Tuyển không đủ sinh viên: Tại trường hay Bộ?
Hạn chót tuyển sinh 2012, hàng loạt trường đại học, nhất là trường dân lập vẫn không tuyển đủ người học. Một số ngành có khả năng phải đóng cửa.
Thí sinh dự thi đại học, cao đẳng 2012. (Ảnh: Hồ Thu)
Kỳ tuyển sinh kỳ lạ?
Có ý kiến cho rằng, mùa tuyển sinh năm nay khá bí ẩn bởi đến phút chót các trường vẫn không hiểu vì sao năm nay nhiều trường khó tuyển sinh đến vậy.
Ông Trần Văn Hào, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), cho rằng: do các trường công lập năm nay hạ điểm sàn khiến các trường tốp dưới không có người học. Ông Hào dẫn ví dụ, có trường ĐH công lập năm ngoái gọi 4.000 thì năm nay gọi 6.000 người.
Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Phương Đông cho biết, năm nay là năm đầu tiên trường này không tuyển đủ người học mặc dù trường đã ổn định mấy năm trở lại đây.
Năm 2012 trường này chỉ tuyển được khoảng 65% chỉ tiêu. “Tuyển sinh được hơn nửa như trường tôi là còn may mắn, có trường thiếu nhiều, thiếu khủng khiếp! Không hiểu vì sao!”, ông Dụ nói.
Một số ý kiến còn cho rằng, tuyển sinh gặp khó là do thông tin không nhất quán như: thay đổi điểm chuẩn hạ dưới sàn, ưu tiên thêm vùng, hạn tuyển sinh kéo dài và số lượng nguyện vọng “vô hạn”…
Video đang HOT
Ông Bùi Thiện Dụ nêu lý do, các trường công lập ở các địa phương gần Hà Nội cũng tuyển bằng điểm sàn thì đương nhiên thí sinh phải chọn trường công lập để học vì học phí thấp hơn.
Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TP HCM khẳng định: Nguồn vào khá nhiều nhưng số trường tăng và chỉ tiêu các trường cũng tăng. Có không ít trường tư thục có cả ngàn chỉ tiêu nhưng đội ngũ giáo viên chưa theo kịp và học phí cao…
Theo ông Nghĩa, trong tình hình các trường cạnh tranh gay gắt, nhất là khối kinh tế, tài chính, ngân hàng thì chỉ có những trường uy tín, chỉ tiêu ổn định; ngành không “đụng hàng”… thì mới có thể tuyển đủ người học.
Cần được tính lại!
Ngành GD&ĐT lại đang rục rịch chuẩn bị cho mùa thi 2013. Ông Hoàng Xuân Quảng, Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang nói: Những việc năm nay Bộ đổi mới như: cho mở rộng thời gian tuyển sinh, không hạn chế nguyện vọng, hạ điểm sàn… là giải pháp tình thế.
Có những trường chỉ tuyển được 20%-30% hoặc 50 %, thí sinh không muốn vào học thì có hạ điểm thí sinh cũng không vào học.
Thí sinh tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. (Ảnh: Xuân Phú)
Nói về giải pháp cho kỳ thi tuyển sinh 2013, ông Nguyễn Hội Nghĩa đề nghị, chỉ tiêu của các trường thường là năm sau không thua năm trước vì vậy điều cần làm là kiên quyết giữ chỉ tiêu, không nên tăng nữa.
Việc thứ hai là cần điều chỉnh cơ cấu ngành các khối kinh tế, tài chính giảm xuống vì đã bắt đầu có sự dư thừa và thất nghiệp ở các ngành này.
Về điểm sàn cũng nên nghiên cứu và cân nhắc cẩn trọng để giải toán bài toán phức tạp hơn liên quan các yếu tố địa phương, cơ cấu ngành nghề, số trường ĐH, CĐ trên toàn quốc.
Ông Hoàng Xuân Quảng đề nghị, cần xác định điểm sàn phù hợp cho các trường tốp dưới và xem lại một số chủ trương xem có phù hợp hay không như: kéo dài thời gian tuyển sinh, không hạn chế nguyện vọng…
Theo Hồ Thu
Tiền Phong
'Bắt lỗi' sinh viên tình nguyện mùa tuyển sinh
Chỉ sai đường, sai trường, sai quận, chưa nhạy bén, chính xác trong công việc tiếp sức mùa thi, nhiều chiến sĩ áo xanh tình nguyện vô tình "làm khó" sĩ tử cùng người nhà khi lai kinh ứng thí.
Để trở thành "chiến sĩ", sinh viên phải trải qua các buổi tập huấn về kĩ năng tìm nhà trọ giá rẻ, kĩ năng hỗ trợ sĩ tử và người nhà trong việc tìm đường đến điểm thi. Tuy nhiên không ít trong số đó vẫn tỏ ra thiếu kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là vào những thời khắc "dầu sôi lửa bỏng" nhất. Trải qua đợt thi đầu tiên, nhiều sĩ tử đã được một phen hoảng hồn vì sự cố mang tên "chỉ đường" của các chiến sĩ.
Ngồi trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 6m2 ở đường Võ Văn Ngân, Q. Thủ Đức, khuôn mặt cô Bình (quê Kon Tum) vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự cố con trai trễ thi. Cô kể, sáng 4/7, hai mẹ con cô ra khu vực ĐH Sư phạm kĩ thuật để đón xe buýt đến điểm thi trường ĐH Bách Khoa (Q.10). Một phần vì không có bà con ở thành phố, phần khác lại không rành đường sá nên cô hỏi các em tiếp sức mùa thi ở khu vực này.
Nhiệt tình, năng nổ có thừa, song đôi khi các sinh viên tình nguyện chưa nhạy bén, chính xác và nắm vững thông tin lại làm khó cho sĩ tử cùng người nhà. Ảnh minh họa.
Một trong số đó hướng dẫn cô đi xe buýt số 50 để đến điểm thi. Chờ hơn 30 phút không thấy xe, cô hỏi lại cho chắc chắn thì được một em khác khẳng định: "Chỉ có xe số 50 mới tới trường ĐH Bách Khoa, cô ráng chờ thêm chút nữa". Sốt ruột, cô Bình hỏi thêm một xe ôm gần đó thì được biết xe số 50 không hoạt động trong hè nên phải đi xe số 8 mới đến được điểm thi. Biết là đã nhầm, cô phải thuê xe ôm với giá 150.000 đồng để đưa cháu tới điểm thi cho nhanh. Nhưng cuối cùng cũng trễ 15 phút.
Ngoài việc chỉ đường sai, nhiều chiến sĩ tình nguyện còn vấp phải một lỗi cơ bản khác là chưa thuộc sơ đồ khu vực thi. Bởi thế, nhiều trường hợp dù chiến sĩ rất "nhiệt tình" dẫn đường chỉ lối nhưng cũng không nhận được bất kì một lời cảm ơn nào từ phụ huynh.
Khánh Vân (SV trường ĐH KHXH&NV) cho hay: "Đợt rồi mình đưa em đi thi ở điểm thi trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, có một bạn tình nguyện đưa mình và em gái đến tận phòng thi. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu "chiến sĩ" này không chỉ sai khu vực thi. Theo sơ đồ thi và những gì Vân biết, thì em gái thi ở khu B, nhưng chiến sĩ này lại khăng khăng là khu A. Lòng vòng một hồi và không tìm ra bất cứ phòng thi nào tương ứng như trên giấy báo, chiến sĩ này mới buông một câu: "Xin lỗi, mình nhầm" làm hai chị em mình phải vắt chân mà chạy qua tìm phòng bên khu B. "Nếu mình là người không nhanh nhạy thì rất có thể đã bị trễ thi", Vân kể.
Không đến mức bị trễ thi, nhưng nhiều phụ huynh và sĩ tử đã phải đau đầu không kém vì bị chiến sĩ chỉ sai trường dẫn đến tốn kém về cả tiền bạc lẫn công sức.
Bác Thanh (quê Lâm Đồng) cho biết: "Vừa xuống bến xe Miền Đông, tôi được các em tình nguyện hướng dẫn nhiệt tình về việc tìm đường đến khu vục thi. Nhưng cũng không vì thế mà tránh được sai sót". Theo thông tin ghi trên giấy báo, con trai bác Thanh vào ĐH Ngân hàng tại Hội đồng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7). Tuy nhiên, sau khi xem xét thông tin thì các chiến sĩ tình nguyện lại khăng khăng: "Q.7 không có Trường THPT Lê Thánh Tôn mà chỉ có Trường THCS Lê Thánh Tôn". Sau một hồi đôi co, bác Thanh quyết định gọi cho tổng đài 1080 để xác minh lại địa chỉ và nhận được câu trả lời trùng khớp với thông tin ghi trên giấy báo thi.
Một số trường hợp dù biết sai nhưng chiến sĩ vẫn "cãi bướng" với người nhà sĩ tử. Cô Bốn (quê Đồng Nai) chia sẻ, con cô thi ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành Q.4, trong giấy báo cũng ghi rõ ràng như vậy. Thế nhưng các chiến sĩ tại bến xe Miền Tây lại khẳng định ĐH Nguyễn Tất Thành nằm ở Q.7 khiến cô và con gái phải một phen lao đao trong việc đi tìm trường. Đó là chưa kể đến việc phải tốn cả trăm ngàn để chi cho xe ôm trong việc đi lại.
Dù đã được trải qua những đợt xét duyệt khá kĩ càng nhưng nhiều chiến sĩ "Tiếp sức mùa thi" vẫn chưa thật sự nhạy bén và chính xác trong công việc tình nguyện. Đó là chưa kể đến những chiến sĩ mới chập chững xong năm thứ nhất đại học. Vấn đề đường sá chưa thông thạo và nhiều lúc còn mơ hồ trong việc hướng dẫn tìm đường, tìm trường cho các bậc phụ huynh.
Theo Vietnamnet
Những trường tiểu học 'đốt cháy' diễn đàn mạng Bé vào trường tiểu học nào luôn là câu hỏi "đốt" nhiều thời gian nhất của các bậc phụ huynh. Mùa tuyển sinh đến, topic (chủ đề) trên các diễn đàn mạng lại sôi sục với đủ những thông tin, kinh nghiệm từ phụ huynh đi trước, phụ huynh đi sau. Một cuộc đua thực sự dang diễn ra trên thế giới ảo...