Tuyển sinh lớp 10: Đổi mới vì thí sinh
Trong điều kiện dịch bệnh, phương án tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều địa phương điều chỉnh cho phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho người học.
Những thay đổi này được sự đồng tình cao của HS, nhà trường và xã hội.
GD&TĐ – Trong điều kiện dịch bệnh, phương án tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều địa phương điều chỉnh cho phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho người học. Những thay đổi này được sự đồng tình cao của HS, nhà trường và xã hội.
Hoạt động dạy học của cô trò Trường THCS Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: NTCC
Thay đổi phương án tuyển sinh
Đến giữa tháng 3, nhiều địa phương đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10. Trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, một số nơi đã điều chỉnh phương thức tuyển sinh, có thể chuyển từ thi tuyển thành xét tuyển, hoặc giảm số môn thi… để giảm áp lực cho thí sinh. Với các địa phương tổ chức thi tuyển, hầu hết đều công bố thi 3 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; hoặc Toán, Ngữ văn và môn thi thứ 3 khác). Cao Bằng là địa phương hiếm hoi công bố thi 4 môn tuyển sinh vào lớp 10 là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Vật lý.
Đáng chú ý nhất là Hà Nội với việc quyết định bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10. Như vậy, kỳ tuyển sinh năm học 2022 – 2023, học sinh lớp 9 tại Hà Nội chỉ phải làm 3 bài thi là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ trong khoảng thời gian dự kiến từ 10 – 20/6. Việc thi môn thứ 4 vào lớp 10 được Hà Nội thực hiện từ năm 2019, sau hàng chục năm chỉ thi 2 môn là Toán, Ngữ văn. Năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh, Hà Nội bỏ môn thứ 4; nhưng sang năm 2021, địa phương này lại quay lại với 4 môn thi. Ngoài thay đổi số môn thi, về cơ bản Hà Nội giữ ổn định các quy định khác liên quan tới kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 – 2023.
Tại Quảng Trị, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương cho biết: Tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022 – 2023, địa phương chỉ thực hiện thi tuyển kết hợp với xét tuyển đối với các trường có số lượng đăng ký dự tuyển vượt 5% so với chỉ tiêu; những trường còn lại xét tuyển. Với trường thi tuyển, thí sinh thực hiện 3 bài thi: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Thí sinh thi trường chuyên làm thêm bài thi môn chuyên. Địa phương cũng thực hiện xét tuyển vào Trường Phổ thông DTNT tỉnh.
Trong bối cảnh năm học 2021 – 2022 diễn ra khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đồng Tháp quyết định thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 từ thi tuyển thành xét tuyển. Theo đó, địa phương này thực hiện xét tuyển cho tất cả trường THPT, THCS-THPT trong tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao. Việc xét tuyển dựa vào kết quả rèn luyện học tập 4 năm ở THCS của học sinh đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 10. Dự kiến thời gian học sinh đăng ký xét tuyển từ ngày 1/6. Việc thi tuyển chỉ áp dụng với trường THPT chuyên, với các môn thi tuyển gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và 1 hoặc 2 môn chuyên; thời gian thi từ 15 đến 17/6.
Video đang HOT
Theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, Đồng Tháp sẽ tuyển 70% số học sinh tốt nghiệp THCS trong tỉnh vào học lớp 10 các trường THPT. Những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 sẽ học nghề hoặc học chương trình Giáo dục thường xuyên tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường THPT có tổ chức dạy học theo chương trình Giáo dục thường xuyên.
Chia sẻ về tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 – 2023 tại Bình Dương, bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở GD&ĐT dự kiến tuyển 70% số học sinh tốt nghiệp THCS có đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập bằng phương thức thi tuyển. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh không thể tham dự kỳ thi do bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan như bệnh nặng phải nhập viện, do dịch bệnh, thiên tai… sẽ thực hiện xét tuyển.
Sở GD&ĐT thành lập hội đồng xét tuyển sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT xem xét quyết định về điều kiện xét trúng tuyển với những trường hợp này; và chỉ những học sinh được đánh giá cuối năm học 2021 – 2022 (lớp 9) về học lực, hạnh kiểm đạt từ loại Khá trở lên mới được đưa vào danh sách xét tuyển. Đặc biệt, năm nay Bình Dương sẽ ưu tiên cộng điểm khuyến khích (2 điểm) với những học sinh đăng ký thi tuyển vào lớp 10 THPT nếu có chứng chỉ năng lực tiếng Anh bậc 3 hoặc tương đương; miễn thi môn Tiếng Anh trong 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) đối với những em có chứng chỉ năng lực tiếng Anh từ bậc 4 hoặc tương đương trở lên.
Học sinh Trường THCS Quản Cơ Thành trong giờ học. Ảnh: NTCC
Bớt áp lực
Trước quyết định chỉ thi 3 môn của Hà Nội, cảm xúc của Nguyễn Thu Uyên, lớp 9C1 Trường Phổ thông Liên cấp Tây Hà Nội là bất ngờ, vui và cảm thấy nhẹ nhõm, giảm bớt áp lực. Cho biết đây không chỉ là cảm xúc của mình mà các bạn cùng lớp đều chung tâm trạng này, Thu Uyên chia sẻ trong bối cảnh dịch bệnh từ năm 2020, việc học bị ảnh hưởng rất nhiều và liên tục gián đoạn trong 3 năm học. Thời gian học trực tiếp rất ít và khi học online vẫn gặp một số khó khăn như mất mạng, mất tập trung trong giờ học và không đủ sức khỏe.
“Việc điều chỉnh phương án thi khiến chúng em thoải mái và bớt căng thẳng, áp lực hơn. Em rất cảm ơn Sở GD&ĐT Hà Nội đã lắng nghe và thấu hiểu nỗi lo của học sinh”, nhắn nhủ điều này, Thu Uyên cho biết mình dự kiến sẽ đặt mục tiêu thi vào một trường THPT hàng đầu của quận Bắc Từ Liêm. Với việc giảm môn thi, kế hoạch học, ôn tập của Uyên không có quá nhiều thay đổi, bởi vì từ trước em đã chú tâm học 3 môn vì lượng kiến thức khá nhiều. Đối với các môn còn lại, Uyên cho biết vẫn ôn tập bình thường để tránh mất gốc khi vào THPT.
Năm học 2022 – 2023, tỉnh An Giang điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 theo phương án thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Cô Nguyễn Thị Kim Hoàn, giáo viên Trường THCS Quản Cơ Thành, An Giang, cho hay: Đây là định hướng được sự đồng thuận cao của phụ huynh, học sinh. Bởi điều này phù hợp với thực trạng hiện nay – học sinh phải trải qua thời gian dài học trực tuyến. Việc giảm lý thuyết, rút gọn kiến thức, tập trung vào nội dung cốt lõi cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt gánh nặng cho các em. Bên cạnh đó thuận lợi cho việc phân luồng học sinh.
Việc chỉ tổ chức cho học sinh thi tuyển vào lớp 10 trường chuyên, trường có số lượng đăng ký vào lớp 10 cao và xét tuyển với các trường còn lại, thuận lợi cho học sinh và thầy cô rất nhiều. Đồng thời, việc điều chỉnh phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm nay cũng giảm bớt áp lực cho giáo viên giảng dạy, không mất nhiều thời gian để ôn tập kiến thức cho học trò thi tuyển như những năm trước đây.
“Nhà trường đã chuẩn bị hoàn tất công tác tuyển sinh vào lớp 10 theo kế hoạch từ đầu năm học. Qua quá trình thực hiện có linh hoạt điều chỉnh phù hợp thực tế. Ví dụ: Tăng tiết đối với các môn học lớp 9 để hoàn thành chương trình đúng thời gian; tăng cường vừa dạy kiến thức kết hợp với ôn tập các môn thi tuyển sinh vào lớp 10. Công tác tư vấn tuyển sinh được thực hiện kịp thời, học sinh thông hiểu và có định hướng phù hợp với năng lực của bản thân. Việc hướng dẫn các em làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào các trường tuyển sinh đang tiến hành theo đúng thời gian quy định”, cô Nguyễn Thị Kim Hoàn cho hay.
Học sinh Trường THCS Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội gấp rút ôn tập. Ảnh: NTCC
Không chỉ phù hợp ở hiện tại
Là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội), thầy Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, việc Hà Nội giảm môn thi thứ 4 đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 – 2022 là hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và mong muốn của đại đa số phụ huynh. Điều này cũng bám sát theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giảm áp lực, quá tải đối với học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Theo thầy Sơn, khối 9 năm nay có 3 năm liền học trực tuyến; trong đó năm học vừa qua chủ yếu thầy trò dạy và học qua hình thức online, dẫn đến chất lượng khó bảo đảm như các khóa trước đó. Từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 lan rộng trong cộng đồng, cơ sở giáo dục, số giáo viên, học sinh là F0 chiếm số lượng khá lớn.
Việc phải chuyển liên tục giữa hai hình thức online – offline dẫn đến nhiều học sinh khó tập trung học tập; giáo viên chưa thể kiểm soát tốt đến từng em; chưa kể các em còn bị ảnh hưởng nặng nề đến thể chất và tâm lý do dịch bệnh. Dù chương trình đã được giảm tải nhiều, chỉ giữ lại nội dung cốt lõi, nhưng vấn đề chất lượng dạy và học, rèn kỹ năng làm bài cho học sinh khi đi thi vẫn khiến thầy cô, phụ huynh, học sinh trăn trở, lo lắng.
“Sau khi biết tin giảm môn thi thứ 4, nhiều phụ huynh và học sinh, giáo viên rất phấn khởi trước quyết định này. Việc dạy và học trong trạng thái “bình thường mới” có nhiều thay đổi đối với thầy và trò. Nhà trường luôn theo sát chỉ đạo của cấp trên, phòng/sở GD&ĐT; đồng thời liên hệ mật thiết với địa phương về tình hình cấp độ dịch hàng tuần. Rất mong Sở GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể, chi tiết với các cơ sở giáo dục về thời gian tổ chức kỳ thi; cấu trúc đề thi của các bộ môn. Đồng thời, có hướng dẫn đối với học sinh khi tham gia kỳ thi nhưng vướng điều kiện cách ly y tế khi thuộc diện F0, F1 để bảo đảm được quyền lợi cho các em” – thầy Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
Để thực hiện hiệu quả kỳ thi vào lớp 10, theo thầy Sơn, các trường THCS nên trú trọng 3 môn thi nhưng không bỏ qua các môn còn lại. Quan tâm đến rèn kỹ năng học bộ môn cho học sinh, tiếp cận phương pháp làm bài thi trong cấu trúc đề thi tuyển sinh.
Giáo viên chủ nhiệm các lớp, đặc biệt khối 9 luôn bám sát học sinh, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trong tư vấn định hướng các nguyện vọng phù hợp với năng lực của con. Đồng thời kết nối giáo viên bộ môn trong quá trình ôn luyện để tìm được các “lỗ hổng” về kỹ năng khi học sinh học tập trực tuyến. Bên cạnh đó, trong các tiêu chí xét tuyển của các trường THPT ngoài công lập có tiêu chí mở để phù hợp với nhiều đối tượng học sinh trong điều kiện dịch bệnh nhiều địa phương còn phức tạp.
Trao đổi ở phạm vi rộng hơn, thầy Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Những thay đổi của một số địa phương về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 (chuyển từ thi tuyển thành xét tuyển, giảm bớt số môn thi…) là phù hợp. Việc giảm áp lực trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không chỉ phù hợp trong tình hình hiện tại, bởi lẽ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có nhiều thay đổi.
Việc dạy và học của các nhà trường đang theo hướng tiếp cận phát triển năng lực học sinh, những hoạt động học đều hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Do vậy, việc giảm áp lực trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nói riêng, các kỳ thi tuyển sinh nói chung đang chuyển dần theo hướng mới để phù hợp với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Tuyển sinh đại học 2022: Sớm công bố quy chế để bảo đảm quyền lợi thí sinh
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trương đổi mới trong tuyển sinh đại học năm 2022 là tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thí sinh và các trường đại học đồng thời giảm thiểu các thủ tục giấy tờ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, về cơ bản, phương án tuyển sinh đại học năm 2022 vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm ngoái và chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường đại học, dù chỉ thay đổi về mặt kỹ thuật, nhưng những dự kiến thay đổi trong mùa tuyển sinh năm 2022 vẫn tác động lớn đến thí sinh và các trường, nên cần sớm công bố quy chế tuyển sinh để các trường và thí sinh nắm bắt thông tin và có kế hoạch cụ thể.
Dự kiến thay đổi trong mùa tuyển sinh năm 2022 vẫn tác động lớn đến thí sinh và các trường
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trương đổi mới trong tuyển sinh đại học năm 2022 là tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thí sinh và các trường đại học đồng thời giảm thiểu các thủ tục giấy tờ. Cụ thể các điều chỉnh cơ bản như chuyển hoàn toàn việc đăng ký xét tuyển sang hình thức trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia thay vì kết hợp trực tiếp và trực tuyến như năm 2021; thời điểm đăng ký là sau khi có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thay vì trước khi thi như mọi năm; chạy phần mềm lọc ảo chung cho tất cả các phương thức tuyển sinh thay vì chỉ áp dụng riêng cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông như trước đây; các trường trung học phổ thông cập nhật dữ liệu học bạ các năm lớp 10, 11, 12 của thí sinh lên hệ thống chung...
Những dự kiến điều chỉnh này đã nhận được sự đồng thuận từ nhiều trường đại học bởi sẽ giảm bớt các thủ tục giấy tờ cho thí sinh và thuận lợi cho các trường khi xét tuyển. Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng chung phần mềm để thí sinh vừa đăng ký chung, xét tuyển chung, lọc ảo chung là cần thiết cho cả thí sinh để chọn được đúng nguyện vọng học của các em, cũng như giúp cho cơ sở đào tạo để giảm tải trong lọc ảo theo quy định. Năm nay Bộ cũng đưa cả kết quả thi phổ thông trung học, kết quả học bạ, cả 2 phương thức chúng tôi cùng sử dụng được kết quả lọc ảo, như vậy rất hữu ích cho các trường, đặc biệt là trong dịch bệnh hiện nay".
Bày tỏ cơ bản đồng ý với phương hương hướng điều chỉnh trong tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, những đổi mới sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan, trong đó có việc sử dụng phần mềm lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển: "Các trường có các phương thức riêng. Tôi vẫn rất băn khoăn là chúng ta sẽ lọc ảo chung như thế nào. Bởi vì xét tuyển khá đa dạng, đa nguyện vọng, đa đối tượng. Bây giờ như vậy các em chỉ còn một lần đặt nguyện vọng, 1 lần được chọn. Ví dụ trước đây các em đỗ 3-4 trường thì chọn trường nào. Bây giờ nếu lọc ảo chung các em chỉ đỗ 1 trường thôi, thuận cho các trường lắm vì các trường đỡ bị ảo. Thế nhưng quyền chọn của thí sinh là một điều chúng tôi cũng băn khoăn".
Một số ý kiến cũng cho rằng, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thay đổi về mặt kỹ thuật, nhưng cũng sẽ tác động rất lớn tới thí sinh và các trường. Vì vậy, việc công bố sớm quy chế tuyển sinh năm 2022 cũng giúp các trường có thể tư vấn tốt nhất cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển.
Trước các ý kiến này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ khẩn trương hoàn thành dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2022 để xin ý kiến theo quy định trước khi ban hành chính thức. Khi xây dựng dự thảo, Bộ sẽ tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh và quyền lựa chọn của thí sinh, hướng tới tạo thuận lợi nhất cho cả các trường và thí sinh khi xét tuyển./.
Tuyển sinh đại học năm 2022: Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021 và điều này nhận được sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh, học sinh. Tạo thuận lợi nhất cho học sinh trong bối cảnh học tập gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng...