Tuyển sinh 2013, thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi
Điểm mới trong tuyển sinh 2013 là thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi. Các trường sẽ không nhận bản đăng ký xét tuyển photo như năm 2012 mà chỉ nhận bản gốc.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm nay Bộ quyết định thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi. Các trường ĐH, CĐ sẽ in, đóng dấu đỏ và cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ cho thí sinh không trúng tuyển vào trường mình nhưng có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên để thí sinh đăng ký xét tuyển. Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT.
Đối với thí sinh dự thi liên thông nộp hồ sơ và thi chung đợt với ĐH, CĐ chính quy. Các thí sinh này vẫn phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh. Nếu không trúng tuyển cũng sẽ được xét tuyển vào học liên thông các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển.
Tuyển sinh 2013, thí sinh không được nộp bản photo để tham gia xét tuyển.
Video đang HOT
Ngày 19/2, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã họp bàn để thống nhất lại những điểm thay đổi trong các kì thi năm 2013. Hầu hết các chủ trương đều được giữ nguyên so với bản dự thảo được đem ra bàn luận tại hội nghị thi và tuyển sinh trước đó.
Do vậy, Bộ tiếp tục giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20/8/2013. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30/10/2013.
Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 6 tháng.
Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học dự bị 6 tháng.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Tuyển sinh và "liệu pháp sốc"
Vài tháng nữa mùa tuyển sinh 2013 sẽ bắt đầu. Thời điểm này các trường đang ra sức khởi động các chương trình tư vấn tuyển sinh.
Trong khi ở các "lò" luyện, hàng ngàn thí sinh vẫn đang ngày đêm văn ôn, võ luyện chuẩn bị bước vào cuộc đua sinh tử. Tuy nhiên, đối với một bộ phận không nhỏ thí sinh, kỳ thi năm nay sẽ trở nên cực kỳ khó khăn khi Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT quy định mới về đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ chính thức có hiệu lực từ ngày 7/2/2013. Theo đó, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, muốn học liên thông lên trình độ cao hơn khi chưa đủ 36 tháng phải dự thi các môn văn hóa, năng khiếu cùng học sinh THPT qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hàng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức vào đầu tháng 7.
Ngoài ra, cũng theo quy định, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh hệ liên thông của các trường không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy. Có thể nói đây là lần đầu tiên kể từ khi mở rộng hình thức giao tự chủ về cho các trường ĐH, cơ quan chủ quản có động thái mạnh nhằm chấn chỉnh tình trạng "biến tướng" liên thông, "lạm phát" ĐH đang phổ biến hiện nay.
Các trường trung cấp, cao đẳng nghề được trả lại đúng vị trí và vai trò của nó, không còn là "trạm dừng chân" quá độ lên ĐH. Đơn vị nào trước giờ quen đào tạo theo kiểu "ăn xổi", liên kết dễ dãi, đào tạo chui, cắt xén chương trình, chạy theo số lượng bỏ quên chất lượng sẽ lập tức bị đào thải. Chất lượng đầu vào trở thành một trong những yếu tố quan trọng đánh giá hiệu quả đào tạo và "chất" của đầu ra.
Với một bộ phận không nhỏ thí sinh, kỳ thi năm nay sẽ trở nên cực kỳ khó khăn (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là không có điều đáng lo ngại. Thứ nhất, chủ trương đưa ra là đúng nhưng hiệu lực thi hành quá gấp (trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 chưa đầy 5 tháng) sẽ khiến số phận hàng ngàn thí sinh lỡ chọn đường vòng vào ĐH từ cách đây 2, 3 năm rơi vào bất ổn.
Thứ hai, nếu làm không khéo, quy định trên chẳng những không thể giúp các trường trung cấp, cao đẳng nghề mở rộng hơn nguồn tuyển mà trái lại, càng làm tình hình tuyển sinh ở những trường này bi đát hơn. Trong điều kiện hướng nghiệp ở phổ thông của chúng ta còn yếu kém, thắt chặt giấc mơ ĐH ở đầu này chưa chắc sẽ mở lối định hướng nghề cho học sinh ở đầu kia. Bằng chứng là đã có nhiều em ngay sau khi nghe phổ biến quy định mới quyết định chỉnh sửa lại hồ sơ thi ĐH. Thay vì lựa chọn những ngành phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, các em lại có khuynh hướng đổ dồn về những ngành được cho là ít người học để chắc một "suất" vào ĐH. Điều này vô hình chung sẽ tạo nên lãng phí về nhân lực và hiệu quả đào tạo, làm rối loạn nhu cầu phân bổ lao động của xã hội.
Thứ ba, quy định lần này phải chăng một lần nữa thể hiện sự bất lực trong quản lý của cơ quan chủ quản khi trước đó chưa lâu, Bộ GD-ĐT từng đưa ra quy chế đào tạo liên thông, giao tự chủ về cho các trường thực hiện liên thông từ trung cấp lên CĐ và CĐ lên ĐH. Song, trước thực tế đào tạo bát nháo, bộ lại ra thông tư mới theo kiểu quản không nổi thì... hạn chế?
Như vậy, chủ trương là đúng nhưng ban hành vào thời điểm này khiến không ít người bị "sốc". Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, Thông tư lần này hy vọng sẽ là bước điều chỉnh hợp lý, nâng cao giá trị thật của tấm bằng cử nhân.
Theo Thanh Thu (Sài Gòn giải phóng)
Trường ép thí sinh trúng tuyển? Một số thí sinh phản ánh tới báo Dân trí cho biết, các em trượt nguyện vọng 1 nhưng trường lại gửi giấy báo trúng tuyển vào hệ CĐ và Trung cấp của trường và không cấp giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển sang trường khác. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh dự thi đại học theo đề...