Tuyển sinh 2012: Trường nghề “chết đứng”
Đang mùa cao điểm tuyển sinh nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều trường trung cấp, trường nghề lại điêu đứng vì không có thí sinh. Nhiều ngành đóng cửa, không ít trường phải rao bán.
Trường trung cấp Phương Đông dù đăng ký chỉ tiêu 800 nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ tuyển được hơn 100 chỉ tiêu. Trường có năm ngành nhưng mới chỉ mở được hai ngành kế toán và quản trị kinh doanh. Một thành viên ban giám hiệu nhà trường cho biết các ngành còn lại mới chỉ có khoảng 10 học sinh. Nếu hết tháng 12 vẫn không đủ chỉ tiêu để mở lớp sẽ chuyển số học sinh này sang trường khác!
Tuyển sinh èo uột
Theo nhiều trường trung cấp, chưa năm nào tình hình tuyển sinh lại bi đát như năm nay. Mặc dù là mùa cao điểm tuyển sinh nhưng hồ sơ nộp vào trường quá ít, tiến độ tuyển sinh chậm hơn hẳn so với mọi năm. Ông Bùi Hồng Điệp – hiệu trưởng Trường trung cấp Tân Thanh – cho biết đang mùa cao điểm nhưng trường tuyển chưa được 300 học sinh, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.900. “Tiến độ tuyển sinh quá chậm so với năm 2011. Giờ vào ĐH dễ quá, thời gian xét tuyển ĐH lại kéo dài đến hết tháng 11, thí sinh không trúng tuyển trường này được rút lại hồ sơ nộp vào trường khác. Cơ hội vào ĐH quá nhiều thì còn ai muốn vào trung cấp nữa” – ông Điệp buồn bã nói.
Thống kê từ nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai cho thấy đến thời điểm này, rất hiếm trường tuyển được 50% chỉ tiêu. Nhiều trường số học sinh tuyển được chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí là chưa tuyển được học sinh. Đã qua giữa tháng 10 nhưng Trường trung cấp Tây Sài Gòn vẫn chưa tuyển được học sinh nào. Trường trung cấp Công nghệ viễn thông Đồng Nai cũng chỉ mới tuyển được hơn 100 học sinh. Ngành công nghệ thực phẩm Trường trung cấp Vạn Tường chỉ tuyển được hơn 10 học sinh và buộc phải tạm dừng tuyển sinh. Số học sinh này được “chuyển” cho một trường ĐH có bậc trung cấp ngành này đào tạo.
Học sinh Trường trung cấp nghề Khôi Việt thực hành pha chế rượu. Năm nay trường mới chỉ tuyển được 32 học sinh
Theo ông Trần Văn Giáp – hiệu trưởng Trường CĐ nghề Hàng hải, đến thời điểm này trường mới tuyển được 350 học sinh, sinh viên cho cả bậc CĐ và trung cấp nghề. Rất nhiều nghề như quản trị mạng máy tính, công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, sửa chữa máy tàu thủy có quá ít thí sinh và không thể mở ngành. Trong khi đó, hiệu trưởng một trường CĐ nghề tại TP.HCM cho biết bậc CĐ mới chỉ tuyển được gần 200 sinh viên, trong khi bậc trung cấp mới có… bốn thí sinh nộp hồ sơ. Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Khôi Việt, ông Hà Kim Vọng, não nề nói: đến giờ trường mới tuyển được 32 học sinh bậc trung cấp, số lượng như thế trường sẽ không thể tồn tại được.
Bán trường
Video đang HOT
Sau mùa tuyển sinh thất bát năm trước cũng như tình hình tuyển sinh khó khăn của năm nay, nhiều trường đã “sang tay đổi chủ”. Trường trung cấp Gia Định “bán đứt” cho một trường ĐH. Trường trung cấp Tân Thanh, Tây Sài Gòn, Công nghệ viễn thông Đồng Nai cũng vừa chuyển cho chủ mới. Ở hệ nghề, các trường trung cấp nghề Ngọc Phước, Hoàn Cầu sau thời gian tuyển sinh èo uột của năm trước, năm hay hầu như không tuyển được học sinh. Ông Nguyễn Hữu Ngọc – hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị Trường trung cấp Phương Đông – cho biết cũng đang tìm người mua để bán sau những khó khăn trong tuyển sinh.
Theo lý giải của các trường trung cấp, các trường tư thục được “đẻ ra” quá nhiều trong khi “miếng bánh” thí sinh không nở ra nên ngay cả các trường tốp trên trong những năm trước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, các chính sách của Bộ GD-ĐT đưa ra cũng góp phần đẩy các trường trung cấp, trường nghề vào tình trạng sống dở chết dở như hiện nay. Chủ tịch hội đồng quản trị một trường trung cấp tại TP.HCM cho hay: “Bộ có công sinh các trường trung cấp nhưng không có công dưỡng, bị đối xử không công bằng nếu so với các trường ĐH, CĐ. Thậm chí còn đưa ra nhiều chính sách khiến các trường trung cấp gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn năm nay bộ cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đến cuối tháng 11. Các trường trung cấp có cố gắng cỡ nào cũng chỉ còn cách ngồi chờ. Bộ không cho các trường ĐH tuyển trung cấp, trường trung cấp hớn hở đầu tư để tuyển sinh thì đùng một cái bộ lại cho trường ĐH tuyển trung cấp trở lại. Trường trung cấp lại bị đặt vào thế khó dù đã nỗ lực nâng cao chất lượng nhưng làm sao cạnh tranh lại các trường ĐH” – bà này nói.
Ông Bùi Hồng Điệp nói thêm: các trường trung cấp đang nỗ lực tìm đầu ra để thu hút đầu vào. Trường đã ký nguyên tắc với một trường ĐH để liên thông sau khi học sinh tốt nghiệp. Giờ bộ đưa ra dự thảo buộc thí sinh liên thông phải thi văn hóa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Quy định này quá khắt khe khiến đầu ra của học sinh trung cấp khá mịt mờ. Thẳng thắn hơn, hiệu trưởng một trường trung cấp nói: “Chúng ta bàn nhiều đến chiến lược phát triển trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trước mắt phải tạo điều kiện cho các trường tồn tại trước khi nói đến việc phát triển. Trường chết đi thì lấy gì mà phát triển”.
Theo tuổi trẻ
Liên thông lên CĐ, ĐH: Âm thầm tuyển
Chưa được phép đào tạo liên thông từ hệ CĐ nghề lên ĐH nhưng nhiều trường ĐH lớn, nhỏ vẫn đang âm thầm thông báo tuyển sinh.
Rất nhiều sinh viên đã theo những lớp học này với ước mơ có được tấm bằng ĐH chính quy từ điểm xuất phát ban đầu rất đơn giản của hệ nghề: xét hồ sơ, không qua thi tuyển... Và giờ đây, họ như ngồi trên lửa vì không biết tương lai của mình sẽ về đâu.
Nộp hồ sơ là đỗ
Đ.N.A. (20 tuổi, Thịnh Lang, Hòa Bình) được người quen giới thiệu lo vào học liên thông ĐH chính quy ngành kế toán tại Trường ĐH Điện lực với chi phí "bảo đảm" 5 triệu đồng chỉ cần "nộp hồ sơ là đỗ". Học ôn chừng một tháng, A. tham dự kỳ thi liên thông vào tháng 4 và trúng tuyển như được hứa hẹn.
"Đỗ rồi mới phải học lớp chuyển đổi. Nhà trường thông báo học hơn ba tháng chuyển đổi với hơn 10 môn, nhưng thực tế việc học chỉ diễn ra hơn một tháng. Chưa học xong, chưa thi các môn chuyển đổi thì tháng 9 đã lại nhập học chính thức. Phí nhập học hơn 5,5 triệu đồng, trong đó học phí mới đóng nửa năm" - A. cho biết.
Theo N.A., vì thấy lớp học nhốn nháo, học ngoài trường, lại toàn học buổi tối hoặc cuối tuần, người thi đợt trước, đợt sau đều gom chung một lớp nên A. nghi ngờ chất lượng đào tạo và quyết định không đóng phí học chuyển đổi. "Như vậy tôi đã mất hơn 10 triệu đồng dù chưa đóng 4 triệu tiền học chuyển đổi".
Sinh viên Nguyễn Thị Kim Thoa, lớp KXD14 hệ CĐ nghề Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng
Tìm đến văn phòng tuyển sinh đóng tại một trường trung cấp trên đường Vũ Trọng Phụng, Hà Nội, chúng tôi nhận được lời tư vấn chắc nịch từ nhân viên trực tuyển sinh: "Tháng 11 tới Trường ĐH Điện lực tiếp tục thi tuyển liên thông. Trung cấp nghề, CĐ nghề liên thông cũng sẽ có bằng ĐH chính quy".
Trao đổi với PV, ông Bùi Đức Hiền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực - thừa nhận hiện trường chưa được bộ chấp thuận việc đào tạo liên thông từ trường CĐ nghề lên ĐH. Thế nhưng thực tế thông báo tuyển liên thông từ CĐ nghề lên ĐH chính quy đã thành "chủ trương" của trường này từ năm 2011. Ngay từ khi thành lập đề án đào tạo liên thông CĐ nghề lên ĐH chính quy năm 2011, trường đã rục rịch tuyển sinh và đào tạo luôn hình thức này.
Tương tự, trong thông báo tuyển sinh hệ CĐ nghề của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông có hẳn mục giới thiệu riêng về "ưu tiên trong đào tạo": "Sau khi có bằng CĐ nghề của học viện, sinh viên có cơ hội thi tuyển sinh và theo học hệ liên thông lên ĐH để nhận bằng kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư kỹ thuật điện - điện tử hoặc kỹ sư điện tử truyền thông do Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cấp".
Thậm chí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức thi liên thông CĐ nghề lên ĐH chính quy từ tháng 8/2012. Thông báo thi liên thông từ CĐ nghề lên ĐH chính quy đã được nhà trường công khai từ cuối năm học 2011-2012 để đón lứa sinh viên tốt nghiệp Trường CĐ nghề Bách khoa ra trường khóa đầu tiên.
Lập lờ liên thông
Trong khi đó, hàng trăm sinh viên khoa CĐ thực hành Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đang theo học hệ CĐ nghề đã nhốn nháo vì thấy trường mình không có tên trong danh sách được Bộ GD-ĐT công bố. Trước đó, nhà trường công bố "sinh viên tốt nghiệp CĐ thực hành có thể liên thông lên ĐH chính quy 1,5 năm".
Theo lý giải của TS Kiều Xuân Hùng - phó hiệu trưởng nhà trường: "Trong thông báo tuyển sinh chúng tôi chỉ nêu sau khi tốt nghiệp sinh viên được liên thông lên ĐH ở những trường có tổ chức thi theo quy định của bộ. Nhà trường tuyển sinh khóa CĐ nghề đầu tiên từ năm 2011. Theo chương trình còn 1,5 năm nữa sinh viên khóa này mới tốt nghiệp. Năm nay chúng tôi mới nộp hồ sơ xin phép Bộ GD-ĐT để đào tạo liên thông từ hệ nghề lên ĐH".
Ngoài ra, đang có hàng loạt trường mặc nhiên tự cho mình được phép liên thông từ CĐ thực hành, CĐ nghề lên ĐH quảng bá thông tin tuyển sinh rầm rộ với "mác" thông tư liên tịch Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cũng lập lờ "sau khi tốt nghiệp được liên thông lên ĐH, CĐ chính quy tại trường" để lôi kéo thí sinh.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT căn cứ vào các quy định cụ thể trong thông tư liên tịch Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH để cấp phép cho các trường đào tạo liên thông từ hệ nghề lên CĐ, ĐH. Tuy nhiên, do hai hệ đào tạo có nội dung khác nhau rất nhiều (CĐ nghề học về thực hành, không thi tuyển, CĐ chính quy phải qua thi tuyển, chương trình đào tạo bao gồm lý thuyết và thực hành) nên trường nào muốn thực hiện liên thông phải làm đề án trình bộ và bộ xem xét thẩm định rồi mới cấp phép.
"Hiện nay Bộ GD-ĐT không cho phép bất cứ trường ĐH, CĐ nào liên kết với các trường nghề để tuyển sinh, tổ chức đào tạo liên thông từ hệ nghề lên CĐ, ĐH. Sinh viên tốt nghiệp từ các trường nghề phải sang những trường được bộ cho phép tuyển sinh liên thông hệ này để thi. Trường nào không được bộ cho phép mà vẫn quảng cáo tuyển sinh là sai phạm và sẽ bị xử phạt nặng"- ông Ga khẳng định.
Theo tuổi trẻ
Rút ngắn thời gian học phổ thông: Bắt đầu từ việc phân luồng Một số chuyên gia cho rằng chương trình giáo dục phổ thông không còn phụ hợp với thực tế, cần phải thay đổi để rút ngắn thời gian học. Tuy nhiên, xét về một góc độ nào đó thì "lộ trình" rút ngắn thời gian học đã được đề cập đến trong việc phân luồng học sinh. Với các quy định hiện nay...