Tuyển sinh khối A1: Trường hào hứng, học sinh lo
Nhiều lãnh đạo các trường đều cho rằng, bổ sung khối thi A1 vào tuyển sinh là hợp lý, trong khi đó, nhiều học sinh lại lo ngại không đủ thời gian để ôn tập kỹ trước “trận đánh” tuyển sinh năm nay.
Thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội nếu khối thi A1 chính thức được đưa vào kỳ thi tuyển sinh đại học. Ảnh minh họa.
Đơn vị tuyển sinh ủng hộ
Hầu hết lãnh đạo các trường đều ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thêm khối thi A1 (Toán, Vật Lý, Ngoại ngữ) vào kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Một số chuyên gia nhận định, khối thi A1 chủ yếu phục vụ những trường có thế mạnh đào tạo công nghệ thông tin (CNTT).
Video đang HOT
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hóa – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, dù chủ trương được đưa ra muộn, nhưng hoàn toàn đúng đắn. “Chúng tôi đã họp về vấn đề này và đi đến thống nhất, sẽ đưa luôn khối A1 vào kỳ thi tuyển sinh đại học ngay trong năm 2012″ – Thầy Hóa nói.
Lý giải cho quyết định này, ông Hóa cho rằng, Khoa CNTT của trường vốn tuyển sinh khối A, nhưng khi vào học, những kiến thức về môn Hóa không được sử dụng, đào tạo tiếp. Trong khi đó, sinh viên lại cần rất nhiều ngoại ngữ.
Trường cũng xây dựng chương trình học nặng về ngoại ngữ, chiếm 72/240 đơn vị học trình trong suốt bốn năm học, nên khối A1 sẽ giúp tuyển được sinh viên có ngoại ngữ.
Thầy Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho biết, sẽ đưa khối thi A1 vào ngay đợt tuyển sinh năm 2012. Ảnh: Trường Phong.
Trước lo ngại về việc không nhiều học sinh thi khối A1, thầy Hóa cho rằng, song song với việc đưa vào khối thi này, sẽ vẫn giữ nguyên hai khối A, D trong kỳ tuyển sinh vào ngành CNTT. “Duy nhất ngành CNTT tuyển sinh thêm khối A1, các ngành còn lại vẫn giữ nguyên các khối thi truyền thống”.
Thầy Đoàn Văn Vệ – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng ủng hộ chủ trương đưa thêm khối A1 vào kỳ thi tuyển sinh đại học.
Ông Vệ phân tích, với một số ngành tuyển sinh khối A nhưng khi vào học lại không sử dụng kiến thức của môn Hóa thì nên chuyển sang thi khối A1.
“Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng có nhiều ngành dù tuyển sinh bằng các môn Toán, Lý, Hóa nhưng khi vào học lại không chú trọng nhiều đến kiến thức môn Hóa học. Tuy nhiên, trong đợt tuyển sinh sắp tới, Đại học Tự nhiên chưa tuyển sinh thêm khối A1, mà vẫn chỉ tuyển theo những khối truyền thống A,B” – Thầy Tuệ cho biết.
Theo Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng, chủ trương tuyển sinh thêm khối A1 là rất hay, tạo cơ hội cho nhiều học sinh có khả năng về Toán – Vật lý – Ngoại ngữ. “Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có đề án chính thức, phải đợi quyết định cuối cùng của hội nghị tuyển sinh sắp tới”.
Học sinh phổ thông khó ôn thi kịp
Em Đỗ Cát – học sinh trường THPT Vạn Xuân (Hà Nội) cho hay, mới biết thông tin đợt tuyển sinh năm 2012 dự kiến có thêm khối A1 qua báo, đài: “Thầy cô chưa thông báo gì cho chúng em cả” – Cát nói.
Cát cũng cho biết, nếu năm nay các trường tuyển sinh thêm khối A1 thì em cũng khó có thể thử sức, bởi đã dự kiến thi hai khối: “Ngay từ năm lớp 11 em đã xác định thi hai khối A và B rồi. Ngoài ba môn Toán, Lý và Hóa, em chỉ học kỹ môn Sinh học thôi”.
“Không phải bạn nào thi khối A cũng đủ kiến thức môn Ngoại ngữ để thi khối A1, và rất ít bạn thi khối D có thể học thêm môn Lý để thi thêm được” – Cát chia sẻ.
Cũng như Cát, Nguyễn Yến – học sinh trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) cho biết, bản thân dự định thi khối D, khi biết thông tin dự kiến bổ sung thêm khối A1 vào mùa tuyển sinh năm nay, Yến cũng muốn học thêm môn Vật Lý để thi hai khối D, A1. “Nhiều khả năng không kịp được, vì thời gian gấp quá” – Yến nói
Tranh luận về xét tuyển vào đại học Về thông tin Thứ trưởng Bùi Văn Ga công bố, một số trường đại học trọng điểm có thể thay những khối thi truyền thống bằng hình thức phỏng vấn, xét tuyển, GS Trần Hữu Nghị lên tiếng ủng hộ. “Nếu làm được thì tốt, như vậy ngành giáo dục không cần tổ chức hai kỳ thi gần nhau, tránh tốn kém cho xã hội” – Thầy Nghị nói. Trong khi đó, thầy Vũ Văn Hóa cho rằng, nếu thực hiện cần phải có các tiêu chí đánh giá, xét tuyển một cách cụ thể, toàn diện cả về tài, đức của học sinh. Đồng thời, quá trình phỏng vấn, xét tuyển phải diễn ra một cách công khai, minh bạch. “Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, thi tuyển sinh theo các khối, môn học vẫn là một lựa chọn tối ưu” – Thầy Hóa nêu quan điểm. Thầy Huỳnh Hữu Tuệ – hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Bắc Hà cũng cho rằng, việc thực hiện hình thức tuyển sinh mới này rất khó. “Số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh rất đông, vậy làm sao để phỏng vấn. Hơn nữa, quan trọng là kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức ra sao, vì nó ảnh hưởng đến chất lượng xét tuyển sinh viên vào các trường đại học”.
Theo TPO