Tuyển sinh 2012 ĐH Quốc gia TPHCM: Nhiều điểm mới
Nếu Bộ GD-ĐT quyết định thêm khối thi A1 thì 5 trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM sẽ thêm khối thi này.
Lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM và các trường thành viên vừa thống nhất phương án tuyển sinh năm 2012. PV đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và Sau ĐH của ĐH Quốc gia TPHCM.
* Phóng viên: Bên cạnh việc thực hiện tuyển sinh theo phương án “ba chung” của Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TPHCM có thêm điểm mới gì trong tuyển sinh năm 2012?
- PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: So với trước đây, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ có một số điểm mới trong tuyển sinh năm 2012. Đó là: Sẽ xác định lại một lịch trình chung trong việc xét tuyển nguyện vọng 2, 3 dựa trên đề xuất của các trường thành viên để có một thời gian xét tuyển chung thống nhất. Nếu Bộ GD-ĐT quyết định thêm khối thi A1 thì 5 trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM sẽ thêm khối thi này.
ĐH Quốc gia TPHCM thống nhất việc tăng cường liên thông xét tuyển trong hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho thí sinh đăng ký xét tuyển ở các trường thành viên. Một số trường sẽ tiếp tục thực hiện xét tuyển nguyện vọng 1B và 1C.
Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Trường ĐH Khoa học – Xã hội và Nhân văn sẽ áp dụng việc nhân đôi hệ số điểm thi ở môn phù hợp. Ví dụ, với ngành lịch sử thì điểm thi môn sử nhân hệ số 2… ĐH Quốc gia TPHCM cũng dự kiến phát hành cuốn thông tin tuyển sinh về ĐH Quốc gia TPHCM.
Video đang HOT
* ĐH Quốc gia TPHCM năm nay dự kiến mở thêm 6 ngành mới. Hiện ngành nào đã được mở chính thức?
- ĐH Quốc gia TPHCM đã chính thức mở thêm 3 ngành mới là ngành ngữ văn Ý (Trường ĐH Khoa học – Xã hội và Nhân văn), kỹ thuật hạt nhân (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên), kinh doanh quốc tế (Trường ĐH Kinh tế – Luật). Mỗi ngành chỉ tuyển 50 chỉ tiêu. Ngoài ra, còn 3 ngành đang trong quá trình xét duyệt là ngành dược, kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro (Trường ĐH Quốc tế) và an ninh thông tin (Trường ĐH Công nghệ Thông tin). Đây đều là những ngành học quan trọng, đón đầu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tất nhiên, mỗi ngành học được mở đều phải thực hiện chặt chẽ và đầy đủ quy trình mở ngành, bảo đảm chất lượng đào tạo.
* Năm 2011, ĐH Quốc gia TPHCM đề xuất phương án tuyển thẳng học sinh THPT Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TPHCM nhưng không được Bộ GD-ĐT duyệt. Vậy năm nay, chủ trương này có tiếp tục được đề xuất thực hiện hay không?
- Chúng tôi tiếp tục đề xuất phương án tuyển thẳng học sinh THPT năng khiếu và hiện nay đang xây dựng lại đề án với đầy đủ dữ liệu, cơ sở khoa học để trình và xin ý kiến của Bộ GD-ĐT. Dự kiến, học sinh được tuyển thẳng phải đáp ứng các điều kiện: đạo đức tốt trong 3 năm học, học lực giỏi trong 3 năm học, tốt nghiệp THPT loại khá trở lên. Ngoài ra, thí sinh phải viết bài luận về động cơ dự thi vào ngành đăng ký và việc tuyển thẳng chỉ thực hiện đối với những ngành học phù hợp với lớp chuyên của thí sinh.
Chúng tôi tiếp tục xây dựng đề án này là do số lượng học sinh THPT năng khiếu hằng năm đậu ĐH rất nhiều và đậu điểm cao, nhiều em đạt học bổng du học nước ngoài. Điều này chứng tỏ các em thật sự giỏi. ĐH Quốc gia TPHCM muốn giữ nguồn đầu vào tốt và chắc chắn, đặc biệt những ngành khoa học cơ bản rất cần nguồn học sinh giỏi theo học. Nếu không có chính sách khuyến khích thì nhiều em sẽ chạy theo những ngành học thời thượng khác.
* Ý kiến của ông về một số thay đổi dự kiến trong tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 của Bộ GD-ĐT? Hội nghị các hiệu trưởng diễn ra chậm trễ (dự kiến ngày 14-2) so với dự kiến ban đầu có gây khó khăn cho các trường trong công tác tuyển sinh?
- Bộ GD-ĐT cần cân nhắc việc cho phép thí sinh photocopy giấy báo điểm để xét tuyển vào nhiều trường, điều này sẽ khiến hồ sơ ảo nhiều và các trường xử lý khó khăn. Nếu chủ trương này thực hiện, cần quy định mức lệ phí xét tuyển phù hợp để thí sinh cân nhắc trước khi nộp hồ sơ nhằm hạn chế hồ sơ ảo. Bộ GD-ĐT cũng phải cân nhắc việc tích hợp khối thi từ các đợt thi khác nhau, bởi việc này sẽ rất phức tạp và tốn kém. Cuốn Những điều cần biết là rất có ích khi giúp thí sinh có cái nhìn tổng thể về tuyển sinh. Do đó, bộ nên tiếp tục phát hành cuốn sách này.
Hội nghị diễn ra chậm hơn dự kiến không ảnh hưởng nhiều đến các trường nhưng theo tôi là có ảnh hưởng đến thí sinh. Vì biết thông tin trễ, thí sinh sẽ không có nhiều thời gian suy tính. Ngoài ra, công tác phổ biến chủ trương chính thức cũng sẽ muộn hơn so với mọi năm.
Năm nay, ĐH Quốc gia TPHCM giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2011. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết chủ trương của ĐH Quốc gia TPHCM là giữ số lượng, tăng chất lượng, không chạy theo việc tăng chỉ tiêu. ĐH Quốc gia TPHCM là một hệ thống các đơn vị hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quản lý. Hằng năm, trường đều cải thiện chất lượng đào tạo
Theo NLĐ
Dạy kỹ năng mềm ở trường đại học
Khi công bố chuẩn đầu ra, các trường đều đưa ra yêu cầu về kỹ năng mềm cho sinh viên (SV), trong khi thực tế chưa trường nào chú trọng đến việc dạy các kỹ năng này.
Chỉ là hoạt động ngoại khóa
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM - chia sẻ: "Hầu hết các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM hiện chỉ mới dành 1-2 buổi để dạy kỹ năng mềm trong buổi sinh hoạt đầu khóa và đầu năm". Tiến sĩ Phan Ngọc Minh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cũng cho biết: "Hiện nay trong chương trình chính khóa của trường chưa triển khai dạy bài bản các kỹ năng mềm cho SV. Thay vào đó, chỉ mới dạy kỹ năng giao tiếp với khoảng 2-3 tín chỉ. Trong khi thực tế, yêu cầu sau khi tốt nghiệp với SV, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, còn rất cần các kỹ năng mềm". Tiến sĩ Minh thừa nhận: "Tôi nhận thấy không chỉ SV mà cả học viên sau ĐH đều rất yếu về kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng viết lách. Tôi chưa nói đến mức độ viết hay, nhưng ít nhất SV cần phải học để rèn luyện một cách viết đúng".
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nói: "Trước đến nay, trường chưa chú trọng đến việc dạy kỹ năng mềm cho SV, mà chỉ thông qua việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa để SV tham gia và tự tích lũy. Tuy nhiên, tôi nghĩ đưa vào giảng dạy kỹ năng này là rất cần thiết".
Tại một số trường khác, lớp học kỹ năng mềm được mở ra nhưng SV muốn đăng ký theo học phải đóng tiền.
Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM tham gia hoạt động ngoại khóa.
Xây dựng lại chương trình
Theo tiến sĩ Mai, ĐH Quốc gia TP.HCM đang xây dựng đề án giảng dạy kỹ năng mềm trong các trường học dự kiến được triển khai thực tế trong năm học 2012-2013. Trong số rất nhiều kỹ năng, trường sẽ chọn ra 5-10 kỹ năng cơ bản cần thiết với từng nhóm ngành nghề. Ví dụ: kỹ năng thuyết trình và bán hàng thì phù hợp với SV kinh tế, kỹ năng viết và đọc, xử lý tình huống thì cần hơn với SV khoa học xã hội... Tiến sĩ Mai cho biết: "Chúng tôi đang cân nhắc khi xây dựng các môn học này. Khả năng sẽ xếp các môn học về kỹ năng mềm vào các môn tự chọn để SV có thể đăng ký theo học trong suốt các năm học. Dự kiến, nội dung kỹ năng mềm chỉ đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa khoảng một tín chỉ (tương đương 45 tiết học), làm cơ sở nền tảng để SV biết cách thực hành và rèn luyện các kỹ năng này qua hoạt động học tập và tham gia ngoại khóa".
Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Minh thông tin: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu để xây dựng chương trình mới, đưa kỹ năng mềm vào nhóm các môn học tự chọn". Tương tự, theo ông Dũng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật chuẩn bị xây dựng lại chương trình theo chuẩn đầu ra mới cụ thể hơn. Trong đó, yêu cầu SV tăng cường tính tự học thông qua việc rút ngắn chương trình từ 180 tín chỉ như hiện nay xuống còn 150 tín chỉ trong toàn bộ khóa học.
Đặc biệt, trường sẽ đưa vào nội dung cứng các môn học về kỹ năng mềm làm định hướng lý thuyết cơ bản cho SV. Ông Dũng cho biết: "Bắt đầu từ năm học 2012-2013, trường sẽ áp dụng chương trình mới, trong đó có học phần giới thiệu ngành với thời lượng 3 tín chỉ giúp SV định hướng ngành nghề mình theo học, các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm. Học phần này sẽ được giảng dạy ngay trong học kỳ đầu tiên của khóa học".
Theo TNO
Tuyển sinh ĐH-CĐ: E dè khối thi A1 Trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung khối thi A1(toán, lý, tiếng Anh) trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, nhiều trường tuyển sinh khối ngành kinh tế, công nghệ thông tin hồ hởi đón nhận và khẳng định khối thi này phù hợp nhu cầu đào tạo. Thế nhưng, chính các trường lại chưa mặn mà với việc tuyển sinh...