Tuyển sinh đại học mở hết cỡ nên ‘trượt khó hơn đỗ’
Ông Lê Quân cho rằng, việc tuyển sinh của các trường đang “mở hết cỡ” nên việc trượt đại học “khó hơn đỗ”.
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 24/10, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về công tác giáo dục, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10. Ảnh: Võ Hải.
Theo Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân, đang có tình trạng lãng phí trong đào tạo do tâm lý ai cũng muốn học đại học, cũng mong được làm thầy mà ít người xác định trở thành thợ giỏi.
“Đầu vào giáo dục đại học mở ra hết cỡ. Có thể nói nhiều khi trượt đại học khó hơn đỗ. Người dân lại có tâm lý khoa bảng, dẫn tới việc học xong luôn mong muốn làm thầy. Trong khi doanh nghiệp cần nhân lực lao động nghề giỏi lại không có”, ông Quân nói.
Lãnh đạo Bộ Lao động cho rằng, chi phí đào tạo một sinh viên cao đẳng hay đại học lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng năm năm qua, số lượng việc làm mới, nhất là việc làm đòi hỏi trình độ đại học không nhiều. Nếu người tốt nghiệp đại học thất nghiệp hoặc phải làm công việc thủ công thì lãng phí. Do đó cần tuyên truyền, có chính sách để xã hội, người dân thay đổi nhận thức, có lựa chọn thích hợp cho con em mình trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Video đang HOT
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu thực trạng có thủ khoa đại học vẫn thất nghiệp. Ảnh: Võ Hải.
Trưởng ban quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc đột phá chất lượng nguồn nhân lực đang đi chậm so với yêu cầu chung. Bên cạnh đó, ông Hiểu cho biết có tình trạng mất cân đối về trình độ đào tạo, nghề nghiệp và việc làm, công tác đào tạo nghề yếu kém, dàn trải, chắp vá và không định hình được mô hình đào tạo.
“Đang có một nghịch lý chưa bao giờ xảy ra”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói và cho hay, chưa bao giờ những cử nhân, thạc sĩ phải đi làm công nhân như hiện nay.
Một vấn đề khác được bà Khánh nêu ra là trước đây, nhiều học sinh giỏi chọn học ngành sư phạm nhưng hiện nay số học sinh giỏi lại chọn ngành công an, quân đội.
“Đây là nghịch lý chưa bao giờ có, là cảnh báo cho chúng ta trong hoạch định chính sách”, đại biểu Khánh nói.
Theo VNE
Chốt tăng lương năm 2018 mức 6,5%: Hai bên không hài lòng
Sau ba lần họp căng thẳng, sáng nay (7.8), phiên họp tăng lương tối thiểu vùng đã đi đến kết luận cuối cùng. Theo đó, phương án được đa số thành viên lựa chọn bỏ phiếu tán thành là 6,5%.
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia chủ trì phiên họp báo chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Ông Diệp nhấn mạnh, phương án tăng lương ban đầu của các phiên và các bên khác nhau. Qua 3 lần nỗ lực thương lượng, đối thoại, 2 bên đã đi đến phương án với khoảng cách gần hơn.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp báo chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 2018. Ảnh: M.N.
Tới hôm nay (7.8), đã đưa ra 2 phương án, tăng trung bình 6,5% và tăng trung bình 7%. Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng đưa ra phương án bỏ phiếu. Kết quả: 6 thành viên đồng ý tăng 7% và 8 thành viên đồng ý tăng 6,5%, nên chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng cuối cùng là 6,5%.
Dựa trên kết quả này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng.
"Mức tăng lương lần này đều được cân nhắc dựa trên bối cảnh kinh tế, sự phát triển của doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời tính toán đến sự chi trả của các doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế" - ông Diệp nói.
Lương tối thiểu vùng năm 2018 bình quân đạt 6,5%, cụ thể từng vùng như bảng trên.
Ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa thoả mãn với phương án tăng lương này.
"Dựa trên những thoả thuận, đàm phán, chúng tôi mong muốn được chia sẻ với doanh nghiệp. Nếu đúng như mong muốn thì phải tăng khoảng 6,8% (không thấp hơn mức tăng năm 2017). Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội đang có những khó khăn, nên Tổng Liên đoàn (đại diện người lao động) đồng ý lùi lộ trình tăng lương tối thiểu. Mức điều chỉnh bằng mức tăng lương năm 2017 cộng thêm 2% điều chỉnh chỉ số trượt giá. Nhưng với mức tăng này, lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu sẽ không đạt được vào năm 2018" - ông Chính phân tích.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho doanh nghiệp cho biết, đơn vị này không hài lòng với mức tăng 6,5%. Nguyên nhân là kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đang có nhiều gánh nặng, giờ lại phải gánh tăng lương ở mức cao.
"Qua khảo sát của chúng tôi với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài FDI cho thấy họ đều cùng quan điểm không muốn tăng lương. Nếu liên tục tăng lương tối thiểu như những năm qua thì ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp" - ông Phòng nói.
Theo ông Phòng, doanh nghiệp mong muốn người lao động bằng năng lực, kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động để có thể tăng lương và tăng mức sống tối thiểu, không thể trông chờ vào tăng lương tối thiểu để nâng cao chất lượng sống của lao động.
"Chúng tôi mong muốn lao động cùng chung sống, chia sẻ để doanh nghiệp có thể phát triển, đáp ứng được năng lực chi trả tiền lương" - ông Phòng nhấn mạnh.
Theo Danviet