có quá nhiều bằng giả”, “mà chủ yếu là bằng giả về ngoại ngữ”.
Video đang HOT
Bằng chứng khi đó được viện dẫn là một trường ĐH sư phạm phía Nam miễn thi ngoại ngữ cho hàng trăm người vì có những văn bằng ngoại ngữ khác nhau, đến khi bộ bắt phải thi lại theo quy chế thì có đến hơn 100 người bị… trượt.
Rõ ràng, để miễn thi ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT phải có biện pháp giám sát chặt chẽ khi chính bộ cũng thấy bằng cấp về ngoại ngữ nhiều khi chỉ là “cái vỏ” bề ngoài.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh cao học năm 2011 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh Như Hùng
PGS.TS Trương Đoàn Thể – phó viện trưởng Viện đào tạo sau ĐH Trường ĐH Kinh tế quốc dân – cho rằng thực tế các quy định về trình độ ngoại ngữ đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh mà Bộ GD-ĐT đặt ra hiện không dễ thực hiện.
“Nếu làm chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn B1, B2 thì rất khó. Song vấn đề chính là thực hiện. Bộ thả cho các trường đào tạo thì việc đạt chứng nhận trình độ ngoại ngữ như vậy lại không quá khó khăn” – ông Thể nói.
Chặt đầu vào, thoáng đầu ra?
Một điểm mới của dự thảo thông tư mà bộ vừa công bố là tiêu chuẩn tốt nghiệp của học viên cao học không có điều kiện về ngoại ngữ như quy chế hiện hành.
Quy định hiện hành yêu cầu thi đầu vào ngoại ngữ và để đủ điều kiện tốt nghiệp, người học phải đạt trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1. Trong khi với quy chế mới, các điều kiện tốt nghiệp không đi kèm về trình độ tiếng Anh.
“Đây là bước ngoặt lớn trong sự thay đổi quy chế. Hiện nay, đầu ra của học viên cao học phải đạt trình độ ngoại ngữ B1, nhưng sắp tới ứng viên phải đạt trình độ này mới trúng tuyển làm học viên. Do đó, dù không có quy định với đầu ra nhưng đầu vào đã rất chặt” – PGS.TS Bùi Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, khẳng định.
Theo ông Tuấn, quy định này được đưa ra xuất phát từ việc triển khai thực tế quy chế hiện hành nhiều bất cập. “Quy định đầu ra đạt trình độ ngoại ngữ B1, nên nhiều học viên dành quá nhiều thời gian lo cho ngoại ngữ, không còn thời gian đầu tư cho chuyên môn, chất lượng học tập, nghiên cứu không tốt.
Lại có trường hợp như Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cố để đạt chuẩn đầu ra cho học viên lại xảy ra vụ giáo viên tìm sửa bài, nâng điểm cho hàng loạt. Bộ quy định trình độ ngoại ngữ phải đạt ngay từ đầu vào để tránh những hiện tượng nêu trên”- ông Tuấn phân tích.
Ông Tuấn cho hay bộ cũng lường trước việc quy chế mới sẽ làm giảm người dự tuyển, quy mô đào tạo thạc sĩ có thể hạn chế hơn, nhưng sự ảnh hưởng này chỉ diễn ra ở những đợt tuyển sinh đầu tiên khi áp dụng quy chế mới.
Theo Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)
Sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo liên thông
Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế mới để quản lý chặt chẽ hơn về việc đào tạo liên thông. Bên cạnh đó chỉ tiêu cũng được khống chế hợp lý để tránh việc mở lớp tràn lan.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, sở dĩ có chuyện liên thông là do trong Luật Giáo dục ĐH có quy định điều này. Mục đích là nhằm tạo điều kiện cho những người đang học ở trình độ thấp hơn có thể được học lên bậc cao hơn và được miễn trừ các kiến thức đã được học ở bậc dưới. Đây là một chủ trương tốt vì nó vừa giảm tốn kém cho người học cũng như rút ngắn thời gian học.
Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta kiểm soát được vấn đề chất lượng trong khâu đào tạo liên thông. Hiện nay, về vấn đề đào tạo liên thông, Bộ GD-ĐT có thông tư 06, bên cạnh đó cũng ký liên tịch với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về đào tạo liên thông từ hệ nghề chuyển sang hệ giáo dục quốc dân.
Sẽ siết chặt chỉ tiêu đào tạo liên thông trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)
"Trong những năm qua, chúng ta đang thực hiện thí điểm những văn bản này nên hiện nay đã xảy ra một số bất cập về chất lượng đào tạo. Vì vậy trong khuôn khổ soạn thảo các văn bản để chuẩn bị thực hiện luật giáo dục ĐH có hiệu lực vào 1/2013 này thì quy chế liên thông Bộ GD-ĐT đang sửa đổi" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Về những sửa đổi quy chế đào tạo liên thông, Thứ trưởng Bùi Văn Ga tiết lộ: So với dự thảo đã đăng tải để xin ý kiến thì Bộ sẽ có một số điều chỉnh. Chẳng hạn như như về thi tuyển sinh, trước đây dự thảo cũ dự kiến là giống như "3 chung" thì bây giờ mềm dẻo hơn.
Bộ GD-ĐT dự kiến có hai phương án, thứ nhất nếu sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường công tác quá 3 năm thì sẽ thi một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên môn. Những môn thi này do trường thí sinh muốn dự thi liên thông lên tự tổ chức thi. Thứ 2, đối với những SV mới tốt nghiệp mà muốn dự thi liên thông ngay thì sẽ tham dự kì thi "3 chung" giống như bình thường. Sau khi trúng tuyển đi học, những SV này sẽ được giảm trừ các môn học đã học ở cấp học dưới.
"Theo phương án này thì trước hết chúng ta kiểm soát được đầu vào. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo thì quy chế mới sẽ sửa đổi là không tổ chức lớp riêng đào tạo về liên thông mà buộc những thí sinh trúng tuyển học chung với những SV đang học chính quy. Ví dụ liên thông từ CĐ lên ĐH thì sau khi trúng tuyển sẽ học với với SV đại học năm thứ 3 chẳng hạn. Như vậy, những SV trúng tuyển hệ liên thông sẽ được cọ xát, học tập và thi đầu ra như SV chính quy" - Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Liên quan đến chỉ tiêu đào tạo liên thông, Thứ trưởng Ga cho biết thêm, sắp tới chỉ tiêu đào tạo liên thông sẽ nằm trong chỉ tiêu đào tạo chính quy của trường. Bên cạnh đó, với hình thức cho SV liên thông học chung với SV chính quy đòi hỏi trường đó phải đào tạo theo hệ thống tín chỉ để thông qua đó đánh giá so sánh miễn trừ các môn học. Trong quy chế mới cũng sẽ quy định tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh liên thông so với chỉ tiêu đào tạo chính quy. Với "rào cản" này thì trường không thể tuyển liên thông quá nhiều được mà phải ưu tiên tuyển hệ chính quy trước. Dự kiến chỉ tiêu liên thông sẽ không quá 20% so với hệ kia".
Nói về công tác giám sát quản lý trong thời gian tới, Thứ trưởng Ga khẳng định: "Bộ GD-ĐT chỉ giao cho các trường quản lý giám sát đối với hệ đào tạo liên thông không nhảy bậc. Còn nếu nhảy bậc từ TCCN lên ĐH thì Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp giám sát. Đơn vị nào muốn thực hiện thì phải có đề án trình lên Bộ, chỉ khi được sự đồng ý mới được triển khai. Riêng với đào tạo liên thông từ hệ nghề sang hệ thống giáo dục quốc dân thì chỉ tiêu sẽ được không chế rất ít. Chỉ có những em có năng lực thực sự thì mới có cơ hội học tiếp".
S.H
Theo dân trí
Chỉ tổ chức tuyển sinh thạc sĩ 1-2 lần/năm Thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức từ 1 đến 2 lần/năm. Đây là những dự kiến của Bộ GD-ĐT trong dự thảo thông tư ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ mà Bộ GD-ĐT đang đăng tải lên mạng xin ý kiến. Dự thảo cũng cho biết, kì thi tuyển sinh...