Tuyển sinh bằng thư giới thiệu, bài luận: Thử nghiệm táo bạo
“Đại học Quốc gia TP HCM xét tuyển thẳng học sinh từ 82 trường chuyên, năng khiếu dựa trên thư giới thiệu, bài luận cá nhân là thử nghiệm được mong chờ”, tác giả Nguyễn Hải viết.
Vài năm gần đây, cứ trước và sau Tết nguyên đán, chính sách và phương án triển khai tuyển sinh đại học lại là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học, cũng như công chúng. Những động thái gần đây của Bộ GD&ĐT, cũng như các cơ sở giáo dục đại học, cho thấy, phương án tuyển sinh năm nay không có nhiều khác biệt so với năm trước.
Tuy nhiên, mới đây, Đại học Quốc gia TP HCM đưa ra chính sách tuyển thẳng học sinh từ 82 trường chuyên, năng khiếu dựa trên thư giới thiệu và bài luận cá nhân.
Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Bước đi táo bạo
Những năm gần đây, việc tuyển thẳng học sinh trường chuyên, năng khiếu không phải chính sách mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc dựa trên thông tin từ thư giới thiệu và bài luận cá nhân để đánh giá các ứng viên là bước đi táo bạo, đáng khuyến khích của Đại học Quốc gia TP HCM trong năm 2016.
Trên thế giới, hình thức tuyển sinh này đã có lịch sử hàng trăm năm. Hiện nay, đa số trường đại học tốt ở Hoa Kỳ, Singapore đều yêu cầu thí sinh nộp thư giới thiệu, cũng như bài luận cá nhân.
Thực tế, một số cơ sở giáo dục đại học đã nghiên cứu phương án này nhưng chưa có trường nào coi đây là công cụ chính để tuyển chọn ứng viên. Trong bối cảnh tuyển sinh ở Việt Nam, rủi ro của phương án này là giả tạo hồ sơ (fakeability), cũng như tính chủ quan (subjectivity) của đánh giá.
Ngược lại, nếu ứng viên trung thực và các cơ sở có giải pháp hiệu quả để giảm thiểu được tính chủ quan trong công tác xét tuyển, phương án này làm tăng tính giáo dục, cũng như hiệu quả tuyển chọn trong tuyển sinh.
Việc giới hạn tuyển sinh bằng thư giới thiệu, viết luận đối với các trường chuyên, năng khiếu cũng có thể làm giảm rủi ro về khả năng giả tạo hồ sơ, bởi áp lực đỗ đại học đối với những học sinh này không nặng nề như học sinh không chuyên.
Tuy nhiên, do việc viết thư giới thiệu và bài luận cá nhân còn mới với nhiều học sinh, cũng như thầy cô giáo, nên sự không đồng đều về nội dung, cấu trúc, cũng như chất lượng thư giới thiệu, bài luận giữa các trường, học sinh ở khu vực khác nhau có thể là yếu tố ảnh hưởng lớn tới tính khách quan và hiệu quả của hình thức tuyển sinh này.
Chuẩn bị cho quá trình tuyển sinh toàn diện
Việc có một đại học uy tín triển khai phương án tuyển sinh mới trên diện đối tượng giới hạn là tín hiệu đáng mừng cho giáo dục đại học ở Việt Nam. Điều này cho thấy các cơ sở này đã và đang chủ động sử dụng quyền tự chủ trong tuyển sinh như được quy định trong Luật Giáo dục Đại học năm 2012.
Video đang HOT
Tuy vậy, để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả trong quá trình này, các cơ sở giáo dục đại học, cũng như toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, cần xây dựng những thành tố của phương án tuyển sinh tổng thể dựa trên đánh giá toàn diện sự sẵn sàng vào học đại học (college readiness) của thí sinh.
Trong phương án này, thông tin từ thư giới thiệu, các bài luận cá nhân là hai trong nhiều nguồn thông tin phục vụ tuyển sinh khác. Các thông tin khác bao gồm: kết quả học tập, thành tích rèn luyện, hoạt động ở bậc học phổ thông, điểm các bài thi tuyển sinh (nếu có), kinh nghiệm làm việc trước khi ứng tuyển, thông tin nhân khẩu học…
Đặt chính sách tuyển thẳng học sinh chuyên, năng khiếu dựa trên thư giới thiệu và bài luận cá nhân trong bối cảnh đổi mới tuyển sinh đại học ở Việt Nam đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể thấy đây là một tín hiệu tích cực cho giáo dục đại học Việt Nam.
Do đối tượng áp dụng hạn chế, phương án này được dự báo sẽ không chứa đựng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nếu triển khai trên diện rộng với đông đảo học sinh, khả năng giả mạo hồ sơ, cũng như tính chủ quan cao trong các đánh giá có thể là những hạn chế căn bản của phương án này.
Trong những năm tới, toàn bộ hệ thống giáo dục đại học cần xây dựng những thành tố, cũng như công cụ của một phương thức tuyển sinh đánh giá toàn diện thí sinh. Làm được như vậy, chúng ta có thể hy vọng bài toán đổi mới tuyển sinh sẽ được giải quyết một cách căn bản và bền vững.
Năm 2016, ĐH Quốc gia TP HCM dành 10% xét tuyển thẳng thí sinh vào các trường thành viên. Điều kiện học sinh phải thuộc 82 trường THPT chuyên và năng khiếu, ứng viên phải có bài luận và thư giới thiệu của giáo viên; là học sinh giỏi; có hạnh kiểm tốt.
Trao đổi với Zing.vn, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, đây là hướng đi không xa lạ với quốc tế nhưng không thích hợp với Việt Nam. Bởi, tỷ lệ gian lận thi cử ở Việt Nam lớn; tiêu cực có thể xảy ra nhiều cách như: Nhờ người viết bài luận, thư giới thiệu tùy thuộc cảm tình của giáo viên…
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc Gia TP HCM cho biết, bất cứ hình thức tuyển sinh nào được đưa ra đều có thể tồn tại hình thức “lạm dụng”. Nhưng ĐH Quốc gia TP HCM vẫn có niềm tin vào thầy cô và học sinh.
TS Quốc Chính nhấn mạnh, để được chọn vào trường, sẽ có nhiều cách thức chọn lựa, trong đó học sinh đạt học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt trong 3 năm liền, bài viết luận và thư giới thiệu của thầy cô không phải tất cả.
Mỗi trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP HCM sẽ có hội đồng xem xét bài luận và thư giới thiệu. Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc Gia TP HCM cho biết, năm 2015, trường đã tuyển thẳng theo hình thức bài viết luận và thư giới thiệu với 5 trường THPT năng khiếu, đã tuyển chọn được những thí sinh tốt.
Năm nay, trường đã mở rộng tuyển chọn ở 82 trường. Sắp tới, Đại học Quốc gia TP HCM sẽ công bố phương án cụ thể, hiện tại thông tin ban đầu mới mang tính tổng quát.
Theo Zing
Kinh nghiệm viết bài luận và thư giới thiệu
Bài luận về bản thân (Personal Statement) và thư giới thiệu là yếu tố quan trọng trong hồ sơ xét tuyển đại học của đa số du học sinh Việt Nam tại các nước Âu - Mỹ.
Bài luận về bản thân (Personal Statement) và thư giới thiệu là yếu tố quan trọng trong hồ sơ xin học bổng của đại học Mỹ. Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm của ứng viên trong việc chọn chủ đề khiến nhiều bài luận bị loại ngay lập tức
Những chủ đề nên tránh khi viết luận
Theo Nguyễn Hữu Cát Thư, cựu sinh viên Học viện công nghệ Massachusetts, Mỹ, bài luận rất có thể sẽ mờ nhạt vì giống của hàng nghìn ứng viên khác nếu các bạn chọn một trong những chủ đề này:
Bố mẹ ly hôn hoặc mất: Những người đã mất người thân hoặc cha mẹ ly hôn thường bị ảnh hưởng nhiều và thường viết về chủ đề đó. Nhưng đây cũng là hoàn cảnh gia đình của rất nhiều học sinh khác.
Nguyễn Hữu Cát Thư (ngoài cùng, trái). Ảnh: NVCC.
Tư tưởng tiêu cực và bệnh trầm cảm: Chủ đề này khó mang lại một bài luận tốt. Tư tưởng tiêu cực chỉ cho thấy bạn là đứa trẻ đang ngại bước trước những khó khăn và thất bại của cuộc sống. Bên cạnh đó, mọi người thường khuyến khích các bạn viết về thất bại; nhưng trầm cảm khác với thất bại. Khi bạn thất bại nhưng có suy nghĩ tích cực và những thất bại đó làm cho bạn hiểu được bản thân mình hơn, như về các điểm mạnh, tính cầu toàn, sự nhạy cảm... thì đó là chủ đề tốt.
Kể về ước mơ du học: Nhiều du học sinh Việt Nam và Châu Á nghĩ rằng hội đồng tuyển sinh ở trường đại học Mỹ muốn nghe về ước muốn du học và sự phấn đấu nhiều năm để đạt được ước mơ đó của mình.
Trên thực tế, những bài luận mà các bạn nghĩ là câu chuyện cuộc đời rất cảm động của mình thực chất không để lại chút ấn tượng nào cho người đọc. Họ đã đọc những bài luận như thế hàng trăm nghìn lần
Cố gắng chơi tốt môn thể thao: Những bài luận như thế này thường có một công thức chung. Bạn thử học một môn nghệ thuật hay thể thao và thấy thích nó. Nhưng trong lúc tập luyện, bạn thấy mình không giỏi và gặp nhiều khó khăn. Một sự kiện nhỏ gì đó diễn ra khiến bạn tập luyện chăm chỉ, vượt qua khó khăn. Cuối cùng, một sự kiện hay cuộc thi nào đó, cũng là lúc thấy thành quả của bao nhiêu ngày luyện tập.
Bài luận kiểu này cũng là công thức chung cho rất nhiều ứng viên đại học Mỹ, đến nỗi chỉ mới đọc vài câu đầu là người đọc có thể biết nó sẽ kết thúc thế nào.
Cách chọn chủ đề tốt
Những bài luận tốt nhất không phải viết về những điều quá lớn lao như thời gian đấu tranh để được du học, hay quá trình phấn đấu vượt qua chính mình, dù là trong trường lớp, trong hoạt động ngoại khoá, hay trong cuộc sống riêng.
Bài luận tốt thường là về một khoảnh khắc hay những điều rất nhỏ. Có rất nhiều khoảnh khắc và những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của các bạn. Do đó bạn sẽ tìm thấy điều độc đáo và rất riêng của mình để viết.
Đừng viết về những việc quá triết lý, vĩ mô và cao siêu. Chủ đề càng lớn lao, con người bạn lại càng khó gần hơn trong mắt người đọc. Hãy cho hội đồng tuyển sinh thấy được con người bạn qua những điều nhỏ nhất.
Nhờ giáo sư viết thư giới thiệu
Để trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Harvard, Châu Thanh Vũ đã phải thuyết phục các giáo sư nổi tiếng tại ngôi trường Princeton viết thư giới thiệu mình. Mỗi học kỳ, cậu chỉ có thể gặp họ vài lần, mỗi lần 15 phút. Các giáo sư thường rất khó tính.
Khi viết luận văn năm ba đại học, lần đầu tiên tôi phải thật sự nghiêm túc nghiên cứu. Vì nếu không gây ấn tượng được với giáo sư Golosov, khi nộp học bổng tiến sĩ, không ai viết thư giới thiệu cho mình. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong hồ sơ. Hơn thế nữa, tôi cần đến 3 lá thư từ 3 vị giáo sư khác nhau.
Có 3 lá thư từ 3 vị giáo sư tên tuổi ở ngôi trường này là điều khó làm nhất. Nhưng một khi đã làm được, đó trở thành yếu tố quan trọng nhất trong bộ hồ sơ của mình.
"Tất nhiên, bây giờ nhìn lại thì dễ, nhưng chuyện cố gắng học và nghiên cứu thật tốt để gây ấn tượng và thuyết phục các giáo sư này là mình đủ khả năng, 2 năm trước đây là một điều đã tưởng chừng như không thể", nam sinh chia sẻ.
Học kỳ mùa thu năm 3 ở Princeton, cứ mỗi tuần Vũ thức trắng đêm một lần - một thói quen làm việc mà cậu luôn muốn từ bỏ. "Nhưng đôi lúc tôi tự hỏi nếu không dốc hết sức, liệu mình có nhận được sự đánh giá tích cực của các giá sư nổi tiếng để đến được Harvard hay không?".
Người viết thư giới thiệu càng nổi tiếng càng tốt?
Để vào những đại học top đầu nước Mỹ, dĩ nhiên cần thư giới thiệu của những giáo sư nổi tiếng. Tuy nhiên nổi tiếng không phải là yếu tố lớn nhất để có bức thư chất lượng.
Theo nhà báo Vĩnh Khang (chủ nhân học bổng Fulbright năm 2015-2016), người viết thư giới thiệu nên liên quan lĩnh vực của bạn, cũng như hiểu rõ bạn sẽ làm được gì. Ứng viên đại học Mỹ thường phải có 3 thư giới thiệu, đồng nghĩa có 3 cơ hội "tiếp thị" hình ảnh tới hội đồng.
Nhà báo Vĩnh Khang tại nơi theo học. Ảnh: NVCC.
Bạn có thể chọn 3 người hiểu về mình ở 3 khía cạnh khác nhau, cũng như nhìn nhận công việc và kế hoạch của bạn ở 3 góc nhìn, quan điểm khác nhau. Như vậy, sẽ hiệu quả hơn nhiều so với 3 bức thư gần giống nhau.
Ví dụ, lĩnh vực của tôi là báo chí, tập trung mảng văn hóa nghệ thuật. Tôi chọn một tổng biên tập viết thư, một nghệ sĩ (ca sĩ Trần Thu Hà), một người trong lĩnh vực báo chí có tầm nhìn bao quát xu hướng báo chí Việt Nam và quốc tế (Nguyễn Danh Quý - Editor in Chief của ELLE Vietnam).
Tổng biên tập sẽ đánh giá mình ở khía cạnh chuyên môn báo chí; ca sĩ Hà Trần đánh giá hiểu biết (có thể cả hạn chế) về nghệ thuật, anh Quý đánh giá về khả năng hiểu biết, hoà nhập xã hội, cũng như học tập của mình ở môi trường quốc tế.
Theo Zing
Chỉ viết luận liệu có vào được đại học? Nhiều ý kiến cho rằng, Đại học quốc gia TP HCM thay đổi mạnh tư duy tuyển sinh, thông qua bài luận, thư giới thiệu để tìm hiểu đam mê ngành học của thí sinh là một bước đi đột phá. Trước khi ban hành thông tin chi tiết về quy chế tuyển thẳng, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban Đào...