Tuyển sinh đại học 2020: Muôn kiểu lọc đầu vào
Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học (ĐH) đã công bố phương án tuyển sinh. Có trường chỉ dùng 1 phương án, nhưng có trường lại kết hợp đến 5 phương án khác nhau để lựa chọn thí sinh.
Xét học bạ kiểu “đặt gạch”
Xét học bạ là phương án được nhiều trường ĐH sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, theo Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy, các trường không công bố trúng tuyển trước khi tốt nghiệp THPT. Với “nhắn nhủ” này từ phía lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các trường ĐH đã sáng tạo nhiều phương án để vừa bảo đảm thu hút lượng thí sinh cần thiết theo chỉ tiêu, vừa tránh được việc có thể bị Bộ “tuýt còi”.
Cụ thể, theo Phó Hiệu trưởng trường ĐH Việt Đức Hà Thúc Viên, mỗi trường sẽ có các phương án xét tuyển học bạ khác nhau (có nơi nhận hồ sơ trực tiếp, có nơi nhận trực tuyến) và đồng thời cũng đưa ra phương thức thông báo trúng tuyển linh hoạt.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại trường THPT Việt Đức. Ảnh: Công Hùng
Thông thường, khi thí sinh nộp hồ sơ, các trường sẽ thông báo thí sinh ở dạng “trúng tuyển có điều kiện”, có nghĩa đã gần như bảo đảm các điều kiện để trở thành tân sinh viên của nhà trường. Tuy vậy, những thí sinh này sẽ chỉ được nhà trường công bố trúng tuyển chính thức khi tốt nghiệp THPT.
Dù không thông báo “trúng tuyển có điều kiện”, nhưng trường ĐH Nguyễn Tất Thành hay trường ĐH Duy Tân đưa ra phương án theo dạng “đặt gạch” khi thí sinh nộp hồ sơ, học bạ. Chia sẻ về cách thức này, TS Trương Quang Trị – Phó trưởng Khoa Du lịch và Việt Nam học, trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, thí sinh sẽ được xem xét điểm số ở 5 học kỳ (không tính học kỳ 2 lớp 12). Sau khi được xác định trúng tuyển, các thí sinh này sẽ phải chờ đợi đến lúc được cấp giấy chứng nhận tạm thời THPT thì có thể nhập học.
Dùng đến 5 phương án tuyển sinh
Do được tự chủ tuyển sinh, năm nay có trường thậm chí dùng đến 5 phương án khác nhau. Đơn cử, với trường ĐH Nguyễn Tất Thành, có 5 phương thức xét tuyển: Xét kết quả thi THPT; xét kết quả học bạ; tổ chức kỳ thi riêng; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; xét tuyển thẳng. Trong 5 phương thức này, việc xét tuyển học bạ chiếm 50% tổng thí sinh đầu vào của nhà trường.
Mục tiêu sẽ đón 5.800 tân sinh viên năm 2020, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và xét tuyển kết hợp.
Tương tự, ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà trường đưa ra 3 phương thức: Xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Lưu ý về phương thức xét tuyển kết hợp, TS Trần Trung Kiên – Trưởng Phòng Tuyển sinh trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh, Hội đồng tuyển sinh chốt phương án thi bổ sung dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu đặc thù của khối ngành kỹ thuật. Điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán – Lý hoặc Toán – Hóa) để xét tuyển.
Theo chia sẻ của ông Kiên, phương thức xét tuyển kết hợp chỉ áp dụng cho khối ngành kỹ thuật và kinh tế, dự kiến lấy từ 30 – 35% chỉ tiêu.
“Nên kết hợp nhiều phương án”
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, để có được chất lượng đầu vào tốt nhất nên kết hợp nhiều phương án tuyển sinh, trong đó có các điều kiện cần và điều kiện đủ.
Ông Triệu nêu quan điểm: “Nếu xét tuyển thuần theo điểm thi có thể thí sinh sẽ không có ngoại ngữ tốt. Còn nếu chỉ nhăm nhăm tập trung cho chất lượng ngoại ngữ, có thể thí sinh sẽ rơi vào tình huống các môn học cơ bản yếu, chính vì thế xét tuyển kết hợp sẽ khắc phục những khiếm khuyết này”.
Luận bàn về phương án chỉ xét học bạ, TS Bùi Đức Triệu cho rằng, sẽ là thiếu công bằng với các thí sinh. Bởi lẽ, có thể nơi khó, nơi dễ, có một số nơi “học bạ long lanh”, nhưng có một số nơi khác lại chặt chẽ hơn. “Để tránh tình huống phụ thuộc vào học bạ trong khi chúng ta chưa chắc chắn về nó, do vậy, sau khi xét học bạ, các trường có thể tính toán đến 2 điểm nữa, ví dụ học bạ thí sinh là học sinh giỏi, cần xem xét điểm môn Toán để bổ sung” – ông Triệu đặt giả thiết.
Liên quan tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT, có thể gây khó khăn cho công tác tuyển sinh nếu trường ĐH sử dụng kết quả này, ông Triệu quả quyết: “Không đáng lo!”. Theo phân tích của Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Bộ GD&ĐT đã có 4 năm chuẩn hóa ngân hàng đề thi THPT, do vậy, cho dù năm nay độ khó của đề sẽ giảm, sẽ có nhiều thí sinh “qua” với các điểm trung bình, còn từ điểm 7 trở lên sẽ có phân hóa thí sinh.
Trước những điều chỉnh linh hoạt về công tác tuyển sinh ở các trường ĐH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, dù như thế nào, trong tuyển sinh, các trường phải tổ chức trong nhẹ nhàng, đáp ứng được các yêu cầu và thí sinh an tâm, dư luận đồng tình. “Các trường phải rà soát thật kỹ thông tin liên quan đến tuyển sinh trước khi công bố công khai. Bộ GD&ĐT sẽ thanh, kiểm tra nội dung này” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
“Để có được chất lượng đầu vào tốt nhất nên kết hợp nhiều phương án tuyển sinh, trong đó có các điều kiện cần và điều kiện đủ.” – Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân TS Bùi Đức Triệu
Phương thức tuyển sinh chính thức của các trường đại học
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 13.5, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề 'Phương thức tuyển sinh chính thức của các trường ĐH'.
Chương trình được phát trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế tuyển sinh ĐH chính thức năm 2020, các trường ĐH đã họp bàn và chốt đề án tuyển sinh cuối chính thức. Với một số trường, đề án này có nhiều điểm mới so với thông tin dự kiến đã công bố trước đó.
Tham gia buổi trực tuyến, đại diện các trường ĐH sẽ thông tin chi tiết phương án tuyển sinh chính thức của trường mình, đồng thời giải đáp những băn khoăn của thí sinh về lựa chọn ngành nghề.
Chuyên gia tham dự chương trình gồm có: tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức; tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM; thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
14:41
Chào mừng các bạn đến với chương trình tư vấn trực tuyến "Phương thức tuyển sinh chính thức của các trường ĐH". Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook Báo Thanh Niên và kênh YouTube. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Thưa các bạn, cuối tuần vừa qua, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố quy chế tuyển sinh đại học. Đây là cơ sở để các trường đại học có những điều chỉnh, thay đổi các đề án tuyển sinh đã công bố trước đó. Vài ngày qua, nhiều trường đã đưa ra đề án tuyển sinh gần như chính thức. Phương án này có những điểm mới gì? Thay đổi gì so với trước đây?... Những thông tin này hiện nay thật sự cần thiết đối với thí sinh.
Để đáp ứng nhu cầu này của học sinh lớp 12 và cả thí sinh tự do, Báo Thanh Niên thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến về các phương thức tuyển sinh các các trường đại học năm nay ngay sau khi Bộ GD-ĐT có quy chế chính thức.
Chương trình có sự tham gia của các khách mời:
- Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức;
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
- Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học,Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
- Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM
Khách mời tham gia chương trình - ĐÀO NGỌC THẠCH
14:43
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Năm nay, các trường vẫn có thể xét tuyển điểm thi như năm 2019. Các điểm thành phần vẫn xét như năm 2019. Đặc biệt, Bộ cho phép các thí sinh đăng ký nguyện vọng không giới hạn.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải - ĐÀO NGỌC THẠCH
Có 2 điểm học sinh cần quan tâm. Một là Bộ cho phép các trường ĐH sử dụng học bạ xét tuyển vào khối ngành sức khỏe. Năm ngoái cần học lực giỏi mỗi môn có điểm trung bình 8.0 trở lên. Năm nay, Bộ cho phép nếu không tốt nghiệp giỏi, nhưng điểm thi tốt nghiệp các môn từ 8.0 trở lên.
Thứ 2, thay vì trước đây các môn ngoại ngữ, mỗi môn tiếng Anh, Trung, Pháp... xét riêng thì năm nay Bộ gộp lại thành môn ngoại ngữ. Nghĩa là các em học tiếng Trung cũng được xét tiếng Anh... Các em cần lưu ý các trường sẽ xét các môn như thế nào. Do đặc thù của các trường.
Năm nay, các em muốn đăng ký xét tuyển trường nào, để đầy đủ thông tin, cần vào website của các trường để theo dõi thông tin.
Trường ĐH Duy Tân vẫn xét tuyển như năm 2019. Phương thức xét tuyển chính thức của trường đã được công bố.
14:57
Tiến sĩ Hà Thúc Viên: Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường muốn tổ chức kỳ thi riêng cần đảm bảo một số điểm cơ bản như: năng lực tổ chức, đảm bảo tính minh bạch, an toàn của kỳ thi...
Trước khi có quy chế, một số trường có tổ chức kỳ thi riêng. Một số trường khác không tổ chức thi mà sử dụng kết quả kỳ thi riêng của ĐHQG TP.HCM.
Năm 2020, Trường ĐH Việt Đức tiếp tục duy trì 4 phương thức tuyển sinh, trong đó có tổ chức kỳ thi riêng với đề thi của Viện Khảo thí TestDAF. Viện này tổ chức đề thi trên toàn cầu.
Ngoài ra, trường vẫn xét tuyển học sinh có bằng quốc tế, có 4 nhóm: SAT, bằng tú tài quốc tế IDB, tốt nghiệp phổ thông hệ thống Anh - Wales - Ireland, học sinh học trong hệ thống WACI.
Ngoài ra, trường cũng xét học bạ cho học sinh từ 132 trường THPT hàng đầu và học sinh học trường chuyên, lớp chọn của Việt Nam. Học sinh cần có điểm trung bình 7.0 và trường xét học bạ 6 học kỳ. Ngoài ra, học sinh cần có điểm trung bình tiếng Anh 7.5 trong 3 năm THPT hoặc yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh...
15:01
Thạc sĩ Trương Quang Trị: So với năm ngoái phương thức xét tuyển năm nay không thay đổi nhiều. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn giữ 5 phương thức xét tuyển: 1. Xét kết quả thi THPT, 2. Xét kết quả học bạ: tổng điểm trung bình 1 học kỳ năm lớp 10, 1 học kỳ năm lớp 11 và lớp 12, đạt 18 điểm trở lên; các em có quyền lựa chọn 1 trong 2 học kỳ có điểm cao nhất; Điểm tổ hợp môn lớp 11 đạt 18 điểm trở lên hoặc điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt 6.0. 3. Trường tổ chức kỳ thi riêng ngày 23.8, nhận hồ sơ đến hết ngày 15.8; 4. Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; 5. Xét tuyển thẳng.
Chỉ tiêu tuyển sinh: phương thức 1 chiếm 20%, học bạ 50%, kỳ thi riêng của trường 20%, phương thức 4 và 5 là 10%.
Ở phương thức học bạ, riêng ngành y khoa và dược, phải có học lực lớp 12 giỏi hoặc điểm tốt nghiệp THPT đạt 8,0 trở lên. Ngành y học dự phòng, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học có học lực lớp 12 khá hoặc điểm thi THPT đạt 6,5 trở lên.
15:03
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc: Trước những thay đổi của quy chế tuyển sinh, trường cập nhật liên tục cho phù hợp, nhưng cơ bản vẫn duy trì như năm 2019. Năm 2020, Trường ĐH Mở có 6 phương thức: 1. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, 2. Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; 3. Xét điểm tú tài quốc tế; 4. Ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi: điểm học bạ các môn trong tổ hợp từ 7 điểm trở lên; 5. Ưu tiên xét tuyển học bạ với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 6.0 đối với ngành ngôn ngữ, 5.5 với ngành còn lại; 6. Xét điểm 5 học kỳ (2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc - ĐÀO NGỌC THẠCH
Ở phương thức xét học bạ, các ngành công nghệ sinh học, xã hội học, công tác xã hội, Đông Nam Á điểm từ 18 trở lên, các ngành còn lại 20 điểm trở lên.
15:09
Bạn đọc hỏi: Có thể nói rõ hơn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với khối ngành sức khỏe năm nay không? Còn quy định nào khác cho khối ngành này?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Từ năm 2019, Bộ GD-ĐT cho phép xét tuyển học bạ với khối ngành sức khỏe với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Năm nay, Bộ tiếp tục xác định ngưỡng này.
Năm nay, có 2 điểm thí sinh lưu ý. Một là với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, sau khi thi xong, Bộ sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Với phương thức xét điểm học bạ, trong quy chế Bộ quy định điều kiện cần với các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược thì điểm năm 12 phải loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp phải đạt từ 8.0 trở lên. Kèm theo điểm từng môn trong tổ hợp môn xét tuyển trong khối ngành này (khối điều dưỡng 6.5, y đa khoa - răng hàm mặt - dược phải 8.0 trở lên).
Điểm trúng tuyển thì tùy các trường căn cứ chỉ tiêu, số lượng thí sinh xét tuyển để quyết định.
Với Trường ĐH Duy Tân, đây là năm đầu tiên xét học bạ cho ngành y đa khoa, răng hàm mặt với các điều kiện như trên.
Phải đợi hết năm lớp 12, các em xét khối sức khỏe mới có thể nộp hồ sơ xét học bạ được.
Năm nay, ít nhất có 5 cách xét tuyển. Trong quy chế cho phép các em có thể đăng ký nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Nhưng khi nhập học chỉ được chọn 1 phương thức. Phụ huynh, học sinh phải cân nhắc chuyện nhập học này thật kỹ vì các trường phải chuyển dữ liệu thí sinh nhập học về Bộ GD-ĐT.
15:11
Thạc sĩ Trương Quang Trị: Năm nay nhóm ngành sức khỏe gồm y khoa, dược học, y học dự phòng, điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học. Ngày 23.8, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức kỳ thi riêng. Ngành y khoa và dược học thì học lực lớp 12 phải từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp phải từ 6,5 trở lên. 3 ngành còn lại học lực lớp 12 phải từ trung bình hoặc điểm xét tốt nghiệp phải từ 5.5 trở lên.
Thí sinh theo dõi trên trang web của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành để biết thêm thông tin.
15:16
* Bạn đọc hỏi: Hiện tại em thấy các trường thông báo xét tuyển học bạ. Cách thức như thế nào khi tụi em chưa học xong, chưa thi thì công nhận kết quả ra sao?
Tiến sĩ Hà Thúc Viên: Mỗi trường có cách xét tuyển học bạ khác nhau. Thứ nhất, khi quyết định thi, xét tuyển trường nào phải tham khảo thông tin chính xác của trường đó. Nếu thấy không rõ trên website, cần liên lạc trực tiếp bộ phận tuyển sinh để hỏi trực tiếp.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên - ĐÀO NGỌC THẠCH
Có trường nhận hồ sơ trực tiếp, có trường nộp hồ sơ online. Ở Trường ĐH Việt Đức, tất cả phương thức đều nhận hồ sơ online.
Các em có thể băn khoăn khi chưa học xong học kỳ 2 lớp 12, chưa thi tốt nghiệp. Hiện nay phần lớn các trường xét học bạ đều có sử dụng xét điểm học bạ 5 học kỳ.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT quy định tất cả các trường ĐH chỉ thông báo trúng tuyển khi các em đã tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, hiện nay các trường có phương án khá linh hoạt theo 2 bước. Thứ nhất, là khi các em nộp hồ sơ, các trường có thể thông báo "trúng tuyển có điều kiện". Nhưng chỉ đến khi thí sinh đậu THPT chính thức thì các trường mới thông báo là các em trúng tuyển chính thức. Nên điều kiện cần và đủ là phải tốt nghiệp THPT.
15:18
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc: Năm 2020, Trường ĐH Mở TP.HCM tăng nhiều chỉ tiêu so với năm trước ở phương thức xét học bạ, cụ thể là 70% chỉ tiêu cho phương thức này. Trường đã mở cổng xét tuyển cho thí sinh nộp hồ sơ trực tuyến, kết thúc vào ngày 30.6.
Trường xét tuyển 5 học kỳ nên các em có thể nộp hồ sơ ngay lúc này theo phương thức xét tuyển học bạ. Dự kiến 15.7, trường sẽ công bố kết quả, các em đủ điều kiện nhập học sẽ bổ sung giấy chứng nhật tốt nghiệp THPT sau.
15:24
* Bạn đọc hỏi: Các trường đưa ra thời gian xét học bạ khác nhau, thông báo trúng tuyển có điều kiện khác nhau... Khi nào đủ điều kiện trúng tuyển tạm thời?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Trong thông báo tuyển sinh của các trường, có quy định rõ thời gian xét học bạ theo nhiều đợt khác nhau. Có những trường xét học bạ trước, thông báo trúng tuyển có điều kiện trước. Ngày bắt đầu nhận hồ sơ và ngày kết thúc đều như nhau, không phải nộp sớm trúng tuyển sớm.
Trường ĐH Duy Tân có 2 cách thí sinh lựa chọn xét học bạ: xét điểm lớp 11 học kỳ 1 lớp 12 hoặc điểm lớp 12. Trường sẽ công bố điểm trúng tuyển sau khi Bộ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tại trường, tổ hợp 3 môn với y đa khoa, răng hàm mặt, điều dưỡng, dược vẫn sử dụng 2 cách xét học bạ này kèm theo điều kiện điểm lớp 12 loại giỏi hoặc điểm thi tốt nghiệp 8.0.
Hiện nay, trường cũng đã mở hệ thống nhận hồ sơ xét học bạ cho thí sinh tốt nghiệp năm 2019.
15:25
Thạc sĩ Trương Quang Trị: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành 50% chỉ tiêu xét học bạ. Có 10 đợt xét tuyển. Thí sinh tốt nghiệp năm 2019, ngày 31.5 trường sẽ công bố điểm trúng tuyển. Với các em chưa tốt nghiệp, các em trúng tuyển chưa đủ điều kiện thì sau khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời sẽ bổ sung sau.
Thạc sĩ Trương Quang Trị - ĐÀO NGỌC THẠCH
15:34
Bạn đọc hỏi: Em thi SAT 1.220 điểm. Các trường có tiếp nhận kết quả thi này để nhận đầu vào không?
Tiến sĩ Hà Thúc Viên: Những em có tổng điểm thi SAT 1.150 có thể xét tuyển vào Trường ĐH Việt Đức. Vì vậy, số điểm này em đạt yêu cầu đầu vào của trường.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Theo quy chế, Bộ cho phép thí sinh học trường quốc tế các chương trình tương đương chương trình Việt Nam được xét vào các trường ĐH ở Việt Nam.
Năm 2019, trường có khoảng 10 trường hợp tương tự nhưng trường khá bỡ ngỡ vì quy chế chưa có...
15:37
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc: Tổ hợp xét tuyển năm nay của Trường ĐH Mở không điều chỉnh nhiều. Tổ hợp ngoại ngữ trường vẫn duy trì xét từ những năm trước như ngôn ngữ xét 6 ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Nhật, Đức, Trung... Khối ngành luật, thí sinh lưu ý ngoại ngữ chỉ lấy các ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức.
15:39
Thạc sĩ Trương Quang Trị: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho thí sinh sử dụng điểm thi năng khiếu của trường bạn để nộp hồ sơ vào các ngành năng khiếu tại trường. Ngoài ra, trường cũng tổ chức kỳ thi năng khiếu riêng vào ngày 31.7.
Một ngành nghề xét rất nhiều tổ hợp, nên việc lựa chọn bài thi tổ hợp là một trong các bài toán cần phải suy nghĩ. Các em cần cân nhắc khi lựa chọn.
15:40
Bạn đọc hỏi: Các trường lưu ý gì, có thông tin gì mới về bài thi, môn thi khi xét điểm tốt nghiệp THPT?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Năm nay, Quy chế quy định thí sinh chỉ được chọn 1 trong 2 bài thi KHTN hoặc KHXH. Với 5 ngoại ngữ, năm nay Bộ cho phép gộp làm 1. Đây là cơ hội cho phép các em học ngoại ngữ khác nhau để trúng tuyển ngành yêu thích.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên: Trường ĐH Việt Đức quy định khối ngành liên quan ngoại ngữ, tập trung 3 ngoại ngữ Anh, Đức, Pháp. Với ngành kiến trúc, trường tiếp nhận thí sinh có tham gia kiểm tra môn vẽ ở trường khác, hoặc sử dụng tổ hợp A, A1 để xét tuyển.
Các em phải giữ gìn sức khỏe. Cũng không cần quá vội vã, cần tập trung sức lực học để thi tốt nghiệp THPT năm nay. Cũng cần ngẫm kỹ khi quyết định xét vào trường nào, cần theo dõi thông tin chính thống.
15:45
Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc: Còn hơn 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em cần có kế hoạch và chiến lược học tập cho hợp lý. Và các em theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường thật chặt chẽ để nắm bắt cơ hội.
Thạc sĩ Trương Quang Trị: Ngay bây giờ các em củng cố lại kiến thức của mình để có kết quả tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Các em hãy lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực bản thân cũng như chọn trường phù hợp. Trong quá trình học cũng phải tự trau dồi kiến thức, xây dựng thái độ học tập tích cực.
15:46
*** Thưa quý độc giả, quý phụ huynh, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin, hiểu biết cần thiết về việc tuyển sinh của các trường đại học năm nay khi chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chúc các bạn có nhiều sức khỏe và may mắn, đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới và thành công trong kỳ xét tuyển vào các trường đại học.
Trường ĐH có phương thức xét tuyển nào ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT? Năm 2020, các trường ĐH mở rộng thêm các phương thức xét tuyển mới, đồng thời tăng chỉ tiêu của các phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 - NGỌC DƯƠNG Ngày mai 6.5, Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến về...