Tuyển sinh đại học: Nhiều ngành chưa có thí sinh
Thống kê sơ bộ tình hình đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển đại học năm nay cho thấy những ngành “hot” vẫn thu hút nhiều thí sinh, trong khi có ngành hiện vẫn chưa có thí sinh nào đăng ký.
Các chuyên gia dự đoán sau khi có điểm thi sẽ có những biến động lớn về điều chỉnh NV vào ĐH. Trong ảnh: thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngành CNTT Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có số thí sinh đăng ký NV1 cao gấp 18 lần so với chỉ tiêu, còn nếu tính tổng số NV thì con số lên đến hơn 6.000 NV/160 chỉ tiêu, nghĩa là số NV cao gấp gần… 40 lần so với chỉ tiêu.
Các ngành như kỹ thuật ôtô số NV1 đăng ký gấp bốn lần chỉ tiêu, các ngành điều khiển – tự động hóa, kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ thực phẩm… đều có số lượng NV1 cao hơn ba lần so với chỉ tiêu.
Xu hướng lựa chọn các ngành liên quan hoặc có dính dáng đến công nghệ 4.0. Các ngành khác có thể các em nghĩ đến sự “vất vả” nên không mặn mà.
TS Phạm Thanh Hà (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải)
Trường lớn vẫn ít NV
TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết tổng số NV đăng ký xét tuyển vào trường tính đến hiện tại gần 32.000/5.000 sinh viên và 200 chỉ tiêu cho năm ngành đào tạo ở Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre.
“Theo thống kê tổng NV 1 2 3, các ngành/nhóm ngành có số lượng đăng ký cao là kỹ thuật ôtô, nhóm ngành kỹ thuật máy tính và khoa học máy tính, nhóm ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp và logistics; các ngành đào tạo tại Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre có số lượng đăng ký ít” – ông Thông cho hay.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH năm nay của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 3.235 sinh viên.
Theo ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông nhà trường, tính đến thời điểm này số NV đăng ký xét tuyển vào trường là 19.700.
Trong đó, nhóm ngành máy tính và CNTT là nhiều nhất với 5.900 NV (khoảng 2.500 NV1) trong khi trường chỉ dành khoảng 330 chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 ở nhóm ngành này.
Những ngành có ít nguyện vọng gồm: hải dương học, địa chất và kỹ thuật điện tử – viễn thông (chất lượng cao).
“Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre với hai ngành sinh học và khoa học môi trường cũng có rất ít thí sinh đăng ký NV” – ông Quán cho biết.
Theo thống kê của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tổng số NV thí sinh đăng ký xét tuyển thấp hơn năm ngoái. Tính đến thời điểm hiện tại, hai ngành có số NV đăng ký nhiều nhất là công nghệ kỹ thuật ôtô và CNTT.
Video đang HOT
Còn theo TS Trần Đình Lý – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, tình hình thí sinh quan tâm đến các nhóm ngành của trường tương đương năm 2017: “Nhóm ngành chất lượng cao sau một năm tuyển sinh, năm nay thí sinh quan tâm khá nhiều ở một số ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thực phẩm. Các ngành thu hút nhiều thí sinh với số lượng NV khá nhiều gồm: công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, thú y, công nghệ kỹ thuật ôtô, ngôn ngữ Anh…”.
Sẽ có nhiều biến động khi điều chỉnh NV
ThS Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết tính đến thời điểm này nhà trường nhận được khoảng 18.000 NV đăng ký xét tuyển, số NV 1 2 3 chiếm tỉ lệ 68%.
Ngành công nghệ thực phẩm có lượng NV chiếm tỉ lệ cao nhất với số lượng đăng ký vào NV 1 2 3 đạt gần 2.000 (chỉ tiêu là 400). Ngành có số NV thấp nhất là công nghệ vật liệu với hơn 100 chỉ tiêu nhưng số NV 1 2 3 chỉ đạt 53.
Đáng chú ý, các ngành mới như khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, khoa học chế biến món ăn cũng có số lượng NV1 đăng ký cao hơn chỉ tiêu khá nhiều.
Các ngành thuộc nhóm công nghệ môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường cũng có số lượng đăng ký cao hơn năm 2017.
Nhiều chuyên gia cho rằng những ngành “hot” có đông thí sinh đăng ký chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi sau khi thí sinh điều chỉnh NV.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định: “Số lượng NV đăng ký tại thời điểm này chủ yếu phản ánh mức độ yêu thích ngành nghề của thí sinh, chứ không phản ánh sự tương thích giữa lựa chọn của thí sinh với năng lực thực sự của các em. Sau khi có kết quả thi, thí sinh mới có những điều chỉnh căn cứ trên điểm thi thực tế”.
Ngôn ngữ Nga: chưa có thí sinh đăng ký
Thống kê từ các trường đại học cho thấy dù quy chế cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn NV, nhưng vẫn có những ngành đào tạo hiện không có thí sinh nào đăng ký xét tuyển.
GS Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho biết bên cạnh các ngành có lượng đăng ký lớn như công nghệ thông tin, kế toán, quản lý nhà nước, thì một số ngành của trường đang khó tuyển như tài nguyên môi trường, ngôn ngữ Nga.
Trong đó, ngành ngôn ngữ Nga hiện chưa có thí sinh nào đăng ký xét tuyển. “Năm 2017 cũng có một thí sinh trúng tuyển ngành này.
Vì vậy, chúng tôi buộc phải đề nghị thí sinh chọn một ngành đào tạo khác chứ không thể đào tạo duy nhất một thí sinh cho cả một ngành được” – GS Hóa nói.
Theo tuoitre.vn
Ứng dụng công nghệ 4.0 để truyền cảm hứng trong giáo dục lịch sử
Trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng CNTT vào đổi mới giáo dục đang là xu thế tất yếu không thể đảo ngược ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và ở Việt Nam, ngành giáo dục cũng cần phải thay đổi tư duy, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, tận dụng tối đa mọi nguồn lực xã hội để có thể "đi tắt, đón đầu" cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tương lai gần.
Ứng dụng công nghệ 4.0 - Xu thế tất yếu của nền giáo dục hiện đại
Nước Mỹ là quốc gia với chiều dài lịch sử chỉ hơn 300 năm, tuy nhiên việc học lịch sử tại đây không vì thế mà trở nên kém hấp dẫn. Được biết tại Mỹ, ngoài việc SGK Lịch sử có nhiều hình ảnh, bản đồ minh họa khá sinh động, quốc gia này còn có hệ thống học liệu hấp dẫn dành cho môn Lịch sử thông qua việc số hóa các tài liệu, tích hợp CNTT, kỹ thuật đồ họa để đưa vào phục vụ việc giảng dạy và học tập.
Nhiều sự kiện, học sinh được dành nguyên 1-2 tiết để xem các bộ phim điện ảnh, phim tư liệu có nội dung liên quan. Sách giáo khoa ít khi cần dùng tới trong giờ học nhưng các em vẫn nắm vững kiến thức Lịch sử nhờ hệ thống học liệu trên đây.
Theo một nghiên cứu sinh Viện ĐH Công nghệ Texas (Mỹ), khác với cách dạy và học Lịch sử ở Việt Nam, tại Mỹ, cách dạy và học sinh động giống như là cuộc hành trình "du ngoạn" vào quá khứ.
Tương tự tại Nhật Bản, việc dạy và học môn Lịch sử từ lâu đã không còn dừng lại ở việc học sinh tiếp thu kiến thức đơn thuần thông qua sách giáo khoa, thay vào đó là các phần mềm dạy học thông minh, sách giáo khoa điện tử được tích hợp hình ảnh nhân vật lịch sử, video, lược đồ...được đồ họa, mô phỏng hết sức sinh động và trực quan, cuốn hút học sinh.
Sách giáo khoa điện tử môn Lịch sử của Nhà xuất bản Tokyo Shoseki (Nhật Bản)
Ở mỗi tiết học môn Lịch sử tại Nhật Bản, giáo viên sử dụng nhiều hình ảnh, bản đồ được đồ họa sinh động, các nhân vật cũng được mô phỏng với những bộ trang phục truyền thống, tích hợp kèm với nội dung thông tin,kiến thức. Việc làm bài tập về nhà được diễn ra thông qua các trò chơi như thiết kế trang báo, diễn kịch, sử dụng phần mềm kiểm tra đánh giá...
Trong khi đó tại Việt Nam, học sinh học môn Lịch sử hàng ngày vẫn phải ghi nhớ quá nhiều các thông tin như các mốc sự kiện, ngày tháng, ..v..v.., trong khi không có các công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả. Điều này góp phần làm cho môn lịch sử bị mất đi tính hấp dẫn nói chung.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, thành viên nhóm biên soạn Chương trình SGK mới bộ môn Lịch Sử, Chủ tịch hội đồng thẩm định Bộ tư liệu dạy học lịch sử của công ty cổ phần Trường học thông minh) cũng thừa nhận, việc dạy môn Lịch sử hiện nay mặc dù cũng đã có cố gắng đổi mới về phương pháp, nhưng đa số vẫn theo hướng tiếp cận nội dung, nặng về kiến thức, nên chưa hấp dẫn.
Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến việc thiếu nhiều thiết bị dạy học, không có phòng học chuyên dùng cho môn Lịch sử, ít phim ảnh về lịch sử để bổ trợ,....thầy cô giáo phải dạy "chay", không có thời gian nhiều cho biên soạn giáo án theo hướng ứng dụng CNTT. Ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa càng khó khăn. Cần hướng tới việc giáo viên tiếp cận với cuộc CM 4.0 để khai thác tư liệu, tham khảo sử dụng hệ thống giáo án điện tử để dạy học lịch sử tốt hơn, hay hơn.
Trận chiến Bạch Đằng năm 938 được thể hiện sống động qua hình ảnh minh họa.
Hướng tới nền giáo dục 4.0
Tại hội thảo "Ứng dụng KHCN vào công tác quản lý dạy học trong thời kì hội nhập quốc tế", do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức mới đây, TS Đặng Văn Sơn (Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH KHTN- ĐHQG Hà Nội) nhận xét: "Thời đại 4.0 nhưng hiện nhiều giáo viên đang ở mức 1.0".
"Mặc dù chúng ta nhắc nhiều đến cuộc cách mạng 4.0 trong dạy học nhưng hiện đâu đó vẫn còn rất nhiều giáo viên của chúng ta chỉ dừng ở mức 1.0, nghĩa là thầy cô cung cấp gì, học sinh học nấy. Ở cấp 3.0, hiện ở Việt Nam vẫn chưa triển khai được, học sinh vẫn rất thụ động do đó để tiến tới mức độ 4.0 ở cấp phổ thông rất khó", TS Sơn cho biết.
Trước tình hình đó, mới đây Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025" theo Quyết định số 117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đón đầu cuộc cách mạng 4.0 trong giáo dục.
Thực hiện đề án, ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, không ngừng tìm kiếm các giải pháp thiết thực và hiệu quả, nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy và học .
Đến nay đã có 52 tỉnh/thành phố ban hành Đề án hoặc Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng, làm cơ sở để các địa phương triển khai có hiệu quả công tác ứng dụng CNTT trong GD&ĐT. Mặc dù vậy, ở các trường phổ thông, việc áp dụng CNTT vào dạy học vẫn chưa đồng đều nên hiệu quả chưa cao.
Sự tích bánh chưng bánh dày được tái hiện qua hình ảnh.
Smartschool và sứ mệnh truyền cảm hứng cho giáo dục lịch sử
Để thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ 4.0 vào đổi mới phương pháp dạy và học, ngành giáo dục rất cần đến sự chung tay ủng hộ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.
Và mới đây, là một trong những doanh nghiệp đầu tư dài hạn cho những dự án đổi mới giáo dục, Công ty cổ phần Trường học thông minh đã cho ra đời Phần mềm giáo án điện tử môn lịch sử Smartschool, như một bước tiên phong trong đổi mới tư duy và phương pháp dạy học môn Lịch sử hiện nay.
Phần mềm giáo án điện tử môn lịch sử Smartschool là phần mềm được phát triển theo công nghệ điện toán đám mây, chạy online trên nền tảng web, cho phép người dùng sử dụng mọi lúc, mọi nơi qua internet hoặc trình chiếu để giảng dạy khi không có kết nối internet.
Phần mềm được tích hợp đồng thời nhiều tính năng và nội dung bao gồm: Phần mềm soạn giáo án, Hệ thống giáo án điện tử từ lớp 4 đến lớp 12, Thư viện số về lịch sử (tư liệu, video, hình ảnh, bản đồ, lược đồ...). Giáo viên có thể sử dụng trực tiếp các giáo án được biên soạn sẵn để giảng dạy hoặc chỉnh sửa, tạo ra giáo án của riêng mình với sự hỗ trợ từ Thư viện số về lịch sử.
Với việc ứng dụng phần mềm, giờ đây những tiết học lịch sử không chỉ đơn thuần là những số liệu, kiến thức khô khan, khó hiểu, thay vào đó là những hình ảnh, video, lược đồ lịch sử... được đồ họa, mô phỏng đầy sống động, giúp các em học sinh có thể dễ học, dễ nhớ.
Ứng dụng công nghệ đồ họa trong dạy học lịch sử
Theo Lãnh đạo công ty này, Phần mềm giáo án điện tử môn lịch sử Smartschool được cập nhật các ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất hiện nay, cung cấp bộ giải pháp ưu việt và mạnh mẽ đáp ứng đầy đủ các nhu cầu đa dạng về giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh.
Sự tham gia của Smartschool và Phần mềm giáo án điện tử môn Lịch sử là một ví dụ điển hình cho sự tham gia của một doanh nghiệp vào công cuộc đổi mới giáo dục. Đây vừa là nền tảng, vừa là động lực để các doanh nghiệp, cùng với chính phủ và ngành giáo dục nước nhà có thể "đi tắt, đón đầu" cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tương lai gần.
Theo Dân trí
Thiếu 70.000 nhân sự ngành công nghệ thông tin vào cuối năm 2018 Theo báo cáo của Vietnamworks, sự thiếu hụt nhân sự của ngành CNTT sẽ không dừng lại trong thời đại mọi ngành nghề đều liên quan đến tự động hóa. Báo cáo của Vietnamworks cho biết, ước tính có khoảng 80.000 nhân lực ngành công nghệ thông tin ra trường trong năm 2017. Ngay cả khi tất cả số đó làm đúng nghề,...