Tuyển sinh đại học vẫn nhiều cái khó
Vẫn còn những rào cản cần sớm có hướng tháo gỡ hoặc những chính sách hỗ trợ để các trường an tâm hơn trong việc sàng lọc đầu vào theo chuẩn của mình.
Mới đây, trong quá trình kiểm tra, thống kê số liệu trước khi gửi giấy trúng tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên tại TPHCM thì Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM phát hiện, mỗi thí sinh như vậy cùng lúc trúng tuyển vào khoảng 4 trường đại học uy tín. Đó là chưa kể nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra năng lực hay hình thức xét tuyển bằng học bạ… mà hàng loạt trường đại học đang triển khai.
Số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục – Đào tạo cho thấy, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học năm 2019 gần 490.000, tăng 7% so với năm 2018. Trong đó, phương thức xét tuyển bằng điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia xấp xỉ 342.000 chỉ tiêu, tương đương năm 2018. Các phương thức khác tăng 36.000 chỉ tiêu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, số thí sinh “ảo” theo các hình thức xét tuyển năm nay là không hề nhỏ. Bên cạnh số lượng hồ sơ “ảo”, mặt bằng chất lượng đầu vào của sinh viên cũng là vấn đề đáng lo ngại. Dẫn ví dụ có nhiều sinh viên của trường điểm xét theo học bạ rất cao nhưng vào học được một thời gian thì không theo nổi, hay có em điểm học bạ gần 28 điểm mà thi Trung học phổ thông Quốc gia chỉ 17-18 điểm…
Ông Dũng cho rằng phương thức khác nhau không thể tạo ra đầu vào giống nhau. Vậy nên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng các trường cần ngồi lại để thống nhất những phương thức quan trọng chứ không phải cứ càng nhiều phương thức xét tuyển là hiệu quả.
“Tôi vẫn ủng hộ xu thế xét tuyển đại học dựa vào kết quả kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia vì khi chúng ta cho các em có một mặt chung tổng thể ở đầu vào thì chất lượng sẽ đồng đều so với việc áp dụng quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Đa dạng quá có thể gây ra tình trạng lộn xộn và gây “ảo” nhiều phần”, ông Dũng nói.
Video đang HOT
PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Nói đến tỷ lệ “ảo”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết thêm, cái khiến nhiều trường đại học đau đầu nhất hiện nay là việc dự đoán nhu cầu để gọi sinh viên đúng với chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định vì gọi thiếu sẽ không đủ nguồn lực “nuôi quân” mà gọi dư thì bị phạt.
Cùng suy nghĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM khẳng định đây là cái khó khiến nhiều trường băn khoăn nhất hiện nay. Đa phần các trường dự đoán dựa trên kinh nghiệm chứ không hề có sự hỗ trợ nào để trừ hao giữa năm này với năm kia nhằm tránh bị xử phạt.
PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Ông Hải tâm tư: “Năm nay trường gọi bao nhiêu thì tuyển sinh được như thế nào, chuyện đó chẳng khách gì “đếm cua trong lỗ”. Khi gọi tuyển sinh, chúng tôi dự trù khoảng 90% nhưng các em chỉ vào mới 80% là chúng tôi thiếu chỉ tiêu. Năm nay thiếu chỉ tiêu sẽ không được bù đắp bằng chỉ tiêu của năm sau mà nếu các trường gọi dư thì sẽ bị phạt, bị kỷ luật. Do đó, theo tôi, nếu như năm nay các trường đoán không được tỷ lệ tuyển sinh hoặc dự đoán không chính xác thì Bộ Giáo dục – Đào tạo cần tạo điều kiện cho các trường được bù đắp chỉ tiêu đó cho năm sau. Việc xử lý về dư chỉ tiêu cần được thực hiện trong giai đoạn dài hơn, 3 năm chẳng hạn”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đại học, Đại học quốc gia TPHCM lại trăn trở về nguồn dữ liệu thông tin từ thí sinh. Hiện nay Bộ Giáo dục – Đào tạo thống nhất đầu mối đăng ký xét tuyển trên toàn quốc. Thí sinh thì đăng ký thông tin với sở giáo dục – đào tạo tại địa phương. Trong khi đó, các trường lại thực hiện quá trình xét tuyển. Đặc biệt một số trường còn tổ chức thi năng khiếu. Việc thí sinh đăng ký thông tin một nơi khiến các trường không biết được thông tin mà các em đăng ký vào trường mình như thế nào để kịp thời có những thông báo gửi đến các em hoặc gọi thí sinh thi năng khiếu. Đó là khó khăn mà nhiều trường đang gặp phải.
TS. Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đại học, Đại học quốc gia TPHCM
Từ những khó khăn trên, đại diện nhiều trường đại học cho rằng họ cần thêm những hỗ trợ để gia tăng quyền tự chủ trong tuyển sinh vì hiện nay vẫn còn vài nút thắt khó tháo. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Lê Hải An cho rằng, việc áp dụng các phương thức xét tuyển là quyền tự chủ của các trường, tuy nhiên vẫn cần cân nhắc lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo chất lượng tốt nhất, đánh giá được cả quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Bộ sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm của các trường về tuyển sinh, chất lượng đào tạo./.
Theo VOV
Điểm chuẩn vào đại học năm 2019 có thể tăng nhẹ
Theo dự đoán của đại diện nhiều trường đại học tại TP HCM, điểm chuẩn vào đại học năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm 2018.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM nhận xét phổ điểm các môn thi năm nay có sự phân hóa rõ rệt, đảm bảo được cả 2 tiêu chí xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Theo phân tích của ông Sơn, với phổ điểm này tỷ lệ tốt nghiệp tại các tỉnh sẽ vẫn ở mức đảm bảo còn các trường đại học vẫn đủ độ tin cậy để sàng lọc đầu vào vì có sự phân hóa rất rõ ở mức điểm cao.
Ths Phạm Thái Sơn dự đoán: "Dựa vào phổ điểm của các khối năm nay chúng ta có thể dự đoán những trường đại học ở top trên sẽ có ngưỡng điểm cao hơn, cao hơn so với năm ngoái từ 1-3 điểm. Đối với những trường hàng năm có mức trúng tuyển từ 18-21 điểm thì năm nay có thể sẽ cao hơn. Nhưng mức điểm tăng lên theo tôi sẽ không vượt quá 2 điểm so với điểm trúng tuyển vào các ngành, các trường đó trong năm 2018".
Điểm nhận hồ sơ xét tuyển của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM năm nay dự kiến là 18 điểm với chương trình đại trà và 17 điểm với chương trình chất lượng cao. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, điểm chuẩn các ngành sẽ tăng nhẹ, không quá 1 điểm. Riêng các ngành có số lượng thí sinh đăng ký nhiều có thể tăng 1-1,5 điểm.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho hay: "Năm nay số lượng thí sinh đạt từ 22 điểm trở xuống số lượng cũng kha khá nhưng số thí sinh đạt trung bình 8, 9 điểm, thậm chí 10 điểm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong bối cảnh đó, dự kiến điểm chuẩn của nhà trường sẽ có tăng".
Tuy phổ điểm không thay đổi nhiều so với năm 2018 nhưng năm nay nhiều trường đã tăng tỷ lệ phần trăm xét tuyển dựa vào phương thức xét học bạ, thi đánh giá năng lực, tổ chức kỳ thi riêng... và kéo giảm tỷ lệ xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia như mọi năm.
Hiện nay, rất nhiều thí sinh đã trúng tuyển theo các hình thức nói trên. Do đó, việc xét tuyển dựa vào điểm thi THPT Quốc gia năm nay ít nhiều sẽ thay đổi so với năm 2018 trở về trước.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban đào tạo Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP HCM phân tích:"Có thể điểm chuẩn của các trường đại học năm nay sẽ có khá nhiều biến động. Một khi các trường đã chia sẻ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác thì chỉ tiêu tuyển sinh của các trường dành cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia sẽ giảm đi. Do đó theo tôi năm nay sẽ có môt số ngành điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ".
Mặt bằng chung điểm chuẩn dự kiến sẽ tăng nhẹ, những ngành "hot" sẽ không có quá nhiều biến động là dự đoán của các chuyên gia hay đại diện các trường đại học tại TPHCM. Các chuyên gia cho rằng, khi đã có kết quả, nhìn thấy phổ điểm, điều thí sinh cần làm là so sánh điểm thi của mình với điểm chuẩn các năm để có sự điều chỉnh nguyện vọng nếu cần. Quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu kỹ thông tin nhằm chọn được ngành học phù hợp./.
Theo VOV
Điểm chuẩn ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM dự báo tăng cao nhất 2 điểm PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã tư vấn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và đưa ra dự báo điểm chuẩn năm 2019. Tối 15/7, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã tổ chức livestream tư vấn thí sinh về điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học và dự báo điểm...