Tuyển sinh 2013: Trường công cũng “nóng ruột”
Miễn học phí, tặng học bổng, ưu tiên đối tượng tuyển sinh… năm nay, ngay cả các trường ĐH lớn cũng bắt đầu áp dụng phương thức này để “vực dậy” những ngành khó tuyển.
Các trường ráo riết “săn” thí sinh
Ngay sau Tết Nguyên đán, dù còn tới gần 1 tháng nữa mới đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi (10.3) nhưng ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố chính thức hỗ trợ toàn bộ học phí cho 14 ngành đào tạo cơ bản bao gồm: Việt Nam học, Hán nôm, Nhân học, Văn học, Lịch sử, Triết học, Khoa học đất, Quản lý tài nguyên và môi trường, Thuỷ văn học, Hải dương học, Kỹ thuật địa chất, Địa lý tự nhiên, Khoa học vật liệu, Máy tính và khoa học thông tin.
Ông Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Đây là những ngành học mà nhiều năm qua có lượng thí sinh đăng ký dự thi ít, đầu vào rất thấp trong khi thực tế nhu cầu nhân lực lại cao. Sở dĩ có mâu thuẫn này là do thí sinh chưa nhận thức được bản chất của ngành học, ngại khó, ngại khổ…”. Cũng theo ông Sơn, sinh viên theo học 14 ngành này vẫn phải đóng học phí bình thường nhưng được hỗ trợ trở lại bằng tiền mặt hoặc các ưu đãi với mức tương đương với học phí tuỳ theo quy định của từng trường thành viên.
Nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT đã sớm được khởi động (Ảnh minh hoạ)
Tương tự, nhiều trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng “mạnh tay” miễn học phí nhiều ngành khó tuyển. Cụ thể, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tuyên bố miễn 100% học phí đối với thí sinh trúng tuyển ngành Triết học và Hán nôm. ĐH Quốc tế miễn 100% học phí cho thí sinh có tổng điểm thi từ 23 trở lên đối với ngành Quản lý nguồn lợi thuỷ sản, từ 23,5 điểm trở lên với ngành Kỹ thuật điện tử- Truyền thông; từ 24 điểm trở lên các ngành thuộc khối ngành Kỹ thuật- Công nghệ…
Video đang HOT
Trường ĐH Lâm nghiệp cũng tuyên bố giảm 50% học phí cho sinh viên trúng tuyển 8 ngành: Công nghệ thông tin, Lâm sinh, Kỹ thuật cơ khí, Công tác nông thôn, Khuyến nông, Lâm nghiệp, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế biến lâm sản.
Ưu đãi thí sinh hết mức
Trong khi đó, khối các trường ĐH dân lập, ĐH vùng tiếp tục tung nhiều chiêu “tiếp thị” tuyển sinh khá hấp dẫn bằng học bổng. Tại ĐH Quốc tế Bắc Hà, thí sinh có kết quả thi ĐH từ 15 điểm trở lên và CĐ từ 12 điểm trở lên sẽ được tặng học bổng.
Trường ĐH Hà Hoa Tiên tuyên bố tặng 1 máy tính xách tay cho thủ khoa và 1máy tính để bàn cho á khoa trúng tuyển vào trường trong mùa tuyển sinh năm nay. Còn Trường ĐH Nguyễn Trãi thì giảm 20% học phí năm đầu cho 300 thí sinh “nhanh chân” đăng ký xét tuyển đầu tiên vào trường này.
Lãnh đạo Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết sẽ dành ưu đãi đặc biệt cho những thí sinh có điểm thi tuyển từ 21 trở lên với mức học bổng từ 29,7 – 39,6 triệu đồng trong suốt 4 năm học.
Ngoài ra, ông Trần Hữu Nghị – Hiệu trưởng nhà trường còn cho hay, đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được vay vốn ưu đãi 10 triệu đồng/năm và được giảm học phí từ 10 – 50%.
Đặc biệt, Trường ĐH FPT còn công bố học bổng “khủng” với 100% học phí và 100 triệu đồng chi phí ăn ở trong suốt 4 năm cho đối tượng là học sinh giỏi toàn diện năm học lớp 11; là thành viên đội tuyển các tỉnh, thành phố dự thi học sinh giỏi quốc gia các môn tự nhiên năm 2012, 2013 và đoạt từ giải ba trở lên các kỳ Olympic quốc tế.
Ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định: Các trường không chỉ “nhắm” tới thu hút thí sinh, mà đã bắt đầu đi vào hỗ trợ thực chất, thông qua miễn giảm học phí và giúp thí sinh nhập học thuận lợi. Tuy nhiên, với các trường có ưu đãi “khủng”, thí sinh cần cân nhắc nhu cầu và nguyện vọng của mình khi thi ĐH, tránh chọn trường chỉ vì ưu đãi.
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Nhiều trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh ĐH
Mặc dù còn mấy tháng nữa mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 mới chính thức khởi động nhưng nhiều trường ĐH, CĐ đã sớm công bố chỉ tiêu tuyển sinh.
Bên cạnh việc tự cắt giảm chỉ tiêu chung, nhiều trường còn mạnh tay trong việc cắt giảm chỉ tiêu ngành "hot".
Không "tự xử", trường khó sống
Mùa tuyển sinh năm 2012 kết thúc bằng sự thất bại về chỉ tiêu tuyển sinh của rất nhiều trường ĐH, CĐ, trong đó có các trường ĐH vùng, ĐH dân lập. Không đủ chỉ tiêu, nhiều trường đã phải đóng cửa các ngành học vô thời hạn, một số trường khác liều mạng tuyển quá chỉ tiêu nhằm bù lượng thí sinh rút hồ sơ giữa chừng. Hệ quả là các trường này đã nhận được "án" kỷ luật của Bộ GDĐT. Để không rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, năm nay nhiều trường đã tự hạ chỉ tiêu.
Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc bàn giao hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm 2012 cho các trường
Cụ thể, Trường ĐH Đồng Tháp dự kiến tuyển khoảng 3.600 chỉ tiêu, trong đó bậc ĐH tuyển 2.500 chỉ tiêu, so với năm 2012 đã giảm 300 chỉ tiêu. Năm 2012, trường này phải tạm dừng tuyển sinh 3 ngành do có số thí sinh trúng tuyển quá ít, là: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp hệ ĐH và ngành công nghệ thiết bị trường học hệ CĐ. Ông Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng trường này cho biết: "Bên cạnh giảm tổng chỉ tiêu, trường cũng sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu các ngành kinh tế, sư phạm. Đây là khối ngành nhiều năm nay rất chật vật vì tuyển sinh không đủ".
Trường ĐH Yersin (Đà Lạt) dự kiến giảm 200 chỉ tiêu so với năm 2012. Ông Phạm Bá Phong - Hiệu trưởng trường này cho biết: "Năm nay trường chỉ đề xuất 700 chỉ tiêu cho cả bậc ĐH và CĐ, thay vì 900 như năm trước. Thực tế, mấy năm gần đây trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu nên phải chủ động cắt giảm chỉ tiêu để tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo".
Giảm mạnh chỉ tiêu ngành "báo động đỏ"
Kinh tế, tài chính, ngân hàng... là những ngành "báo động đỏ" về dư thừa nhân lực nên được các trường cắt giảm đầu tiên. Theo đó, Trường ĐH Sài Gòn vừa công bố giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế hệ ĐH và dừng tuyển sinh khối kinh tế hệ CĐ trong mùa tuyển sinh 2013. Cụ thể, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 3.900, giảm 1.400 so với năm 2012.
Ngay cả ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tính giảm chỉ tiêu. Theo ông Mai Trọng Thuận - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: "Đối với ĐH Kinh tế năm nay sẽ giảm mạnh, đặc biệt là hệ tại chức".
ĐH Tây Nguyên năm nay cũng cơ cấu lại chỉ tiêu các ngành trong nội bộ trường. Cụ thể, chỉ tiêu của các ngành được cảnh báo dư thừa nhân lực và khó tuyển sinh sẽ chuyển sang cho các khối ngành đào tạo theo nhu cầu như: Kỹ thuật, nông lâm. Ông Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng trường cho biết: "Diện tích sàn, số lượng giảng viên/sinh viên không thể ngay lập tức bổ sung được. Các trường chỉ còn cách tự hạ chỉ tiêu và cơ cấu lại ngành nghề đào tạo theo hướng điều chỉnh của Bộ GDĐT để tự cứu lấy mình".
Nhận định về xu hướng này, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: "Việc Bộ GDĐT giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu không có nhiều ý nghĩa. Bộ giao, hay trường xác định không quan trọng, quan trọng là đảm bảo làm sao số chỉ tiêu đó có thể tuyển đủ. Trong khi Bộ không có động thái nào thì các trường phải tự cắt giảm chỉ tiêu là điều tất yếu".
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
"Loạn" học phí 20 trường ngoài công lập Ngày 30-3, Bộ GD-ĐT công bố phiên bản thay thế tài liệu "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2012" với việc bổ sung thông tin học phí của gần 20 trường ĐH ngoài công lập phía Bắc và ngành đào tạo mới được giao mở. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, mức học phí của gần 20 trường ngoài công...