Tuyển sinh ĐH: Điểm chuẩn cao là bình thường
Ngoài những ngành hot tăng đột biến, điểm chuẩn năm nay có sự phân hóa mạnh trong từng trường và giữa các trường.
Gần 180 trường ĐH, CĐ trên cả nước đã công bố điểm chuẩn xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Nhìn chung, cơ bản điểm chuẩn năm nay tăng 1-2 điểm ở nhiều khối ngành, có một số ngành tăng đột biến lên đến 7, 8 điểm.
Tuy nhiên, ngoài những ngành hot, điểm chuẩn cũng phân hóa ngay trong từng trường chứ không hẳn tăng đều và có sự phân hóa mạnh mẽ.
Điểm chuẩn cao là đương nhiên
Đợt xét tuyển năm nay có tình trạng có thí sinh (TS) thi 8, 9 điểm mỗi môn nhưng vẫn trượt tất cả nguyện vọng, lại có TS chỉ 15, 16 điểm tổng ba môn vẫn trúng tuyển nhiều nguyện vọng.
Điều này được một chuyên gia giải thích là vì TS đã không lường trước được mức điểm chuẩn năm nay, chưa nghe tư vấn từ nhà trường mà chủ quan, liều lĩnh chỉ đăng ký một số nguyện vọng ở các ngành thuộc nhóm sức khỏe và các ngành hot ở những trường tốp trên.
Nói về điểm chuẩn năm nay, Giáo Sư- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng Ban đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết năm nay do dịch COVID-19 nên đề thi được giảm tải, đề vừa sức dẫn đến điểm thi THPT cao. Điểm thi cao đương nhiên điểm chuẩn cao. Điều này đã được dự báo từ đầu.
Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm, các chuyên gia đã cảnh báo rất nhiều, thế nhưng tâm lý TS thấy mình đạt điểm thi cao nên đặt nhiều hy vọng, đặt cược vào các ngành hot.
Thêm vào đó, do các trường dùng nhiều phương thức tuyển sinh hơn dẫn đến chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT bị giảm đi.
Phó Giáo Sư-Tiến sĩ Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng điểm chuẩn năm nay cao là hợp lý, chủ yếu do tình hình dịch bệnh nên đề thi năm nay khá nhẹ nhàng để phục vụ tốt nghiệp THPT. Quan trọng là các trường vẫn chọn được những em giỏi khi xét từ trên xuống nên sẽ có những em dù điểm cao nhưng không dễ vào những ngành tốp trên.
Tuy nhiên, theo ông Xuân, còn một nghịch lý là có khoảng 40% trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Mặc dù có nhiều ngành học điểm chuẩn cao nhưng tuyển không đủ TS vì bị khống chế điểm sàn mà trường đã công bố trước khi các em điều chỉnh nguyện vọng. Nhiều em điểm cao vẫn rớt ĐH là vì các em quá chủ quan, tự tin chọn những ngành tốp trên và chọn ít nguyện vọng nên các trường không có dữ liệu để xét tuyển.
Theo ông Xuân, trường vẫn mong tiếp tục duy trì kỳ thi chung cả nước như vậy, có thể cách tổ chức mỗi năm một khác nhưng được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Từ đó các trường ĐH sẽ giảm tải áp lực tuyển sinh, có căn cứ chung để tuyển sinh thực chất nhất.
Thí sinh trúng tuyển bắt đầu nhập học tại Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: TTNT
Còn nhiều cơ hội cho thí sinh điểm cao
Theo phó hiệu trưởng một trường ĐH, điểm chuẩn năm nay cao nhưng cao ảo cũng không ít vì tuyển không đủ chỉ tiêu.
Theo vị này, đây là năm các trường rất khó khăn trong tuyển sinh vì nhiều phương thức xét tuyển nhưng TS trúng tuyển ảo nhiều mà số nhập học thì ít. Kết quả thi tốt nghiệp cao khiến điểm sàn cao nhưng khi các em hoàn tất điều chỉnh nguyện vọng, nhiều ngành bị hụt số lượng vì TS “chạy” vào ngành hot.
“Nhiều TS điểm cao nhưng rớt ĐH, cũng có không ít trường công bố điểm chuẩn 10 ngành thì chỉ 1/3 số đó đủ chỉ tiêu, còn lại phải tuyển bổ sung. Vì vậy, việc tuyển sinh năm nay sẽ còn kéo dài, đợt tuyển sinh bổ sung sắp tới chắc chắn sẽ nhiều trường đăng ký để vét được TS điểm cao khác” – vị này nói.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, thứ nhất, chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít nhưng TS lại có nguyện vọng đăng ký đông. Trong khi đó, các chỉ tiêu đã dành một phần cho xét tuyển bằng các phương thức khác mà không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thứ hai, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu là phục vụ công tác xét tốt nghiệp, đồng thời với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019 và do vậy điểm mặt bằng chung của TS cao hơn.
Vụ Giáo dục ĐH cũng cho biết thêm, theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành, TS được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành. Bộ GD&ĐT cũng đã thường xuyên khuyến cáo, truyền thông qua các kênh để cácTS lưu ý điểm này khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT.
Video đang HOT
Tuy nhiên, một số TS chỉ đăng ký một (hoặc rất ít) nguyện vọng hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn. Về nguyên tắc, các trường sẽ xét tuyển theo điểm thi từ cao đến thấp (không phân biệt thứ tự nguyện vọng của TS, trừ các TS có cùng điểm thi ở cuối danh sách). Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh nên việc TS có điểm thi thấp hơn các TS khác không trúng tuyển là việc tất yếu có thể xảy ra mặc dù TS có điểm thi cao hoặc rất cao.
Theo bà Thủy, các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm, đợt 1 xét tuyển chung cũng chỉ là một trong các đợt xét tuyển của các trường.
Các trường căn cứ vào số lượng TS xác nhận nhập học, xem xét các chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trong năm 2020 để quyết định có xét tuyển bổ sung hay không (ở các đợt tiếp theo).
Nếu xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ (lưu ý điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1).
Từ ngày 10-10 xét tuyển đợt 2
Từ ngày 10-10, các TS chưa trúng tuyển trong xét tuyển ĐH, CĐ lần một năm 2020 có thể chuẩn bị hồ sơ xét tuyển đợt 2.
Trong đợt này, các trường sẽ công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ, thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển… và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
TS có thể căn cứ vào những thông tin này để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh hoặc theo quy định của từng trường), TS cũng có thể nộp vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.
Các ngành có điểm chuẩn cao “ngất trời” năm 2020
Hàn Quốc học (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội): 30 điểm. Cũng tại trường này, ngành Đông phương học có điểm chuẩn 29,75. Ngành quan hệ công chúng 29 điểm, ngành quốc tế học 28,75 điểm, ngành báo chí và ngành khoa học quản lý đều 28,5 điểm.
Ngành luật kinh tế Trường ĐH Luật Hà Nội: 29 điểm (tổ hợp C00).
Sư phạm toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay cũng thuộc tốp điểm chuẩn cao “ngất trời” với 29,5 điểm.
Ngành báo chí Trường ĐH KHXH&NV (TP.HCM) có điểm chuẩn 27,5.
Học viện Biên phòng, Trường Sĩ quan Chính trị lấy điểm chuẩn cao nhất 28,5. Khối trường công an cũng có điểm chuẩn cao không kém. Nữ thí sinh phải đạt trên 28 điểm mới đậu theo tổ hợp C03, D01 của Học viện An ninh nhân dân và đậu vào Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy khu vực phía Bắc.
Thí sinh trúng tuyển làm hồ sơ nhập học tại trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: PQ
Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn ngành khoa học máy tính là 29,04 điểm; kỹ thuật máy tính, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là 28,65 điểm; kỹ thuật điều khiển – tự động hóa là 28,16 điểm.
Một ngành vẫn luôn giữ vững vị thế của mình là ngành y. Năm nay ngành y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội lấy 28,9 điểm, ngành răng hàm mặt là 28,65 điểm. Trong khi đó, ngành y khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM lấy 28,45 điểm, kế đến là răng hàm mặt 28 điểm.
Còn ngành y khoa tại Khoa y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy 28,35 điểm.
Đừng đánh giá điểm chuẩn chỉ ở việc tăng hay giảm
Với mặt bằng điểm chuẩn nếu nhìn rộng hơn, kết quả tuyển sinh năm nay là một thành công rất lớn.
Bởi phụ huynh, học sinh năm nay chịu rất nhiều áp lực, trải qua nhiều khó khăn để vẫn duy trì việc học tập để có kết quả tốt. Đề thi nhẹ hơn nhưng không phải là quá dễ mà kết quả của các em đạt được vẫn rất cao.
Chưa kể, từ điểm chuẩn năm nay cho thấy thí sinh đã có sự chủ động, định hướng được theo ngành nghề. Các trường cũng coi trọng công tác sàng lọc, không phải cứ điểm cao là đậu ĐH dễ dàng.
Tuy nhiên, cần chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh hơn vì chọn nghề hiện nay còn lệch lạc, thiếu kiến thức, bị cuốn vào những ngành được quảng bá nhiều, bỏ rơi những ngành nghề bình thường khác trong khi nhu cầu vẫn rất cần.
Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng cần chú trọng đầu tư nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động.
Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Điểm chuẩn ngành Báo chí cao nhất 4 năm qua
Ngành Báo chí của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Hà Nội, TP.HCM cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền có điểm chuẩn cao nhất trong 4 năm qua.
Năm nay, thí sinh dự thi ngành Báo chí vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cần đạt 28,5 điểm ở tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý mới trúng tuyển.
Điểm chuẩn ngành này của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng lên đến 27,5 (trung bình mỗi môn hơn 9 điểm).
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thí sinh cũng cần đạt mỗi môn khoảng 8 điểm để có cơ hội trúng tuyển.
Điểm chuẩn các ngành Báo chí - Truyền thông của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) hai năm qua. Ảnh: Nguyễn Sương.
Điểm chuẩn tăng cao
Năm nay, điểm chuẩn ngành Báo chí của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) theo khối C cao vượt trội so với 3 năm trước.
Cụ thể, điểm trúng tuyển theo điểm thi 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý vào ngành này là 28,5, cao hơn năm ngoái 2,5 điểm. Mức chênh so với hai năm 2017, 2018 lần lượt là 2 và 3,5 điểm.
Tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn các ngành nhóm báo chí, truyền thông đều cao hơn năm trước. Riêng ngành Báo chí, điểm chuẩn cao nhất trong 4 năm nay.
Ở tổ hợp C0, điểm chuẩn cho ngành Báo chí là 27,5, cao nhất trường và cao hơn năm ngoái 2,8 điểm. Mức điểm này ở năm 2017 là 27,25, năm 2018 là 24,7.
Điểm trúng tuyển theo tổ hợp D1, D14 cũng cao hơn 3 năm trước. Mức điểm chuẩn từ năm 2017 đến nay lần lượt là 25,5 - 22,6 - 24,1 - 26,15 điểm.
Ngoài ra, hai năm nay, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển thêm ngành Báo chí chất lượng cao và Truyền thông đa phương tiện. Điểm chuẩn năm 2020 của hai ngành này cũng cao hơn năm 2019.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, điểm trúng tuyển chuyên ngành Báo in theo tổ hợp R16 (Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Khoa học xã hội) là 31, tính theo thang điểm 40.
Các năm trước, điểm xét tuyển của ngành tính theo thang điểm 30. Khi quy điểm trúng tuyển cả 4 năm về thang điểm 10, mức điểm năm nay chỉ thấp hơn năm 2018 không đáng kể và cao hơn hai năm còn lại.
Chuyên ngành Báo mạng điện tử cũng có điểm chuẩn tăng. Nếu quy ra thang điểm 10, điểm trúng tuyển trong 3 năm 2018-2020 (năm 2017 không tuyển sinh) là 8,12 - 7,67 - 8,15 điểm.
Không chỉ riêng ngành Báo chí, nhìn chung, điểm chuẩn năm nay của cả 3 trường nêu trên đều tăng.
Trong đó, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khiến nhiều người bất ngờ khi lấy điểm chuẩn 30 cho ngành Hàn Quốc học (tổ hợp C0). Với tổ hợp này, điểm chuẩn vào ngành Đông Phương học cũng cao không kém: 29,75.
Các năm trước, đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất (năm 2017 và 2019 lấy 28,5 điểm, năm 2018 lấy 27,25 điểm.
Tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), mức điểm chuẩn cao nhất trong 4 năm qua cũng rơi vào năm 2020 (ngành Báo chí tổ hợp C0). Năm 2017, ngành này dẫn đầu trường với 27,25 điểm.
Năm 2018, điểm trúng tuyển cao nhất vào trường là 24,9 (ngành Du lịch, tổ hợp C0). Năm ngoái, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tổ hợp C0, là ngành có điểm chuẩn cao nhất: 25,5.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mức điểm chuẩn cao nhất trong 4 năm qua theo thang điểm 30 lần lượt là 23,75 (năm 2017), 23 (năm 2018), 24,75 (năm 2019) và 27,57 (năm 2020).
Với những ngành tính theo thang điểm 40, điểm chuẩn năm nay lên đến 36,75, cao hơn mức cao nhất của năm 2017 và 2018 đến 2,75 điểm và tăng 6 điểm so với năm 2018.
Điểm trúng tuyển nhiều ngành vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm nay cao hơn các năm trước. Ảnh: Nguyễn Sương.
"Tình hình chung"
Trao đổi với Zing về việc điểm chuẩn ngành Báo chí tăng, PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc phụ trách Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết nguyên nhân nằm ở đề thi dễ hơn các năm trước.
Với ngành học có điểm chuẩn 36,75 (hơn 9 điểm mỗi môn), ông An cho biết việc trường phân bổ chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng, xét tuyển học bạ cũng khiến điểm trúng tuyển đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp điểm thi năng khiếu cao lên.
Ông An đánh giá những năm gần đây, ngành Truyền thông (bao gồm báo chí) có sức hút lớn với thí sinh. Các ngành Quan hệ công chúng, Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện đều "hot", thậm chí hơn các chuyên ngành thuộc Báo chí, và có điểm chuẩn cao.
Ngành Báo chí lấy điểm chuẩn cao, những người quan tâm ngành này nhiều năm sẽ không bất ngờ. Đây là ngành nhiều thí sinh giỏi lựa chọn nên đương nhiên, điểm chuẩn cao.
TS Phạm Tấn Hạ
Đương nhiên, các ngành báo chí vẫn có sức hút lớn. Điều này thể hiện qua số lượng thí sinh đăng ký dự thi những môn năng khiếu vào trường.
PGS.TS Lưu Văn An cho hay dù dịch Covid-19, số lượng thí sinh nhỉnh hơn năm trước 100-200 em. Ngoài ra, trường tổ chức thi thêm đợt 2 với hình thức online cho thí sinh Đà Nẵng (5 em).
"Những năm gần đây, việc 1.300-1.400 thí sinh dự thi để cạnh tranh cho chưa đến 300 suất học ở trường là bình thường", ông thông tin.
Tuy nhiên, ông An cho rằng việc điểm chuẩn năm nay tăng là tình hình chung do đề thi tốt nghiệp THPT dễ. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, điểm chuẩn không tăng mạnh do đề thi năng khiếu vẫn giữ nguyên độ khó, thậm chí có phần khó hơn năm trước, điểm không chênh lệch nhiều. Ngoài ra, môn này còn nhân hệ số 2.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng đánh giá điểm chuẩn ngành Báo chí cao nhiều năm.
Năm 2017, ngành này cũng đứng đầu toàn trường về điểm chuẩn với 27,25 điểm. Ông nói thêm không chỉ Báo chí, điểm chuẩn các ngành khác năm nay cũng tương tự năm 2017, năm đề thi được đánh giá dễ.
"Ngành Báo chí lấy điểm chuẩn cao, những người quan tâm ngành này nhiều năm sẽ không bất ngờ. Đây là ngành nhiều thí sinh giỏi lựa chọn nên đương nhiên, điểm chuẩn cao", ông Hạ nói.
Tương tự, dù không phải ngành có điểm chuẩn cao nhất ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ngành Báo chí theo tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, luôn ở mức cao. Trong 4 năm qua, năm thấp nhất là 27,25 điểm, thí sinh cần đạt trung bình hơn 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
ĐH Y Hà Nội: Thí sinh có điểm bằng điểm trúng tuyển phải xét thêm tiêu chí phụ ĐH Y Hà Nội vừa công bố điểm trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2020. Theo đó, ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là Y khoa với 28,9 điểm. Ngành có mức điểm chuẩn thấp nhất là y tế cộng đồng và điều dưỡng, ở ngưỡng 22,4 điểm. ĐH Y Hà Nội cũng thông báo, những thí sinh có mức...