Tuyển sinh Đại học 2021: Thêm lựa chọn cho thí sinh
Với định hướng về thi và tuyển sinh cơ bản ổn định như năm 2020, thời điểm này nhiều trường đại học (ĐH) đã lên phương án tuyển sinh dự kiến của năm sau và công bố công khai đến các thí sinh và phụ huynh.
Nhiều cơ hội mới mở ra về cả ngành nghề và phương thức xét tuyển.
Ảnh minh họa.
Mở ngành mới, thêm phương thức xét tuyển
Năm 2021, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM dự kiến tuyển 41 ngành với 3 phương thức xét tuyển. Trong đó, riêng đối với các thí sinh xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng, trường có dành ưu tiên cho các thí sinh có điểm trung bình học bạ 5 học kỳ của từng môn theo tổ hợp từ 7,0 trở lên kèm với thư giới thiệu của thầy hiệu trưởng đối với các trường liên kết (có ký kết hợp tác).
Xét điểm IELTS từ 5.0 và 6.0 đối với từng ngành, điểm SAT từ 800 trở lên. Riêng ngành Robot và trí tuệ nhân tạo sẽ dạy và học bằng tiếng Anh, trường sẽ miễn học phí cho 10 sinh viên. Đây là thông tin hấp dẫn nhiều thí sinh và phụ huynh bởi như chia sẻ trước đó của PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, những sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo bằng tiếng Anh, cơ hội việc làm với mức lương cao rất rộng mở. Có trường hợp điểm đầu vào của các em học chương trình liên kết không cao bằng sinh viên hệ đại trà nhưng khi tốt nghiệp, với nền tảng ngoại ngữ tốt giúp các em có được công việc thu nhập tốt.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP HCM dự kiến dành tới 65% chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường duy trì 4 phương thức xét tuyển đối với 6.600 chỉ tiêu cho 50 ngành ĐH chính quy nhưng sẽ bổ sung nhiều ngành học “hot” như Rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, quản trị nhân sự, quan hệ công chúng và quan hệ quốc tế. Đại diện nhà trường cho biết đây đều là những ngành đòi hỏi nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản nhưng hiện nay chưa có nhiều trường đào tạo.
Trong khi đó, Trường ĐH Mở TP HCM năm tới dự kiến áp dụng tới 7 phương thức. Ngoài các phương thức truyền thống như trước, trường còn có thêm phương thức xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-level của Trung tâm khảo thí ĐH Cambridge theo điểm 3 môn trở lên (điểm mỗi môn đạt từ C trở lên) và kết quả kỳ thi SAT đạt từ 1.100/1.600 trở lên.
Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH hiện nay, các trường đều chủ động công bố sớm đề án tuyển sinh để tạo cơ hội cho người học cân nhắc nguyện vọng cũng như có sự chuẩn bị từ sớm nếu muốn đăng ký vào trường.
Video đang HOT
Bên cạnh phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể chọn thi thêm các chứng chỉ và kỳ thi khác để tăng cơ hội vào ngành, trường mình yêu thích. Đặc biệt, việc đỗ ĐH sớm sẽ giảm áp lực khá nhiều cho thí sinh và gia đình bởi nếu chỉ có một cơ hội duy nhất là điểm thi tốt nghiệp THPT thì rõ ràng nguy cơ may rủi rất lớn.
Khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung
Tại Hội nghị Giáo dục ĐH vừa được Bộ GDĐT tổ chức, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ GDĐH, Bộ GDĐT cho biết, để bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh, cơ sở đào tạo có phương án/kế hoạch rõ ràng, thực hiện đúng cam kết tạo lòng tin, sự ủng hộ; nên ổn định trong nhiều năm (khi thay đổi lớn cần thông báo trước 2-3 năm).
Trước mắt, các trường đều ủng hộ duy trì phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trong năm 2021. Lộ trình từ năm 2021-2025, tuyển sinh ĐH sẽ đi theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng; hình thành trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa thi trên máy tính. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ ổn định như năm 2020, tương lai sẽ tiến tới thi trên máy tính.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã giao cho Cục Quản lý chất lượng nghiên cứu điều kiện thành lập trung tâm khảo thí độc lập, chuẩn hóa về ra đề thi để các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả.
Ông Sơn cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tới đây, Cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp từng bước vào Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Nhằm tăng vai trò tự chủ và trách nhiệm của cơ sở GDĐH, đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GDĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường, đồng thời chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập các trung tâm khảo thí độc lập.
Bộ GDĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung, tích hợp các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Tuy nhiên, các trường cần tăng cường công tác tư vấn truyền thông, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, sát thực, nhất quán đối với thí sinh.
Nhìn lại kỳ tuyển sinh 2020: Ngành 'hot' cũng khó tuyển sinh
Mùa tuyển sinh năm 2020 chứng kiến cảnh "vắng vẻ" thí sinh ở một số ngành học vốn là ngành truyền thống của các trường.
Đáng nói, những ngành vốn được cho là "hot" cũng lâm vào cảnh đìu hiu, dù được doanh nghiệp đặt hàng. Làm sao để các ngành học này duy trì vị thế?
Dừng tuyển vì không có thí sinh
Tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, những ngành học như Thiết kế thời trang, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (hệ chất lượng cao, tiếng Anh), Điện tử Viễn thông hệ chất lượng cao Việt - Nhật hay ngành Môi trường chất lượng cao... có số lượng thí sinh quan tâm, đăng ký xét tuyển và nhập học rất thấp. Trước đó, trong đề án tuyển sinh 2020, trường này đã quyết định dừng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công.
Sinh viên ngành Lâm học, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM trong giờ thực hành.
Tương tự, tại Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, bên cạnh những ngành học thuộc về thế mạnh đào tạo có điểm trúng tuyển cao chót vót như Thú y, Nông học, Công nghệ sinh học thì còn một số ngành như Lâm học, Lâm nghiệp đô thị, Quản lý tài nguyên rừng có điểm trúng tuyển bằng sàn và không nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM phải xét tuyển bổ sung năm ngành học tại TP. HCM, gồm: Khoa học môi trường, Công nghệ chế biến lâm sản, Lâm học, Lâm nghiệp đô thị, Quản lý tài nguyên rừng. Đây đều là những ngành "kén" người học trong nhiều năm nay. Đợt này, trong khi điểm chuẩn hầu hết các ngành đều cao, những ngành này chỉ 16 điểm, thấp nhất cơ sở chính nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP. HCM, những ngành học trên tuy không có sức hút mạnh mẽ nhưng vì nhu cầu vẫn có nên năm nào cũng có thí sinh theo học, dù chỉ tuyển được 70 - 80% chỉ tiêu.
Năm nay, ngành Địa chất học tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. HCM) chỉ tuyển được 29 sinh viên so với 100 chỉ tiêu; ngành Hải dương học 24 sinh viên/50 chỉ tiêu. Ở trường này, có ba ngành học nhiều năm nay rất khó tuyển sinh, gồm: Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học.
Trường ĐH Nha Trang vốn có truyền thống đào tạo thủy sản duy nhất của cả nước. Trước năm 2006, trường có 5 ngành truyền thống, đặc thù về thủy sản. Nhưng giờ thì có đến ba ngành rất khó tuyển. Cụ thể, các ngành Khai thác thủy sản, Chế biến thủy sản, Nuôi trồng thủy sản mỗi năm chỉ tuyển được rất ít sinh viên. Ngành khai thác tuyển được 10-15 sinh viên/năm, ngành chế biến được 30-40 sinh viên, cao nhất là ngành nuôi trồng được khoảng 100 sinh viên. Tuy nhiên, trường vẫn phải duy trì đào tạo vì đây là những ngành thế mạnh kinh tế của tỉnh Khánh Hòa và cả khu vực lân cận.
Năm học 2020 - 2021, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM dừng tuyển sinh hai ngành học là Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng chính thức dừng tuyển sinh 4 ngành đào tạo: Hoạt hình manga Nhật Bản, Cartoon Mỹ 3D, Thiết kế tạo dáng công nghiệp 3D, Thiết kế trang trí nội ngoại thất, Ngôn ngữ Pháp vì khó tuyển sinh.
Kết quả xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT tại trường ĐH Đà Lạt cho thấy ngành Sư phạm tin học có điểm chuẩn 24, cao nhất trường, nhưng bất ngờ là không có thí sinh nào trúng tuyển. Theo nhà trường, ban đầu, cũng có một số nguyện vọng đăng ký vào ngành Sư phạm tin học nhưng vì số lượng quá ít nên trường quyết định điểm sàn là 24 để thí sinh đăng ký nguyện vọng điều chỉnh sang ngành khác, không ảnh hưởng đến thí sinh. Cùng chung cảnh ngộ còn có hai ngành Sư phạm sinh học và Sư phạm vật lý, điểm chuẩn lần lượt là 22 và 21 điểm. Mỗi ngành chỉ có hai thí sinh trúng tuyển. Dù có thí sinh trúng tuyển nhưng không ai đến nhập học.
Thống kê của Bộ GD - ĐT về công tác tuyển sinh năm 2019 cũng cho thấy, 5 nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh và nhập học thấp nhất là Nông lâm nghiệp và Thủy sản đạt 32,6%; nhóm ngành Khoa học tự nhiên đạt 34,58%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 45,28%; Dịch vụ xã hội đạt 45,71% và Khoa học sự sống đạt 50,04%.
Làm gì để tồn tại?
Một chuyên gia tuyển sinh thừa nhận, thí sinh hiện nay rất thực tế, muốn chọn "việc nhẹ lương cao", ngồi máy lạnh và dễ có vị thế. Đôi khi thí sinh chỉ nghe tên ngành học đã chạy dài như lâm nghiệp phải đi làm và sống trong rừng, thủy sản thì lội ao nuôi trồng thủy sản... Nhiều trường đại học đang phải rà soát lại những ngành khó tuyển để dừng đào tạo. Vì để duy trì ngành học, vẫn phải vận hành cả bộ máy nhân sự, thiết bị, phòng thí nghiệm...
Để thích ứng với bối cảnh mới và duy trì những ngành học khó tuyển, ngành học thuộc về thương hiệu của nhà trường, nhiều trường đã và đang xây dựng nhiều chính sách đi kèm nhằm hỗ trợ tối đa cho sinh viên. Trong đó, học bổng, việc làm là những chính sách "xương sống" nhằm tạo thêm sức hút cho ngành học.
Nhiều trường đã và đang xây dựng nhiều chính sách đi kèm nhằm hỗ trợ tối đa cho sinh viên theo học những ngành khó tuyển sinh.
Tại trường ĐH Nha Trang, những ngành khó tuyển đều là những ngành phát triển kinh tế biển rất cần nhân lực của địa phương nên trước mắt, trường miễn phí ký túc xá cho sinh viên các ngành học này, tặng nhiều suất học bổng hơn (như ngành Khai thác thủy sản mỗi năm có đến 10 suất học bổng) để thu hút người học. Về lâu dài, trường đang làm việc với chi cục thủy sản các tỉnh nhằm thống nhất đề nghị Chính phủ có chính sách đặc thù (miễn học phí) và đề xuất nhu cầu nhân lực trong 5 - 10 năm tới. Từ đó, trường tổng hợp và làm đề án trình Bộ GD - ĐT, Tổng cục Thủy sản và Chính phủ phê duyệt.
Theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và truyền thông, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP. HCM, đối với các ngành khó tuyển, dù ít sinh viên nhà trường vẫn mở lớp bình thường vì đây là những ngành đặc biệt và xã hội có nhu cầu. Năm nay, ngành Địa chất học sẽ dành năm suất học bổng toàn phần, bán phần cho thí sinh có điểm trên 22. Trường cũng mở một số ngành mới từ ngành truyền thống khó tuyển, phù hợp hơn với thị hiếu người học. Ví dụ như ngành mới Vật lý y khoa có điểm chuẩn 22 là ngành mới được tách ra từ ngành Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý học.
Tại trường ĐH Nông lâm TP. HCM, sinh viên theo học các ngành như Lâm học, Lâm nghiệp đô thị được hỗ trợ bằng chính sách "đặt hàng" đào tạo từ các doanh nghiệp, trong quá trình đào tạo nhà trường mời doanh nghiệp tới trường để tuyển dụng sinh viên.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP. HCM cho biết thêm, goài chính sách học bổng, khuyến học, khuyến tài, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhà trường đã và đang đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đến nhiều học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của nguồn nhân lực trọng yếu cũng như đóng góp của khối ngành nghề trên cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, nhà trường cũng có những ưu đãi cho sinh viên ngành này khi vào trường như cam kết chất lượng đầu ra, việc làm... nhằm "trải thảm" đón sinh viên.
Còn PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM nói rằng, một số ngành nhu cầu nhân lực vẫn rất cần nhưng lại không có người học. Điều đó buộc các trường phải tìm mọi cách để tuyển dù sĩ số học sinh không đủ để duy trì lớp. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và triển khai mô hình đại học chia sẻ là hết sức thiết thực nhằm bảo đảm việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường của các trường đại học. Ngành học đó có thể không "hot", không thu hút sự thích thú của sinh viên nhưng nó vẫn rất cần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các trường với thế mạnh đào tạo không thể bỏ được.
Ngành hot, ngành ế... Trong khi nhiều trường ĐH đang tiếp tục tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu năm 2020, thì có không ít trường đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa một số ngành học ế ẩm... vì không có sinh viên theo học. Ảnh minh họa Câu chuyện nhiều ngành học khó hút sinh viên đã diễn ra từ nhiều mùa tuyển sinh...