Tuyển sinh 2021: Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra thi cử xét tuyển
Kết luận Hội nghị tuyển sinh Đại học, cao đẳng sư phạm 2021; Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thi cử, xét tuyển và kỳ thi riêng của một số cơ sở đào tạo.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Thành công được gói gọn trong 5 từ khóa
Thứ trưởng thông tin, sau 150 phút thảo luận, hội nghị đã nghe 38 ý kiến đại diện cho gần 600 đại biểu đến từ 322 đơn vị tham gia. Nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, kiến nghị cụ thể, với nhiều giải pháp khả thi cho công tác tuyển sinh 2021.
Thứ trưởng khẳng định, năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, thiên tai bão lũ ở miền Trung, nhưng công tác tuyển sinh đã thành công tốt đẹp. Điều đó được thể hiện qua sự hài lòng của các cơ sở giáo dục đại học, thí sinh, phụ huynh và xã hội.
Thành công của công tác tuyển sinh năm 2020 có thể tóm tắt lại bằng 5 từ khóa: Ổn định, chủ động, thích ứng, công nghệ và hợp tác. Các giải pháp đều có tinh thần chung là: Tạo điều kiện tối đa và mang lại lợi ích tốt nhất cho thí sinh. Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã quan tâm sát sao và có những điều chỉnh phù hợp, thuận lợi cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
Cùng với đó, các sở GD&ĐT đã hỗ trợ rất tốt cho thí sinh và các trường ĐH. Các trường cũng chủ động trong công tác tư vấn, tuyển sinh và ứng dụng tối đa công nghệ thông tin nên đã đạt được kết quả tích cực.
Thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong công tác tuyển sinh 2020, Thứ trưởng trao đổi, đâu đó vẫn còn những sai sót do sơ xuất. Một số trường chưa nghiêm túc báo cáo, nhập nhật dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước…
Video đang HOT
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TG
Từ những phân tích nêu trên và thực tế, Thứ trưởng lưu ý, cần có dự báo trong công tác tuyển sinh năm 2021. Ngoài yếu tố dịch bệnh, thiên tai có thể xuất hiện, các cơ sở đào tạo đại học cần chủ động các phương án và kịch bản ứng phó với những yếu tố bất thường do khách quan mang lại
Năm nay, một số cơ sở tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Cùng với đó, hầu hết các cơ sở đào tạo đều tuyển sinh theo nhiều phương thức khác nhau. Do đó, cần dự báo các tình huống để kịp thời xử lý trong những trường hợp đột xuất. Liên quan đến đào tạo theo “đặt hàng”, nhất là với đào tạo giáo viên, Thứ trưởng đề nghị: Các cơ sở đào tạo cần quan tâm, phối hơn với các địa phương và Sở GĐ&ĐT.
Ổn định tuyển sinh
Khẳng định, tuyển sinh 2021 giữ ổn định như năm trước, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này. Từ đăng ký nguyện vọng xét tuyển, cho đến điều chỉnh nguyện vọng và xét tuyển của các trường. Qua đó, nhằm giảm thiểu sai sót và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Ngoài ra, các trường cần chuẩn bị tốt phương án tuyển sinh và tư vấn tuyển sinh, bảo đảm tính nhất quán về thông tin khi cung cấp thí sinh.
Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong thi cử, xét tuyển và kỳ thi tuyển sinh riêng của các đơn vị. Tuy nhiên, các trường cũng cần tăng cường thanh tra nội bộ, xét tuyển công bằng, công khai và đúng quy chế.
Toàn cảnh Hội nghị.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị, các Sở GD&ĐT tiếp tục lên kế hoạch giảng dạy, ôn thi, hướng dẫn các trường THPT, các điểm tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến và đăng ký trực tiếp. Mặt khác, kiểm tra kỹ thông tin của thí sinh; nhất là về đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên…
Đối với các cơ sở đào tạo, cần tiếp tục phát huy kết quả của năm trước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh; bảo đảm công khai, minh bạch và làm tốt công tác thanh tra nội bộ.
Đối với các trường tổ chức thi riêng, cần tạo điều kiện cho thí sinh không phải đi nhiều lần, nhiều nơi; các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau, trên tinh thần hợp tác và đồng thuận.
Thứ trưởng cũng giao cho cho các Vụ, Cục và các đơn vị chức năng Bộ GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Bộ; trước mắt hoàn thiện Quy chế tuyển sinh 2021; đồng thời kiểm tra, rà soát và nâng cấp phầm mềm tuyển sinh, nhằm đáp ứng tốt hơn cho các cơ sở đào tạo và thí sinh. Phần mềm vừa bảo đảm yêu cầu bảo mật thông tin cá nhân, vừa hỗ trợ các trường dữ liệu theo quy định của pháp luật.
Khuyến khích liên kết tổ chức thi theo nhóm trường
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến giáo dục đại học (ĐH) năm 2020 và đề xuất định hướng năm 2021.
Tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều trường ĐH cho biết, năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra thành công.
Do vậy, các trường bày tỏ mong muốn tiếp tục giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, bởi việc chuyển đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT cần thời gian nhiều năm chứ không thể chuyển đổi ngay lập tức.
Các trường cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục giữ vai trò chỉ đạo kỳ thi và thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo kỳ thi tuyệt đối nghiêm túc tăng cường hơn nữa tính phân hóa của kỳ thi để có thể phân loại thí sinh tốt hơn, giữ ổn định độ khó của đề thi.
Về lâu dài, các trường ĐH đề xuất, cần thiết phải thành lập trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức các kỳ thi. Các trường ĐH có thể sử dụng những kết quả này để thực hiện việc xét tuyển và xét tuyển nhiều đợt trong năm.
Công tác thi và tuyển sinh năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Ảnh minh họa
Thông tin về phương án tuyển sinh năm 2021, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021-2025.
Trong giai đoạn 2021- 2025, phương án thi vẫn sẽ giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như 2020 phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở giáo dục đại học. Việc tổ chức tuyển sinh sẽ có những cải tiến, chủ yếu là thi trên giấy nhưng sẽ từng bước tiến tới việc thi trên máy ở những nơi có đủ điều kiện và tiệm cận với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Trong 5 năm qua, công tác tuyển sinh ĐH, cao đẳng sư phạm đã được đổi mới thành công theo một lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường.
Trên cơ sở phát huy những ưu điểm đã nêu, công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.
Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập.
Trong khâu xét tuyển, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỷ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Năm 2026: Dừng đào tạo CĐ các ngành sư phạm, trừ giáo viên mầm non Việc đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, trung học cơ sở do các trường ĐH sư phạm đảm nhiệm. Ảnh minh họa/INT Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Thực hiện Luật Giáo dục 2019, các trường cao đẳng (CĐ) sư phạm chỉ đào tạo được giáo viên mầm non. Hiện số lượng trường CĐ sư phạm trên cả...