Tuyển sinh đại học, cao đẳng: Nhiều trường khát thí sinh
Thí sinh năm nay giảm từ tổng số dự thi tốt nghiệp đến số đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Số trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh nhiều hơn năm trước.
Năm 2015, ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 15.000 thí sinh đăng ký dự thi, năm nay chỉ có 12.621 thí sinh. Ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam dự báo: Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm nay cũng sẽ giảm sút.
Thí sinh giảm mạnh
Lý do là số thí sinh không lựa chọn vào học ĐH, CĐ mà lựa chọn các con đường khác như học nghề, lao động kiếm sống ngay sau tốt nghiệp tăng lên rất nhiều.
“Sơ bộ các địa phương báo cáo các con số thí sinh đi học nghề đều tăng; số thí sinh không đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay giảm 20% nhưng con số thực do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ kiểm tra phải là 30%”, ông Quân nói.
Thí sinh dự thi ĐH – CĐ 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Những con số nêu trên cho thấy, trước mắt các trường là một mùa thi không mấy dễ dàng để tuyển đủ người học. Nên theo ông Trần Hồng Quân, hiện nay, các trường sẽ phân làm 2 nhóm: Một nhóm vì quyết sinh tử nên sẽ tuyển vượt chỉ tiêu và chấp nhận bị phạt chỉ tiêu vào mùa sau; một nhóm chỉ biết…chờ đợi thí sinh!
Ngoài ra, năm nay số địa điểm thi tăng gấp hơn 2 lần, đồng nghĩa với việc, các trường ĐH phải điều động cán bộ đi tỉnh coi thi và một loạt các vấn đề phức tạp hơn trong việc vận chuyển đề thi, bảo mật đề thi, giữ an toàn cho kỳ thi…
Nhiều trường nguy cơ đóng cửa
Video đang HOT
Nói về xu hướng tất yếu hiện nay khi các trường nhiều năm không tuyển đủ người học, ông Trần Hồng Quân cho biết, đã xuất hiện 2 xu hướng: Một là sang nhượng trường, hai là sáp nhập trường. Đây là điều không tránh khỏi trong quá trình phấn đấu để tồn tại của các trường.
Ông Quân cho rằng, khi các trường thấy đuối sức nên nhập với trường khác. Điển hình như ĐH Công nghệ TP HCM “thâu tóm” Trường Kinh tế Tài chính dù vẫn đứng 2 tư cách pháp nhân khác nhau nhưng là 1 chủ đầu tư; hay như một tập đoàn máy tính đã tiếp nhận cả ĐH Hồng Bàng và ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu. Một số trường CĐ thuộc các địa phương để sinh tồn đã sáp nhập với nhiều trường ĐH…
Đại diện một trường CĐ thuộc Bộ Công thương cho hay, đã ba năm nay lượng thí sinh thi tuyển vào trường giảm mạnh. Cán bộ của trường phải đôn đáo đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm kiếm thí sinh, mở lớp đào tạo.
“Nếu tiếp tục tình trạng này, trường đứng trước nguy cơ đóng cửa”, vị cán bộ đại diện trường CĐ nói.
Về xu hướng này, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân nhận định, đây là xu hướng mới, lành mạnh và sẽ dần hình thành các tập đoàn giáo dục. “Số phận và tương lai của các trường sẽ do thị trường đánh giá và trường nào không trụ được thì phải sáp nhập, giải thể, hoặc sang nhượng…Và như vậy sẽ buộc nhà đầu tư phải nâng cao chất lượng!”, ông Quân khẳng định.
Theo Hồ Thu/Tiền Phong
'Lo nhất năm 2017 không biết tuyển sinh kiểu gì'
Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP HCM, Phó trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia, người đã có thâm niên phụ trách công tác tuyển sinh từ nhiều năm nay.
Ông Nghĩa cho biết, với số liệu tính tới thời điểm này, số lượng cụm thi tốt nghiệp giảm nhiều so với năm 2015 bởi nhiều địa phương thấy tốn kém và không hiệu quả.
Bên cạnh đó, số lượng thí sinh tại các cụm thi do ĐH chủ trì ở mức cao. Vì vậy, các trường ĐH phải chuẩn bị kỹ phương án tổ chức thi an toàn, trật tự.
Ông Nghĩa nhận định khó khăn chủ yếu ở nhân lực.
Năm 2015, cả nước chỉ có 38 trường ĐH tổ chức thi. Năm nay, số lượng tăng gần gấp đôi lên tới 70 trường. Và như vậy là có rất nhiều trường ĐH mới tham gia tổ chức thi THPT quốc gia lần đầu tiên. Quy chế thi THPT quốc gia khác khá nhiều với Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, vì vậy các trường phải lưu ý từ khâu coi thi, tổ chức thi...
"Ví dụ, trước đây, trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, số thí sinh đến dự thi chỉ từ 70 - 80% so với số đăng ký dự thi, các trường thường sắp xếp phòng thi có thí sinh dôi ra, dự phòng những thí sinh vắng mặt. Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia thì hầu hết thí sinh tới dự thi đủ, có khi đạt tới 100%, nên các trường không được xếp chỗ dư ra như trước.
Các trường tổ chức cụm thi cần phải tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi, để đảm bảo cả cán bộ lẫn thí sinh không vi phạm quy chế".
Đăng ký môn thi: Cần thống nhất đầu mối
Ông Nghĩa lưu ý về việc chỉnh sửa môn thi của thí sinh. "Câu hỏi đặt ra là khi thí sinh đề nghị chỉnh sửa môn thi thì ai có quyền chỉnh sửa?
Hiện nay, cả sở GD&ĐT và Hội đồng thi đều có quyền này, trong khi Trung tâm in sao đề thi phải in sao theo dữ liệu từ Hội đồng thi đưa. Nếu sở đã chỉnh sửa, ví như thí sinh thi thêm môn Hóa, nhưng Hội đồng thi lại không biết, trung tâm in đề không biết, thì đến hôm thi thí sinh tới sẽ không có tên ở phòng thi. Vì vậy, Bộ phải quy định thống nhất chỉnh sửa ở một đầu mối" - ông Nghĩa đề nghị.
Ảnh: Lê Anh Dũng /VietNamNet.
Xếp phòng thi - việc phức tạp
Một vấn đề khác mà ông Nghĩa cho rằng, khá phức tạp là việc xếp phòng thi để các thí sinh cùng trường, cùng lớp không ngồi cùng trong phòng thi.
"Năm trước tại một vài địa điểm thi trên địa bàn TP HCM đã xảy ra hiện tượng nhiều thí sinh quen biết nhau ngồi chung một phòng. Có chuyện là ngay buổi thi đầu tiên đã có lãnh đạo một hội đồng thi lo lắng kêu "Kỳ thi hỏng rồi!" bởi có phòng thi phát hiện thí sinh quen nhau hết, gọi vào phòng thí sinh còn chưa buồn vào vì mải đứng nói chuyện".
Ông Nghĩa cho biết, phần mềm sắp xếp phòng thi do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm. "Nếu vẫn xảy ra trường hợp thí sinh cùng trường cùng lớp ngồi cùng phòng thì các cụm thi phải tăng cường công tác coi thi. Ở cụm thi tốt nghiệp vấn đề này nặng hơn, bởi nhiều khi mỗi huyện chỉ có một trường THPT".
Coi thi ở địa phương có "nhạy cảm"
Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, ông Nghĩa cho rằng khâu coi thi ở các cụm thi địa phương rõ ràng là đáng lo ngại khi không có trường hợp kỷ luật nào ở cụm thi tốt nghiệp. Trong khi đó, số thí sinh bị đình chỉ bởi các cụm thi đại học gấp 3 lần số thí sinh bị đình chỉ thi trong 3 đợt thi theo phương thức "3 chung" của năm 2014.
"Năm nay, các trường ĐH về địa phương tổ chức thi, nhưng tôi cho rằng không đến nỗi phải lo ngại về sự "thân thiết" giữa địa phương với trường. Chúng ta phải tin các trường ĐH, cũng như phải tin các Sở. niềm tin đó thể hiện qua kết quả cuối cùng, sẽ thấy được có minh bạch nghiêm túc hay không".
Điều lo ngại nhất
Lý giải về việc tại sao ĐHQG TP HCM không đứng ra chủ trì một nhóm xét tuyển riêng như dự tính ban đầu, ông Nghĩa cho biết đó là vì mục đích lập nhóm không rõ ràng.
"Nếu xét tuyển theo nhóm riêng, thí sinh lẽ ra được 2 "tờ giấy" thì lại thành ra chỉ cho nó 1 tờ để xét tuyển, hạn chế quyền lợi của các em. Còn nói lập nhóm để chống ảo, thì lâu nay hàng trăm trường vẫn làm cùng lúc, vẫn ảo mà vẫn tuyển sinh được đấy thôi. Vấn đề là phải vẽ ra bức tranh xét tuyển như thế nào để mình ứng phó thôi, chứ đừng nghĩ tới việc chống ảo" - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Rất tự tin trong việc chuẩn bị tổ chức các cụm thi do ĐHQG TP.HCM đảm trách, nhưng ông Nghĩa lại thổ lộ điều ông lo nhất lại là "Năm 2017 thi như thế nào?".
Ông Nghĩa trăn trở: "Trong quá khứ chưa bao giờ có tổng kết đàng hoàng về những chuyện Bộ đã làm, ví dụ như phân ban hay Đề án Ngoại ngữ 2020... ".
Theo Ngân Anh - Lê Huyền/VietNamNet
Thí sinh Trung Quốc gian lận thi cử có thể ngồi tù 7 năm Để đảm bảo tính công bằng trong kỳ thi đại học, Trung Quốc sử dụng các biện pháp mạnh như điều đội SWAT canh gác trường thi, phạt tù 7 năm đối với trường hợp gian lận thi cử. Kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc (Gaokao) được đánh giá là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới....