Tuyển sinh ngành sư phạm: Mừng đầu vào cao, lo đầu ra khó?
Theo nhiều chuyên gia, mức điểm chuẩn các ngành sư phạm tăng cao phần nào cho thấy sự quan tâm trở lại của thí sinh.
Đầu vào cao cũng là một dấu hiệu đáng mừng, song quan trọng nhất vẫn là giải quyết việc làm trong tương lai cho sinh viên sau khi ra trường.
Năm 2022 điểm chuẩn đại học có nhiều biến động, trong đó điểm trúng tuyển khối ngành Sư phạm tăng cao hơn so với những năm trước, tại một số trường, mức điểm này thậm chí gần chạm “trần’”. Năm nay, ĐH Hồng Đức có 2 ngành là Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Sư phạm Lịch sử chất lượng cao đều có mức điểm tiệm cận với mức điểm tuyệt đối là 39,92 điểm (thang 40).
Cùng tính theo thang điểm 40, ngành Sư phạm Lịch sử tại ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng có điểm chuẩn cao nhất với 38,67 điểm, ngành Sư phạm Ngữ văn là 37,17 điểm.
Tính theo thang điểm 30, thì nhiều ngành về sư phạm cũng có mức điểm trên 28 như ngành Giáo dục Tiểu học tại ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy 28,85 điểm. Tại ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều ngành như Giáo dục chính trị, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử đều lấy 28,5 điểm, tăng cao hơn so với năm ngoái từ 0,25-1 điểm.
Nhiều ngành tại ĐH Sư phạm Thái Nguyên điểm chuẩn cũng tăng cao hơn so với năm 2021 từ 0,25- 2 điểm. Trong đó có mức điểm cao nhất là Sư phạm Mầm non và Sư phạm Địa lý cùng lấy 26,25 điểm.
Theo lý giải của nhiều trường sư phạm, thời gian gần đây điểm đầu vào các ngành Sư phạm đều tăng cao do tác động từ Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, đây là một trong những chính sách tốt nhất dành cho sinh viên sư phạm từ trước đến nay, vì thế đã mang đến những tác động tích cực, góp phần không nhỏ để thu hút sinh viên học sư phạm. Đặc biệt, sau tác động kinh tế bởi dịch bệnh thì việc lựa chọn ngành sư phạm để vừa được đi học vừa được trợ cấp hơn 3 triệu đồng/tháng là lựa chọn phù hợp với nhiều thí sinh.
Video đang HOT
Cần đảm bảo việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp
Thầy Lê Đình Hiển, Giáo viên Lịch sử trường Liên cấp Đông Bắc Ga Thanh Hóa cho rằng, mức điểm chuẩn các ngành sư phạm tăng cao phần nào cho thấy sự quan tâm của thí sinh với nhóm ngành này trong những năm gần đây. Đầu vào cao cũng là một dấu hiệu đáng mừng, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của các trường sư phạm, tác động trực tiếp đến chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. Song thầy Lê Đình Hiển cũng cho biết, mừng vì đầu vào tốt, song cũng không khỏi lo lắng về vấn đề giải quyết việc làm trong tương lai cho sinh viên sư phạm.
Thầy Lê Đình Hiển, Giáo viên Lịch sử trường Liên cấp Đông Bắc Ga Thanh Hóa.
“Đầu vào cao thì đầu ra cũng phải siết chặt để đảm bảo chất lượng và quan trọng hơn là cần có lộ trình rõ ràng về đào tạo giáo viên. Trước đây cũng có những giai đoạn ngành sư phạm thu hút lượng lớn sinh viên, các trường đào tạo ồ ạt nhưng khi sinh viên ra trường lại thất nghiệp. Bộ GD-ĐT cần có lộ trình rõ ràng và có dự báo trong giai đoạn 2025-2030 cả nước thiếu bao nhiêu giáo viên ở cấp học nào, môn nào và có bao nhiêu giáo viên nghỉ hưu. Ví dụ trong giai đoạn đó cả nước cần khoảng 50.000-100.000 giáo viên thì Bộ GD-ĐT cần có lộ trình để khống chế số lượng tuyển sinh đầu vào, tránh tình trạng dôi dư quá nhiều. Tại các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản đều làm rất chặt vấn đề dự báo này, không phải ai cũng có thể học sư phạm nhưng học xong ra trường chắc chắn có việc làm”, thầy Lê Đình Hiển nói.
Còn theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), với sinh viên, yêu thích ngành học là một chuyện, nhưng điều các em quan tâm hơn cả là sau khi ra trường có việc làm và thu nhập ổn định hay không.
TS Lê Viết Khuyến dẫn chứng như từ nhiều năm nay, những ngành có tính chất công việc rất vất vả, nguy hiểm như Công An, Quân đội, nhưng vẫn rất “hot”, được nhiều thí sinh quan tâm và điểm chuẩn luôn cao top đầu bởi sinh viên không chỉ được miễn học phí mà còn được đảm bảo việc làm sau khi ra trường, cơ hội thăng tiến nhanh, mức lương cũng cao hơn những ngành khác.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT).
Tương tự, với ngành sư phạm, dù thu nhập của giáo viên không cao như nhóm ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, nhưng lại mang tính chất ổn định hơn. Việc miễn học phí sư phạm cũng góp phần thu hút thí sinh trở lại với ngành học này.
Song điều quan trọng hơn hết là đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường. Để làm được điều này, cần tăng tính dự báo về nhu cầu giáo viên tại các địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hiện nay cách đặt hàng ngành sư phạm của Bộ GD-ĐT còn những điểm chưa hợp lý.
“Bộ có nói đến chuyện đặt hàng, nhưng ví dụ một tỉnh miền núi như Điện Biên, đặt hàng ĐH Sư phạm Hà Nội, thì thử hỏi trường ĐH này sẽ tuyển sinh ở Điện Biên hay tuyển sinh trên cả nước. Nếu vẫn tuyển sinh trên cả nước, thì sinh viên ở Hà Nội học xong có chấp nhận lên các tỉnh miền núi như Điện Biên giảng dạy hay không? Đây là điều phi thực tế. Các trường đại học trọng điểm có thể đào tạo đặt hàng với giáo viên THPT, nhưng giáo viên THCS, tiểu học, mầm non phải giao cho các địa phương tự cân đối, tự tuyển sinh thông qua hệ thống các trường sư phạm tại chính địa phương đó. Những năm gần đây nhu cầu giáo viên “trồi sụt” năm thừa năm thiếu từ cấp này đến cấp khác, nhất là khi chuyển sang Chương trình GDPT mới, học sinh được tự chọn môn học, tình trạng này càng trầm trọng hơn. Nếu Bộ GD-ĐT duy trì việc quản lý và đào tạo giáo viên từ tiểu học đến THPT và không phân về các địa phương thì tình trạng này sẽ vẫn sẽ tiếp diễn”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Bên cạnh đó, TS Khuyến cũng cho rằng, chương trình đào tạo cần thay đổi linh hoạt, phù hợp với chương trình GDPT 2018. Theo đó, sinh viên học đến năm thứ nhất, thứ 2, nếu nhận thấy cơ hội việc làm với ngành học đó khó khăn có thể chuyển sang học các chuyên ngành khác. Tránh trường hợp sinh viên thi đầu vào khoa Toán, ra trường sau 4 năm cũng chỉ dạy được Toán, khi đó địa phương báo đang thừa giáo viên môn này thì lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Cần thay đổi chương trình đào tạo để tránh tình trạng một giáo viên suốt đời chỉ có thể dạy 1 môn, mà có thể thay đổi linh hoạt từ 2-3 môn.
“Nếu đang học khoa Sư phạm Toán mà thấy giáo viên Toán thừa quá nhiều, thì sinh viên phải được quyền chuyển sang học Tin, học Lý…” – TS Lê Viết Khuyến lấy ví dụ và nhấn mạnh thêm rằng quy hoạch trong giáo dục phải là quy hoạch động, tức luôn điều chỉnh kế hoạch theo thực tế, không phải quy hoạch đóng khung 5 năm một, đến khi sinh viên ra trường bối cảnh đã hoàn toàn khác./.
Ngưỡng điểm đầu vào ngành y và sư phạm năm 2022
Trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, Bộ GD&ĐT quy định chi tiết ngưỡng đầu vào các ngành đào tạo sức khỏe và sư phạm.
Với những ngành sư phạm và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đào tạo theo hình thức chính quy, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo từng năm dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT cả nước.
Với các hình thức đào tạo khác chính quy hoặc phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, thí sinh cần có học lực lớp 12 xếp loại giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.
Riêng với ngành Giáo dục thể chất và Huấn luyện thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật; cao đẳng mầm non và các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng thì học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
Sinh viên y dược thực hành. (Ảnh minh họa: HIU)
Bộ cũng lưu ý, các thí sinh là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế, thí sinh có điểm thi năng khiếu do cơ sở đào tạo tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) khi đăng ký xét tuyển vào các ngành phù hợp không phải áp dụng ngưỡng đầu vào.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, các trường căn cứ ngưỡng bảo đảm chất lượng để xác định và công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển các ngành, nhóm ngành trước thời gian kết thúc đăng ký dự tuyển ít nhất 10 ngày. Ngưỡng điểm đầu vào do các trường xác định không được thấp hơn quy định trên của Bộ.
Với thí sinh dự tuyển vào các ngành sư phạm và sức khỏe, ngưỡng đảm bảo chất lượng được áp dụng như sau: Học lực lớp 12 đạt loại giỏi trở lên hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 8,0 trở lên; Tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên hoặc học lực lớp 12 đạt loại khá và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo.
Riêng ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao, ngưỡng đầu vào được áp dụng một trong các tiêu chí: Học lực lớp 12 đạt loại khá hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 6,5 trở lên; Tốt nghiệp THPT loại khá, hoặc có học lực lớp 12 đạt loại trung bình và có 5 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo.
Lấy điểm sàn lên tới 28,5 điểm, Trường ĐH Quy Nhơn lý giải do chỉ tiêu quá ít Trường Đại học Quy Nhơn có đến 6 ngành sư phạm có điểm sàn lên đến 28,5 điểm, cao hơn ngưỡng điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố là 9,5 điểm. Mới đây Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) công bố xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022. Đáng chú ý, trong 50 ngành...