Tuyển sinh ĐH, CĐ 2019: Trách nhiệm là yêu cầu căn bản trong tự chủ
Những ngày gần đây dư luận xã hội lại nóng lên về việc điểm sàn xét tuyển của một số trường ĐH rất thấp, điểm sàn chỉ 12 – 13 điểm ở một số ngành.
Giờ thực hành tại Trường Đại học Giao thông Vận tải. Ảnh: TG
Xã hội không khỏi lo lắng nếu các trường lấy điểm đầu vào quá thấp thì khó có thể bảo đảm chất lượng đào tạo. Vẫn biết, quyền tự chủ được luật định, tuy nhiên việc xét tuyển với ngưỡng quá thấp là dấu hỏi lớn đặt ra với người học và xã hội về uy tín và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo này.
Điểm sàn và chất lượng
Tâm lý chung ở nhiều trường đại học là tính toán sao cho gọi nhập học được hết chỉ tiêu. Nếu trường thuộc top đầu thì việc này đơn giản, còn với những trường top giữa nếu hạ điểm xuống thấp quá thì cũng lo ảnh hưởng đến uy tín, nhưng nếu giữ điểm sàn cao thì lo lắng khó gọi hết chỉ tiêu.
Đặc biệt là các trường top dưới, trường ngoài công lập uy tín thấp, việc xây dựng chỉ tiêu đào tạo nhiều nên khó khăn trong nguồn tuyển là điều đáng quan ngại hơn cả. Chính vì thế, để thuận cho mình, nhiều trường đã đưa ra mức điểm sàn thấp để mong xét tuyển hết chỉ tiêu ngay từ đợt đầu tiên. Việc các trường hạ điểm sàn xét tuyển quá thấp khiến người học, xã hội không khỏi lo lắng về chất lượng nguồn tuyển.
Việc không lấp kín được chỉ tiêu cũng đồng nghĩa với việc không có người học, không có nguồn thu. Khi đã không có nguồn thu thì lấy đâu ra lợi nhuận và thế là cổ đông góp vốn, hội đồng quản trị không khỏi tâm trạng “ngồi trên đống lửa”. Lo lắng này không chỉ với riêng các trường ngoài công lập mà cả các trường công lập.
Việc hạ “điểm sàn” được nhiều chuyên gia cho rằng chỉ là giải pháp tình thế kém hiệu quả. Quan trọng là các nhà trường phải nhận thấy cạnh tranh trong đào tạo đại học đang ngày càng gay gắt. Điều quan trọng nhất để thu hút người học không phải là điểm tuyển sinh thấp mà là chất lượng và uy tín với xã hội.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng để một trường đại học có uy tín, thu hút được người học thì phải cần thời gian tối thiểu là 10 năm. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng với điều kiện trường đó phải toàn tâm, toàn ý với đào tạo. Nói cho rõ là phải đầu tư hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, đội ngũ, giảng viên; đặc biệt là việc xây dựng uy tín, tạo dựng thương hiệu. Thực tế cho thấy không chỉ các trường công lập, nhiều trường đại học ngoài công lập đã tạo dựng uy tín và thương hiệu mạnh thu hút đông đảo người học nên việc tuyển sinh hàng năm hết sức thuận lợi.
Video đang HOT
Trách nhiệm với xã hội
Thực tế đào tạo là thước đo chứng minh việc nâng cao chất lượng đào tạo của từng trường. Ảnh: TG
Được tự chủ trong tuyển sinh, tuy nhiên, trách nhiệm với người học và xã hội là điều các trường cần phải tính tới. Đã qua cái thời mà các trường đại học chỉ đáp ứng được tối thiểu nhu cầu của người học. Nhà trường đào tạo cái mình có chứ không phải cái xã hội cần, còn người học ít có cơ hội lựa chọn, họ phải tìm đến các trường.
Trong nền kinh tế thị trường, giáo dục được coi là dịch vụ đặc biệt, sự cạnh tranh càng nhiều thì càng có lợi cho người học. Thực tế ai cũng thấy, những quảng cáo, tuyên truyền… của các nhà trường đều tìm đến người học. Nhưng hiệu quả của việc tuyên truyền đó chỉ có tác dụng khi chất lượng đào tạo phải được bảo đảm, và đây là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo với người học và xã hội.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, dù có lấy điểm sàn thấp đến đâu, những trường đại học có mức xét tuyển thấp cũng khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu. Thực tế cho thấy vấn đề xét tuyển sinh thuận lợi của các trường không nằm ở chỗ điểm sàn là bao nhiêu mà ở chỗ số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hay ít và điều này lại phụ thuộc rất nhiều ở uy tín các ngành đào tạo của trường đó có cao, hấp dẫn người học hay không.
Trách nhiệm của nhà trường với người học và xã hội là điều căn cốt để trường tạo dựng uy tín và cũng là cách tốt nhất để thu hút người học. Mùa tuyển sinh 2019, các trường đại học đang áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, ngoài xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, phương thức xét tuyển bằng học bạ cũng được nhiều trường thực hiện.
Có thể nói những trường này đã tận dụng tối đa quyền tự chủ trong việc thực hiện xét tuyển không ngoài mong muốn tuyển sinh thuận lợi nhất. Nhưng có một thực tế những năm gần đây, vẫn luôn có những trường đưa ra điểm trúng tuyển rất thấp nhưng cũng khó tuyển hết chỉ tiêu. Việc đưa ra điểm xét tuyển thấp sẽ tạo tác dụng ngược, càng làm cho người học không tin tưởng vào chất lượng của trường đó. Thực tế này ít nhiều cũng khiến các cơ sở đào tạo phải suy xét lại để sao cho người học chọn lựa mình; không có cách gì khác là tạo sức hút từ chính chất lượng đào tạo.
Hà An
Theo GDTĐ
Điểm sàn thể hiện phân khúc chất lượng của các trường Đại học
"Chúng ta có thể có một nhận định chung là nếu lấy điểm trúng tuyển thấp thì chất lượng cũng sẽ thấp khó có thể cao được".
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, kết thúc thời gian lọc ảo, các trường Đại học bắt đầu công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) bằng kết quả thi THPT quốc gia năm 2019. Theo nhận định chung, điểm trúng tuyển năm nay tăng nhẹ so với năm trước.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, điểm sàn năm nay thể hiện sự phân tầng chất lượng cho cả hệ thống.
PV: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về mức điểm trúng tuyển của các trường ĐH năm nay?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Nhìn chung điểm trúng tuyển năm nay so với năm trước có tăng nhẹ, đặc biệt là với khối ngành sư phạm so với năm trước thì tương đối cao từ 14,16,18 điểm, tuỳ từng trình độ. Thế cho nên điểm trúng tuyển của các trường sư phạm năm nay cũng tăng nhẹ so với năm trước. Đặc biệt chúng ta có những học sinh đoạt huy chương vàng Olympic đăng ký vào ngành sư phạm.
Năm nay cũng là năm đầu tiên chúng ta quy định điểm sàn vào khối ngành sức khoẻ. Ngành sức khoẻ thì điểm sàn trúng tuuyển cũng tương đối cao, từ 18-21 điểm và như vậy chúng ta có thể yên tâm được về chất lượng của người thầy thuốc, người thầy giáo tương lai với kỳ tuyển sinh như thế này. Đặc biệt là điểm sàn năm nay cũng thể hiện sự phân tầng chất lượng cho cả hệ thống. Có những trường lấy 13,14 điểm, nhưng cũng có những trường lấy 23,24 điểm và đặc biệt chúng tôi thống kê trong toàn hệ thống thì có tới 23 lượt ngành có điểm sàn từ 18-24 điểm, như vậy điểm trúng tuyển cuả các ngành này cũng cao hơn điểm sàn đó.
PV: Như bà nói thì nhìn chung điểm trúng tuyển vào ĐH năm nay so với năm trước có tăng nhẹ. Đúng như dự đoán trước đó của các chuyên gia. Đặc biệt là điểm sàn năm nay có sự phân tầng cho cả hệ thống. Vậy nhìn vào sự phân tầng chất lượng đó, thể hiện điều gì thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Chúng tôi thấy chính sách để các trường tự quy định điểm sàn là một chính sách rất là đúng đắn và tất cả các trường đều phải tự lo xây dựng thương hiệu và chất lượng của mình thông qua điểm trung tuyển mà các trường công bố. Điều này thể hiện rằng là những trường mà có điều kiện khác nhau cũng thể hiện qua chính sách điểm sàn. Và những trường ở phân khúc chất lượng khác nhau cũng thể hiện qua đó. Và một điều tốt là xã hội nhìn vào điểm trúng tuyển của các trường đó và biết rằng là chất lượng của các trường đó như thế nào để đánh giá, để lựa chọn.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT.
PV: Ngoài khối ngành sức khỏe và sư phạm do Bộ GD&ĐT đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, mùa tuyển sinh năm nay có một số trường lấy điểm sàn khá thấp, thậm chí dưới 14 điểm. Khiến dư luận hết sức lo ngại về chất lượng đào tạo. Bà nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trên thực tế thì vẫn còn những trường điểm trúng tuyển thấp và chỉ ở mức 13,14 điểm. Tuy nhiên, đối với nhưng trường này chúng ta có thể có một nhận định chung là nếu lấy điểm trúng tuyển thấp thì chất lượng cũng sẽ thấp khó có thể cao được. Tuy nhiên, trong đó chúng ta cũng phải phân ra thành những loại khác nhau.
Có những trường thuộc về những trường đầu ngành trong những ngành đó, ví dụ như trường Lâm nghiệp Hà Nội chẳng hạn, những điểm trúng tuyển của họ vẫn buộc phải lấy thấp, do những ngành đó hiện nay bị xã hội coi là không hấp dẫn và không có nhiều học sinh giỏi vào. Và nhưng trường đó thậm chí chúng ta phải hỗ trợ về chính sách đào tạo hoặc chính sách việc làm của những người trong ngành nghề đó để thu hút những học sinh giỏi. Tuy nhiên thì đa số những trường lấy điểm trúng tuyển thấp thì là những trường ở phân khúc chất lượng thấp.
PV: Vậy Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp xử lý các trường này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Đối với những trường này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải có những chính sách công khai điểm sàn và chất lượng của trường để xã hội biết để có hay không nên lựa chọn những trường chất lượng quá thấp. Thứ hai là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các trường này.
Chúng tôi cũng đã đi thanh tra nhanh 4 trường và cũng chú trọng thanh tra các trường mà điểm trúng tuyển thấp và chúng tôi cũng phải giám sát trong suốt quá trình đào tạo khi tốt nghiệp để các trường làm sao đã lấy điểm trúng tuyển không cao thì phải thực sự nỗ lực giúp học sinh đạt được chuẩn đầu ra để đảm bảo yêu cầu về mặt chất lượng theo khung trình độ quốc gia, đáp ứng được yêu cầu xã hội.
Xin cảm ơn bà!
Theo VOV
Khi nào các trường đại học công bố điểm trúng tuyển 2019? "Từ ngày 6/8 đến ngày 8/8/2019, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ lọc ảo cho các trường đại học có sử dụng kết quả thi trung học phổ thông quốc gia 2019 để xét tuyển", bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay. Ảnh minh họa Sau 8/8 các trường sẽ lần lượt công bố...