Tuyển sinh 2021: Tránh trượt oan vì tiêu chí phụ!
Sáng 9-1, hơn 4.000 học sinh THPT ở thành phố Vinh và lân cận đã tựu về Trường ĐH Vinh ( Nghệ An) tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021.
Học sinh Nghệ An tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 tại Trường ĐH Vinh sáng 9-1 – Ảnh: MAI THƯƠNG
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup.
Em đoạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn toán có được ưu tiên xét tuyển vào lớp kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội không?
Vương Đình Minh (học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An)
Khi có giải học sinh giỏi quốc gia thì em đã có “vé” vào lớp kỹ sư tài năng. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển thẳng ở mỗi môn học chỉ 10 – 15%. Cho nên trường sẽ lấy chỉ tiêu từ trên xuống. Nếu em nằm trong 10 – 15% đó thì sẽ có cơ hội.
PGS.TS Trần Trung Kiên (trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
Đọc kỹ đề án tuyển sinh
Ở phần tư vấn, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm khảo thí, phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội – lưu ý: “Năm 2019, 2020 có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng không để ý tiêu chí phụ là điểm học bạ nên trượt nguyện vọng 1. Các em phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường để tránh sai sót không đáng có”.
Với những thí sinh quan tâm đến tuyển thẳng, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyên những bạn có giải nhì học sinh giỏi quốc gia vẫn nên thi thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì đôi khi đây là tiêu chí phụ quan trọng để bạn chiếm ưu thế so với người cùng giải nhì.
ThS Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cũng lưu ý: “Mặc dù thí sinh được phép đăng ký nguyện vọng không giới hạn nhưng khi đã nộp đơn vào nguyện vọng 1, hệ thống sẽ không cho phép đăng ký vào các trường khác nữa. Do đó khi các em thay đổi nguyện vọng phải nghĩ thật kỹ và điền thông tin thật chính xác”.
Có học sinh thắc mắc nếu đoạt giải quốc gia được một trường ĐH tuyển thẳng rồi, thi THPT quốc gia đạt điểm cao có thể đăng ký vào các trường khác không? Các chuyên gia cho biết theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng.
Chỉ khi nào thí sinh quyết định nhập học vào trường nào đó thì hệ thống sẽ loại thí sinh ra hệ thống xét tuyển. Nên thí sinh đoạt giải quốc gia sẽ không được xét vào các trường khác nữa khi đã “chốt” nộp hồ sơ vào trường được tuyển thẳng.
Những học sinh mong muốn học song bằng ngay từ khi bước vào ĐH được các chuyên gia khuyên học xong năm thứ nhất, thấy bằng một có kết quả khá mới đăng ký bằng thứ hai…
Quan tâm nhiều ngành quân đội, công an
Tại chương trình, thí sinh Nghệ An đặt nhiều câu hỏi liên quan đến ngành công an, quân đội. Một thí sinh hỏi: “Nếu cha em có tiền án và đã hoàn thành xong án từ 16 năm trước thì em thi vào ngành quân đội, công an được không?”.
Đại tá Vũ Hồng Khanh – trưởng phòng đào tạo Học viện Biên phòng (Bộ Quốc phòng) – trả lời: “Tất cả những ai vi phạm pháp luật, sau khi thực hiện xong án phạt đều là công dân bình thường. Con cái của họ hoàn toàn có quyền đăng ký dự thi vào các trường này”.
Đại tá Khanh cũng lưu ý ngoài các quy định chung của Bộ GD-ĐT, khối ngành quân đội, công an sẽ xét lý lịch và yêu cầu khám sức khỏe sơ tuyển. Khi thí sinh trúng tuyển rồi, trường sẽ khám sức khỏe lần nữa. Người nào không đủ tiêu chuẩn vẫn có thể bị loại. Một số trường quân đội sau khi hậu kiểm sức khỏe phát hiện thí sinh có tật về mắt có thể châm chước cho thí sinh đi mổ.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, việc châm chước về thị lực chỉ ở những ngành đòi hỏi thị lực vừa phải. “Còn những ngành liên quan đến chỉ huy, tham mưu đòi hỏi thị lực 100% thì không có chuyện châm chước” – đại tá Khanh nói.
Đại tá Khanh khuyên thí sinh muốn thi vào ngành quân đội tốt nhất nên khắc phục tật ở mắt mới nên thi. Tuy nhiên, có học sinh lại băn khoăn có hay không quy định người trẻ 18 tuổi mới được mổ cận. Thí sinh 17 tuổi đã phải thi ĐH rồi thì làm thế nào? TS Lê Đình Tùng – trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Trường ĐH Y Hà Nội – cho biết không có quy định nào bắt buộc người 18 tuổi mới được mổ cận.
“18 tuổi chỉ là độ tuổi để mổ cận đạt hiệu quả cao nhất mà ngành y khuyến cáo thôi” – TS Tùng nói.
Học sinh háo hức với chương trình
Trực tiếp đưa gần 200 học sinh đến dự chương trình, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa – hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An – cho biết: “Các em ở vùng sâu vùng xa ít có cơ hội được gặp các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, nên khi biết Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ thì cả thầy và trò đều háo hức”.
Cô Hoa cho biết học trò vùng sâu vùng xa đi học xa nhà rất nghị lực, nhiều quyết tâm. Năm 2020, 100% các em Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đều thi đỗ tốt nghiệp THPT và 87% các em xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Hơn 4.000 học sinh dự tư vấn tuyển sinh tại ĐH Vinh: Nhiều câu hỏi 'nóng' ngành an ninh, quân đội
Sáng 9-1, mặc dù trời giá rét nhưng hơn 4.000 học sinh của tỉnh Nghệ An đã đổ về Trường ĐH Vinh để tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021.
Hàng ngàn học sinh đã tới dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 - Ảnh: NGỌC QUANG
8h20 phiên tư vấn chung chính thức bắt đầu với 10 chuyên gia tư vấn đến từ Bộ Giáo dục - đào tạo cũng như các chuyên gia từ các trường ĐH.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm Khảo thí, phó trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội - ngay trước khi bước vào phiên tư vấn đã khuyên các học sinh đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học (đăng trên web trường), để tránh các bị trượt oan do thiếu thông tin.
Nhằm giúp cho các em học sinh có thông tin chính xác về tuyển sinh, hướng nghiệp, cập nhật nhu cầu nhân lực của thị trường, Báo Tuổi Trẻ đã mời các chuyên gia của Bộ Giáo dục - đào tạo, các trường đại học tới để tư vấn cho học sinh.
GS-TS Nguyễn Huy Bằng - hiệu trưởng Trường ĐH Vinh
Phải chính xác khi điền thông tin
Ths Hoàng Thúy Nga - Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục - đào tạo - cho biết hiện nay các trường ĐH đã tự chủ nên có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Ths Hoàng Thúy Nga cũng dặn học sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường. Học sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, các trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp.
Học sinh phải lưu ý chỉ được trúng duy nhất một nguyện vọng. Do đó học sinh cần sắp xếp nguyện vọng cao nhất lên đầu, và các nguyện vọng tiếp theo theo thứ tự.
Học sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất bằng giấy và trực tuyến trên hệ thống. Học sinh phải có số điện thoại đăng ký trên hệ thống mới được điều chỉnh nguyện vọng.
Mọi thông tin phải hoàn toàn chính xác. Sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia, các em trúng tuyển sẽ nhận phiếu chứng nhận kết quả thi. Nếu học sinh xác nhận phiếu này, các trường này sẽ xác nhận giấy này lên hệ thống, học sinh sẽ không thể đăng ký trường khác nữa.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, đại diện bộ phận tuyển sinh - đào tạo các trường đại học, cao đẳng, trường nghề sẽ trực tiếp trao đổi, giải đáp, cung cấp thông tin cho học sinh tại hơn 50 gian tư vấn, giúp các em chọn trường, chọn nghề phù hợp năng lực và nguyện vọng, tìm hiểu cơ hội học tập, học bổng, các điều kiện phục vụ học tập của từng trường.
Các học sinh Nghệ An chăm chú nghe các thông tin tư vấn từ các thầy cô Ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 - Ảnh: DOÃN HÒA
Có bệnh lý về mắt có được thi vào trường quân đội?
Rất nhiều học sinh có tật khúc xạ về mắt băn khoăn mình có quyền được xét tuyển vào khối an ninh, quân đội hay không? Liệu thi tuyển vào trường trước rồi xử lý tật khúc xạ về mắt sau được hay không?
Đại tá Vũ Hồng Khanh, Trưởng Phòng đào tạo, Học viện Biên phòng (Bộ Quốc phòng) cho biết: "Một số trường vẫn lấy người có tật khúc xạ mắt là 3 độ (Trường Kỹ thuật Quân sự vẫn lấy). Còn trường chỉ huy, tham mưu ưu tiên học sinh có mắt tốt. Học sinh nên xử lý tật khúc xạ trước khi đi sơ tuyển thì tốt hơn, vì nhiều trường đòi hỏi về mắt từ khi nộp hồ sơ sơ tuyển.
Theo quy định của Bộ Quốc phòng, một số trường yêu cầu thí sinh không có bệnh khúc xạ mới tuyển. Học viện của chúng tôi vẫn phúc tra lại sức khỏe khi các em vào trường và phát hiện một số bạn có tật về mắt. Khi đó chúng tôi yêu cầu các em cam kết xử lý mắt trong thời gian nhất định. Đó là vận dụng, còn quy định thì không được. Nếu các em bị cận, tốt nhất xử lý mắt trước, để có thể thi vào trường không lấy thí sinh có tật khúc xạ về mắt".
Liên quan đến chỉ tiêu tuyển nữ của các trường Quân y, TS Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng quản lý đào tạo đại học, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: "Học viện Quân y tuyển 10% nữ. Để thi tuyển vào phảo có hồ sơ lý lịch, chứng nhận khám sức khỏe. Vào trường sẽ phải khám sức khỏe lại, nếu không đủ tiêu chuẩn vẫn có thể bị loại".
Có học sinh băn khoăn "theo quy định 18 tuổi mới được mổ cận, nhưng tuyển sinh ĐH lại diễn ra lúc em 17 tuổi, có cơ hội nào cho em không?". TS Lê Đình Tùng cho biết ngành y khuyến khích mọi người xử lý tật khúc xạ sau 18 đạt hiệu quả an toàn tối ưu, còn đó không phải quy định bắt buộc.
Đại tá Nguyễn Bá Thảo, Trưởng Phòng đào tạo, Học viên Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) giải đáp thắc mắc về ưu tiên xét tuyển tại trường - Video: MAI THƯƠNG
Quan tâm tới các ngành thực hành
Nhiều học sinh cũng quan tâm tới cơ hội được thực hành tại các trường đại học. Nguyễn Thị Thúy Nga (học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu) đặt câu hỏi tại gian tư vấn FPT Arena: "Nếu học chương trình thiết kế đồ họa tại trường thì liệu có được thực hành nhiều không, kết thúc môn học có được làm bài hết môn bằng sản phẩm hay không hay chỉ thuần lý thuyết?".
"Càng ngày em thấy việc chú trọng thực hành ngày càng quan trọng hơn, vì không ít sinh viên sau khi ra trường thì thuần lý thuyết mà không được làm thực tế nên các cơ quan rất ngại phải đào tạo lại" - Trần Hải Nam (học sinh trường THPT Hà Huy Tập) cho biết.
Đại diện phòng Tuyển sinh FPT Arena cho biết đây là trường liên kết quốc tế, sinh viên có thể được đào tạo thực hành trong phần lớn thời gian đào tạo tại trường. Sau khi học xong, sinh viên có thể nhận văn bằng quốc tế tương đương hệ cao đẳng và có thể liên thông các trường đại học quốc tế tại Việt Nam.
Về cơ hội nghề nghiệp, sinh viên sau khi học một kỳ 5 tháng tại trường đã có thể đi làm tại các doanh nghiệp liên kết với nhà trường. Vì chương trình đào tạo chú trọng vào thực hành nghiệp vụ nên sinh viên sẽ dễ dàng quen việc ngay từ lúc mới học trên ghế nhà trường, không cần lo đến chuyện phải đào tạo lại khi vào làm việc.
Nhiều thí sinh chưa đọc Quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT !
Khảo sát tại chương trình tư vấn tuyển sinh Nghệ An sáng 9-1, phần lớn học sinh ở các trường THPT ở Nghệ An chưa nghiên cứu kỹ Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH của Bộ GD-ĐT tạo ban hành trước các kỳ tuyển sinh.
Em Trần Thu Hà (học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) cho biết: "Em và cả các bạn trong lớp chưa có cơ hội để tiếp cận với Quy chế tuyển sinh của Bộ, đến hôm nay khi em đi tham gia tư vấn thì mới lên mạng để xem. Hầu như chúng em chỉ đọc về đề án tuyển sinh của trường đại học mà mình muốn thi mà thôi".
"Hiện tại em phải tham khảo cơ chế tuyển sinh của các trường để xem đâu là trường phù hợp với năng lực cũng như đam mê của mình để điều chỉnh việc học cho phù hợp. Còn quy chế tuyển sinh thì em nghĩ đến lúc nào mình gần sắp sửa làm hồ sơ thì sẽ đọc qua một lần" - học sinh Nguyễn Hải Bằng (học sinh trường THPT Chuyên Đại học Vinh) chia sẻ.
Hàng ngàn học sinh đến chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp sáng 9-1 - Video: NGỌC QUANG
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá rất cao học sinh Nghệ An, vì đây là tỉnh có tỉ lệ học sinh đỗ đại học cao nhất. Trong buổi tư vấn, học sinh Nghệ An hỏi rất nhiều và rất kỹ về tuyển sinh đại học năm 2021- Ảnh: MAI THƯƠNG
Học sinh Nghệ An tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh sáng 9-1 - Ảnh: MAI THƯƠNG
Mặc dù trời giá rét nhưng hơn 4000 học sinh của thành phố Vinh và các huyện nội thành đã đổ về Trường ĐH Vinh để tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 - Ảnh: MAI THƯƠNG
Học sinh tìm hiểu thông tin các ngành nghề tại gian hàng của các trường ĐH, CĐ - Ảnh: DOÃN HÒA
Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là hoạt động phối hợp thường niên giữa Báo Tuổi Trẻ TP.HCM (cơ quan của Thành đoàn TP.HCM) cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup.
Năm nay, Báo Tuổi Trẻ có kế hoạch tổ chức 3 ngày hội và 18 chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có tỉnh Nghệ An.
Đây cũng là hoạt động vì cộng đồng, vì thế hệ tương lai của đất nước, được Báo Tuổi Trẻ tổ chức liên tục 19 năm qua, kể từ năm 2003.
Tuyển sinh 2021: Học ngành nào để phù hợp với bối cảnh chuyển đối số? Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, học ngành nào là phù hợp? Mùa tuyển sinh 2021 đang đến gần, các thí sinh lớp 12 ngoài việc gấp rút ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi còn đặc biệt quan tâm tới chọn ngành, chọn nghề. Trong đó, câu chuyện...