Tuyển sinh đại học 2019: Ngành học nào dễ xin việc?
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc chọn trường, chọn ngành học của thí sinh chính là cơ hội việc làm sau ra trường.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hiện công nghệ, kỹ thuật là nhóm ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất trong 3 năm gần đây, tới 97,3%.
Hiện công nghệ, kỹ thuật là nhóm ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất trong 3 năm gần đây.
Trên 80% sinh viên tốt nghiệp có việc làm
Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực vừa báo cáo Bộ GDĐT kết quả khảo sát và công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học (ĐH) các trường sư phạm năm 2018. Theo đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường trong vòng 12 tháng của 183 trường ĐH (không bao gồm các trường khối an ninh, quốc phòng) là khá cao, đều trên 80%.
Cụ thể, trong tổng số 23 nhóm ngành nghề thì nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao nhất lên tới 97,3%. Tiếp theo đó là kinh doanh và quản lý (94,9%); kiến trúc và xây dựng (94,6%); dịch vụ vận tải (94,4%); dịch vụ, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (94,1%); máy tính và công nghệ thông tin (93,9%); nghệ thuật (93,5%); khoa học xã hội và hành vi, gồm: Kinh tế học, khoa học chính trị, tâm lý học, địa lý học, khu vực học (92,5%); sức khỏe (92,3%)…
Nhóm ngành thấp nhất là môi trường và bảo vệ môi trường 80,4%, nông lâm nghiệp thủy sản là 82,7%; dịch vụ xã hội 82,3%.
Bức tranh tỷ lệ việc làm phần nào phản ánh được nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước hiện nay. Sinh viên các khối ngành công nghệ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp “săn đón” tuyển dụng ngay từ những năm cuối ĐH, thậm chí được bố trí chỗ thực tập và hứa hẹn về cơ hội việc làm ngay khi ra trường. Đơn cử như tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hay ĐH Thủy lợi, sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật – công nghệ cũng dễ dàng kiếm được việc làm sau khi ra trường. Thậm chí, theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền -Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nếu người học sẵn sàng chấp nhận một mức lương nhất định ở địa phương nào đó thì Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẵn sàng ký cam kết về việc làm cho người học nếu họ không tìm được việc. Như vậy, việc đảm bảo có việc làm sau khi ra trường không phải là “cam kết suông” mà là thực tế, nhiều trường có thể tự tin về chất lượng của những cử nhân, kỹ sư được trường đào tạo.
Tuy nhiên, chính ông Điền cũng thừa nhận, đặc thù của sinh viên Bách khoa Hà Nội có đầu vào tốt và trải qua quá trình khổ luyện trong học tập, khi tốt nghiệp là những kỹ sư giỏi nên cơ hội việc làm mở rộng. Nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 đang dần đi vào cuộc sống, những chuyên gia về công nghệ luôn được thị trường lao động đón chào.
Vì vậy, mục tiêu của nhiều sinh viên không chỉ là có việc làm sau khi tốt nghiệp mà mức lương phải tương xứng để đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, họ cũng cần có điều kiện làm việc, đặc biệt là gần những trung tâm văn hóa chính trị để được học tiếp nâng cao trình độ cũng như phát triển sự nghiệp. Đây là lý do vì sao không phải 100% sinh viên Bách khoa Hà Nội tìm được việc làm đúng ngành- ông Điền lý giải.
Nghịch lý đào tạo
Video đang HOT
Mặc dù được săn đón nhiều như vậy, nhưng nhìn vào thực tế tuyển sinh ĐH những năm gần đây, khối ngành kỹ thuật – công nghệ không phải là “lựa chọn hot” được nhiều thí sinh đăng ký. Cụ thể, căn cứ ở 2 chỉ số là điểm tuyển sinh đầu vào không cao; tuyển không đủ chỉ tiêu.
Theo các chuyên gia, do đặc thù của ngành nên nhìn chung không nhiều học sinh nữ lựa chọn khối ngành kỹ thuật – công nghệ để theo học và làm việc sau này. Nguyên nhân thứ hai là do thị trường lao động cần rất nhiều nhân lực ngành này, nhiều trường tham gia đào tạo trong khi số lượng thí sinh đăng ký không vượt trội so với các ngành khác dẫn đến điểm chuẩn xét tuyển mặt bằng chung không cao như kỳ vọng.
Tuy nhiên, đây mới là “phần nổi” trong thống kê. Thực chất, nhìn từ một số trường như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn năm nay của trường dự kiến sẽ dao động từ 19-28 điểm tùy từng nhóm ngành và hệ đào tạo. Trong đó, có những nhóm ngành được dự đoán điểm chuẩn lên tới 27-28 điểm như khoa học máy tính hay nhóm ngành kỹ thuật máy tính (IT2) và khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10) dự đoán điểm chuẩn từ 26-27 điểm. Mức điểm này tương đối cao so với nhiều ngành nghề đào tạo khác.
Tương tự, theo điểm chuẩn 2018, nhiều trường cũng lấy điểm trúng tuyển của nhóm ngành công nghệ thông tin cao nhất trong số các ngành xét tuyển vào trường nhu ĐH Thủy lợi là 17,95 điểm, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông phía Bắc 22 điểm; ĐH Bách khoa TP HCM 23,25…
Nhìn chung, đây là các nhóm ngành mà thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng lớn nên dù tốt nghiệp trường nào, trên cơ sở đạt chuẩn đầu ra như nhà trường đã cam kết với người học và xã hội thì chắc chắn cơ hội việc làm rộng mở. Tuy nhiên, mức lương của từng người lại phụ thuộc vào trình độ và sự nỗ lực, kiên trì và khả năng tích lũy của mỗi cá nhân. Tấm bằng ĐH sẽ chỉ là nấc thang đầu tiên trong chặng đường lao động, công tác sau này.
* Nhiều cơ hội đối với thí sinh đăng ký vào trường quân đội
Thông tin từ Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết, những thí sinh đã thực hiện sơ tuyển vào khối ngành quân đội không được chuyển nguyện vọng (NV) 1 sang các trường khác. Thí sinh chỉ được phép chuyển NV nếu chuyển sang dân sự. Một số thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển nhưng không đăng ký NV, hoặc không đăng ký NV 1 vào trường quân đội nếu có mong muốn học trường quân đội cần điều chỉnh lại theo mức điểm sàn đã công bố.
Riêng với thí sinh nữ, Thượng tá Đỗ Thành Tâm – Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết, tỉ lệ “chọi” lên tới 100/1. Cụ thể, Học viện Khoa học quân sự với 5 ngành đào tạo tỉ lệ hồ sơ khác nhau. Trong đó, 2 ngành Ngôn ngữ Anh và ngành Quan hệ quốc tế khoảng 10 hồ sơ lấy 1 thí sinh.
“Đặc biệt, với thí sinh nữ ngành Ngôn ngữ Anh, trên 100 hồ sơ lấy 1 thí sinh, ngành Quan hệ quốc tế trên 50 hồ sơ lấy 1 thí sinh. Với các ngành khác tỉ lệ trung bình khoảng 3 hồ sơ lấy 1 thí sinh. Với Học viện Kỹ thuật Khoa học quân sự, tỉ lệ hồ sơ với thí sinh nam là 3 hồ sơ lấy 1 thí sinh, nữ 60 hồ sơ lấy 1 thí sinh” – Thượng tá Đỗ Thành Tâm thông tin.
Lam Nhi
Thu Hương
Theo daidoanket
Tư vấn mùa thi 2019: Ngành sư phạm, kinh tế vẫn 'nóng'
Phần lớn những băn khoăn của học sinh huyện Cần Giờ, TP.HCM về tuyển sinh và lựa chọn ngành học liên quan đến các ngành sư phạm, kinh tế.
Học sinh H.Cần Giờ đặt câu hỏi trong buổi khởi động chương trình Tư vấn mùa thi 2019 - KHẢ HÒA
Những băn khoăn này được nêu ra trong chương trình Tư vấn mùa thi 2019 do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ, TP.HCM) sáng 22.12 với sự tham dự của học sinh (HS) lớp 12 các trường THPT: An Nghĩa, Cần Thạnh và Bình Khánh.
Ngay từ sáng sớm, dù còn hơn một giờ nữa chương trình mới bắt đầu nhưng HS các trường THPT ở huyện Cần Giờ đã hào hứng di chuyển về Trường THPT An Nghĩa để tiếp cận những thông tin liên quan đến tuyển sinh.
Dù phải đi với khoảng cách khá xa, hơn 30 km nhưng HS Đặng Hoàng Thơ, lớp 12A3 Trường THPT Cần Thạnh, vui vẻ chia sẻ: "Lần đầu tiên được tiếp cận thông tin trực tiếp từ đại diện các trường ĐH nên việc di chuyển không còn là trở ngại. Hôm nay em có dịp tìm hiểu thông tin xét tuyển và cơ hội việc làm của ngành kinh tế tài chính mà em đang có dự định chọn cho tương lai".
Còn Trương Thị Trúc Ly, lớp 12A2 Trường THPT An Nghĩa, cho hay sau khi nghe các chuyên gia tư vấn, em cảm thấy tự tin hơn trước khi quyết định chọn ngành nghề cho tương lai. "Bởi trong buổi tư vấn em được biết thông tin về nhu cầu lao động cùng với chương trình đào tạo ở các trường ĐH phù hợp với năng lực học tập", Trúc Ly nói.
Học ngành gì để phát huy tiềm năng kinh tế cần giờ ?
Đặt câu hỏi tại chương trình, HS Trà My, Trường THPT Cần Thạnh, băn khoăn việc học ngành gì để phát huy tiềm năng phát triển kinh tế H.Cần Giờ trong những năm tới. Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ H.Cần Giờ có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch, các ngành thủy hải sản. "Các em không nhất thiết phải vào ĐH và CĐ nếu điều kiện không cho phép. Có những nhánh rẽ phù hợp với những lợi thế mà địa phương đang có. Phát triển kinh tế gia đình liên quan đến thủy hải sản cũng là một hướng đi", tiến sĩ Vũ gợi ý.
Một HS băn khoăn, tốt nghiệp ngành sư phạm Anh có thể làm thông dịch viên trong khi chờ đợi tìm việc làm phù hợp không? Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng HS này nên xem xét lại định hướng nghề nghiệp của mình. Nếu muốn đi theo nghề biên - phiên dịch thì có thể chọn học ngành ngôn ngữ Anh thay vì sư phạm Anh. Với H.Cần Giờ, một nơi sẽ rất phát triển về du lịch, HS có thể cân nhắc chọn học các ngành ngôn ngữ để phát triển kinh tế du lịch ở địa phương.
Trong khi đó, HS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trường THPT Bình Khánh, băn khoăn: "Học công nghệ sinh học ở nước ngoài sẽ có tiềm năng hơn ở trong nước có đúng không?". Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ để học được ngành này sinh viên (SV) sẽ học tập nhiều trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, theo học ngành này ở nước ngoài sẽ tốt hơn do có điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư nhiều. Tuy nhiên, trong nước vẫn có nhiều trường đang có sự đầu tư tốt.
Nói về cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, cho rằng môi trường này luôn có sự đào thải cao, đi học thường cơ hội tập trung vào bậc học sau ĐH. "Để làm việc ở nước ngoài với các ngành công nghệ, điều kiện tiên quyết phải là có ngoại ngữ", ông Sơn nói.
Cần phân biệt giữa sở thích và năng lực
Sau khi tốt nghiệp, làm gì từ sáng đến tối?
Chia sẻ trong chương trình, một HS băn khoăn: "Từ nhỏ đến lớn, suốt 12 năm đi học, nay tốt nghiệp THPT cảm giác đầu tiên là sẽ làm gì từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mỗi ngày?". Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ khuyên: "Nếu không còn cơ hội được học tiếp thì hãy nghĩ ngay đến việc làm gì để mình tồn tại, nuôi sống bản thân. Trả lời câu hỏi này là chính các bạn biết có trách nhiệm với chính mình, chưa nói đến trách nhiệm với gia đình và xã hội. Khi trả lời được câu hỏi này thì sẽ không bị rơi vào cảm giác hụt hẫng".
Nhiều câu hỏi gửi tới chương trình quan tâm các ngành kinh tế, xã hội. HS Nguyễn Thị Tường Vy, Trường THPT An Nghĩa, hỏi: "Em thích học ngành ngân hàng nhưng không biết ngành này có thể làm việc ở đâu ngoài các ngân hàng?". PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, giải đáp hiện ngành này có nhu cầu lớn do các ngân hàng đang mở chi nhánh nhiều nơi nên số SV tốt nghiệp không đủ phục vụ nhu cầu tuyển dụng. Nhiều ngân hàng đến trường đặt yêu cầu nhưng trường không đáp ứng đủ. Cũng theo tiến sĩ Hà, tốt nghiệp ngành này SV có thể làm việc trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc mảng tài chính thuộc các đơn vị ngoài ngân hàng. "Ban giám đốc doanh nghiệp luôn có một người phụ trách mảng tài chính", ông Hà nhấn mạnh.
Sự khác biệt giữa ngành kiểm toán so với kế toán, theo thạc sĩ Trần Duy Can, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, kiểm toán là kiểm soát công việc của kế toán, tìm ra hoạt động tài chính có đúng quy định, đảm bảo sự minh bạch để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Người làm kiểm toán cần có chuyên môn, am hiểu pháp luật, có khả năng làm việc nhóm.
HS Nguyễn Thanh Hồng, Trường THPT An Nghĩa, hỏi: "Muốn học ngành tâm lý cần có khả năng gì để đáp ứng công việc?". Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng thích và làm nghề là khác nhau. Có thể là thích được chia sẻ với người khác nhưng khi lớn lên sở thích này có thể thay đổi nên cần xác định rõ làm nghề. Người học ngành này cần có kiến thức, nắm bắt tâm lý tốt, khả năng quan sát tốt, khả năng chịu đựng, biết lắng nghe và chia sẻ. Có thể tham vấn, tư vấn và trị liệu hoặc làm công tác nhân sự tại các đơn vị.
Cũng theo tiến sĩ Hạ, ngành quan hệ quốc tế phù hợp với người có tố chất linh hoạt, độc lập và hướng ngoại. Ngôn ngữ chính của ngành này là tiếng Anh, điều kiện tiếng Anh đầu ra là IELTS 6.0 mới đủ điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế.
HS Võ Minh Hiền, Trường THPT An Nghĩa, băn khoăn nên học chuyên ngành luật kinh tế quốc tế ở trường đào tạo luật hay kinh tế. Thạc sĩ Trần Duy Can cho biết các trường ĐH khối ngành kinh tế chủ yếu đào tạo ngành luật về kinh tế. Dù học luật kinh tế nhưng vẫn phải có nền kiến thức cốt lõi về luật, tuy nhiên sẽ được học thêm về các luật về kinh tế. Các trường khối kinh tế đào tạo luật mục đích làm tư vấn trong kinh tế, tránh những tranh chấp trong thương mại có thể xảy ra. Cơ hội làm nghề rất lớn, ngoài làm luật thì có thể tham gia công việc pháp chế, nhân sự trong các doanh nghiệp.
Tặng 7.000 sản phẩm phản quang an toàn giao thông
Bà Trần Thị Hoàng Mai nhận biểu trưng phản quang an toàn giao thông do Báo Thanh Niên trao tặng - ẢNH: KHẢ HÒA
Không chỉ đưa thông tin trực tiếp đến với HS, tại chương trình Tư vấn mùa thi sáng qua, Báo Thanh Niên đã trao 7.000 sản phẩm phản quang an toàn giao thông cho Phòng Giáo dục H.Cần Giờ. Chia sẻ tại chương trình, bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó phòng GD, nói: "Phòng GD sẽ phân bổ sản phẩm này cho HS 16 trường tiểu học và 8 trường THCS, đặc biệt gửi cho HS ở xã ngoài đảo Thạnh An. Các trường sẽ giới thiệu cho HS cách sử dụng trong tiết sinh hoạt dưới cờ, lồng ghép giáo dục an toàn giao thông".
Bà Mai nói thêm: "Sản phẩm là một sáng kiến có ý nghĩa nhân văn và thiết thực. Nó có ý nghĩa đặc biệt đối với học trò của chúng tôi bởi ở vùng sâu, vùng xa có khi vẫn phải di chuyển trên tuyến đường chưa có đèn, nguy hiểm. Thêm vào đó, khi được nhận sản phẩm này, không chỉ dành cho riêng mình mà các em có thể linh động cho người thân sử dụng khi cần thiết".
Theo thanhnien
7 thách thức khi tìm việc của sinh viên mới ra trường Bạn là sinh viên mới ra trường thì sẽ có nhiều thuận lợi như năng lượng dồi dào, được đào tạo chuyên môn bài bản. Nhưng bạn cũng đối diện nhiều thách thức trong công cuộc tìm việc, có phần "lép vế" so với các anh chị giàu kinh nghiệm. Dưới đây là 7 thách thức mà một sinh viên mới ra trường...