Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014: Rối vì khu vực ưu tiên
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT về đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, vấn đề thay đổi cộng điểm ưu tiên khu vực (KV) và đối tượng cho thí sinh khiến nhiều trường rất rối. Trong đó, việc kiểm tra hồ sơ thí sinh được ưu tiên KV1, KV2, KV2-Nông thôn (KV2-NT) đang trở nên phức tạp và khiến nhiều trường rối bời.
Kiểm tra hồ sơ thí sinh thuộc ưu tiên khu vực tốn nhiều thời gian.
Thay đổi ưu tiên khu vực
Nhiều năm nay, quy chế tuyển sinh quy định những thí sinh thuộc KV1, KV2-NT, KV2 sẽ được hưởng ưu tiên theo khu vực và điểm chênh lệch giữa thí sinh trúng tuyển được ưu tiên cao nhất (KV1) với thí sinh không được ưu tiên (KV3) là 1,5 điểm, nếu cộng thêm điểm đối tượng 01 sẽ là 3,5 điểm.
Theo đó, KV1 gồm các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Với quy định như vậy, diện thí sinh được hưởng ưu tiên KV1 rất nhiều, chẳng hạn toàn bộ thí sinh thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên, kể cả các thí sinh ở các thành phố như Gia Lai, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột… cũng được hưởng ưu tiên KV1.
Năm nay, theo cách tính điểm mới thì thí sinh được ưu tiên KV1 phải thuộc các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 – 2015 (Quyết định 447 của Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Quyết định 539 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015 nếu thí sinh học trung học tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã trên).
Ngoài điều chỉnh điểm ưu tiên cho KV1, Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2014, Thông tư 06 của Bộ GD-ĐT cũng điều chỉnh quy định thí sinh KV2 gồm các thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1). Như vậy, các quy định đều không nhắc đến có hay không việc thay đổi thí sinh thuộc KV2-NT.
Nhiều rắc rối
Video đang HOT
Lẽ ra cùng với việc thay đổi quy định về khu vực ưu tiên thì phải điều chỉnh phần mềm tuyển sinh để công tác xử lý hồ sơ sẽ không rắc rối và quá phức tạp như hiện nay. Do đó, nhiều trường có lượng hồ sơ lớn đang rất rối trong việc rà soát, kiểm tra tính chính xác của thí sinh thuộc khu vực ưu tiên.
Một cán bộ tuyển sinh tại TPHCM phân tích: “Trong phần mềm xử lý hồ sơ tuyển sinh năm nay của Bộ GD-ĐT cũng có nhiều vấn đề và không thể kiểm tra được thí sinh khai khu vực ưu tiên có đúng hay không. Bởi lẽ phần mềm cũng chỉ có dữ liệu mã tỉnh, mã huyện chứ không hề cập nhật đến từng xã, thôn như quy định đã điều chỉnh. Ngay cả việc thay đổi mã trường THPT cũng chưa cập nhật kịp thời khi các sở GD-ĐT đã ban giao hồ sơ đăng ký dự thi cho các trường”.
Trao đổi về vấn đề này, Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM cho rằng: “Thực tế hiện nay không thể nào kiểm tra từng hồ sơ của thí sinh thuộc khu vực ưu tiên. Nếu căn cứ theo Quy chế tuyển sinh, chỉ có thí sinh ở KV1 và KV2, còn thí sinh KV2-NT sẽ tính ra sao hay vẫn giữ theo quy định cũ, cũng không hề nhắc đến”. Vì vậy, để kịp tiến độ in giấy báo dự thi cho thí sinh, trường tạm thời chưa thể kiểm tra đối với thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực. Sau khi thi, có kết quả trường sẽ thống kê và kiểm tra từng hồ sơ, đồng thời rà soát gửi hồ sơ về các sở GD-ĐT để kiểm tra.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM với 37.800 hồ sơ đăng ký dự thi cũng đang chạy đua với việc kiểm tra hồ sơ của thí sinh. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết: “Thực tế năm nay khâu xử lý hồ sơ tốn quá nhiều thời gian. Hiện trường phải rút ra từng hồ sơ một để dò xem thí sinh khai có đúng khu vực ưu tiên hay không. Vì kiểm tra bằng phương pháp thủ công nên trường phải huy động đến vài chục người để làm việc này”.
Ngoài ra, để tránh rắc rối xảy ra cho thí sinh, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM sẽ in trên giấy báo dự thi yêu cầu thí sinh thuộc khu vực ưu tiên phải mang kèm theo hộ khẩu photocopy trong ngày làm thủ tục thi để kiểm tra, đối chiếu.
Trong khi đó, một số trường khác do có quá nhiều hồ sơ của thí sinh thuộc ưu tiên khu vực cũng gác lại việc kiểm tra từng hồ sơ mà chờ sau khi thi có kết quả mới kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, cách xử lý này của một số trường chắc chắn sẽ đối diện với nhiều rắc rối khi thí sinh có kết quả. Bởi theo quy chế, mọi chỉnh sửa, sai sót và điều chỉnh của thí sinh phải được thực hiện trước khi thi.
Do đó, nếu không kiểm tra, rà soát hết thì trong quá trình in giấy báo, kết quả trúng tuyển của nhiều trường sẽ gây ảnh hưởng đến thí sinh.
Theo SGGP
Ngày thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM
Sáng 3/6, hơn 65.000 thí sinh của TP HCM đã bước vào ngày thi thứ hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Đây là năm đầu tiên học sinh được chọn hai môn để thi ngoài hai môn bắt buộc là văn và toán. Sở GD-ĐT TP HCM đã huy động hơn 10.000 giám thị và bố trí hơn 300 thanh tra tại 93 hội đồng thi và thanh tra lưu động. Ngày thi thứ hai, thí sinh thi môn toán và môn tự chọn là Hóa học và Địa lý.
Ngay từ sáng sớm, trên các tuyến đường của thành phố, nhiều phụ huynh đã đưa thí sinh đến điểm thi, nhìn chung giao thông đảm bảo, không có tình trạng ách tắc. Ở các huyện ngoại thành như: Hóc Môn, Củ Chi... do địa bàn rộng nên trong những ngày thi có xe đưa đón, hỗ trợ các suất ăn và bố trí nơi nghỉ cho thí sinh ở xa.
Thí sinh vui vẻ ra về khi kết thúc thi môn toán tại HĐT trường THPT Trường Chinh.
Kết thúc 120 phút làm bài môn Toán sáng nay, nhiều thí sinh nhận định đề Toán sát với chương trình học. Ghi nhận của PV Kinh tế và Đô thị ở một số hội đồng thi trên địa bàn TP HCM, nhiều thí sinh ra sớm trước thời gian. Tại Hội đồng thi (HĐT) trường THPT Võ Trường Toàn, quận 12, sau tiếng trống báo hết 2/3 thời gian làm bài, nhiều thí sinh đã hoàn thành xong bài thi. Khi được hỏi về đề Toán năm nay, nhiều thí sinh cho biết, đề Toán bám sát với chương trình được học và ôn tập nên không mấy khó khăn để làm xong bài thi. Thí sinh Minh Thúy (lớp 12C9) cho biết: "Đề thi có 5 câu hỏi, trong đó có hai câu hình học về hình không gian và tính thể tích hình chóp. Các câu hỏi không khó lắm, em chỉ mất thời gian suy nghĩ ở ý 2 câu 2 về tìm giá trị nhỏ nhất và giá trị lớn nhất". Với thời gian làm bài chỉ hết 80 phút, Thúy tự tin chấm cho mình được khoảng 8 điểm.
Tại HĐCT trường THPT Trường Chinh, quận 12, nhiều thí sinh cũng chung nhận định, đề Toán "dễ thở" và với học sinh khá có thể kiếm được điểm 7, 8. Thí sinh Hương Lan (lớp 12C6) nhận định: "Đề Toán năm nay không mấy khó khăn, em làm chỉ hết khoảng 90 phút thôi là xong. Tuy nhiên, em vẫn ngồi lại để xem lại bài thi cho kỹ, em nghĩ mình khoảng được 8 điểm ở môn thi này".
Cũng tại HĐT trường THPT Trường Chinh, thí sinh Thanh Thanh, (lớp 12C6) cũng cho rằng mình chắc được 8 điểm vì đề có những câu khó nhưng nếu bình tĩnh thì vẫn có thể làm được hết. Cũng theo Thanh, nội dung của đề vừa phải, với em chỉ câu tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất (câu 2.2) là phải tính toán nhiều và viết dài. Đề này em vừa làm vừa nghĩ thì chỉ mất 2/3 thời gian là hoàn thành. Tuy nhiên, để cẩn thận em kiểm tra lại bài nên đến tận cuối giờ em mới nộp bài.
Trong khi đó, em Anh Khang, học sinh lớp 12T2 trường THPT Nguyễn Hữu Cầu vui vẻ cho biết đề toán khá dễ, đa số các bạn trong phòng thi của em đều làm được các câu 1, 2, 3, 5 trừ câu số 4 khá "hóc" gây khó cho chúng em. Nhìn chung nội dung đề bao quát kiến thức của môn toán lớp 12. Theo Khang, với học sinh trung bình vẫn có thể hoàn thành được 70% nội dung của đề này. Còn riêng đánh giá về bài làm của mình, Khang tự tin có thể đạt được điểm 9.
Hai bạn Hương Lan (bên trái) và Thanh Thanh, lớp 12C6, trường Trường Chinh vui vẻ khi làm tốt bài thi môn Toán
Chiều nay, vào lúc 2h45, tại HĐT trường THPT Võ Trường Toản, thí sinh kết thúc môn thi Hóa học với tâm lý vui vẻ. Các thí sinh cho biết đề ra tương đương năm ngoái. Trong 40 câu, đề có khoảng 6-7 câu tương đối khó.
Theo nhận định của học sinh tại đây, đề thi chiếm khoảng 80% lý thuyết, đây là những phần khiến thí sinh thi khối A dễ gỡ điểm nhất. Đề thi nằm chủ yếu trong chương trình sách giáo khoa lớp 12, không có câu hỏi hóc búa hay đánh lừa học sinh, hầu hết các thí sinh làm bài trong thời gian 40-50 phút đối với quãng thời gian 60 phút cho phép.
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn hóa học năm 2014 bao gồm 40 câu trắc nghiệm. Đối với phần lý thuyết, nhiều học sinh cho rằng cần phải biết xâu chuỗi tính chất hóa học của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống nhau và khác nhau để lựa chọn phương án đúng. Phần bài tập của môn Hóa học được nhận định là khá đơn giản, yêu cầu học sinh tính lượng chất tham gia phản ứng, chất tạo thành trong một phương trình phản ứng hóa học...
Tại HĐT trường THPT Trường Chinh, nhiều thí sinh ra khỏi trường thi với tâm trạng vui vẻ. Đa số thí sinh chia sẻ vì làm được bài hoặc đã hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp. Về độ khó của đề, hầu hết học sinh đều nhận xét đề thi Hóa năm nay cũng tương đương so với năm ngoái. Em Trần Hoài Nam lớp 12C7 nhận định: "Theo em đề cũng dễ, em chỉ cần 40 phút là làm xong bài, và tự tin mình đúng được 35 câu. Đề chỉ khoảng 2 câu khó, rơi vào phần hóa vô cơ, hữu cơ".
Còn em Thanh Nga, lớp 12T2, HĐT Nguyễn Hữu Cầu tự tin: "Dù em không học chuyên hóa nhưng cũng làm đúng được ít nhất 30/40 câu trắc nghiệm. Em nghĩ đề này là vừa sức với học sinh có học lực trung bình, nếu học bài đầy đủ là làm được. Duy có câu về axit amin và lý thuyết phèn chua là hơi rắc rối, em không nghĩ ra hai câu này".
Với môn thi Địa lý, tại HĐT trường THPT Trường Chinh lúc 17h15 lác đác có thí sinh ra về khi trời còn mưa nặng hạt, là một trong những thí sinh ra sớm tại Hội đồng thi này, thí sinh Đăng Khoa lớp 12C6 cho biết: "Đề Địa vừa sức không khó với 4 câu hỏi nhưng em rất tâm đắc với 2 câu hỏi về vấn đề biển đảo, trong đó có yêu cầu thí sinh giải thích tại sao phải bảo vệ chủ quyền biển đảo. Làm xong 2 câu hỏi này đã giúp chúng em hiểu được các vùng biển Việt Nam, thế nào là vùng 12 hải lý, thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa...".
Nhiều thí sinh cùng chung ý kiến như em Đăng khoa, em Như Thảo, lớp 12C8, trường THPT Võ Trường Toản nói về bài làm của mình: "Ngoài việc giải thích tầm quan trọng của vùng biển đặc quyền kinh tế, lý do cần phải bảo vệ em đã vận dụng khá nhiều vấn đề thời sự trong thời gian gần đây để làm bài. Vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông cùng với các vùng biển khác là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất nước, đây cũng chính là hệ thống để chúng ta căn cứ khai thác các nguồn lợi từ biển, là cơ sở để khẳng định chủ quyền trên biển và đảo của nước ta".
Theo KTĐT
Đề Toán vừa sức nhưng khó đạt điểm tối đa Hôm nay (3/6) là ngày thi thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều thí sinh tỏ ra khá phấn khởi sau ngày thi đầu tiên thuận lợi. Sau ngày thi đầu tiên với các môn Ngữ Văn, Vật Lý và Lịch Sử, hầu hết các thí sinh đều tỏ ra vui vẻ vì làm bài thuận lợi. Đề bài được đánh...