Tuyển sinh đầu vào cấp tiểu học: Thêm trường để bớt “nóng”
Trước thềm năm học mới, ngành giáo dục cũng như phụ huynh (PH) trên địa bàn Hà Nội không còn đau đầu về sĩ số học sinh (HS) vào lớp 1 quá tải như năm trước.
Sĩ số “dễ thở”
Những năm gần đây, điều khiến PH, nhà trường lo lắng là khu đô thị mọc lên như nấm, dân cư tăng đột biến khiến các trường học luôn trong tình trạng quá tải HS lớp 1. Tuy nhiên, năm nay, sĩ số HS/lớp của lớp 1 ở nhiều quận giảm rõ rệt.
Để phục vụ cho năm học mới, quận Thanh Xuân đưa vào sử dụng mới 5 trường công lập, 5 trường tư thục. Bên cạnh đó, một số trường đã sửa chữa, nâng tầng, thêm phòng học như Tiểu học Kim Giang, Tiểu học Khương Đình, Tiểu học Hạ Đình… Tại phường Thanh Xuân Trung, một số HS được điều chuyển sang học trường Tiểu học Nguyễn Tuân vừa xây, có quy mô tiếp nhận 1.080 HS trong năm nay.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân) Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, năm ngoái, trường có hơn 500 HS vào lớp 1, trung bình 61 HS/lớp. Nhận thấy số HS quá tải nên nhà trường đã mở thêm phòng học, chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ. Năm nay, trường đón nhận 386 HS đúng tuyến vào lớp 1 và được chia thành 7 lớp học. Bà Ngọc cho rằng, sĩ số HS/lớp lớp 1 năm nay “dễ thở” hơn năm ngoái với nhiều lý do như địa bàn phường Nhân Chính giãn dân cư, trường bổ sung phòng học để giảm quá tải…
Trong những năm qua, quận Hà Đông là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh. Theo thống kê, năm học này quận có khoảng 6.000 HS của các cấp học. Trong đó, lớp 1 có trên 2.000 HS. Năm nay, quận xây mới thêm 3 trường công lập và 1 trường tư thục, mỗi trường có 10 – 20 phòng học. Trưởng phòng GD&ĐT Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, HS chủ yếu tập trung ở các khu đô thị (KĐT) như Xa La, Văn Phú, Vạn Phúc, Phú Lương, La Khê nên việc giảm áp lực sĩ số đòi hỏi các trường phải trang bị cơ sở vật chất đảm bảo nhu cầu học tập mới hút HS.
Còn quận Cầu Giấy, năm nay có khoảng 5.000 HS trong độ tuổi vào lớp 1. Tuy nhiên, các trường công lập trên địa bàn tuyển sinh khoảng 4.000 HS, còn lại, HS sẽ được giảm tải qua các trường ngoài công lập. Số HS công lập dao động khoảng 50 HS/lớp. Đại diện Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, các trường cũng đang nỗ lực để giảm tải sĩ số và năm nay quận cũng tăng thêm 8 lớp học cho HS lớp 1 (trung bình 52 HS/lớp). Hiện tại có trường phải di chuyển các phòng, kho trước đây tu sửa lại thành phòng học. Nhiều trường ở quận Hoàn Kiếm cũng có sĩ số ở mức vừa phải khi 40 – 45 HS/lớp vì quận có ít chung cư cao tầng, tốc độ di dân ít hơn so với các quận khác. Số lượng trường học tăng đã góp phần giải bài toán quá tải về sĩ số.
Thành công bước đầu
Năm học 2019 – 2020, quy mô mạng lưới trường, lớp của TP Hà Nội tiếp tục phát triển với 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, 58.422 nhóm lớp và 1.983.435 HS.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, quận đã đầu tư gần 1.800 tỷ đồng xây mới 21 trường phổ thông các cấp; cải tạo, sửa chữa 14 trường. Quận sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất trên địa bàn, nhất là quỹ đất ở các khu đô thị mới để dành đất xây trường học, trong đó, ưu tiên xây dựng các trường công lập trước, sau đó sẽ tăng cường xã hội hóa để phát triển khối trường ngoài công lập.
Tuy 2 năm nay không xuất hiện tình trạng quá tải HS nhưng quận Long Biên vẫn bổ sung trường, phòng học mới. Trưởng Phòng GD&ĐT Vũ Thị Thu Hà cho biết, quận xây mới 5 trường công lập gồm 3 trường mầm non và 2 trường tiểu học. Hiện tại, quận đang thực hiện dự án xây dựng 7 trường (5 trường THCS, 1 trường tiểu học và 1 trường mầm non) để phục vụ cho năm học 2020 – 2021. Quận Hoàng Mai được biết tới là một trong những nơi “ nóng” nhất về tuyển sinh lớp 1 năm 2018.
Năm ngoái, với hơn 1.000 HS vào lớp 1, trường Tiểu học Chu Văn An đã phải đưa ra giải pháp HS nghỉ 1 – 2 ngày/tuần luân phiên nhau vì không đủ phòng học. Năm nay, để giãn sĩ số cho trường này, quận Hoàng Mai đã phân tuyến tuyển sinh, chuyển bớt sang trường Tiểu học Hoàng Liệt. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong mùa tuyển sinh đầu cấp 2019, trường Tiểu học Hoàng Liệt có hơn 800 HS vào lớp 1, chia làm 17 lớp; trường Tiểu học Chu Văn An có gần 600 HS, chia làm 12 lớp. Khả năng cao là trường Tiểu học Hoàng Liệt sẽ trở thành trường có nhiều HS vào lớp 1 nhất Hà Nội trong năm học này.
Video đang HOT
Có thể thấy, năm học này, Hà Nội đã thành công bước đầu trong việc khắc phục tình trạng quá tải HS tại trường, lớp. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, sĩ số HS/lớp ở lớp 1 không còn “nóng” như mùa tuyển sinh trước. Ông Quang cũng đề nghị các trường nên có giải pháp hạn chế HS trái tuyến. Tuy nhiên, ở những địa bàn dân cư đông, các địa phương cần quan tâm cải tạo cơ sở vật chất, mở rộng thêm phòng học để đáp ứng nhu cầu học đúng tuyến của HS trên địa bàn.
Theo kintedothi
Tăng sĩ số học sinh để giảm biên chế giáo viên là lợi bất cập hại
Với diện tích phòng học không quá 50 mét vuông mà kê tới 23 cái bàn và 45 cái ghế, nhiều thầy cô cho biết "không còn chỗ len chân, chỉ thở không đã mệt".
Năm 2019 tiếp tục là năm các cơ quan Nhà nước thực hiện quyết liệt chính sách tinh giản biên chế để hoàn thành mục tiêu giảm 10% biên chế vào năm 2021.
Sĩ số học sinh đông luôn gây khó khăn cho việc dạy và học (Ảnh minh họa VTV).
Ngành giáo dục có những đặc thù riêng mà không thể đưa % giản biên chế giống như nhiều ngành nghề khác.
Trong Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của ngành giáo dục, Giáo sư Trần Hồng Quân Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã khẳng định:
"Đặt chỉ tiêu giảm bao nhiêu % giáo viên thì tôi sợ sau này phải trả giá".
Đáng buồn thay nhiều người lại không hiểu điều này.
Vì thế, một số địa phương đã đặt ra chỉ tiêu giản biên chế giáo dục bằng cách dồn lớp, tăng sĩ số học sinh để dôi dư giáo viên đưa vào diện tinh giản biên chế.
Việc làm này đã gây khó khăn cho việc dạy và học, đi ngược với xu thế phát triển giáo dục và chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, đến công cuộc thay đổi chương trình mới hiện nay.
Cơ sở vật chất không đảm bảo dồn lớp, tăng sĩ số sẽ vô cùng bất lợi
Điều lệ trường học của Bộ Giáo dục quy định bậc tiểu học sĩ số tối đa 35 học sinh/lớp và 45 học sinh/lớp đối với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của liên bộ Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo để bố trí được 45 học sinh/lớp, phòng học tối thiểu phải đủ 67,5 mét vuông theo tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam (1.5 mét vuông/1 học sinh).
Theo đó hiện nay, hầu như địa phương nào cũng không có được những phòng học theo đúng chuẩn quy định.
Vậy mà bất chấp, nhiều địa phương cứ lấy quy định 45 học sinh/lớp để thực hiện việc dồn lớp để tinh giản giáo viên.
Sĩ số đông thách thức chương trình mới
Phòng học ở nhiều trường học hiện nay diện tích chủ yếu chưa tới 50 mét vuông.
Thế nhưng bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn quyết xếp 45 học sinh/lớp.
Để xếp được 45 học sinh ngồi một lớp phải cần tới 23 cái bàn và 45 cái ghế.
Với diện tích phòng học không quá 50 mét vuông mà kê tới 23 cái bàn và 45 cái ghế, nhiều thầy cô cho biết "không còn chỗ len chân, chỉ thở không đã mệt".
Đó là chưa nói, học sinh bậc trung học đang tuổi dậy thì, nhiều em hiện nay phổng phao trước tuổi, không còn thấp bé nhẹ cân như thời cha mẹ chúng.
Không ít em to cao gấp rưỡi bạn mà phải ngồi bó hẹp trong một không gian chật chội, đến việc cựa bên nào cũng đụng bạn như thế, thử hỏi các em có học tốt được không?
Nhiều thầy cô giáo dạy ở 2 bậc học này luôn than thở:
"Vào lớp, nhìn thấy học sinh đông đen đã thấy mệt chưa nói là dạy.
Nhất là những hôm trời nắng, hơi nắng của không khí, của hơi người càng làm căn phòng trở nên ngột ngạt, khó thở vô cùng".
Chương trình mới chú trọng việc phát triển năng lực, kỹ năng học sinh.
Muốn học tốt, các em phải có một phòng học rộng rãi, một không gian thoáng mát.
Nhưng phòng học chật chội, ngột ngạt như hiện nay, liệu có thể thể hiện tốt mục tiêu giáo dục mà chương trình mới đề ra?
Tinh giản biên chế là hợp lý nhưng cần làm linh hoạt
Kế hoạch tinh giản biên chế của Nhà nước ta là hợp lý, nhưng áp dụng vào ngành giáo dục hiện nay cần được thực hiện một cách linh hoạt, không thể làm theo kiểu cứng nhắc hiện nay mà không ít địa phương đang áp dụng.
Không ít nơi, giáo viên vẫn đang thừa thiếu cục bộ.
Có những bộ môn giáo viên không đủ tiết dạy, có những môn lại thiếu giáo viên trầm trọng.
Cần có chính sách rõ ràng trong việc biệt phái giáo viên từ vùng thừa sang vùng thiếu (ký cam kết hẳn hoi, sau vài năm đi làm nhiệm vụ sẽ được trở về lại địa phương mà không cần chạy vạy, xin xỏ".
Có những chế độ, chính sách khuyến khích giáo viên về hưu trước tuổi.
Áp dụng việc tinh giản đối với những giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bê trễ, ù nhầy trong việc thực hiện chương trình mới.
Nếu cứ đặt chỉ tiêu tinh giản biên chế trong giáo dục để nhiều địa phương đang thực hiện như hiện nay, chắc chắn nỗi sợ giáo dục "...phải trả giá" của Giáo sư Trần Hồng Quân sẽ thành hiện thực.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net.vn
Gỡ khó cho ngành giáo dục năm học mới Đến nay, hệ thống trường lớp ở An Giang đã trải khắp 156/156 xã, phường, thị trấn, quy mô trường lớp tiếp tục được kiện toàn, bố trí lại ngày càng hợp lý hơn. Tỉnh tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tiểu học và THCS; tỷ lệ huy động học sinh (HS)...