Tuyển sinh ĐH, CĐ 2010: Tuyển hơn 512.000 chỉ tiêu
Số liệu mới nhất của Bộ GD-ĐT cho biết năm nay, tổng chỉ tiêu (CT) tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy là 512.866, tương đương với tổng CT năm 2009. Trong đó có 272.266 CT hệ ĐH, tăng gần 10.000 CT so với năm 2009 và 240.600 CT hệ CĐ (bao gồm cả CT của các trường CĐ và bậc CĐ trong các trường ĐH) giảm khoảng 11.000 CT so với năm 2009.
Thiếu điều kiện học tập: Cắt chỉ tiêu
Trong tổng số 379 trường ĐH, CĐ sẽ tuyển sinh năm 2010, có 190 trường tuyển sinh với số lượng CT thấp hơn số lượng do các trường đề xuất, với khoảng 10.000 CT đào tạo ĐH và 20.000 CT hệ CĐ. Nguyên nhân cắt giảm CT đề xuất chủ yếu do nhiều trường không đáp ứng được các tiêu chí về bảo đảm điều kiện học tập…
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tự đề xuất 4.500 CT hệ ĐH và 1.500 CT hệ CĐ nhưng bộ xác định trường chỉ có năng lực đào tạo 3.000 CT hệ ĐH và 500 CT hệ CĐ.
Trường ĐH Lạc Hồng chỉ được 2.400 CT so với con số 3.500 CT do trường đề nghị; Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An còn 1.250 CT cả ĐH và CĐ so với đề nghị ban đầu là 2.300…
Năm nay, chỉ có 5 trường ĐH được tăng CT là ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Thủy lợi và ĐH Tôn Đức Thắng. ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay chỉ tuyển 5.500 CT.
Học phí cao ngất ngưởng
Năm nay, không ít trường ngoài công lập có mức học phí khá cao. Sinh viên Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị có mức học phí lên đến 1,1 triệu đồng/tháng.
Học phí của Trường ĐH Đại Nam là 980.000 đồng/tháng hệ ĐH và 800.000 đồng/tháng hệ CĐ.
Trường ĐH Nguyễn Trãi tuy CT chỉ có 400 nhưng học phí thì thuộc loại cao nhất trong số các trường dân lập với mức 1,5 triệu đồng/tháng.
Cũng tương tự mức học phí này là Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Theo học phí mà trường công bố, học phí ngành kỹ thuật y học, điều dưỡng đa khoa gần 14 triệu đồng/năm, các ngành khác từ 8-9 triệu đồng/năm.
Mức học phí trung bình của Trường ĐH Hùng Vương là 8 triệu đồng/năm, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM từ 800.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/tháng.
Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM thu học phí theo ngành với 11,5 triệu đồng/năm ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh và 11,3 triệu đồng/năm các ngành khác.
133 trường không tổ chức thi
Bộ GD- ĐT cho biết tổng số trường ĐH, CĐ không tổ chức thi năm nay là 133, giảm 4 so với năm 2009 (137 trường). Trong đó, có 46 trường ĐH và 87 trường CĐ.
46 trường ĐH không tổ chức thi là ĐH Hà Tĩnh, ĐH Hoa Lư Ninh Bình, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Lao động – Xã hội, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, ĐH Chu Văn An, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, ĐH Dân lập (DL) Đông Đô, ĐH DL Lương Thế Vinh, ĐH DL Phương Đông, ĐH FPT, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Hòa Bình, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Quốc tế Bắc Hà, ĐH Thành Tây, ĐH Bạc Liêu, ĐH Quảng Bình, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Việt Đức, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐH Bình Dương, ĐH DL Cửu Long, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH DL Duy Tân, ĐH Hùng Vương (TPHCM), ĐH Kỹ thuật – Công nghệ TPHCM, ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM, ĐH DL Phú Xuân, ĐH Văn Hiến, ĐH DL Văn Lang, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Phan Châu Trinh, ĐH Phan Thiết, ĐH Quang Trung, ĐH Tây Đô, ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Thái Bình Dương.
Những thí sinh có nguyện vọng 1 học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH thuộc các ĐH, khi khai hồ sơ đăng ký dự thi tại mục 2 chỉ ghi tên trường, ký hiệu trường và khối thi của trường mà thí sinh dự thi (không ghi mã ngành, chuyên ngành); mục 3: Ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành (hoặc mã chuyên ngành) của trường không tổ chức thi hoặc của hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các ĐH mà thí sinh có nguyện vọng 1 theo học.
Chỉ tiêu tuyển sinh các trường ĐH phía Nam
ĐH Quốc gia TPHCM Trường ĐH Bách khoa: 3.900 CT;
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên 3.425 CT;
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn 2.800 CT;
Trường ĐH Quốc tế 800 CT;
Trường ĐH Công nghệ Thông tin 660 CT;
Khoa Kinh tế 1.550 CT;
Khoa Y 100 CT.
Video đang HOT
ĐH Huế
ĐH Khoa học 9.500 CT;
ĐH Sư phạm 1.500 CT;
Trường ĐH Y Dược 920 CT;
Trường ĐH Nông Lâm 1.330 CT;
Trường ĐH Kinh tế 1.230 CT;
Trường ĐH Nghệ thuật 170 CT;
Trường ĐH Ngoại ngữ 880 CT;
Khoa Giáo dục thể chất 220 CT;
Khoa Du lịch 320 CT.
ĐH Đà Nẵng
Trường ĐH Bách khoa 3.000 CT;
Trường ĐH Kinh tế 1.840 CT;
Trường ĐH Sư phạm 1.650 CT;
Trường CĐ Công nghệ 1.400 CT;
Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum 325 CT;
Trường CĐ Công nghệ Thông tin 550 CT.
Các trường khácTrường ĐH Tài chính – Marketing 2.300 CT;
Trường ĐH Tôn Đức Thắng 3.210 CT;
Trường ĐH Cần Thơ 6.150 CT;
Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân 420 CT;
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM 8.000 CT;
Trường ĐH Đà Lạt 3.300 CT;
Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM 2.500 CT;
Trường ĐH Kiến trúc TPHCM 1.200 CT;
Trường ĐH Kinh tế TPHCM 4.000 CT;
Trường ĐH Luật TPHCM 1.700 CT;
Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM 148 CT;
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM 2.400 CT;
Trường ĐH Nha Trang 3.000 CT;
Nhạc viện TPHCM 130 CT;
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM 4.400 CT;
Trường ĐH Phú Yên 750 CT;
Trường ĐH Phạm Văn Đồng 1.050 CT;
Trường ĐH Quảng Bình 1.870 CT;
Trường ĐH Quảng Nam 1.230 CT;
Trường ĐH Quy Nhơn 4.000 CT;
Trường ĐH Sài Gòn 4.450 CT;
Trường ĐH Đồng Tháp 3.900 CT;
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM 3.600 CT;
Trường ĐH Sư phạm TPHCM 3.100 CT.
Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM 800 CT;
Trường ĐH Tây Nguyên 2.650 CT;
Trường ĐH Thể dục Thể thao TPHCM 1.000 CT;
Trường ĐH Thủ Dầu Một 600 CT;
Trường ĐH Trà Vinh 3.300 CT;
Trường ĐH Văn hóa TPHCM 1.300 CT.
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ 800 CT;
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch 420 CT;
Trường ĐH Mở TPHCM 4.050 CT;
Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu 1.700 CT;
Trường ĐH DL Cửu Long 2.550 CT.
Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn 1.700 CT;
Trường ĐH DL Duy Tân 3.200 CT;
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng 2.400 CT;
Trường ĐH Đông Á 2.000 CT;
Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp TPHCM 2.400 CT;
Trường ĐH Hùng Vương TPHCM 1.660 CT;
Trường ĐH Lạc Hồng 2.400 CT;
Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM 1.600 CT;
Trường ĐH DL Phú Xuân 1.330 CT;
Trường ĐH DL Văn Hiến 1.400 CT;
Trường ĐH DL Văn Lang 2.450 CT;
Trường ĐH Yersin Đà Lạt 1.300 CT;
Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM 500 CT;
Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng 2.500 CT.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tuyển sinh ĐH, CĐ: Thi tuyển hay xét tuyển?
Theo giáo sư - tiến sĩ Bùi Khánh Thế, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ tin học TP HCM, các trường không nên đặt nặng vấn đề "đầu vào" bằng cách tổ chức thi tuyển.
Sau 8 năm thực hiện thi theo hình thức "ba chung", nhiều trường vẫn trung thành với phương án xét tuyển để giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, một số trường vẫn không ngại tốn kém tổ chức thi tuyển, vì cho rằng phương án này giúp chất lượng đầu vào tốt hơn.
Mùa thi năm 2010, CĐ Văn hóa nghệ thuật TP HCM sẽ tổ chức tuyển sinh trong cả nước, tổ chức thi tất cả ngành, thay vì xét tuyển đối với khối C từ kết quả thi ĐH và chỉ tổ chức thi các khối năng khiếu như những năm trước. Trong khi đó, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP HCM lại đổi sang xét tuyển thay vì thi tuyển. Trường xét, trường thi Theo bà Phùng Phối Anh, Phó phòng đào tạo CĐ Văn hóa nghệ thuật TP HCM, từ năm 2010, sẽ tổ chức thi tuyển tất cả ngành, kể cả các môn văn hóa. Nguyên nhân của sự thay đổi này được bà Phối Anh lý giải là do kết quả xét tuyển các ngành khối C và các môn văn hóa những năm trước không được như ý, khiến trường bị động trong việc lựa chọn thí sinh.
Tương tự, tại ĐH Kỹ thuật công nghệ TP HCM, từ năm 2002 đến năm 2009, trường vẫn trung thành với hình thức thi tuyển. Tuy nhiên, mới đây, hội đồng tuyển sinh trường thống nhất từ năm 2010, sẽ chuyển sang hình thức xét tuyển. Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang, Trưởng Phòng đào tạo trường này, nếu tổ chức thi tuyển, trường sẽ chủ động trong việc tuyển chọn thí sinh đầu vào, chất lượng cũng đảm bảo hơn. Tuy nhiên, sau 7 năm tổ chức thi tuyển, trường phải bù lỗ chi phí tuyển sinh khá lớn, do không được... bù lỗ", ông Giang cho biết lý do dẫn tới sự thay đổi và cho biết thêm: thay vì tốn kinh phí tổ chức thi tuyển như mọi năm, năm nay trường dùng khoản này để quảng bá tuyển sinh và các ngành nghề đào tạo.
Ngược lại, dù thành lập từ năm 2005, nhưng ngay từ năm 2006, CĐ Kỹ Thuật Lý Tự Trọng, TP HCM lại mạnh dạn tổ chức thi tuyển. Ông Đỗ Văn Hùng, Phó hiệu trưởng, cho biết: "Năm 2005, do mới thành lập, phụ huynh, thí sinh chưa biết về trường nhiều nên phải xét tuyển; nhưng từ năm 2006 trở đi, trường quyết định tổ chức thi tuyển để chủ động trong việc lựa chọn đầu vào".
Thi tuyển: tốn kém, lãng phí
Theo giáo sư - tiến sĩ Bùi Khánh Thế, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ tin học TP. HCM, các trường không nên đặt nặng vấn đề "đầu vào" bằng cách tổ chức thi tuyển. Bởi lẽ, hình thức này vừa tốn kém tiền bạc, vừa lãng phí công sức. Ông Thế cho rằng thay vào đó các trường nên đầu tư, cải thiện chương trình đào tạo để nâng chất lượng "đầu ra" của sinh viên. "Xu hướng hiện nay trên thế giới, người ta thường nhìn vào chất lượng đào tạo và đầu ra của sinh viên để đánh giá chất lượng và khẳng định thương hiệu của một trường ĐH", giáo sư Thế cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đại học, ĐH quốc gia TP. HCM, thông tin thêm: Ở một số nước, thay vì tổ chức nhiều kỳ thi tuyển sinh, nhiều trường ĐH sử dụng kết quả học tập bậc phổ thông, xét học bạ để đánh giá khả năng thành công ở bậc ĐH của ứng viên. Theo tiến sĩ Phương Anh, học bạ sẽ cho phép nhìn nhận năng lực của người học trong suốt một quá trình, chứ không phải ở điểm cuối, nên công tác đánh giá công bằng hơn. Và cách làm này sẽ tạo sự liền mạch trong quá trình giáo dục, từ trung học lên đại học, tạo điều kiện hợp tác chặt chẽ giữa trường ĐH và phổ thông. Tuy nhiên, tiến sĩ Phương Anh cũng bày tỏ e ngại: "Đáng tiếc tại Việt Nam, hiện còn nhiều bất cập trong giáo dục phổ thông nên việc xét tuyển ĐH bằng kết quả học tập ở bậc học này vẫn là vấn đề phải cân nhắc".
Theo Báo Đất Việt