Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Tái diễn ‘chiêu’ chuyển trường
Năm nay, khoảng 53.000 học sinh tại Hà Nội được vào học trường công lập, số còn lại phải học trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo bảng công bố điểm chuẩn vào lớp 10 trường công năm học 2015-2016 cho thấy mức điểm tuyển sinh của các trường tại Hà Nội khá vênh nhau. Top trường có điểm chuẩn cao rơi vào các trường như: Chu Văn An, Yên Hòa, Kim Liên, Lê Quý Đôn, Nhân Chính, Phan Đình Phùng, Việt Đức… với phổ điểm từ 52 đến 55 điểm. Để đạt mức điểm này, đòi hỏi học sinh phải thực sự có năng lực và mướt mồ hôi ôn tập ngày đêm.
Thí sinh dự thi lên lớp 10 xem số báo danh tại Hội đồng thi trường THCS Khương Đình ngày 11/6/2015.
Vào trường công điểm thấp rồi “xin chuyển”
Tuy nhiên, một số học sinh “khát” một suất vào trường công lại có “chiêu” đăng ký NV2 vào các trường top dưới sau khi vào học một thời gian lại xin chuyển trường có cùng khu vực tuyển sinh.
Ông Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, năm ngoái điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 của trường là 35,5 điểm. Điểm thấp nhưng ngay NV1 trường chỉ tuyển được 400 học sinh.
Không đủ chỉ tiêu, trường tuyển NV2 với 1.600 học sinh nữa. Tuy nhiên, trong số những học sinh tuyển NV2 có nhiều em nhà ở xa trường đến mấy chục cây số. Do đó, mới chỉ học hết học kỳ I, đã có 40 em xin chuyển trường.
Tương tự, Hiệu trưởng trường THPT Tiền Phong Dương Văn Thuần cũng khẳng định: “Cái khó của các trường điểm thấp là phải tuyển NV2 mới đủ chỉ tiêu, thế nhưng chỉ một thời gian học học sinh đã xin chuyển đi hàng loạt”.
Video đang HOT
Theo ông Thuần, nhà trường không cho chuyển thì phụ huynh viện cớ nhà xa, học sinh đi lại hàng chục km mỗi ngày vất vả mà cho chuyển gây nhiều xáo trộn trong trường đồng thời không đảm bảo công bằng cho học sinh các trường khác.
Ông Thuần cho biết thêm, năm học 2015-2016, chỉ tiêu tuyển sinh của trường chỉ khoảng 400 em, NV1 chỉ tuyển được 1 nửa, trường tuyển NV2 một nửa. Tuy nhiên, chỉ hết học kỳ I, trường đã làm thủ tục chuyển trường cho 40 học sinh, còn nhiều hồ sơ cũng đang xin chuyển ở học kỳ II nhưng phải đến hết tháng 7 trường mới xem xét.
Hiệu trưởng các trường vùng ven cũng phản ánh chính là năng lực học tập của học sinh khi lên THPT khác xa so với thực tế. Theo các hiệu trưởng, học bạ của hầu hết học sinh đều xếp loại khá giỏi nhưng khi vào lớp 10 lại học yếu nhiều môn, kể cả môn chính như Văn, Toán, Ngoại ngữ, khiến trường phải cử giáo viên phụ đạo.
Thí sinh dự thi lên lớp 10 làm thủ tục vào phòng thi tại hội đồng thi trường THCS Khương Đình, Hà Nội chiều 11/6/2015.
Thích trường công là điều dễ hiểu
Chị Phạm Mai Phương, phụ huynh một học sinh ở quận Hoàng Mai cho biết, năm học 2014-2015, con gái học khá nên gia đình đăng ký NV1 vào trường top trên. Kết quả, con chị bị trượt khi thiếu 0,5 điểm so với điểm chuẩn.
Để chắc chân một suất học ở trường công, trước đó gia đình đã đăng ký NV2 một trường có điểm khá thấp ở huyện Thanh Trì. Đúng như dự định, sau nhiều ngày con gái khóc ròng thì cha mẹ đành thay nhau đưa con đến 1 trường THPT ở cách nhà khoảng 20 km để học.
Chị Phương nói: “Từ ngày con nhập học, gia đình bị xáo trộn hoàn toàn. Ngoài việc dậy sớm đưa con đến trường, chiều xin nghỉ giờ làm để đón về, gia đình phải đối mặt với tâm lý bất ổn của con gái”.
Chị Phương kể, đang học khá, vào môi trường mới con có dấu hiệu trầm cảm, học hành sa sút. Làm công tác tư tưởng không xong, gia đình đành làm đơn xin chuyển trường sau 3 tháng học tập tuy nhiên không dễ dàng xin được trường nào vì các trường đều đã kín chỉ tiêu. Chật vật mãi cuối cùng chị Phương đành chuyển con về một trường dân lập với giá học phí cao ngất mà vẫn không yên tâm.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, quận Thanh Xuân cũng cho rằng, học sinh lớp 9 năm nay có nhiều lựa chọn tuy nhiên gia đình vẫn ưu tiên số 1 vào trường công. Theo anh Hùng, gia đình không có nhiều lựa chọn vì trường ngoài công lập có tên tuổi thì học phí cao, vào các trung tâm giáo dục thường xuyên gia đình không mong muốn.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh cho rằng, hệ thống trường công có mức học phí rẻ, giáo viên được tuyển chọn, môi trường học tập tốt nên mong muốn của phụ huynh rất chính đáng.
Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu học sinh trúng tuyển vào trường nào bắt buộc phải học ở trường đó đến hết cấp học. Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: “Điểm chuẩn của các trường công lập Hà Nội rất vênh nhau, năm nay sở thống nhất siết quy định nhằm tránh tình trạng sau một thời gian vào học lại chuyển trường nhằm đảm bảo công bằng”.
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
Hà Nội khảo sát năng lực học sinh trước kỳ thi lớp 10
Tại buổi hướng dẫn công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sáng 15/4, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, học sinh THCS sẽ được kiểm tra khảo sát môn Toán, Ngữ văn để phân loại.
Theo ông Phạm Khắc Lợi, Phó trưởng phòng THPT, Sở GD&ĐT Hà Nội, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn có câu dễ, kiểm tra kiến thức cơ bản, nhưng qua đánh giá một số năm, nhiều học sinh không làm được.
Ông cho rằng, nguyên nhân của việc này là học sinh hổng kiến thức. "Thế nhưng khi tìm hiểu, điểm của các em tại THCS rất cao. Lý do dẫn đến tình trạng này là cách cho điểm của giáo viên và sự quản lý ở cấp THCS", ông Lợi nói.
Ông Phạm Khắc Lợi, Phó trưởng phòng THPT, Sở GD&ĐT Hà Nội. Ảnh: Ngân Giang.
Cũng theo ông Lợi, ngày 23/4 tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ ra đề kiểm tra khảo sát 2 môn Ngữ văn và Toán trên toàn thành phố.
"Mục đích của bài kiểm tra khảo sát này hướng đến phân loại học sinh. Sở GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc, trung thực. Sau kỳ thi, trường phải công khai điểm kiểm tra, từ đó phân loại lực học của học sinh và có kế hoạch dạy riêng cho các em yếu kém", vị phó trưởng phòng THPT nhấn mạnh.
Đây là lần đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khảo sát năng lực các môn Toán, Ngữ văn cho học sinh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Cũng trong buổi họp sáng nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra văn bản hướng dẫn triển khai công tác tuyển sinh năm học 2016-2017 dành cho các phòng GD&ĐT, trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Văn bản bao gồm hướng dẫn về cách đăng ký dự tuyển, hồ sơ, nguyện vọng và điều kiện dự tuyển, khu vực tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, địa điểm thi, cách coi thi, tổ chức chấm thi, giải quyết khiếu nại sau khi.
Sở GD&ĐT cũng đưa ra những quy định về công nhận trúng tuyển, nhập học, phân ban, chuyển trường. Theo đó, các trường THCS không được ép buộc hoặc vận động học sinh không tham gia đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT. Học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT phải có đơn tự nguyện của cha mẹ.
Năm 2016, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 8, 9 và 10/6. Trong đó, ngày 8/6, học sinh thi môn Ngữ văn và Toán; ngày 9/6 thi Ngoại ngữ và các môn chuyên (gồm Ngữ văn, Toán, Tin, Sinh học, Tiếng Pháp, Tiếng Nhật; ngày 10/6 thi các môn chuyên (bao gồm Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý).
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường THPT công lập, hai nguyện vọng này phải trong cùng một khu vực tuyển sinh.
Ngày 21/6, các trường THPT công lập và chuyên sẽ công bố điểm xét tuyển tại trường nguyện vọng 1 và nguyện vọng 1 chuyên. Ngày 22 và 23/6, Sở GD&ĐT lần lượt công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên và lớp 10 THPT công lập.
Theo Zing
Đổi mới đề thi lớp 10 theo hướng nào? Sở GD&ĐT TP HCM cho biết đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ đổi mới mạnh mẽ ở 2 môn Ngữ văn và Toán. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn về việc đổi mới này. Nhiều giáo viên cho rằng đề thi vài năm trở lại đây đã đổi mới, đặc biệt ở môn văn, nhất là...