Tuyển sinh đầu cấp ở TP HCM không thay đổi nhiều
Năm học 2016-2017 các trường THCS sẽ tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức phân tuyến (tất cả học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học đều được phân tuyến vào học lớp 6).
Tuy nhiên, đối với một số trường THCS thuộc diện “ nóng” sẽ phải tuyển sinh riêng theo hình thức xét tuyển.
Theo ban tuyển sinh đầu cấp ở các quận huyện, TP HCM sẽ huy động 100% trẻ 5 tuổi trong diện đi học đang cư trú trên địa bàn quận, huyện vào trường mầm non theo phân tuyến; huy động 100% trẻ 6 tuổi đang cư trú trên địa bàn quận, huyện vào học lớp 1 theo tuyến do ban tuyển sinh quận, huyện quy định (kể cả những trẻ không có hộ khẩu tại TP.HCM).
Học sinh ra về sau khi dự thi tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Làm bài khảo sát vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa
Năm 2016, TP tiếp tục áp dụng hình thức khảo sát năng lực bằng tiếng Anh để tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Kỳ khảo sát nhằm đánh giá năng lực của học sinh từ khối kiến thức các em đã có trong quá trình học tập ở bậc tiểu học.
Nội dung đề khảo sát thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và được thể hiện bằng tiếng Anh, nhằm tuyển chọn những học sinh không chỉ đọc – hiểu tiếng Anh tốt mà còn có tư duy logic, khả năng phán đoán, suy luận, sự nhạy bén… Nếu không trúng tuyển vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa, học sinh vẫn được xét tuyển vào lớp 6 ở các quận huyện nơi mình cư trú.
Riêng tại các quận huyện, các trường THCS sẽ tuyển sinh lớp 6 tăng cường tiếng Anh theo tiêu chí: Học sinh đã được công nhận đạt yêu cầu cấp tiểu học của chương trình, và có điểm kiểm tra công nhận trình độ từng kỹ năng từ 6 điểm trở lên (do quận huyện tự tổ chức), hoặc có điểm toàn năm từng kỹ năng từ 6 điểm trở lên (đối với quận huyện không tổ chức kiểm tra công nhận trình độ) hoặc có chứng chỉ Cambridge Flyer đạt 10/15 khiên, hoặc TOEFL Primary Step 2 đạt 3/5 huy hiệu.
Năm nay, công tác tuyển sinh vào lớp 1 tăng cường ngoại ngữ vẫn giữ nguyên hình thức: nhà trường cho phụ huynh đăng ký (không thực hiện khảo sát năng lực của học sinh) sau khi các trường tiểu học tuyển sinh lớp 1 đại trà. Việc mở lớp tiếng Anh tăng cường trong trường tiểu học phụ thuộc vào cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên tiếng Anh của từng trường.
Video đang HOT
Thêm tiêu chí phụ xét tuyển vào lớp 6
Theo ban tuyển sinh đầu cấp ở các quận huyện, năm học 2016-2017 các trường THCS sẽ tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức phân tuyến (tất cả học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học đều được phân tuyến vào học lớp 6). Tất nhiên, đối với một số trường THCS có áp lực đầu vào cao sẽ có hình thức tuyển sinh riêng.
Đây là năm thứ hai các trường tiểu học thực hiện việc đánh giá học sinh bằng nhận xét, theo thông tư 30 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 của học sinh lớp 5 không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá trình độ của học sinh.
Vì vậy, một số phòng GD&ĐT cho biết hội đồng tuyển sinh cấp quận sẽ phải đưa ra thêm một số tiêu chí phụ (ngoài điểm kiểm tra cuối học kỳ 2) để tuyển sinh vào lớp 6 các trường THCS nổi tiếng.
Như Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, ngoài điều kiện về điểm chuẩn, học sinh và cha (hoặc mẹ) phải có hộ khẩu trên địa bàn phường 26 mới được tham gia dự tuyển; tại trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh: ngoài điều kiện về điểm chuẩn, học sinh và cha (hoặc mẹ) phải có hộ khẩu trên địa bàn phường 25 mới được dự tuyển. Các trường sẽ xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Tương tự, ở quận 10, theo ông Nguyễn Thành Văn – Trưởng phòng GD&ĐT quận 10: “Dự kiến Trường THCS Nguyễn Văn Tố sẽ xét thêm tiêu chí về học lực của học sinh từ lớp 1 đến lớp 4; học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc KT3 tại quận 10; cộng điểm ưu tiên, khuyến khích cho những học sinh giỏi cấp TP các môn văn hóa; học sinh đoạt giải cá nhân hoặc đồng đội các kỳ thi văn nghệ, thể dục thể thao, vẽ, viết thư quốc tế, văn hay chữ tốt, giải toán trên Internet, tiếng Anh trên Internet, thi vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn…”.
Ở quận 4, ông Trần Minh Ngôn, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 4, cũng cho biết: “Để tạo sự dân chủ, công bằng cho các học sinh, Trường THCS Vân Đồn dự kiến sẽ tuyển sinh lớp 6 theo các tiêu chí: quá trình học tập trong suốt những năm ở bậc tiểu học; đạt tiêu chí về năng lực theo quy định của thông tư 30; chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động giáo dục, đạt các phẩm chất theo thông tư 30; đạt điểm chuẩn của hai môn toán, tiếng Việt trong kỳ kiểm tra cuối học kỳ 2 lớp 5 (điểm chuẩn này sẽ công bố sau khi có kết quả kỳ kiểm tra); được bình bầu khen thưởng vào cuối năm học ở trường tiểu học về thành tích nổi bật trong học tập, các phong trào thi đua hoặc các thành tích đột xuất khác. Riêng học sinh vào lớp 6 tiếng Anh tăng cường sẽ có thêm điều kiện về trình độ ngoại ngữ”.
Thi tuyển vào lớp 10 công lập
Năm nay, TP HCM tiếp tục thực hiện hình thức thi tuyển đối với tất cả học sinh tốt nghiệp THCS tại TP.HCM (không phân biệt hộ khẩu). Học sinh được đăng ký ba nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, và Trường phổ thông Năng khiếu – Đại học Quốc gia TP HCM).
Bên cạnh đó, học sinh còn được đăng ký bốn nguyện vọng vào các trường, lớp chuyên. Học sinh dự tuyển vào lớp 10 thường sẽ làm bài thi ba môn: toán, văn, môn thứ ba (thường là ngoại ngữ). Học sinh thi vào lớp 10 chuyên sẽ thi thêm môn chuyên ngoài ba môn trên.
Riêng việc tuyển sinh vào các lớp 10 tăng cường tiếng Anh được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường THPT, với các yêu cầu sau: Điểm số từng kỹ năng của toàn năm lớp 9 tăng cường tiếng Anh đạt từ 6 điểm trở lên, hoặc có chứng chỉ B tiếng Anh trở lên, hoặc có chứng chỉ Cambridge PET đạt từ 70/100, hoặc FCE từ 45/100 điểm trở lên, hoặc chứng chỉ TOEFL Junior đạt từ 785/900 điểm trở lên, hoặc các chứng chỉ tiếng Anh tương đương khác; tốt nghiệp THCS loại khá, giỏi.
Theo Hoàng Hương/Tuổi Trẻ
'Tuyển sinh đầu cấp qua mạng có thể dẫn đến hồ sơ ảo'
PGS Văn Như Cương cho rằng, việc tuyển sinh đầu cấp qua mạng sẽ giúp phụ huynh không phải chen nhau mua hồ sơ tại các trường, nhưng nếu làm không chặt chẽ dễ dẫn đến hồ sơ ảo.
Sau khi lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin việc sẽ triển khai tuyển sinh đầu cấp qua mạng, nhiều trường trên địa bàn Hà Nội cho biết, chưa nhận được phương án cụ thể.
Sẽ hết cảnh đạp đổ cổng trường mua hồ sơ
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), chia sẻ, ông đã đọc thông tin trên báo. Phương pháp này có lợi thế là giảm thiểu được số người chen nhau mua hồ sơ tại các trường. Vì thế, tình trạng đạp đổ cổng trường mua hồ sơ đăng ký học cho con sẽ không còn nữa.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 năm 2015, hàng trăm phụ huynh chen lấn, chờ đợi cả tiếng đồng hồ để mua hồ sơ đăng ký cho con vào trường Lương Thế Vinh. Số hồ sơ bán ra trong ngày đầu là 800 bộ. Nếu tuyển sinh qua mạng, tình trạng trên sẽ được cải thiện.
Phụ huynh chen chân mua hồ sơ vào lớp 6 tại trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Hoàng Anh.
Tuy nhiên, theo PGS Văn Như Cương, để thực hiện phương án nộp hồ sơ online, cần có hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng hồ sơ ảo. Ông mong muốn sớm nhận được phương án chi tiết của Sở GĐ&ĐT Hà Nội để có định hướng tuyển sinh cho trường. Dự kiến thời gian công bố tuyển sinh vào lớp 6 là sau Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Maie Curie (Hà Nội) cho biết, năm học 2015, trường thực hiện việc tuyển sinh đầu cấp qua mạng nên năm học này không còn bỡ ngỡ. Dự kiến, phương án tuyển sinh năm nay của trường cũng online, vì giúp phụ huynh và học sinh đỡ vất vả hơn.
Theo ông Khang, những học sinh giỏi cấp thành phố sẽ được cộng điểm xét tuyển bởi, hiện nay học sinh tiểu học có điểm số gần tương đương nhau. "Đi mua trứng tôi không thích chọn những quả trứng giống nhau, nên phải đưa ra các tiêu chí để chọn những quả trứng nổi trội hơn", ông Khang chia sẻ.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, trường có đầu vào thấp nên việc tuyển sinh qua mạng có lợi thế. Tuy nhiên, việc xét tuyển này phải có phương án cụ thể để đối chiếu hồ sơ thực tế, tránh tình trạng tiêu cực.
Hạn chế tiêu cực trong tuyển sinh
Nhận định về phương pháp tuyển sinh đầu cấp qua mạng, TS Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, đây là cách thức làm tốt nếu được thực hiện chặt chẽ, còn lỏng lẻo sẽ gây rối loạn.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT phải giám sát thực hiện, quản lý cùng các trường, để đảm bảo học sinh trúng tuyển là thực chất. Bởi thực tế cho thấy, mỗi mùa tuyển sinh đều có tình trạng các trường "dấm dúi" tuyển đông hơn chỉ tiêu. Nếu có sự quản lý của Sở GD&ĐT, tình trạng "chạy chọt" sẽ hạn chế.
Để hình thức tuyển sinh qua mạng tránh được những bất cập, theo TS Hương, cần có danh mục họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh thư nhân dân của cha mẹ để xác nhận. Mỗi lý lịch cũng chỉ được đăng ký một lần, tránh tình trạng nộp vào - rút ra. Thông tin này cũng được sử dụng để làm học bạ cho học sinh, tránh tình trạng phụ huynh làm "ảo".
Đối với các trường thu hút thí sinh, nữ tiến sĩ cho rằng, tình trạng "nghẽn" hồ sơ qua mạng khó có thể xảy ra, bởi hình thức này được phân bổ theo từng website của trường chứ không tập trung ở một đầu mối.
Ngày 14/1, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang xây dựng phần mềm tuyển sinh online cho cả ba bậc mầm non, tiểu học và THCS. Mục tiêu của phần mềm này là giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Theo đó, phụ huynh chỉ cần đăng nhập vào cổng thông tin tuyển sinh của trường để hoàn thành hồ sơ, đăng ký cho con vào lớp 1 và lớp 6. Những trường hợp được duyệt sẽ mang hồ sơ gốc đến đối chiếu và làm thủ tục.
Theo Zing
Hà Nội sẽ tuyển sinh đầu cấp qua mạng Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở này đang xây dựng phần mềm tuyển sinh online cho cả ba bậc mầm non, tiểu học và THCS. Sáng 14/1, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết học kỳ I khối tiểu học. Theo phản ánh của đại diện phòng giáo dục và đào tạo một số quận, huyện, sĩ số...