Tuyển giáo viên nước ngoài chỉ là tình thế
Trước việc nhiều địa phương đang hướng tới việc đầu tư hàng chục tỉ đồng tuyển giáo viên nước ngoài nhằm nâng chất lượng dạy học tiếng Anh, Thứ trưởng Bộ GD-T Nguyễn Vinh Hiển đã trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này.
Ông Nguyễn Vinh HIển – Ảnh: Vĩnh Hà
Ông Hiển cho biết: Việc quản lý chất lượng giáo viên nước ngoài do các địa phương tuyển dụng, đối với các nhà trường phổ thông thì đây là một việc mới nên chưa có hướng dẫn của bộ. Tuy nhiên, việc có giáo viên là người nước ngoài dạy ở một số cơ sở giáo dục khác hoặc trong một số trường phổ thông ngoài công lập không phải là mới và chưa gặp phải sự phản ứng nào. Cũng đã có một số địa phương cử giáo viên tiếng Anh đi nước ngoài tu nghiệp nâng cao năng lực, đây cũng là hướng tốt.
* Để thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia, một số sở GD-ĐT hiện nay đã chọn phương án tuyển dụng giáo viên người nước ngoài với mức lương chi cho giáo viên rất cao so với mức chi cho giáo viên trong nước. Có nơi thực hiện xã hội hóa (thu tiền của người học) để thuê giáo viên nước ngoài. Việc này Bộ GD-ĐT có khuyến khích không?
- Hiện nay một số địa phương đã thuê giáo viên người nước ngoài dạy trong các trường của địa phương nhằm mục đích khắc phục tình trạng trước mắt là thiếu giáo viên có năng lực về tiếng Anh và năng lực sư phạm đáp ứng nhu cầu dạy học. Đây chỉ là giải pháp tình thế và thuộc trách nhiệm của địa phương. Mặc dù đề án ngoại ngữ không đặt ra giải pháp này nhưng nếu giải pháp được triển khai sẽ giải quyết được nhu cầu thực tế, dựa trên sự tự nguyện của người học, có sự quản lý chặt chẽ và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng lao động nước ngoài thì cũng là việc nên làm ở những nơi có điều kiện và có nhu cầu.
* Hiện nay trên cả nước vẫn có một đội ngũ giáo viên tiếng Anh, trong đó nhiều người có thâm niên dạy học 10-20 năm. Nhưng nhiều địa phương đang thực hiện việc đào thải hàng loạt giáo viên tiếng Anh vì không đạt yêu cầu. Vậy quan điểm của Bộ GD-ĐT về việc này thế nào?
Video đang HOT
- Thực trạng hiện nay có nhiều giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm. Để khắc phục tình hình này, đề án ngoại ngữ đang tiến hành các giải pháp rà soát năng lực giáo viên để bố trí cho những người chưa đạt chuẩn đi học những lớp bồi dưỡng phù hợp với năng lực hiện có của họ, kể cả giáo viên trong biên chế và giáo viên hợp đồng. Bộ chỉ đạo các trường chỉ triển khai dạy theo chương trình mới (của đề án) khi có giáo viên đạt chuẩn, nơi nào chưa đủ điều kiện thì tích cực chuẩn bị cho đủ điều kiện, khi đó mới triển khai.
Mặc dù động viên sự cố gắng nhưng đề án không thúc ép các địa phương về thời hạn. Bộ cũng yêu cầu không công bố danh sách các giáo viên chưa đạt chuẩn, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên đi học. Không đặt ra vấn đề đào thải các giáo viên chưa đạt chuẩn nếu chưa tạo đủ điều kiện cho họ được học bồi dưỡng.
* Về lâu dài, để đáp ứng số lượng giáo viên tiếng Anh là người VN có trình độ đạt chuẩn của đề án, Bộ GD-ĐT có kế hoạch đào tạo giáo viên thế nào?
- Bộ đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh về năng lực ngoại ngữ, về năng lực sư phạm và tiêu chí đánh giá để các cơ sở được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên áp dụng. Tuy nhiên, vì yêu cầu phải đảm bảo chất lượng bồi dưỡng nên việc giao nhiệm vụ cho cơ sở nào phải xem xét các yếu tố đảm bảo, mặt khác cũng không thể một lúc cử được tất cả giáo viên đi học bồi dưỡng. Chúng ta cũng khuyến khích giáo viên tự học thường xuyên để không quên kiến thức mà ngược lại, phải nâng cao dần năng lực trong quá trình công tác. Bộ đang xúc tiến xây dựng các chương trình phần mềm để giáo viên tiếng Anh sử dụng máy tính và mạng Internet để tự học.
Đối với việc đào tạo mới giáo viên tiếng Anh, bộ đã chỉ đạo xây dựng mới các chương trình của trường sư phạm đáp ứng các yêu cầu đào tạo sinh viên đạt chuẩn đầu ra theo yêu cầu của đề án.
VĨNH HÀ
Theo tuổi trẻ
Tuyển 100 giáo viên nước ngoài: Chỉ nhận 29
Đến nay đã hết hạn đăng ký tuyển giáo viên (GV) Philippines về dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học, THCS (chương trình thí điểm tuyển sinh 100 GV Philippines của Sở GD-ĐT TP.HCM), nhưng các trường chỉ đăng ký nhận 29 giáo viên.
Theo ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TP, vì đây là chương trình thí điểm nên các trường tự do đăng ký theo nhu cầu và điều kiện của mình chứ sở không bắt buộc thực hiện. Trong số vài trăm trường có dạy tiếng Anh tăng cường, các quận huyện có thể chọn ra 100 trường hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn để nhận GV Philippines về dạy.
Ngại ngần
"Các trường tiểu học và THCS trên địa bàn Q.3 năm nay tạm thời không đăng ký tuyển GV Philippines nào. Nguyên nhân là các trường đã hợp đồng với giáo viên nước ngoài (thông qua những trung tâm ngoại ngữ) ngay từ đầu năm học trong khi đến tháng 10/2012 sở mới triển khai việc này. Bây giờ không thể chấm dứt hợp đồng ngang xương được" - ông Lê Trường Kỳ, trưởng Phòng GD-ĐT Q.3, cho biết.
Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Q.3 còn phân tích: "Nhiều năm nay trường đều hợp đồng với GV người Anh, mỗi tháng học sinh đóng thêm 70.000 đồng để học với người nước ngoài. Các khoản thu chúng tôi đều đã thỏa thuận với phụ huynh học sinh từ đầu năm học. Bây giờ, nếu tuyển GV Philippines thì mỗi học sinh phải đóng 120.000 đồng/tháng, nhà trường phải xin ý kiến phụ huynh, mà cũng rất khó thuyết phục họ khi tăng mức thu như thế".
Tương tự, Q.6 cũng không có trường nào đăng ký tuyển GV Philippines, nói như một lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận này: "Nhận hay không là tùy thuộc vào các trường. Hiện đa số trường hợp đồng với GV người bản ngữ hẳn hoi (Mỹ và Canada) mà mức thu mỗi tháng chỉ có 50.000-70.000 đồng/tháng/học sinh. Trong khi đó, người Philippines thì tiếng Anh đối với họ chỉ là ngôn ngữ thứ hai mà học phí lại cao hơn học với GV bản ngữ khiến các trường băn khoăn...".
Thầy Adam Priestley trong một tiết dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Cùng chung suy nghĩ, ông Nguyễn Thanh Hải - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình - chia sẻ: "Các trường thuộc Q.Tân Bình vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi và thăm dò xem GV Philippines giảng dạy ra sao rồi mới tính. Nếu ngân sách trả lương thì chúng tôi ủng hộ ngay, còn chuyện thu của phụ huynh để trả lương cho GV thì phải cân nhắc. Nếu tuyển GV Philippines phải tính toán và họp với phụ huynh học sinh xem số lượng học sinh bao nhiêu, nguồn thu có đủ bù chi hay không. Mà muốn thu tiền thì các trường phải thông qua UBND quận, quận đồng ý mới được phép thu". Một trong những ví dụ có thể kể là ở Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình những năm trước trường có hợp đồng với GV người Mỹ để dạy tiếng Anh cho học sinh các lớp tăng cường. Thù lao cho GV do nhà trường trích từ quỹ học phí tiếng Anh tăng cường chứ học sinh không phải đóng thêm.
Xem chất lượng ra sao, rồi tính tiếp
Q.5 được xem là địa phương đăng ký nhận nhiều GV Philippines nhất trong đợt này: sáu người. Theo bà Võ Ngọc Thu - trưởng Phòng GD-ĐT Q.5: "Không phải một GV dạy một trường mà một GV Philippines dạy tại một cụm gồm ba trường tọa lạc gần nhau. Học sinh sẽ đóng từ 120.000-150.000 đồng/tháng và mỗi cụm trường có mười lớp trở lên, như vậy thu mới đủ để trả lương cho GV. GV Philippines chỉ dạy cho học sinh học chương trình tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ quốc gia, còn học sinh chương trình tiếng Anh tăng cường vẫn học với GV người bản ngữ do các trường tự hợp đồng từ đầu năm học". Đây cũng là một giải pháp đáng ghi nhận nhưng bên cạnh đó, có hiệu trưởng đã băn khoăn: "Một GV dạy cùng lúc ba trường thì sinh hoạt chuyên môn sẽ như thế nào, liệu có toàn tâm toàn ý được hay không?".
Q.1 được xem như cái nôi của chương trình tiếng Anh tăng cường (với đa số các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đều có giảng dạy chương trình này) nhưng cũng chỉ thử đăng ký hai GV Philippines cho hai trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và tiểu học Lê Ngọc Hân. Ông Đinh Thiện Căn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.1, giải thích: "Hầu hết các trường đều đã hợp đồng với GV nước ngoài ngay từ đầu năm học, một số ít trường khác chưa có GV nước ngoài thì số học sinh học tiếng Anh lại ít quá, thu không đủ bù chi, nhà trường không dám nhận GV Philippines về dạy. Thôi thì cứ để hai trường có uy tín của Q.1 sử dụng trước xem chất lượng giảng dạy của GV Philippines như thế nào rồi năm học sau sẽ tính tiếp".
Ông Lê Hồng Sơn khẳng định: "Dự kiến tháng 12/2012, GV Philippines sẽ chính thức giảng dạy tại các trường. Nói là tuyển nhưng trong quá trình giảng dạy, nếu GV không đủ năng lực, trình độ; tác phong, tư cách có vấn đề thì sở sẽ ngưng hợp đồng ngay. Sau một năm, chúng tôi sẽ đánh giá xem hiệu quả giảng dạy của GV Philippines ra sao rồi mới quyết định có nhân rộng vào những năm tiếp theo hay không".
Theo tuổi trẻ
Bi hài học ngoại ngữ với "thầy Tây xịn" "Thầy Tây" ôm hôn, ngồi lên bàn học sinh để giảng bài, vừa giảng vừa ăn... bỏng ngô là những phút "tùy hứng" thường gặp, ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách của học sinh. Mục tiêu của các bậc phụ huynh cho con theo học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài là giúp "cục cưng" rèn kỹ năng nghe - nói....