Tuyển sinh đại học: Chỉ dựa vào điểm số sẽ ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực
Theo GS-TS Phan Mạnh Hưởng, nên để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh và các trường cũng cần thay đổi phương thức xét tuyển, không nên chỉ dựa vào mỗi điểm số.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 – ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trong nhiều năm qua, việc tuyển sinh ĐH ở Việt Nam hầu như chỉ căn cứ vào điểm số, những yếu tố khác như hoạt động xã hội, phẩm chất phù hợp với nghề… không phải là tiêu chí lựa chọn dù đây là những yếu tố góp phần đánh giá toàn diện năng lực của một cá nhân.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Thực tế cho thấy việc tuyển chọn theo hình thức thi tuyển tập trung đang bộc lộ những bất cập trong việc tuyển những sinh viên phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo, nghề nghiệp tương lai.
Điều này có thể dẫn đến việc sinh viên nghỉ học vì không cảm thấy phù hợp và yêu thích với ngành đào tạo, cử nhân tốt nghiệp không phát huy tốt chuyên môn, bỏ nghề làm những việc có chuyên môn khác theo sở trường… Hay cũng có những trường hợp người lao động cố làm việc nhưng mãi không tiến bộ, không đóng góp nhiều cho sự phát triển của lĩnh vực công tác, làm việc qua loa, ngại làm việc khó…”.
GS-TS Phan Mạnh Hưởng, giảng viên Trường ĐH Nam Florida (Mỹ), cho rằng trường hợp của thí sinh Ngô Văn Hiếu rất đặc biệt do từ bé em đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, yêu thương, sẵn lòng giúp đỡ bạn trong suốt 10 năm, chắc chắn sẽ trở thành lương y có tâm trong tương lai. Tiến sĩ Hưởng cho rằng nếu là ở Mỹ, trường ĐH mà Hiếu mong muốn được học, có thể xem xét tới yếu tố này để nhận Hiếu vào học.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh tuyển sinh ở Việt Nam, các trường có điểm chuẩn cao hơn mức điểm của Hiếu, dù chỉ 0,25 điểm, cũng không thể đặc cách cho Hiếu vì làm vậy sẽ không đúng với quy chế chung. Đây chính là bất cập trong phương thức xét tuyển chỉ dựa vào điểm số, khiến trường ĐH có thể mất đi một người học vừa có năng lực vừa có cái tâm phù hợp với nghề”, tiến sĩ Hưởng chia sẻ.
Theo GS-TS Phan Mạnh Hưởng, việc tuyển sinh ĐH chỉ dựa vào điểm số, trong quá trình học cũng đánh giá bằng điểm số, sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực. “Thử ví dụ, một bạn trẻ chỉ biết học và học, có điểm số rất cao nhưng kỹ năng sống và kiến thức xã hội không có thì liệu bạn ấy có thể làm được gì trong tương lai? Cách tuyển sinh đầu vào cũng sẽ quyết định đến chất lượng đầu ra. Vì thế, Bộ GD-ĐT và các trường ĐH nên thay đổi tư duy tuyển sinh để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Nên để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh và các trường cũng cần thay đổi phương thức xét tuyển, không nên chỉ dựa vào mỗi điểm số”, tiến sĩ Hưởng đề xuất.
Video đang HOT
Thạc sĩ Trần Nam cũng cho biết: “Bối cảnh mới hiện nay khiến cho sự cạnh tranh trong lao động trở nên rất gay gắt, cần tính sáng tạo luôn ở mức cao, yêu cầu nhiều hơn ở khả năng tư duy liên ngành, hay yêu cầu ở khả năng thích ứng với sự thay đổi… Điều đó đòi hỏi các trường ĐH phải tuyển chọn được những ứng viên phù hợp nhất cho quá trình đào tạo ở các bậc học khác nhau. Hơn thế nữa, một trong những yêu cầu cao hiện nay của doanh nghiệp đối với người lao động đó là tính trách nhiệm xã hội để họ không chỉ làm việc chuyên môn tốt mà còn sống nhân văn, sống có trách nhiệm”.
Từ đó, theo thạc sĩ Nam hình thức phỏng vấn thí sinh nên là một trong số những phương thức tuyển sinh mà các trường ĐH cần cân nhắc chọn lựa. Với phương thức này, các trường có thể đưa ra những trọng số như: điểm thi các kỳ thi chung, thi tuyển đầu vào; điểm trả lời phỏng vấn trực tiếp; điểm hoạt động xã hội… với trọng số cần được tính toán phù hợp để đảm bảo việc tuyển đúng, tuyển minh bạch. “Dĩ nhiên, với phương thức này, các trường ĐH cần có một nguồn lực tài chính tốt, thời gian tuyển sinh hợp lý và quy trình xét tuyển minh bạch”, thạc sĩ Nam nhìn nhận.
Tuyển sinh 2020: Nhiều trường đại học top trên đã xét xong 50% chỉ tiêu
Do những đổi mới trong phương thức xét tuyển, dành ít chỉ tiêu cho xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hơn nên đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đã công bố điểm trúng tuyển, danh sách trúng tuyển cho khoảng 50% chỉ tiêu của trường.
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại TPHCM. Ảnh: N.Huyên
Ngành "hot" điểm chuẩn học bạ vẫn rất cao
Nhiều trường đại học đã công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ hoặc xét tuyển kết hợp. Năm nay, điểm chuẩn ở nhóm ngành "hot" như kinh tế, ngôn ngữ, công nghệ thông tin và tự động hoá... vẫn ở mức rất cao.
Điểm chuẩn phương thức xét kết hợp học bạ của Trường Đại học Ngoại thương có mức từ 24,34 đến 30,68 điểm. Trong đó, các ngành có điểm chuẩn cao nhất như Chương trình chất lượng cao Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, Chương trình chất lượng cao kế toán - kiểm toán theo định hướng ACCA, Chương trình tiêu chuẩn tài chính quốc tế...
Điểm trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng thấp nhất là 21 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Kinh doanh quốc tế, lấy 27 điểm.
Trường Đại học Tài chính Marketing TPHCM có điểm chuẩn từ 20 - 28 điểm. Trong đó, các ngành có điểm chuẩn cao như Kinh doanh quốc tế (28 điểm), Kinh tế, Marketing (27,5 điểm), Ngôn ngữ Anh (26,67 điểm).
Ở khối ngành Kỹ thuật, các ngành liên quan tới tự động hoá, công nghệ thông tin cũng xếp top đầu. Điểm chuẩn vào Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trung bình từ 16 đến 27. Trong đó, điểm trúng tuyển cao nhất thuộc về ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (27 điểm). Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng có điểm chuẩn cao nhất là 26,65 điểm, chênh 8,65 điểm so với những ngành có điểm chuẩn thấp nhất.
Điểm trúng tuyển của phương thức xét điểm trung bình học bạ THPT vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM từ 28,5 đến 29 điểm. Ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ôtô. Xếp sau đó là Công nghệ kỹ thuật máy tính, Công nghệ Thực phẩm, Kỹ thuật y sinh, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa học là các ngành có điểm trúng tuyển thấp nhất với 28,5 điểm.
Mức điểm chuẩn xét tuyển kết hợp học bạ của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông năm nay nằm trong khoảng từ 22,17 - 24,07 điểm. Trong đó, ngành Công nghệ thông tin lấy điểm chuẩn cao nhất là 24,07 điểm.
Cùng với các ngành mới, ngành liên quan đến ngoại ngữ vẫn hút thí sinh khi có điểm trúng tuyển ở mức cao. Kết quả tuyển sinh phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT của Học viện Ngoại giao, ngành Ngôn ngữ Anh lấy điểm cao nhất 35,1 điểm.
Với một trường chuyên về Luật như Trường Đại học Luật Hà Nội nhưng điểm trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh lại cao hơn so với một số ngành như Luật dành cho thí sinh thuộc trường THPT chuyên, năng khiếu...
Trường Đại học Phenikaa cũng công bố điểm chuẩn tuyển thẳng và theo phương thức xét học bạ năm 2020 dao động trong khoảng 20-24 điểm. Ngành Ngôn ngữ Anh tiếp tục trong top đầu điểm xét tuyển học bạ với mức 23,5 điểm.
Kết quả xét tuyển vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội bằng học bạ, trong đó ngành Ngôn ngữ Trung Quốc lấy điểm cao nhất là 33,6 điểm, xếp trên các ngành thế mạnh về sư phạm. Hai ngành lấy điểm cao thứ nhì là Sư phạm Toán và Giáo dục tiểu học lấy 33,5 điểm.
Hàng vạn thí sinh chắc suất vào đại học
Mặc dù theo lịch dự kiến, ngày 27.8, Bộ GDĐT mới công bố điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng nhiều trường đã "chốt" được khoảng 50% chỉ tiêu.
Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương tuyển sinh theo 5 phương thức với tổng chỉ tiêu là 3.950. Đến nay, trường đã hoàn tất thủ tục đăng ký xét tuyển theo phương thức kết quả học tập THPT kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc dành cho học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11, 12 và hệ chuyên của trường THPT chuyên.
Với dự kiến 2.265 chỉ tiêu trình độ đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội đã chính thức công bố danh sách 1.184 thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét kết quả học tập bậc THPT. Như vậy, đã có khoảng 50% chỉ tiêu được xác định.
Ngoài ra, một số trường cũng đã tuyển được cả nghìn thí sinh diện tuyển thẳng và xét học bạ. Trong đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã công bố danh sách hơn 1.600 thí sinh được tuyển thẳng theo phương thức xét tuyển thẳng và xét học bạ THPT.
Theo PGS-TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - năm nay các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, chỉ tiêu vào trường cũng sẽ chia ra cho các phương thức xét tuyển này.
Do đó, chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ bị giảm đi và ngược lại điểm chuẩn theo hình thức xét tuyển điểm thi sẽ tăng lên.
Dự kiến thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra vào ngày 3-4.9
Chiều 24.8, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ thông báo đợt thi thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 dự kiến diễn ra trong hai ngày 3-4.9.2020.
Tham gia đợt thi thứ 2 là các thí sinh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk không tham gia đợt thi thứ 1 từ 9-10.8 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ông Độ cho biết, cơ quan này đã chủ động làm việc với Bộ Y tế, lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam và Đắk Lắk để thống nhất lịch thi phù hợp.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: "Bộ GDĐT đã chính thức có công văn đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2 cho tất cả các thí sinh thuộc Thành phố Đà Nẵng; thuộc 6 huyện, thị, thành phố của tỉnh Quảng Nam và thuộc Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk chưa tham dự kỳ thi đợt 1; và những thí sinh thuộc diện F1-F2 chưa thi được sẽ tham gia thi vào hai ngày 3 và 4.9". - T.Vương
Cẩn thận với các phương thức xét tuyển đại học Một trong những điểm mới của tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2020 là các trường có nhiều phương thức xét tuyển để tạo cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, do có nhiều phương thức nên nếu không tỉnh táo, đọc kỹ đề án tuyển sinh, thí sinh cũng dễ mất cơ hội chỉ trong một dấu tích. Thí sinh cần đọc...