Tuyển sinh ĐH-CĐ: E dè khối thi A1
Trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung khối thi A1(toán, lý, tiếng Anh) trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, nhiều trường tuyển sinh khối ngành kinh tế, công nghệ thông tin hồ hởi đón nhận và khẳng định khối thi này phù hợp nhu cầu đào tạo.
Thế nhưng, chính các trường lại chưa mặn mà với việc tuyển sinh khối này.
Khi nhắc đến ngoại ngữ, lãnh đạo các trường đều thống nhất đó là chìa khóa không thể thiếu để thực hành nghiệp vụ chuyên ngành, nhưng rốt cuộc vẫn từ chối tuyển sinh ba môn toán, lý, ngoại ngữ vì lo ít sinh viên dự thi và ngại thay đổi bộ máy tổ chức tuyển sinh cũ.
Cần nhưng… chưa tuyển
Theo PGS.TS Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, khối A1 phù hợp với tất cả chuyên ngành đào tạo hiện có của nhà trường, song phương án này sẽ được nhà trường xem xét cho… mùa tuyển sinh 2013 trở đi.
Muốn thi khối A1 đợt 2 Ngày 28-12, gần 300 học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) đến tham quan ĐH Quốc gia TP.HCM (ảnh). Ban đào tạo ĐH Quốc gia đã phát phiếu thăm dò về phương án lựa chọn khối thi A1 trong năm 2012. Kết quả, trong 93 phiếu thu hồi có 19 phiếu (chiếm hơn 20%) chọn phương án thi khối A1 cùng với khối D1. Trong khi đó, phương án chọn khối A1 thi cùng ngày với khối A không có phiếu nào.
“Việc công bố khối thi mới phải chờ đến hội nghị tuyển sinh tháng 1-2012 mới chính thức quyết định là quá muộn” – PGS Sơn khẳng định.
Trong khi đó, trường luôn có thí sinh dự thi đông nhất cả nước là ĐH Cần Thơ lại không quan tâm đến phương án bổ sung khối A1. Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng nhà trường, dù nhận thấy cải tiến và đổi mới tuyển sinh là cần thiết nhưng hội đồng tuyển sinh của trường vẫn giữ ổn định các khối thi A, B, C, D. Lý do ông Xê đưa ra là nếu chọn phương án bổ sung khối A1 sẽ gây xáo trộn cho thí sinh cũng như công tác tổ chức thi, xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.
Với Học viện Ngân hàng, các chuyên ngành đào tạo nghiệp vụ đều cần tiếng Anh, nhưng dự kiến trường không đưa khối thi mới vào đợt thi tuyển 2012. Theo TS Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo, việc tổ chức thi thêm một khối sẽ làm công tác tuyển sinh vất vả hơn rất nhiều, từ khâu tổ chức thi, phân loại hồ sơ, đến thống kê, xét điểm đầu vào… Ngoại ngữ đặc biệt cần cho kinh tế – tài chính, nhưng không vì thế mà bắt buộc thi đầu vào phải có môn học này. Thí sinh thi khối A tốt nghĩa là tư duy ổn, hoàn toàn có khả năng tiếp nhận các kiến thức nhà trường bồi đắp sau này trong quá trình đào tạo”, TS Dũng nói.
Video đang HOT
Tương tự, Th.S Tạ Quang Lâm, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bày tỏ quan điểm không ủng hộ bổ sung khối A1. Theo ông Lâm, nếu đợt 1 bổ sung khối A1, ngoài việc ảnh hưởng công tác kỹ thuật, thí sinh nào chọn khối A1 sẽ không được thi khối A vì thi cùng ngày. Nếu trường nào muốn chọn thêm các thí sinh giỏi tiếng Anh thì bổ sung khối D1 sẽ đỡ phức tạp hơn bổ sung khối A1.
Trường ĐH Luật TP.HCM cũng dự tính đưa thêm khối A1 nhưng do lo ngại những rắc rối như sợ ảnh hưởng đến thí sinh, việc phân bổ, xác định chỉ tiêu giữa các khối cho từng ngành… nên trường không bổ sung khối A1. PGS-TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng nhà trường, kiến nghị “việc bổ sung khối thi Bộ GD-ĐT nên áp dụng cho những mùa tuyển sinh sau thì hợp lý hơn”.
Nhiều trường vẫn từ chối tuyển sinh ba môn toán, lý, ngoại ngữ vì lo ít sinh viên dự thi và ngại thay đổi bộ máy tổ chức tuyển sinh cũ. (Ảnh: Hà Bình).
Ngại khâu tổ chức thi
Tiếp nhận thông tin Bộ GD-ĐT đã chọn phương án bổ sung khối A1, TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, nơi có đến bốn trường thành viên đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, cho rằng: “Nếu thi bổ sung khối A1, ĐHQG TP.HCM cũng sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề tôi băn khoăn là ở khâu tổ chức, ra đề, in sao đề thi vì không biết sẽ có bao nhiêu thí sinh đăng ký thi khối A1″.
TS Nghĩa phân tích thông thường trong đợt thi thứ nhất có khoảng 50% tổng số thí sinh dự thi nên nếu thêm khối A1 sẽ phải tính toán lại về khâu kỹ thuật.
Là trường nhiều lần đề xuất bổ sung khối thi A1 cho ngành công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông khẳng định chắc chắn sẽ tuyển thêm khối A1 nếu được Bộ GD-ĐT cho phép. Tuy vậy, PGS.TS Lê Hữu Lập, phó giám đốc học viện, cho hay dù hưởng ứng nhưng học viện dự định không tổ chức thi tuyển đối với khối này mà xét tuyển thông qua kết quả của thí sinh từ trường khác có tổ chức thi khối A1.
“Nếu khối A1 thi riêng, khác đợt với khối A, học viện còn cân nhắc việc tổ chức. Nếu thi khối mới chung đợt với khối A, trường quyết định không tổ chức thi khối A1 mà sẽ xét tuyển khối này như đã xét tuyển khối D1 năm 2011″, PGS Lập nói.
Riêng tại Trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội, khối A và A1 với 370 chỉ tiêu được xác định để xét tuyển hai ngành công nghệ thông tin- truyền thông và điện tử viễn thông. PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình – hiệu trưởng nhà trường – cho hay dù chỉ tuyển 370 chỉ tiêu cho cả hai khối A và A1, trường vẫn quyết định tổ chức thi tuyển. Vấn đề phát sinh lớn nhất của trường khi bổ sung khối mới là công tác chấm thi.
Theo tiết lộ của một trường ĐH sẽ tổ chức thi tuyển khối A1, do khối thi này nhiều trường chỉ xét tuyển mà không thi nên các trường gửi thí sinh thi nhờ sẽ phải chịu một khoản phí thỏa thuận với trường có tổ chức thi.
Theo kế hoạch, để chấm thi ngoại ngữ cho thí sinh thi khối A1, trường sẽ “nhờ” các giảng viên của Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội đảm nhận.
Trong khi đó, dù vẫn giữ ổn định các khối thi đồng thời ủng hộ phương án bổ sung khối thi, nhưng PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, phân vân: “Bộ GD-ĐT chọn bổ sung khối A1 là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trước khi áp dụng phải được bàn tính kỹ, có giải pháp để không bị rối, đồng thời tất yếu phải đảm bảo quyền lợi của thí sinh”.
“Nếu thực hiện phương án bổ sung khối thi A1 mà trường có trường không thì những thí sinh chọn thi khối A1 không đậu nguyện vọng 1 sẽ xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo thế nào?” – ông Hùng băn khoăn.
Một cách thận trọng, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: “Vấn đề tuyển sinh ĐH-CĐ rất nhạy cảm vì nó không chỉ là chuyện của các trường mà liên quan đến cả xã hội. Hơn nữa, số lượng thí sinh thi lại lần thứ hai, thứ ba… hằng năm lên đến 300.000-400.000 (chiếm trên 20% tổng số thí sinh cả nước), việc đổi mới tuyển sinh cần phải có lộ trình để bảo đảm tính công bằng về thông tin và điều kiện ôn tập cho mọi thí sinh. Bên cạnh đó, chủ trương đổi mới đều phải kèm theo giải pháp kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi”.
Theo TTO
Trung Quốc: Lo ngại về việc xóa bỏ chuyên ngành khó xin việc
Quyết định mới đây của Bộ Giáo dục Trung Quốc về việc loại bỏ những chuyên ngành đại học có ít triển vọng việc làm đã khiến các chuyên gia nhận định rằng việc này sẽ dẫn đến "xu hướng vụ lợi" trong giáo dục đại học.
Cần phải thực hiện các nỗ lực để điều chỉnh các chuyên ngành theo sự phát triển của đất nước và kế hoạch phát triển của chính các trường đại học, hơn là triển vọng nghề nghiệp việc làm của sinh viên, tờ Nhân dân nhật báo trích lời của Li Zhenyu, giám đốc Văn phòng Tuyển sinh sinh viên của Đại học Thiên Tân.
Tuy vậy, chính sách đào tạo theo định hướng việc làm vẫn có thể sử dụng để điều chỉnh các trường dạy nghề, giám đốc Li nói thêm.
Theo Tân Hoa Xã, tháng trước Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của những những chuyên ngành mà sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm dưới 60% trong 2 năm liên tiếp có thể giảm cho đến khi các chuyên ngành này bị loại bỏ hoàn toàn.
Chính sách này được đưa ra trong tình trạng những khó khăn trong xin việc của sinh viên mới tốt nghiệp ngày càng tăng.
Sinh viên tham dự một hội chợ việc làm ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc hồi tháng 3 năm 2011. Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa ra quyết định sẽ loại bỏ những chuyên ngành có ít triển vọng việc làm. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Xiong Bingqi, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, cho rằng nếu các trường đại học được yêu cầu phải điều chỉnh các chuyên ngành theo triển vọng việc làm, các trường có thể sẽ hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động săn việc làm.
Bởi vì nhiều cử nhân làm việc trong những lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành học, tỷ lệ có việc làm không thể được sử dụng như là một chỉ số chính sách trong việc xác định chất lượng của các chuyên ngành, phó giám đốc Xiong nhấn mạnh.
Các chương trình đào tạo của trường đại học không nên chạy theo nhu cầu của thị trường và chính phủ nên hỗ trợ thêm cho những chuyên ngành ít được ưa chuộng, phó giám đốc Xiong nói thêm.
Theo một khảo sát do Trường đại học Nam Khai thực hiện với 5.201 sinh viên thuộc 99 trường đại học ở Trung Quốc, tăng cường năng lực bản thân và phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội là 2 lý do chính trong việc sinh viên học lên cao học, lý do thứ 3 mới là triển vọng việc làm.
Theo DT
Tuyển sinh 2012: Bổ sung khối thi Bổ sung các khối thi để đáp ứng tốt hơn yêu cầu kiểm tra năng lực đầu vào và cho phép một số trường ĐH thực hiện phương án tuyển sinh riêng - đó là chỉ thị của bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của các trường ĐH-CĐ vừa công bố. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi...