Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Cần tìm hiểu kỹ học phí
Mức học phí ngành nghề tại các trường ĐH, CĐ chênh lệch khá cao, có ngành chỉ 4 – 5 triệu đồng/năm nhưng cũng có ngành cả trăm triệu đồng. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ để chọn ngành phù hợp năng lực bản thân và khả năng tài chính của gia đình.
Học sinh THPT tham quan hướng nghiệp, tìm hiểu ngành nghề, mức học phí tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật. (Ảnh: Quang Phương)
Học phí trường công: Không thấp
Mức trần học phí đào tạo trình độ ĐH tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà từ năm học 2012-2013 như sau: khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản (nhóm 1): 4,2 triệu đồng/năm; khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch (nhóm 2): 4,8 triệu đồng/năm; y dược (nhóm 3): 5,7 triệu đồng/năm.
Mức trần học phí sẽ tăng từng năm đến năm học 2014-2015. Theo đó, các ngành thuộc nhóm 1 tăng thêm 650.000 đồng/năm, nhóm 2 tăng 850.000 đồng/năm và nhóm 3 tăng 1,15 triệu đồng/năm.
Cũng là trường công lập, nhưng các trường tự chủ tài chính học phí khá chênh lệch. Học phí bậc ĐH, CĐ trường ĐH Tôn Đức Thắng cao hơn một số trường khác 6 triệu đồng cho học kỳ I (tạm thu). Trường hiện đào tạo theo hệ tín chỉ, nên mức học phí được tính theo số tín chỉ.
Video đang HOT
Cụ thể, học phí cả bậc ĐH, CĐ là 220.000 đồng/tín chỉ lý thuyết, 370.000 đồng/tín chỉ thực hành. Mức học phí cao nhất 8,8-10,5 triệu đồng/năm (tùy ngành). Học phí trường ĐH Tài chính – marketing thấp hơn, bậc ĐH 3 triệu đồng/học kỳ (5,5 triệu đồng/năm), bậc CĐ 3 triệu đồng/học kỳ (5 triệu đồng/năm)…Các chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế tại các trường ĐH công lập có mức học phí khá cao.
Tại trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), sinh viên học chương trình do nhà trường cấp bằng, học phí khoảng 39 triệu đồng/năm; các chương trình liên kết học phí giai đoạn 1 tại Việt Nam khoảng 54 triệu đồng/năm…
Ngoài công lập: Điểm chuẩn thấp, học phí cao
Các trường ngoài công lập địa phương có mức học phí khoảng từ 6-10 triệu đồng/năm tuỳ từng ngành và từng trường. ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu có học phí học kỳ 1 năm 2012 hệ ĐH là 3,9 triệu đồng, hệ CĐ: 3,3 triệu đồng; ĐH Bình Dương có mức học phí hệ ĐH hơn 4,8 triệu đồng/học kỳ, hệ CĐ hơn 3,4 triệu/học kỳ; ĐH Cửu Long (Vĩnh Long) học phí hệ ĐH từ 3,3-4,2 triệu đồng/học kỳ, hệ CĐ từ 3-3,3 triệu đồng/học kỳ; ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) học phí 9 triệu đồng/năm…
Hàng năm điểm chuẩn vào các ngành những trường này hầu hết chỉ ở mức điểm sàn. Do đó, những thí sinh ở tỉnh nếu có điểm thi ĐH, CĐ từ sàn trở lên (không có môn nào 0 điểm) thì cơ hội trúng tuyển vào các trường địa phương khá cao.
Các trường ĐH ngoài công lập ở TPHCM học phí cao hơn nhiều. Học phí một năm tại ĐH Văn Lang học phí từ 10-14 triệu, ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM 13-16 triệu, ĐH Ngoại ngữ – tin học TPHCM khoảng 12-15 triệu.
ĐH Hồng Bàng thu học phí bậc ĐH trung bình 12.980.000 đồng/năm, riêng các ngành: kiến trúc, điều dưỡng, kỹ thuật y học: 15.980.000 đồng/năm; bậc CĐ: 11.780.000 đồng/năm… Có nhiều trường thu học phí khá cao như bậc ĐH của ĐH Hoa Sen chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt trung bình từ 3,3-3,8 triệu đồng/tháng.
Các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh từ 4-4,3 triệu đồng/tháng; một số chương trình hợp tác quốc tế học hoàn toàn bằng tiếng Anh bậc ĐH lên tới 4,3-5,8 triệu đồng/tháng; bậc CĐ từ 3,1-3,3 triệu đồng/tháng.
Học phí bậc ĐH của trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng khá cao: từ 42-49 triệu đồng/năm (dạy bằng tiếng Việt) và 109 – 120 triệu đồng/năm (dạy bằng tiếng Anh)…Trường ĐH Kinh tế – tài chính TPHCM học phí năm 2012 khoảng từ 70-90 triệu đồng/năm…
Ở các trường ngoài công lập, điểm chuẩn các ngành thường chỉ ở mức điểm sàn hoặc cao hơn sàn từ 0,5-1 điểm. Điểm chuẩn thấp nhưng học phí cao. Trong khi đó, nhiều ngành thuộc khối nông – lâm – ngư ở các trường ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Tây Nguyên, ĐH Cần Thơ…học phí thấp nhưng điểm chuẩn hàng năm cũng chỉ ở mức điểm sàn…
Theo Quang Phương
Tiền Phong
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012: Lưu ý để không mắc sai lầm
Ngày 13.3, thông tin chính thức về kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2012 tiếp tục được công bố. Lịch thi chính thức cũng được Bộ GDĐT đưa ra.
141 trường không tổ chức thi
Năm 2012, có 141 trường ĐH, CĐ trong cả nước không tổ chức thi. Trong đó, có 45 trường ĐH và 96 trường CĐ. Các trường này tuyển sinh theo hình thức xét tuyển.
Để tài liệu ngoài phòng thi trong kỳ tuyển sinh năm 2011. Ảnh: Kỳ Anh
Thí sinh (TS) lưu ý, nếu nguyện vọng học tại trường ĐH không tổ chức thi tuyển sinh hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GDĐT có cùng khối thi; đồng thời nộp 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH.
Những TS này chỉ được xét tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi vào trường không tổ chức thi hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH.
TS có nguyện vọng học tại trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường CĐ tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GDĐT có cùng khối thi; đồng thời nộp 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh. Những TS này được xét tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi vào trường không tổ chức thi hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH.
Được biết, Bộ GDĐT đã phải ra văn bản nhắc nhở các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi phải tạo mọi điều kiện cho TS thi nhờ.
Những lưu ý quan trọng
Những TS dự thi ĐH, CĐ năm 2012 phải lưu ý một số điều quan trọng.
TS đến địa điểm thi làm thủ tục dự thi vào ngày 3.7 (đối với TS thi khối A, A1 và khối V); ngày 8.7 (đối với TS thi khối B, C, D, T, N, H, M, R, K); ngày 14.7 (đối với TS thi cao đẳng). TS mang theo đến phòng thi: Giấy báo dự thi; bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương (đối với TS tốt nghiệp từ năm 2011 về trước) hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc tương đương (đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2012); chứng minh thư; giấy chứng nhận sơ tuyển (nếu thi vào các ngành có yêu cầu sơ tuyển).
Nếu có sai sót trong giấy báo dự thi thì TS yêu cầu cán bộ của trường điều chỉnh, ghi xác nhận và ký tên vào phiếu ĐKDT số 2.
Trong ngày thi, TS đến chậm 15 phút sau khi bóc đề thi thì không được dự thi.
Chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính điện tử không có thẻ nhớ và không soạn được văn bản, giấy thấm chưa dùng, giấy nháp (giấy nháp phải xin chữ ký của cán bộ coi thi). Ngoài các vật dụng trên, không được mang bất kỳ tài liệu, vật dụng nào khác vào khu vực thi và phòng thi. TS mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.
Thời gian làm bài, các môn tự luận là 180 phút, các môn trắc nghiệm là 90 phút.
Trước ngày 20.8 các trường công bố kết quả thi và điểm trúng tuyển trên mạng Internet và trên các báo, đài. Trước ngày 25.8, TS đến nơi đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi để: Nhận giấy báo trúng tuyển đợt 1; nhận giấy chứng nhận kết quả thi (nếu không trúng tuyển đợt 1 nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn cao đẳng); nhận phiếu báo điểm (nếu kết quả thi thấp hơn điểm sàn cao đẳng).
Phát hành "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012" Cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012" do NXB Giáo dục VN được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn đã chính thức phát hành. Cuốn sách này phát hành theo hệ thống Sở GDĐT, về hình thức giống như năm 2011, chỉ khác là không đề Bộ GDĐT ở đầu sách. Được biết, NXB Giáo dục phát hành 70.000 cuốn, giá 30.000 đồng/cuốn. Ngoài ra, TS cũng có thể tìm hiểu thông tin trên trang web của Bộ GDĐT (địa chỉ http://thi.moet.gov.vn). H.NG
Theo LĐO
Văn hóa học ứng dụng: "Lối mở" ngành nghề cho thí sinh khối C, D Học ngành Văn hóa học, học sinh khối C, D có thêm nhiều khả năng tham gia vào các ngành nghề có tính năng động, nhạy bén hơn với sự biến động của xã hội. Những năm gần đây, các ngành nghề khoa học kĩ thuật, tài chính ngân hàng trở nên hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội mới cho học sinh...