Tuyển sinh đại học 2017: Đăng ký nguyện vọng không hạn chế?
Năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ có 3 quy chế liên quan thi. Dự kiến, thí sinh được đăng ký nguyện vọng không hạn chế.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm 2017, bộ này sẽ có 3 quy chế liên quan thi gồm: Quy chế xét tốt nghiệp THPT, quy chế thi THPT quốc gia và quy chế xét tuyển sinh ĐH.
Dự kiến năm 2017, tất cả các trường ĐH lấy kết quả thi THPT quốc gia sẽ cùng xét tuyển bằng một phần mềm chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng xét tuyển.
Dự kiến năm 2017, thí sinh được đăng ký nguyện vọng không hạn chế vì các trường ĐH sẽ dùng chung 1 phần mềm xét tuyển. Ảnh: Tiền Phong.
Không hạn chế nguyện vọng
Theo GS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, hạn chế trong mùa tuyển sinh 2016 là tỷ lệ hồ sơ ảo lớn. Chính vì vậy, lúc đầu, việc cho thí sinh có hai quyền lựa chọn trong đợt 1 xét tuyển lại bất lợi cho thí sinh.
Do tỷ lệ ảo lớn, các trường phải tuyển bổ sung. Trong khi đó, năm 2016, Bộ GD&ĐT không bắt buộc các trường điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước nên dẫn tới nghịch lý, thí sinh nộp trước điểm cao hơn thì trượt mà thí sinh nộp sau điểm thấp hơn thì đỗ.
“Nếu năm tới, cả nước chung một phần mềm xét tuyển thì sẽ tránh được ảo, thí sinh được vào đúng nguyện vọng của mình mà không lo lắng tình trạng đáng tiếc như năm 2016″, GS Đỗ Văn Xê nói.
Trong khi đó, rất nhiều thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi vào khối trường công an, quân đội lại rất lo lắng.
Nguyễn Ngọc An ở Nam Định cho biết năm tới em dự tính nộp hồ sơ vào một trường khối công an, nên khá băn khoăn.
“Năm 2016, em thấy các anh chị thi khối trường công an gặp rất nhiều khó khăn vì có hai hệ thống đăng ký, năm tới không biết thế nào”, An nói.
Video đang HOT
Điều An mong muốn là đối với các trường khối công an, nếu được có thể công bố điểm trúng tuyển sớm hơn các trường ĐH khác, kể cả các trường CĐ hay trung cấp thuộc ngành công an cũng thế.
“Hàng năm, khối các trường CĐ và trung cấp của ngành công an công bố điểm trúng tuyển rất muộn. Trước năm 2016, khi dữ liệu của thí sinh bộ không quản lý thì có thể nhập học lúc nào cũng được. Nhưng giờ, bộ quản lý dữ liệu, nếu muốn nộp vào trường CĐ hoặc trung cấp ngành công an thì sẽ rất may rủi”, An băn khoăn.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay năm 2017, các trường công an, quân đội nếu lấy kết quả thi THPT quốc gia sẽ cùng chung một phần mềm xét tuyển như tất cả các trường ĐH khác.
Năm nay, dự kiến các thí sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng thoải mái, không khống chế như năm trước nhưng khi xét tuyển, sẽ chỉ trúng tuyển một ngành của một trường có điểm chuẩn gần nhất với điểm thi của thí sinh.
Lo hệ thống sẽ quá tải
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm 2017, khi cả nước xét tuyển chung một phần mềm thì sẽ không còn tồn tại những nhóm nhỏ nữa. Vấn đề còn lại bây giờ của Bộ GD&ĐT là các khâu xử lý kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia giáo dục về công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng vì liên quan đến sức tải của hệ thống.
“Mấy chục nghìn thí sinh, mấy trăm nghìn thí sinh trong một hệ thống khác với cả triệu thí sinh trong một hệ thống. Bộ GD&ĐT cũng cần phải lường trước được điều này.
Hơn nữa, nếu chỉ tiêu, điều kiện tuyển sinh của các trường được công bố cứng luôn thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi chạy dữ liệu. Nếu phải bổ sung các tiêu chí phụ sẽ có rất nhiều rắc rối. Chỉ một trường thay đổi sẽ khiến toàn bộ dữ liệu của các trường khác thay đổi theo”, chuyên gia này cho hay.
Theo kinh nghiệm của nhóm GX trong mùa tuyển sinh năm 2016, khi bắt đầu nhập dữ liệu của thí sinh để chạy, tất cả lãnh đạo các trường trong nhóm tập trung tại ĐH Bách khoa Hà Nội để xử lý thông tin.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay khi dữ liệu chạy xong lần đầu, ra được điểm chuẩn của từng trường, các trường lại ngồi bàn bạc để đưa ra tiêu chí phụ. Sau đó, chạy tiếp lần hai… Sau mỗi lần chạy, dữ liệu sẽ tiệm cận dần với điểm chuẩn cuối cùng.
Cũng theo ông Điền, thời gian chạy dữ liệu rất nhanh nhưng việc chỉnh sửa, bổ sung thêm các tiêu chí phụ mới mất thời gian.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết đây chỉ là vấn đề kỹ thuật. Chạy dữ liệu xong, bộ sẽ chuyển cho các trường. Khi nào các trường nhất trí, đó mới là dữ liệu cuối cùng.
Theo Nghiêm Huê/ Tiền Phong
Tuyển sinh 2017: Tỷ lệ hồ sơ ảo có khả năng tăng cao
Tỷ lệ hồ sơ ảo có khả năng tăng cao tại kỳ thi THPT quốc gia 2017. Đây cũng là nỗi lo lắng, làm đau đầu thí sinh và cả các trường xét tuyển.
Những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 như giao kỳ thi lại các Sở GD&ĐT địa phương phụ trách, thay đổi về phương án tổ chức thi, phương thức bài thi... và đặc biệt là các thí sinh có thể nộp nhiều nguyện vọng tại nhiều trường hơn.
Tuy nhiên điều này lại làm tăng tỉ lệ hồ sơ ảo nộp vào các trường ĐH, CĐ. Đây cũng là nỗi lo lắng, làm đau đầu các thí sinh và cả các trường xét tuyển.
Đầu tháng 10 Bộ sẽ công bố đề thi minh họa
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ nhanh chóng công bố đề thi minh họa cho Kỳ thi THPT quốc gia 2017 vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm 2016 để giáo viên, học sinh tham khảo.
Bên cạnh đó là việc cập nhật, bổ sung đề thi trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua; chuẩn bị phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo tổ chức thành công kỳ thi.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 vẫn sẽ được tổ chức theo phương án "2 trong 1" vừa để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Theo đó đề thi sẽ bao gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản và những câu hỏi phân hóa thí sinh.
Đề thi cho mỗi bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với duy nhất 1 phương án trả lời đúng (gọi chung là câu hỏi trắc nghiệm); bài thi Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm.
Đề thi các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời báo chí về những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Lao Động.
Các thông tin của thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia được cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu chung của Bộ GD&ĐT. Mỗi thí sinh được cung cấp một mã số thí sinh và tài khoản để kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả thi, kết quả tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.
Sở GD&ĐT sử dụng cơ sở dữ liệu chung này để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; cập nhật lên hệ thống kết quả học tập phổ thông, kết quả thi THPT quốc gia và kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT của thí sinh thuộc địa bàn quản lý. Các trường ĐH, CĐ sử dụng cơ sở dữ liệu chung này làm căn cứ để tuyển sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: "Các trường ĐH, CĐ phải công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên".
Tăng tỷ lệ hồ sơ ảo
Ông Ga cũng cho hay với việc thí sinh được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường hơn sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh ảo tăng lên. Tuy nhiên, khi đó Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển.
Danh sách này được gửi đến các trường để tư vấn, hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.
Đây là giải pháp hỗ trợ kỹ thuật nhằm khắc phục bất cập tỉ lệ thí sinh ảo gia tăng khi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành/trường.
Nói về điều này, TS Sái Công Hồng (Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Với phương án có quyền lợi cao nhất cho thí sinh, các em được đăng ký nhiều nguyện vọng thì không riêng gì ở Việt Nam, vấn đề ảo cũng xuất hiện trên thế giới.
Tôi có nhiều lần làm việc với các trường đại học ở Mỹ, họ thậm chí phải gọi tới 300% để trừ ảo, nhưng cũng chỉ đạt 60-70%, chuyện ảo là đương nhiên nếu như chúng ta tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.
Phương án lọc ảo duy nhất là dùng chung phần mềm chung, cá nhân tôi nghĩ nếu làm chung sẽ động tới phần tự chủ của các trường, nhưng để làm tốt việc ảo thì chắc không còn giải pháp nào ngoài việc có phần mềm chung".
Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), việc cho thí sinh có thêm nhiều nguyện vọng cũng là xu thế và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cho các trường, điều này sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Chỉ có bằng cách nâng cao chất lượng và đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm thì mới thu hút thí sinh. Chính vì vậy sẽ thay đổi được tư duy lãnh đạo của các trường hiện nay giống như chờ sung rụng.
Theo Vương Trần/Lao Động
Dự kiến một nhóm xét tuyển đại học chung cho cả nước Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng chỉ có một nguyện vọng trúng tuyển cao nhất. Trao đổi bên lề tọa đàm "Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ" diễn ra ngày 10/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết dự kiến cả nước sẽ có một...