Tuyển sinh ĐH qua học bạ khó khả thi?
Do không dự đoán được dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào thời điểm nào nên các trường ĐH đều phải xây dựng kế hoạch dự phòng cho mùa tuyển sinh 2020.
Một trong những phương án được lựa chọn nhiều nhất nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là xét kết quả học tập của thí sinh qua học bạ. Nhưng việc này đang tạo ra rất nhiều tranh cãi.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: Như Ý
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng ban Đào tạo, ĐH quốc gia Hà Nội cho rằng từ khi tổ chức thi THPT quốc gia, các trường ĐH lớn, có số lượng thí sinh đăng ký đông vẫn lấy điểm của kỳ thi này để tuyển sinh, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, một số trường, thường là các trường khó tuyển sinh đã sử dụng phương án xét tuyển với các tổ hợp của các môn học dễ, điểm cao, không phù hợp hoặc xét tuyển theo học bạ dẫn đến tình trạng có thể nói là “trước quá tả, nay quá hữu”, khó có thể tìm được thí sinh trượt ĐH.
Kết quả học bạ không đáng tin cậy?
Theo đánh giá của GS. Nguyễn Đình Đức, tuyển sinh ĐH quá dễ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và hệ quả như đã thấy, nhiều thí sinh bỏ học ngay từ năm thứ nhất vì không thể tiếp tục theo học.
Video đang HOT
Lý giải về những nhận định của mình, GS. Đức cho rằng vì các địa phương có mặt bằng giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau. Khi đó xét theo học bạ sẽ thiếu chính xác, không công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan, nhất là các ngành “hot” như y, dược, kinh tế, luật, CNTT…
Mặt khác, thực tế cũng cho thấy một số trường THPT dễ dãi khi đánh giá, thậm chí “biếu điểm, cấy điểm” cho học sinh. Không những thế, còn nảy sinh những phức tạp trong quá trình quản lý đào tạo. Ví dụ thí sinh trúng tuyển năm nay theo hình thức xét tuyển học bạ, vài năm sau xin chuyển trường. Trước kia, theo quy chế đào tạo, một trong những yêu cầu tiên quyết là điểm đầu vào ĐH không được thấp hơn nếu muốn chuyển sang trường khác. Nay không có mặt bằng điểm thi đầu vào, rất khó xử lý và dễ xảy ra tiêu cực, nhất là khi ngành đó là ngành “hot” và thường những năm trước ở mức 27, 28 điểm mới trúng tuyển.
Đồng quan điểm này, lãnh đạo một số trường ĐH y dược cũng cho rằng sẽ không xét tuyển học bạ nếu kỳ thi THPT quốc gia không được tổ chức. Lý do là phương thức này chưa đủ để đảm bảo chất lượng, sự công bằng cho thí sinh. Bởi lẽ việc đánh giá giữa các vùng miền, thậm chí giữa các trường học trong cùng một khu vực có sự không tương đồng. Học sinh có thể đạt học lực giỏi ở trường này nhưng với năng lực đó ở trường khác chỉ được đánh giá loại khá. Còn xét học bạ 3 năm THPT chỉ đảm bảo được rằng năng lực học tập của học sinh là ổn định và hạn chế ảnh hưởng nếu kết quả năm học cuối bị thay đổi.
Thiếu đánh giá tổng quan
PGS.TS Đào Văn Đông, hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải lại đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác. PGS. Đào Văn Đông khẳng định nếu kỳ thi THPT quốc gia không diễn ra, trường sẽ xét tuyển bằng học bạ. Hằng năm, phương thức này vẫn được trường sử dụng để tuyển 15-20% chỉ tiêu.
Theo PGS. Đông, các trường không ngại tổ chức thi, mà ngại nhất là không có kỳ thi THPT quốc gia sẽ gây hỗn loạn hệ thống, mỗi trường tuyển sinh một kiểu, như vậy sẽ có hàng trăm cuộc thi. Thí sinh như con rối, quay cuồng với các kỳ thi. Trong khi đó, kết quả học bạ có đáng tin cậy hay không thì cần phải có cơ sở khoa học và căn cứ tốt nhất để so sánh chính là phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia. PGS. Đào Văn Đông cho rằng sẽ không có sự chênh lệch quá lớn giữa phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia và phổ điểm kết quả học tập 3 năm THPT của thí sinh.
Chính vì vậy, nếu lấy điểm thi THPT quốc gia giả sử là 5 điểm/môn thì xét học bạ có thể lấy 6 điểm/môn. Hơn nữa, cho đến nay, Bộ GD&ĐT cũng chưa có bất cứ đánh giá nào về tranh cãi này. Trước đây, khi còn thi 3 chung và tốt nghiệp THPT, có thể thấy, phổ điểm của hai kỳ thi có sự khác nhau rõ rệt. Nhưng đến giờ, chỉ còn một kỳ thi, thì khoảng cách đã bị xóa nhòa. Do vậy, nói chất lượng học bạ không đáng tin cậy cũng không đúng.
GS. Nguyễn Đình Đức cho rằng, các trường ĐH lo lắng về kỳ tuyển sinh là đương nhiên. Tuy vậy, việc xét tuyển ĐH chỉ căn cứ vào học bạ, có thể nhàn cho các trường và dễ tuyển sinh, nhưng chúng ta có căn cứ để băn khoăn về chất lượng đầu vào.
NGHIÊM HUÊ
ĐH Ngoại thương sẽ phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng
Trong trường hợp không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, Trường ĐH Ngoại thương sẽ phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung thi tương tự như bài thi của THPTQG.
Trường ĐH Ngoại thương
Ngày 17/4, thông tin từ trường ĐH Ngoại thương cho biết, trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, Trường Đại học Ngoại thương đã thông qua 2 phương án tuyển sinh căn cứ theo hai phương án đối với kỳ thi THPT Quốc gia đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ ngày 14/04/2020.
Phương án 1, nếu Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 được tổ chức, trường sẽ giữ nguyên 04 phương thức xét tuyển như năm 2019. Cụ thể, với phương thức thứ nhất, nhà trường xét tuyển theo kết quả thi THPTQG với các tổ hợp môn A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07, và thời gian xét tuyển thực hiện theo Kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương là thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ (không bao gồm học kỳ 2 năm học 2019-2020) từ 7,0.
Phương thức thứ hai là Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPTQG, trong đó điều kiện nộp hồ sơ là thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm hai môn không phải ngoại ngữ nằm trong tổ hợp xét tuyển của trường đạt ngưỡng chuẩn tối thiểu theo thông báo của nhà trường.
Phương thức thứ ba là Phương thức xét tuyển kết hợp Chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 03 năm THPT đối với học sinh hệ chuyên của các trường chuyên với thời gian xét tuyển dự kiến trong tháng 06 và 07/2020. Ngoài ra, trường còn thực hiện Phương thức xét tuyển thẳng theo quy định về xét tuyển thẳng của Bộ Giáo dục và đào tạo và quy định cụ thể của Nhà trường.
Phương án 2, trong trường hợp Chính phủ quyết định không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, Trường Đại học Ngoại thương sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung thi tương tự như bài thi của THPTQG.
Trong trường hợp này, nhà trường sẽ vẫn thực hiện tuyển sinh theo 4 phương thức trong đó phương thức xét tuyển dành cho học sinh hệ chuyên, trường chuyên và phương thức xét tuyển thẳng giữ nguyên, hai phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả thi THPTQG sẽ được thay bằng xét tuyển dựa trên kết quả thi theo tổ hợp xét tuyển của nhà trường.
Dự kiến Nhà trường sẽ tổ chức đăng ký trên hệ thống xét tuyển online từ ngày 01/06/2020.
Được biết, năm 2020, ngoài các ngành/chương trình đào tạo đã tuyển sinh từ trước, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương tuyển sinh thêm 4 chương trình chất lượng cao mới gồm các chuyên ngành:
Tiếng Nhật Thương mại; Tiếng Trung Thương mại; Tiếng Pháp Thương mại và Quản trị khách sạn. Trong đó, mô hình đào tạo gắn với thực tiễn được áp dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.
Dự kiến nhà trường sẽ tổ chức giải đáp, tư vấn trực tuyến cho thí sinh về phương án tuyển sinh và ngành/chương trình đào tạo vào ngày 26/04/2020 sắp tới. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2020 là 3990 chỉ tiêu.
Hồng Hạnh
Năm nay có nên bỏ thi THPT quốc gia: Nguyên Cục trưởng CNTT nói gì? Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT cho rằng, dù kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa phần các trường đại học vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển hàng năm. Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường đại...