Tuyển sinh các chương trình đặc biệt thế nào?
Mùa tuyển sinh 2018, nhiều thí sinh quan tâm đến chương trình tiên tiến của các trường đại học lớn. Chương trình này đặc biệt ra sao?
TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân (bìa trái) tư vấn cho thí sinh trong buổi tư vấn trực tuyến tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 21-4 – Ảnh: TRẦN HUỲNH
* Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có tuyển sinh đào tạo chương trình tiên tiến. Chương trình này khác gì so với chương trình đại trà? Học chương trình này cấp bằng có khác gì không? (Nguyễn Thị Hạnh)
- ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): Chương trình đào tạo tiên tiến ngành công nghệ thông tin của trường là một trong mười chương trình đầu tiên được Bộ GD-ĐT phê duyệt và giao nhiệm vụ triển khai đào tạo theo đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường ĐH của Việt Nam”.
Chương trình này học hoàn toàn bằng tiếng Anh và cấp bằng khác với chương trình chính quy đại trà. Chương trình có đối tác liên kết là ĐH Portland State, Hoa Kỳ và sinh viên có thể chuyển tiếp sang Hoa Kỳ học sau 2 năm.
* Chương trình tiên tiến tại Trường ĐH Công nghệ thông tin có gì khác với chương trình chất lượng cao và những ngành nào ở trường đào tạo theo chương trình tiên tiến? Điều kiện để vào chương trình tiên tiến? (Hoàng Thái An)
- TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM): Chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao có những khác biệt cơ bản sau: chương trình tiên tiến sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh, yêu cầu tiếng Anh khi tốt nghiệp cao hơn; chương trình chất lượng cao: cơ bản học bằng tiếng Việt và có 5-6 môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Điều kiện để đăng ký xét tuyển vào chương trình tiên tiến: có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL ITP 400 trở lên (hoặc các chứng chỉ tương đương khác). Trường hợp sinh viên chưa có chứng chỉ tiếng Anh sẽ phải trải qua kỳ kiểm tra tiếng Anh đầu vào.
Video đang HOT
Sinh viên chưa đạt chuẩn tiếng Anh đầu vào sẽ được nhà trường tổ chức đào tạo bổ túc tiếng Anh để theo kịp chương trình. Học sinh các trường THPT quốc tế, học sinh thuộc diện tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển cũng có thể đăng ký vào chương trình tiên tiến.
* Năm nay, Khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển ngành y chất lượng cao. Vậy ngành y chất lượng cao này khác thế nào so với ngành y trường đang đào tạo? (Đoàn Hùng Dũng)
- ThS Nguyễn Tuấn Kiệt, phó trưởng phòng đào tạo – công tác sinh viên Khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM): Từ năm 2018, Khoa y đào tạo ngành y khoa hoàn toàn theo hình thức chất lượng cao. Chương trình y khoa chất lượng cao sẽ triển khai khoảng 40% khối lượng giảng dạy bằng tiếng Anh đối với một số môn học, môđun thuộc khối đại cương, y cơ sở và thực tập lâm sàng tại bệnh viện.
Ngoài các môn học, môđun được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, các môđun khác có yêu cầu sinh viên làm bài tập thảo luận PBL (Problem-Based Learning) bằng tiếng Anh. Yêu cầu này được áp dụng xuyên suốt chương trình học.
Đối tượng tuyển sinh ngoài thí sinh tốt nghiệp THPT, Khoa y còn xét tuyển đối tượng thí sinh đã tốt nghiệp ĐH từ các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM với chuyên ngành gần với nhóm ngành khoa học sức khỏe gồm: công nghệ sinh học, sinh học, hóa sinh, kỹ thuật y sinh.
Theo tuoitre.vn
Sáng 22-4 tư vấn trực tuyến 'Thi đánh giá năng lực ra sao?'
Từ 9h sáng 22-4, buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề 'Thi đánh giá năng lực ra sao?' sẽ diễn ra trên tuoitre.vn.
Thí sinh nêu thắc mắc tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hà Nội - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH và Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) là các đơn vị phối cùng Tuổi Trẻ Online tổ chức buổi tư vấn trực tuyến này.
Tham gia buổi giao lưu này có các chuyên gia tuyển sinh:
1. TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM;
2. TS Trần Tiến Khoa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM);
3. ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM.
Tại buổi tư vấn này, các chuyên gia sẽ giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế và Trường ĐH Luật TP.HCM.
ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM giải đáp thắc mắc của thí sinh về kỳ thi đánh giá năng lực trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Kỳ thi đánh giá năng lực lần đầu tiên được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra đồng thời tại 3 địa điểm TP.HCM, Cần Thơ và Quy Nhơn (Bình Định) vào ngày 7-7. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của phương thức thi đánh giá năng lực này tối đa 20% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành.
Bên cạnh đó, kỳ thi kiểm tra năng lực do Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) tổ chức dự kiến diễn ra trong hai ngày 26 và 27-5 tại trường.
Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, năm 2017, Trường ĐH Quốc tế lần đầu tiên đã tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực để tuyển sinh với số hồ sơ đăng ký dự thi 2.102 hồ sơ và có tỉ lệ thí sinh dự thi các môn đều trên 90%.
"Những sinh viên được tuyển chọn từ phương thức xét điểm từ kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực đều có thành tích học tập tốt, phù hợp với điều kiện giảng dạy của nhà trường. Vì vậy, năm 2018, chúng tôi quyết định sử dụng kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực do trường tổ chức chiếm 65% chỉ tiêu" - ông Phong cho biết.
Thí sinh chỉ cần vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và đủ điểm chuẩn trong kỳ thi kiểm tra năng lực của nhà trường tổ chức thì sẽ trúng tuyển vào trường mà không cần tham gia thêm các phương thức xét tuyển khác.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Luật TP.HCM, năm nay nhà trường thực hiện xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực. Theo đó, phương thức tuyển sinh được nhà trường thực hiện qua 2 bước (bước 1: xét tuyển, bước 2: kiểm tra năng lực) với 3 tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực).
ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: "Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực; và để có mặt trong buổi kiểm tra năng lực thí sinh phải đăng ký xét tuyển sơ bộ theo đúng thời gian quy định của nhà trường".
Mọi thắc mắc của thí sinh và phụ huynh liên quan đến các kỳ thi đánh giá năng lực trên (đề thi, cách đăng ký dự thi, học bổng, cách thức thi...) sẽ được các chuyên gia giải đáp thấu đáu trong buổi tư vấn này.
Theo tuoitre.vn
Trường ĐH Bách khoa ĐH Đà Nẵng: "Dạy học qua dự án" đòi hỏi "làm chặt" đảm bảo chất lượng Sáng nay, (20/4), trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo Xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao và phương pháp Dạy học qua dự án. Để triển khai phương pháp Dạy học theo dự án, Chương trình đào tạo sẽ được thiết kế lại theo hướng tách lý thuyết ra và xây dựng dự án dưới...