Tuyển sinh ĐH-CĐ: Khốc liệt cuộc đua vào kinh tế
Tới ngày “khóa sổ” nhận hồ sơ đăng ký thi ĐH, CĐ năm 2011, nhận định ban đầu từ phía các chuyên gia tuyển sinh, năm nay khối ngành kinh tế vẫn giữ vị trí đầu bảng về lượng thí sinh đăng kí. Nhìn tổng quan, lượt hồ sơ đăng ký thi năm nay không tăng.
Khối Kinh tế vẫn “ nóng”
Trao đổi với PV, bà Tạ Song Hà, phó Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội) phân tích, do khối A có nhiều trường tổ chức thi nên thí sinh có nhiều lựa chọn. Năm nay khối ngành Kinh tế vẫn chiếm ưu thế và được thí sinh chọn nhiều bởi 2 lí do: nhiều trường đào tạo ngành Kinh tế; có thể tìm được nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo đại diện nhiều trường THPT tại Hà Nội, học sinh thường nộp hai bộ hồ sơ trở lên và nhóm ngành được các em nhắm đến vẫn là Kinh tế – tài chính. Trong đó, các ngành được chọn nhiều là Kế toán, Tài chính – ngân hàng, Quản trị kinh doanh.
Bà Bùi Thị Minh Nga, phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho hay, trong tổng số học sinh ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ của trường chỉ có khoảng 15% đăng ký nhóm ngành Công nghệ, Kỹ thuật, Khoa học xã hội nhưng có đến 85% số học sinh đăng ký khối A, D vào các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế.
Tại điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, việc chọn ngành ĐKDT của thí sinh năm nay không có biến động lắm so với những năm trước. Chiếm ưu thế vẫn là các ngành thuộc nhóm ngành kinh tế (tỉ lệ khoảng 20%), tiếp đến nhóm ngành y dược, công nghệ sinh học, môi trường.
Theo ông Cường, tỉ lệ thí sinh mượn trường thi “nhờ” vào trường khác giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn thí sinh nộp 5-6 hồ sơ ĐKDT. Còn tại nhiều trường cũng cho thấy, đa số mỗi học sinh nộp khoảng từ 2 – 3 bộ hồ sơ với hai khối thi khác nhau nhằm rộng đường lựa chọn.
Thống kê của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho thấy, số lượng hồ sơ nhận được là 1.579/602 học sinh, trung bình 2-3 hồ sơ/học sinh nhưng vẫn có vài học sinh nộp tới 6 hồ sơ. Số hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là 141 bộ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM là 96 bộ, Trường ĐH Tài chính – Marketing là 91 bộ, Trường ĐH Hoa Sen là 81 bộ, Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại là 172 bộ.
Tại TP.HCM ông Nguyễn Quốc Cường phụ trách tuyển sinh của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đến nay đã nhận được gần 5.000 bộ. Hồ sơ ĐKDT tập trung chủ yếu vào các trường: ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng… Một số trường CĐ nhận được nhiều hồ sơ như Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, Trường CĐ Tài chính Hải quan, Trường CĐ Công thương…
Video đang HOT
Vẫn theo ông Cường, số lượng thí sinh đăng ký vào khối ngành Kinh tế tăng hơn năm ngoái, trong khi số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào khối ngành sư phạm lại ít hơn. Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhận được rất ít hồ sơ. Ví dụ Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Lạc Hồng chỉ nhận được vài hồ sơ.
Thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường thí sinh nhắm đến và nộp hồ sơ nhiều là các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Mở TP.HCM…
Thí sinh dự thi tại trường nào thì làm hồ sơ ĐKDT vào trường đó. (Ảnh minh họa).
Giảm “ảo”
Bà Song Hà cho biết, sở vẫn đang trong quá trình tập hợp hồ sơ ĐKDT từ các nơi gửi về. Từ ngày 11/4 đến nay – sở mới nhận được số liệu của gần 75 trường THPT, trong tổng số 177 nơi.
“Thống kê sơ bộ từ dữ liệu của các trường THPT gửi về thì có trường tăng, có trường giảm nên chúng tôi dự báo lượt hồ sơ ĐKDT ĐH năm nay tương đương năm 2010, tức là gần 160.000 bộ”.
Tính đến ngày khóa sổ, Phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai nhận được khoảng 500 bộ hồ sơ, giảm 300 bộ so với năm 2010; Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm chỉ nhận được khoảng 300 bộ, ít hơn năm trước; Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức nhận được 700, giảm 200 bộ; Phòng GD-ĐT quận Ba Đình nhận 500 bộ, giảm 100 bộ.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hải Dương thì lượng hồ sơ của thí sinh tự do tại các điểm thi trên địa bàn giảm so với năm 2010. Các điểm nhận được lượng hồ sơ của thí sinh tự do chỉ bằng 30-50% so với năm 2010.
Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết, tính đến nay lượt hồ sơ nhận được khoảng 90.000, giảm gần 2.000 bộ so với năm ngoái.
Các Sở GD-ĐT Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam….đang trong quá trình thống kê. Dự báo của các cán bộ làm công tác tuyển sinh lượt hồ sơ sẽ không tăng.
Còn thời gian chọn trường
Đến sáng 15-4, nhiều sở GD-ĐT đã hoàn tất công tác thu nhận hồ sơ để bóc tách dữ liệu từng trường thì vẫn còn một số sở đang trong quá trình nhận thông tin từ các trường THPT, các đơn vị ĐKDT gửi lên. Do đó, thông tin đưa ra mới là dự báo ban đầu. Thí sinh vẫn còn 1 tuần (từ 15-4 đến 21-4) để nộp hồ sơ ĐKDT trực tiếp cho trường ĐH, CĐ có tổ chức thi.
Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh dự thi tại trường nào thì làm hồ sơ ĐKDT vào trường đó. Nếu có nguyện vọng 1 học tại trường không tổ chức thi, hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT có cùng khối thi; đồng thời nộp 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH.
Sau khi nộp hồ sơ ĐKDT, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh sẽ được điều chỉnh trong ngày làm thủ tục dự thi trước mỗi đợt thi.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Khối C: Ít cơ hội việc làm - ít hồ sơ đăng ký
Thống kê sơ bộ từ các trường THPT sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ năm 2011 theo tuyến trường - sở cho thấy, trái ngược với tình trạng quá "hút" của các ngành học kinh tế (khối A) là tình trạng hồ sơ khá thưa thớt của khối C vào các ngành khoa học xã hội.
Thí sinh "chê"
Theo thống kê của Trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), trong hơn 1.400 hồ sơ (HS) ĐKDT của gần 550 học sinh đang theo học tại trường thì số HS dự thi vào khối C chỉ dừng ở con số hàng chục. Tại TPHCM thì tình hình cũng chẳng mấy "lạc quan", chuyên viên tư vấn Nguyễn Quốc Cường cho biết chưa có con số thống kê cuối cùng, song với con số hiện tại văn phòng đã nhận được hơn 12.000 bộ HS ĐKDT, trong đó đã nhập liệu được 1.400 bộ HS thì chỉ có chưa đến 30 HS dự thi theo khối C.
Điểm lại xu thế đăng ký khối ngành dự thi năm nay, bà Phạm Thị Hà - cán bộ thu nhận hồ sơ ĐKDT Phòng GDĐT Đống Đa (Hà Nội) - cho biết, HS đăng ký nộp ở địa điểm này chủ yếu thi vào khối A và D. "Khối C với 2 ngành được cho là thu hút đông thí sinh là luật và báo chí thì số lượng HS ĐKDT năm nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay".
Ghi nhận thêm ở một số trường ĐH ở ngày đầu tiên thực hiện nhận HS ĐKDT tại trường cũng cho thấy tình hình tương tự, với rất ít hồ sơ dự thi vào khối C. Theo thầy Nguyễn Tổ Hạp - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - nếu như những năm trước thì số hồ sơ dự thi khối C cũng sẽ không nhiều.
Hiện tượng thí sinh ĐKDT khối C ít dần đi đã xảy ra từ nhiều mùa tuyển sinh trở lại đây. (Ảnh minh họa).
Ngành giáo dục "bó tay"
Một giáo viên dạy văn tại Trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) nhận xét: Chủ yếu là các em thuộc lớp chuyên văn của trường dự thi vào khối C. Tuy nhiên cũng không nhiều em chọn khối này mà thường chọn khối D, bởi các ngành đào tạo của khối D đa dạng và có vẻ "hot" hơn.
Còn theo thầy Nguyễn Tổ Hạp, chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành theo khối C dù đã được cân đối giữa các ngành đào tạo, cũng chỉ chiếm một con số "khiêm tốn". Cụ thể, nếu năm trước trong tổng số 2.300 CT đào tạo ĐH thì chỉ có 250 (chưa đến 12%) của các ngành thuộc khối C. Ở hệ đào tạo CĐ, tình hình có vẻ sáng sủa hơn đôi chút, song tỉ lệ cũng chỉ khoảng 15% với 370 CT trong tổng số 2.150 CT chung của các khối.
Theo thầy Phạm Tấn Hạ - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) - thì tình hình "đói" thí sinh khối C đã xảy ra từ một vài năm nay. Tổng cộng có đến 15 ngành học có tuyển sinh khối C trong số 24 ngành học mà trường thực hiện đào tạo trong niên khóa 2011 - 2012 sắp tới. Để cứu khối C, các ngành đào tạo tại trường đều tuyển nhiều khối khác nhau chứ không riêng một khối.
Hiện tượng thí sinh ĐKDT khối C ít dần đi đã xảy ra từ nhiều mùa tuyển sinh trở lại đây. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia tuyển sinh đưa ra là do hiện nay số học sinh THPT đăng ký nguyện vọng vào học ban khoa học XHNV rất ít ỏi. Ngay khi phân ban ở lớp 10, nhiều trường THPT đã tuyển không đủ một lớp, thậm chí nhiều trường THPT không có ban C. Thí sinh cũng đã thực tế hơn về việc làm sau khi ra trường, khi các ngành học thi tuyển đầu vào là khối C hiện nay như văn học, lịch sử, thông tin - thư viện, công tác xã hội... ra trường rất khó tìm việc. Bên cạnh đó, thí sinh dự thi khối A và D, cơ hội xét tuyển cũng nhiều hơn khối C.
Để lý giải cụ thể và tìm ra biện pháp tháo gỡ cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn, ông Phạm Mạnh Hùng - Chánh Văn phòng Bộ GDĐT - cho rằng, cần có khảo sát thực trạng để làm căn cứ đánh giá. Theo ông Hùng, "về cảm quan thì có thể thấy 2 nguyên nhân cơ bản: Cơ hội việc làm khó hơn các ngành nghề kinh tế và thu nhập khi ra trường so với các ngành kinh tế, thương mại thì không bằng. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này thì không riêng ngành giáo dục phải quan tâm".
Theo Bưu Điện Việt Nam
Học ngành Tài chính ngân hàng có dễ xin việc? Học ngành Quản trị nhà hàng - khách sạn có thể làm chủ một nhà hàng? Ngành Tài chính - Ngân hàng điểm thi khoảng 16 - 18 nên thi trường nào? Học ngành Báo chí ra trường có dễ xin việc? Học song song 2 chuyên ngành Trường ĐH Kinh tế Quốc dân được không? ảnh minh họa Năm nay em thi...