Tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Mất giấy tờ có được dự thi?
Thí sinh không phải nộp lệ phí dự thi vào ngày đầu của mỗi đợt thi như những năm trước đây nhưng phải có mặt để nắm thông tin.
Từ ngày 30-5 đến 5-6, các trường ĐH, CĐ sẽ gửi giấy báo dự thi cho thí sinh. Thí sinh sẽ nhận giấy báo dự thi ở đâu, nếu mất giấy báo và các giấy tờ liên quan thì có được dự thi…?
Theo PGS-TS Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ở đâu sẽ nhận giấy báo dự thi ở đó. Khi đến nhận giấy báo dự thi, thí sinh (hoặc người nhận giùm) cần mang theo phiếu số 2. Thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ sẽ được các trường gửi trực tiếp giấy báo qua đường bưu điện theo địa chỉ thí sinh ghi trên bì thư nộp kèm trong hồ sơ. Đối với thí sinh nộp hồ sơ qua đường Sở GD&ĐT, các trường sẽ chuyển toàn bộ giấy báo dự thi về cho các sở để sở chuyển cho thí sinh đang học tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Riêng thí sinh tự do nộp hồ sơ tại các điểm thu nhận của sở sẽ nhận giấy báo tại nơi đã nộp, nếu nộp tại trung tâm luyện thi thì sẽ nhận giấy báo tại trung tâm.
Mất giấy báo vẫn được dự thi
. Nếu hết hạn mà vẫn không nhận được giấy báo dự thi thì thí sinh có thể tìm ở đâu?
PGS-TS Ngô Kim Khôi: Thí sinh cần liên hệ ngay với nơi mình đã nộp hồ sơ để tìm hiểu cụ thể. Nếu nộp hồ sơ qua Sở GD&ĐT thì sở sẽ thông báo cho các trường để kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ gốc để cấp lại giấy báo dự thi. Thí sinh nộp trực tiếp tại trường cần liên hệ với phòng đào tạo của trường để được kiểm tra và cấp lại giấy báo dự thi.
. Thưa ông, trường hợp thí sinh làm mất giấy báo thì có được dự thi?
Trường hợp này thí sinh cần liên hệ trực tiếp với trường đăng ký dự thi để có được thông tin về số báo danh, địa điểm thi, phòng thi… Trong ngày làm thủ tục dự thi (ngày 3-7 đối với khối A, V, ngày 8-7 đối với các khối B, C, D và năng khiếu, ngày 14-7 đối với các trường CĐ có tổ chức thi), thí sinh bắt buộc phải có mặt tại đúng hội đồng thi của mình để làm thủ tục trước khi bước vào dự thi chính thức.
Thí sinh phải mang theo phiếu số 2, giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân hợp lệ có dán ảnh, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp THPT, các giấy chứng nhận ưu tiên nếu có… để trường đối chiếu với hồ sơ gốc và danh sách lưu tại trường. Nếu các thông tin chính xác, thí sinh sẽ được làm giấy cam đoan và chụp ảnh tại chỗ để cấp thẻ dự thi bổ sung hoặc cấp lại giấy báo dự thi (nếu giấy báo dự thi kiêm thẻ dự thi). Sau đó, thí sinh vẫn được dự thi bình thường. Sau khi thi, hội đồng tuyển sinh của trường sẽ tiến hành các khâu hậu kiểm. Nếu bị phát hiện có gian lận để thi hộ thì thí sinh sẽ bị xử lý theo quy chế tuyển sinh và các quy định hiện hành.
Video đang HOT
Cán bộ coi thi Trường ĐH Sài Gòn đối chiếu giấy báo dự thi của thí
sinh với hồ sơ gốc trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2010.
Làm gì khi mất phiếu số 2, chứng minh nhân dân
. Trường hợp thí sinh làm mất phiếu số 2, mất giấy chứng minh nhân dân thì sao, thưa ông?
Phiếu số 2 được coi là biên lai khẳng định thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi, cần trong các trường hợp thí sinh không nhận được giấy báo dự thi, cần phải chỉnh sửa, điều chỉnh những sai sót, nhầm lẫn… Vì vậy thí sinh phải giữ phiếu số 2 trong suốt quá trình dự thi và cả sau này. Trường hợp bị thất lạc, mất phiếu số 2, nếu thí sinh có đề nghị chỉnh sửa thì phải mang đầy đủ giấy tờ gồm: giấy báo dự thi, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (đối với thí sinh vừa tốt nghiệp) hoặc bằng tốt nghiệp (đối với thí sinh tốt nghiệp các năm trước), các giấy tờ liên quan khác, làm đơn đề nghị chỉnh sửa. Trường sẽ kiểm tra trong hồ sơ gốc, cộng với các minh chứng để sửa đổi, cập nhật vào máy tính.
Nếu mất hoặc chưa có giấy chứng minh nhân dân thì thí sinh vẫn được dự thi. Thí sinh cần xuất trình các giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh, đóng dấu và xin xác nhận của chính quyền, công an nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc cư trú dài hạn để thay cho giấy chứng minh nhân dân khi vào phòng thi. Thí sinh phải có mặt làm thủ tục dự thi vào ngày đầu của đợt thi tại địa điểm thi theo giấy báo, xuất trình các giấy tờ kể trên cùng với phiếu số 2 để hội đồng thi đối chiếu.
. Thưa ông, việc bổ sung giấy tờ hay chỉnh sửa hồ sơ có ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sau này của thí sinh?
Nếu hồ sơ có sai sót hoặc chưa chính xác nhưng được chỉnh sửa, bổ sung trước khi thí sinh chính thức dự thi thì không ảnh hưởng gì đến việc dự thi và xét tuyển sau này. Thí sinh cần lưu ý, tất cả chỉnh sửa khi đến làm thủ tục dự thi phải mang theo phiếu số 2, chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ cần thiết, hợp lệ để chứng minh cho thông tin cần chỉnh sửa.
Thí sinh cần có mặt trong ngày đầu làm thủ tục dự thi
Thí sinh không phải nộp lệ phí dự thi vào ngày đầu của mỗi đợt thi như những năm trước đây nhưng tôi khuyên thí sinh cần có mặt trong ngày này để biết địa điểm thi, nhận phòng thi, nhận thẻ dự thi (nhiều trường cấp thẻ dự thi cho thí sinh trong ngày làm thủ tục dự thi) và quan trọng là nghe phổ biến quy chế thi.
Đặc biệt, đây còn là thời điểm cuối cùng để thí sinh kiểm tra lại thông tin cá nhân và đề nghị điều chỉnh, giải quyết những sai sót, những thông tin chưa chính xác có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi xét tuyển sau này. Bởi sau khi đã dự thi, mọi thông tin yêu cầu chỉnh sửa, khiếu nại sẽ không có giá trị.
Theo Pháp luật TP HCM
Thí sinh chưa hào hứng nộp hồ sơ ĐKDT
Theo thông tin từ nhiều địa điểm thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh CĐ, ĐH 2011 của Hà Nội, sau 2 tuần thu nhận, số lượng hồ sơ nhận được chỉ bằng nửa năm trước. Đã có thí sinh nộp đến 5 bộ hồ sơ với nhiều khối thi.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời gian thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH,CĐ 2011 từ ngày 14/3 - 14/4. Tuy nhiên, sau 2 tuần nhiều địa điểm thu nhận hồ sơ ở Hà Nội mới chỉ nhận được vài chục bộ, thậm chí nơi cao nhất được khoảng 100 bộ là Phòng Giáo dục quận Hà Đông.
Thí sinh vẫn còn cân nhắc kỹ chưa nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
Theo cán bộ nhận hồ sơ của Phòng Giáo dục quận Hà Đông cho biết: "Mỗi thí sinh trung bình nộp từ 2-3 bộ hồ sơ, có nhiều thí sinh nộp 5 bộ hồ sơ bao gồm 2 khối thi và hồ sơ dự thi cao đẳng".
Đến chiều hôm nay 1/4, Phòng Giáo dục quận Đống Đa mới nhận được 50 bộ hồ sơ, so với năm trước chỉ bằng 1 nửa, thí sinh nộp nhiều nhất 3 bộ. Cán bộ thu nhận hồ sơ của phòng cho hay: "Đa số thí sinh nộp 2 bộ, thi đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, nhiều thí sinh không thi cao đẳng mà nộp hồ sơ dự thi 2 khối A và D1".
"Vắng vẻ" hơn nữa là Phòng Giáo dục quận Thanh Xuân, hiện mới nhận được 20 bộ hồ sơ...
Được biết, để có thêm cơ hội vào đại học ngay năm đầu thi, hiện tại không ít thí sinh đã ôn cả 2 khối để thi cả 2 đợt đại học. Thông thường các thí sinh ôn thi theo 2 khối A- B và A - D1.
Thí sinh lựa chọn thi 2 khối A - B, nên cân nhắc kỹ. Đối với khối A có rất nhiều cơ hội, nhiều trường để dự thi và xét tuyển nhưng đối với khối B lại rất ít trường và ngành học, theo đó có ít cơ hội cho nguyện vọng 2. Vậy nên cần tập trung ngay cho thi khối A, đợt thi đầu tiên để yên tâm hơn.
Bên cạnh đó, nếu thí sinh thi thêm khối B thì hãy đăng ký vào các trường có điểm chuẩn hàng năm thấp như ĐH Nông nghiệp, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Thái Nguyên..., tránh vào các trường có khối B điểm chuẩn cao như ĐH Y, Dược... vì điểm chuẩn hàng năm vào các trường này thường khá cao, phải 20 điểm trở lên mới có cơ hội đỗ.
Ngoài ra, thí sinh thi thêm khối D cũng nên chú ý tránh đăng ký vào những ngành mà điểm chuẩn hàng năm cao như ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính...
Nếu thi vào ĐH Ngoại ngữ, thí sinh có thể lựa chọn vào các khoa tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Đức, Nga... vì đây là ngành học có ít thí sinh đăng ký và điểm chuẩn hàng năm thấp hơn các khoa tiếng khác trong trường. Tuy nhiên, khi vào học các trường ngoại ngữ này, thí sinh có nhiều cơ hội học thêm ngoại ngữ 2 như tiếng Anh.
Bên cạnh đó, nhiều trường đại học công lập cũng có nhiều ngành thi khối D mà điểm chuẩn không cao như ĐH Công đoàn với điểm chuẩn năm 2010 của khối D1 là 17 điểm, ĐH Thái Nguyên trừ điểm chuẩn Sư phạm tiếng Anh 20 điểm, còn lại các ngành khác từ 13 - 15 điểm; ĐH Công nghiệp Hà Nội, điểm chuẩn vào khoa Tiếng Anh (đã nhân hệ số 2 môn Tiếng Anh) là 19 điểm, còn các ngành Quản trị kinh doanh 15,5 điểm, Kế toán, Tài chính ngân hàng 16 điểm; Quản trị kinh doanh Du lịch Khách sạn, Việt Nam học (hướng dẫn du lịch) là 13 điểm...
Các thí sinh nếu còn băn khoăn về chuyện chọn trường thi thì hãy thật nhanh đánh giá lại trình độ của mình và có quyết định cuối cùng dự thi trường nào, khối nào, để có thể tập trung vào ôn tập cho tốt.
Thí sinh lưu ý, mỗi hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), thí sinh chỉ được đăng ký duy nhất một nguyện vọng (NV) ban đầu (còn gọi là NV1). Trong hồ sơ ĐKDT không có mục ghi đăng kí NV2 và NV3. Nếu khi thí sinh trượt NV1 nhưng có điểm thi bằng từ mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT đưa ra trở lên thì lúc đó mới xuất hiện khái niệm về NV2 và NV3. Thí sinh nếu không trúng tuyển đợt 1, có kết quả thi đại học bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (số 1 và số 2). Thí sinh dùng Giấy số 1 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng Giấy số 2 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 3. Thí sinh có kết quả thi đại học thấp hơn điểm sàn cao đẳng được cấp Phiếu báo điểm, nhưng không được dùng để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển.
Theo Dân Trí
Điểm khu vực được tính thế nào? Nộp hồ sơ thi đại học ở Huế có được không? Thí sinh tự do nhận giấy báo dự thi ở đâu? Tỉ lệ chọi từng ngành của ĐH Y Hà Nội và ĐH Thương mại như thế nào? Em là Hồ Thị Thủy Tiên, một học sinh lớp 12 ở Huế. Vừa rồi khi nộp hồ sơ đăng kí dự thi ĐH,...