Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: “Bẫy” học phí
Thí sinh nên tìm hiểu học phí, loại hình trường trước khi khai hồ sơ đăng ký dự thi, vì nhiều trường mập mờ, không thông tin cụ thể, đặt thí sinh vào chuyện đã rồi.
Trong khi các trường ĐH, CĐ công lập phải thu học phí theo khung quy định; các trường ngoài công lập phải công khai học phí trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 thì các trường công lập tự chủ tài chính không cần công khai, cũng không thu học phí theo quy định mà được phép xác định học phí. Thí sinh chắc chắn không thể biết được trường nào là trường công lập tự chủ tài chính nếu không tìm hiểu kỹ.
Cẩn thận với công lập tự chủ tài chính
Mua hồ sơ đăng ký dự thi tại Sở GD-ĐT TP.HCM, Nguyễn Nhựt Loan cho biết sẽ thi vào Trường ĐH Tài chính-Marketing vì đây là trường công lập nên học phí thấp, điểm trúng tuyển hằng năm cũng phù hợp với năng lực. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn từ chuyên viên tuyển sinh, biết trường tự chủ tài chính nên học phí đắt hơn trường công lập, Nhựt Loan thắc mắc: “Tại sao học phí cao nhưng không ghi trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ để thí sinh biết? Em có lên trang web của trường để xem thông tin nhưng cũng không thấy thông tin nào nói về học phí”.
Theo TS Phạm Lê Quang, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Tài chính-Marketing, học phí cho khóa tuyển sinh năm 2013 là 220.000 đồng/tín chỉ. Như vậy, học phí tín chỉ của trường tương đương tín chỉ của trường ngoài công lập. Một năm học trung bình khoảng 30-32 tín chỉ, sinh viên phải đóng 6,6 triệu đồng và mức này đã tăng 1,1 triệu đồng so với năm trước. Trong khi đó, Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ về học phí thì mức trần học phí đối với nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản tại trường ĐH công lập từ năm học 2013-2014 là 4,85 triệu đồng/năm.
Thí sinh nên tìm hiểu học phí trước khi ghi hồ sơ đăng ký dự thi. Ảnh: Quốc Dũng
Các trường ĐH tự chủ tài chính khác như ĐH Mở TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng… cũng cho biết do Nhà nước chỉ hỗ trợ vốn xây dựng nên được tự xác định học phí. Chẳng hạn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng thu 220.000 đồng/tín chỉ lý thuyết đối với tất cả các ngành, trừ khối ngành ngôn ngữ và ngành xã hội học là 240.000 đồng, khối ngành mỹ thuật công nghiệp là 280.000 đồng. Đối với tín chỉ thực hành, tùy từng ngành và môn học sẽ dao động từ 370.000 đến 400.000 đồng; riêng thực hành môn chuyên ngành hóa, điện, quy hoạch vùng và đô thị… sẽ cao hơn khoảng 15%-20%.
Cao đẳng cũng cao ngất ngưởng
Trường CĐ Bách Việt công bố học phí là 200.000 đồng/tín chỉ đại cương nhưng không cho biết một học kỳ phải học bao nhiêu tín chỉ. Cụ thể, năm trước trường công khai mức học phí tín chỉ là 250.000 đồng nhưng khi gửi giấy báo nhập học cho sinh viên lại đưa ra mức học phí học kỳ 1 là 5,7 triệu đồng. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi học kỳ sẽ phải học 15-18 tín chỉ, tức trong ba năm học khoảng 110 tín chỉ. Với cách tính này, học phí trung bình một học kỳ của trường chỉ nằm trong khoảng 4,5 triệu đồng. Chưa kể, ngoài học phí thì sinh viên còn phải đóng hàng loạt phí khác như áo sơmi, đồ thể dục thể thao, lệ phí nhập học, bảo hiểm… khoảng 800.000-1 triệu đồng.
Video đang HOT
Các ngành đào tạo sức khỏe như điều dưỡng, dược sĩ của trường CĐ có học phí cao không kém các trường ĐH. Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Miền Nam từ 14 đến 15 triệu đồng/năm, CĐ Phương Đông Đà Nẵng là 10,5 triệu đồng/năm, CĐ Bách khoa Đà Nẵng là 6,8 triệu đồng/năm…
Nhiều “phụ phí”
Ngoài học phí, các trường ĐH còn thu rất nhiều “phụ phí” khi sinh viên trúng tuyển.
Năm trước, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thu lệ phí hệ ĐH là 300.000 đồng, còn hệ CĐ là 200.000 đồng, phí sử dụng thư viện là 400.000 đồng cho hệ ĐH và 300.000 đồng hệ CĐ, phí bảo hiểm tai nạn 30.000 đồng, phí bảo hiểm y tế 265.000 đồng… Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn ngoài thu lệ phí nhập học và thẻ sinh viên 200.000 đồng, sinh viên còn phải đóng tiền quần áo đồng phục, đồ thể dục, huy hiệu 450.000 đồng; riêng sinh viên nữ phải đóng thêm 220.000 đồng cho một bộ đồng phục áo dài… Còn Trường CĐ Thương mại ngoài học phí còn thu tiền tài liệu học tập 150.000 đồng, đồng phục thể dục 80.000 đồng, tiền nước uống, an ninh, vệ sinh môi trường 35.000 đồng/tháng… Trường ĐH Dầu khí Việt Nam thu cả tiền giấy vệ sinh 20.000 đồng/tháng.
Những loại phụ phí này sẽ tiếp tục được các trường duy trì thu khi sinh viên đến làm thủ tục nhập học. Vì vậy, khi chọn trường dự thi, thí sinh cần cân nhắc các khoản học phí cũng như những “phụ phí”, tránh rơi vào tình trạng đã rồi.
Ngoài công lập: Mỗi năm mỗi tăng
Trường ĐH Hoa Sen thay vì công khai học phí theo năm vào khoảng 39,6-45,6 triệu đồng cho chương trình tiếng Việt như năm trước thì năm nay công khai học phí từ 3,5 đến 3,8 triệu đồng/tháng, học phí một năm học được tính theo biên độ 12 tháng. Như vậy, nếu tính theo 12 tháng học ở trường, học phí năm nay nhiều ngành tăng lên mức 42 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) công khai chung chung học phí tùy ngành từ 3,25 triệu đồng đến 18,5 triệu đồng/học kỳ. Trên trang web của trường này cũng không có thông tin nào liên quan đến học phí. Trong khi đó, năm ngoái học phí ngành y đa khoa là 17,5 triệu đồng/học kỳ, ngành dược học là 16,5 triệu đồng/học kỳ.
Theo Quốc Dũng ( Pháp luật TP.HCM)
Trường công thu học phí tư
Với danh nghĩa là trường công lập nhưng một số trường lại có mức học phí cao hơn cả trường ngoài công lập. Điều này khiến thí sinh gặp rất nhiều khó khăn khi chọn trường...
N.C.T. - sinh viên năm nhất bậc CĐ ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết thi ĐH được 14 điểm, rớt ĐH và nộp hồ sơ xét tuyển vào bậc CĐ của trường này. Khi nhận được giấy báo trúng tuyển, T. và gia đình mới tá hỏa vì học phí học kỳ đầu phải đóng lên đến 6 triệu đồng.
"Tôi nghĩ đây là trường công lập nên học phí cũng như các trường công lập khác, đâu ngờ cao như vậy. Trúng tuyển rồi, gia đình cũng ráng thu xếp cho theo học chứ lúc đó các trường công lập khác đã xét tuyển xong rồi" - T. cho biết.
Cao hơn tư thục
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trong hệ thống quản lý của Bộ GD-ĐT chỉ có hai loại hình trường đó là công lập và tư thục. Trường công lập buộc phải thu học phí theo quy định chung áp dụng cho từng ngành nghề, trường tư thục được tự quyết định mức học phí.
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải đóng học phí cao như các trường ngoài công lập
Ngay cả các trường được tự chủ chi thường xuyên vẫn phải thu học phí theo quy định, không được thu cao hơn. Điều này sẽ khiến các trường gặp khó khăn nhưng được bù lại bằng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ ngân sách.
Mức học phí ĐH của trường này cũng tương đương CĐ. Như vậy, học phí một năm học của trường khoảng 12 triệu đồng (tùy số tín chỉ sinh viên đăng ký). Nếu so với nhiều trường tư thục, mức học phí này còn cao hơn dù là trường công lập. Ở khóa 2007-2011, học phí của trường chỉ dao động ở mức 3-4 triệu đồng/năm.
Chúng tôi thử vào trang web của trường tìm thông tin học phí thì chỉ có văn bản quy định mức học phí theo tín chỉ, không có ước tính chung học phí cho từng học kỳ, từng năm. Điều này khiến thí sinh gặp khó khăn khi chọn trường bởi chưa thể biết học tín chỉ là thế nào, quy định số tín chỉ ra sao để có thể tính ra mức học phí phải đóng.
Đến thời điểm hiện tại, Trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp (trực thuộc Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM) là trường duy nhất còn mang danh bán công. Tuy là bán công nhưng học phí của trường còn cao hơn cả nhiều trường CĐ tư thục hoặc bậc CĐ trong trường ĐH tư thục. Năm học 2012-2013, học phí của trường này là 3,6 triệu đồng/học kỳ đối với khối ngành công nghệ và 3,3 triệu đồng/học kỳ đối với khối ngành kinh tế và ngoại ngữ.
Lý giải về vấn đề này, TS Đặng Chí Chơn - hiệu trưởng nhà trường - cho biết nếu so với trường tư thục tại TP.HCM thì học phí của trường không cao hơn, chỉ cao hơn các trường tư ở địa phương (tỉnh). Sở dĩ học phí các trường địa phương thấp là vì họ ít sinh viên và chấp nhận thu học phí thấp để thu hút người học!
Trong khi đó, cũng từ trường bán công được chuyển sang loại hình trường công lập tự chủ tài chính, học phí học kỳ I năm học 2012 các ngành của Trường ĐH Mở TP.HCM dao động từ 2,5-3,6 triệu đồng (tùy ngành). Mức học phí này cũng tương đương Trường ĐH Tài chính - marketing. Ở bậc ĐH, học phí 5,5 triệu đồng/năm và CĐ 3 triệu đồng/năm. Học phí của hai trường này tương đối so với học phí các trường ĐH công lập thu học phí theo quy định.
Tên công lập, học phí tư thục
Lý giải về mức học phí cao của trường, bà Trịnh Minh Huyền - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho rằng do trường là mô hình trường công lập tự chủ tài chính, do cơ chế đặc thù nên học phí do hiệu trưởng nhà trường quyết định. Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến cho phép trường được tự quyết định mức thu tài chính và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật như trường ngoài công lập.
"Từ khi thành lập đến nay, toàn bộ cơ sở vật chất đều do trường xây dựng và không được cấp kinh phí xây dựng cơ bản. Trường vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới với phòng ốc khang trang kèm các tiện ích như hồ bơi, ký túc xá, nhà thi đấu, kinh phí bảo trì bảo dưỡng... nhằm phục vụ sinh viên tốt hơn nên học phí cũng phải tăng. Với số tiền đã vay đầu tư xây dựng trường phải khấu hao trong 30 năm. Trước đây trường thu một mức học phí cho cả khóa học nhưng từ năm nay trường sẽ cân đối chi phí để tính toán mức học phí hợp lý. Học phí này sẽ được công bố trước khi tuyển sinh để thí sinh cân nhắc điều kiện của mình trước khi dự thi vào trường" - bà Huyền giải thích thêm.
TS Đặng Chí Chơn cho biết mức học phí hiện nay vẫn chưa đủ chi. Mặc dù mang danh là trường bán công nhưng thực tế trường hoạt động như trường tư thục vì không nhận được đầu tư từ ngân sách. "Khi xóa bỏ loại hình bán công, trường nhận được chủ trương chuyển sang công lập. Tuy nhiên sau đó UBND TP.HCM lại chỉ đạo chuyển trường sang loại hình tư thục. Từ đây, cổ đông và nội bộ trường xào xáo và đến nay đề án chuyển sang trường tư thục vẫn chưa hoàn thành. Cũng chính vì vậy mà trường vẫn mang danh bán công nhưng hoạt động theo mô hình tư thục, học phí cũng vậy" - ông Chơn nói thêm.
Trong khi đó, PGS-TS Hoàng Trần Hậu, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - makerting, cho biết bản chất của trường là công lập hoàn toàn. Mặc dù là trường công lập tự chủ tài chính nhưng theo cơ chế hiện nay trường mới tự chủ chi chứ chưa được tự chủ thu, vẫn nhận kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản từ Bộ Tài chính.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng cần xác định tên gọi loại hình trường chính xác hơn hoặc yêu cầu các trường công khai học phí trong tài liệu Những điều cần biết... về tuyển sinh như các trường ngoài công lập để thí sinh dễ dàng tham khảo.
Rõ ràng cùng loại hình trường nhưng học phí của các trường chênh nhau rất lớn. Thí sinh muốn vào trường công lập với mục đích giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình nhưng học phí như trường tư thục thì sẽ có nhiều sinh viên gặp khó khăn.
Theo Minh Giảng (Tuổi Trẻ)
Trường và học sinh đủng đỉnh Do thời gian nộp hồ sơ kéo dài đến hết ngày 11/4 nên nhiều trường đã giãn thời gian thu đến cuối đợt, các học sinh cũng chưa vội... Ngày 11/3, các trường THPT trên cả nước bắt đầu tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH-CĐ năm 2013. Do thời gian nộp hồ sơ kéo dài đến hết...