Tuyển dụng giáo viên ở Hà Tĩnh, vì sao chậm trễ?
Năm học 2018-2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trương tuyển dụng 410 giáo viên mầm non, tiểu học. Thế nhưng, gần 4 tháng trôi qua kể từ ngày năm học mới bắt đầu, việc tuyển dụng giáo viên vẫn chỉ dừng lại trên hồ sơ.
Chưa bổ sung giáo viên, các trường chịu khổ
Trường Tiểu học Kỳ Liên (TX Kỳ Anh) có quy mô 14 lớp nhưng chỉ có 15 giáo viên, trong đó có 12 giáo viên văn hóa, 3 giáo viên chức năng. Để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, năm học 2018- 2019, trường được tỉnh cho chỉ tiêu thêm 3 giáo viên, nhưng do chưa tuyển dụng được nên hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường phải vừa làm công tác quản lý, vừa làm chủ nhiệm.
Việc ghép lớp do thiếu giáo viên khiến nhiều phụ huynh băn khoăn lo lắng về chất lượng dạy học. Ảnh tư liệu.
Thầy Hoàng Nhật Tiến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Liên cho biết: “Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên khi chưa tuyển dụng bổ sung, ngay từ đầu năm học, thị xã đã cấp kinh phí hợp đồng 3 giáo viên nhưng chúng tôi không tìm ra giáo viên để hợp đồng. Thế nên cả hiệu trưởng và hiệu phó đều phải kiêm luôn công tác chủ nhiệm”.
Là một trong những địa bàn thiếu giáo viên nhiều nhất, năm học này, thị xã Kỳ Anh được tỉnh đồng ý cho tuyển 60 giáo viên, trong đó có 11 giáo viên mầm non và 49 giáo viên tiểu học nhưng do chậm trễ trong công tác tuyển dụng nên việc dạy học ở các trường chịu rất nhiều áp lực. “Mặc dù thị xã hỗ trợ nguồn cho các trường nhưng việc thuê hợp đồng giáo viên cũng rất khó. Phần vì lương hợp đồng ít ỏi, nhiều giáo viên ở xa không đủ để chi tiêu, phần còn lại giáo viên nghỉ để ôn thi” – ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh cho biết.
Tình trạng khó khăn trong công tác dạy học khi chưa tuyển dụng được giáo viên cũng diễn ra ở tất cả các huyện, thành, thị. Cô Phạm Thị Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Lộc (Can Lộc) cho biết: “Theo phân bổ của tỉnh, năm nay, trường chúng tôi được tuyển 4 giáo viên. Việc chậm trễ trong công tác tuyển dụng khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong bố trí giáo viên. Dù đã lựa chọn ghép lớp ngay từ đầu năm học nhưng vẫn còn thiếu 2 giáo viên đứng lớp, trong khi nguồn của huyện chỉ cho 1 suất hợp đồng nên chúng tôi đành phải trích nguồn chi thường xuyên để hợp đồng thêm 1 giáo viên. Những lúc các giáo viên đau ốm hay có việc đột xuất xin nghỉ thì ban giám hiệu lại phải tăng cường”.
Video đang HOT
Trường Tiểu học Quang Lộc (Can Lộc) cũng gặp nhiều khó khăn khi thiếu giáo viên đứng lớp
Việc ghép lớp cũng là giải pháp được Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Xuyên lựa chọn để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu giáo viên.
Anh Nguyễn Văn Phương (thị trấn Cẩm Xuyên) cho biết: “Hôm họp phụ huynh vừa rồi, tôi mới biết lớp của con đã phải ghép do cô giáo chủ nhiệm nghỉ sinh, trường thiếu giáo viên nên lớp phải chia ra để ghép vào 3 lớp khác. Điều mà phụ huynh chúng tôi lo lắng nhất là chất lượng học tập của con khi lớp đông”.
Chậm triển khai, vướng chứng chỉ ngoại ngữ
Ngay sau khi có chủ trương tuyển dụng của tỉnh, các địa phương đã thực hiện việc nhận hồ sơ tuyển dụng, xét đặc cách tuyển dụng giáo viên theo quy định. Nhưng, gần 4 tháng kể từ ngày năm học mới bắt đầu, việc tuyển dụng giáo viên ở các địa bàn vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân được xác định là do quá trình rà soát đối chiếu các quy định của Bộ GD&ĐT về quy chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì phần lớn các hồ sơ đều chưa đạt yêu cầu.
Về vấn đề này, nhiều hiệu trưởng và trưởng phòng GD&ĐT cũng cho rằng: Đối với các chứng chỉ này, hầu hết sinh viên mới ra trường đều chưa có vì Bộ GD&ĐT không đưa vào quy định trong đào tạo nên rất khó để đáp ứng yêu cầu.
Hồ sơ xét tuyển giáo viên vẫn nằm chồng chất trong khi các nhà trường đang chịu áp lực về tình trạng thiếu giáo viên
Về yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, liên bộ GD&ĐT và Nội vụ đã thống nhất tại Văn bản số 3755/BGĐT-GDTX ngày 3/8/2016 về việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Nội dung của văn bản nêu rõ: Trong khi chờ xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý để tổ chức, triển khai hoạt động của hệ thống khảo thí ngoại ngữ quốc gia, Bộ GD&ĐT đã giới thiệu 10 đơn vị được tổ chức rà soát, thi, cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh tương đương 6 bậc của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Ngoài ra, các sở GD&ĐT cũng có thể xem xét các chứng chỉ khác như TOEFL, IELTS hoặc TOEIC… để đánh giá năng lực tiếng Anh của cán bộ, công chức và viên chức. Việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng của chứng chỉ/chứng nhận là do chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc giám đốc sở GD&ĐT (nếu được ủy quyền) xem xét, quyết định.
“Trên cơ sở quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, ngày 6/8/2018, Sở Nội vụ đã có Công văn 921 hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã thi tuyển số chỉ tiêu còn thiếu sau khi xét tuyển đặc cách (bằng giỏi, trình độ thạc sỹ và đã có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ theo quy định) để sát hạch trình độ ngoại ngữ, tin học. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản 8756 giao Sở GD&ĐT xác định việc công nhận chương trình ngoại ngữ. Tuy nhiên, hiện tại, việc quy đổi các chứng chỉ chưa được triển khai nên công tác tuyển dụng vẫn chưa thể thực hiện” – ông Cù Huy Cẩm, Trưởng phòng Quản lý công chức, viên chức Sở Nội vụ cho biết
Thực tế này cũng cho thấy, ngoài những chồng chéo, bất cập trong quy định và quá trình đào tạo của Bộ GD&ĐT thì nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong công tác tuyển dụng giáo viên một phần do các địa phương chưa nghiên cứu kỹ các hướng dẫn của Sở Nội vụ, của UBND tỉnh. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cũng chưa có sự phối hợp để đi đến thống nhất các thức tuyển dụng hay thi tuyển.
Hồ sơ xin việc của hàng trăm giáo viên vẫn còn chồng chất, trong khi nhiều trường đang chịu áp lực lớn do tình trạng thiếu giáo viên. Việc tìm giải pháp thực hiện công tác tuyển dụng đã trở thành vấn đề cấp thiết để tình trạng học sinh phải học ghép, học chung, giáo viên dạy vượt giờ và sinh viên ra trường mòn mỏi chờ việc.
Theo baohatinh
Rào rào tuyển dụng, TPHCM vẫn thiếu giáo viên
Từ trước thềm năm học mới, TPHCM đã tích cực tuyển dụng giáo viên, đây cũng là năm đầu tiên thành phố tuyển giáo viên không cần hộ khẩu một cách chính thống nhưng đến nay vẫn thiếu.
Đầu năm học, hàng loạt các quận huyện ở TPHCM thông báo tuyển dụng giáo viên (GV). Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện vẫn còn 5 quận huyện chưa có kế hoạch tuyển dụng và 4 quận huyện đang thực hiện tuyển dụng.
Các quận huyện còn lại, tính đến thời điểm này, đã tuyển dụng được gần 1.700 GV, trong đó có 460 GV mầm non, 684 GV Tiểu học, 545 GV THCS trong đợt 1. Tuy nhiên, đến nay lại tiếp tục tuyển dụng lần 2 để bổ sung thêm gần 900 GV.
TPHCM đang tiếp tục tuyển dụng giáo viên cho năm học 2018-2019 (ảnh minh họa)
Tính toàn thành phố, năm học 2018-2019 có nhu cầu tuyển trên 5.000 GV cho các cấp từ mầm non đến THPT. Trong đó, bậc mầm non trên 1.520 GV, bậc tiểu học trên 1.750 GV, bậc THCS là 1.425 GV và bậc THPT 363 GV... Số lượng GV cần tuyển còn "mênh mông bát ngát" dù đây là năm đầu tiên TPHCM chính thức bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng, thu hút rất đông ứng viên.
Về việc tuyển dụng, Sở GD-ĐT TPHCM cũng lưu ý các địa bàn rút kinh nghiệm về công tác tổ chức năm học 2017 - 2018, có những đơn vị thực hiện chưa chặt chẽ trong quy trình tuyển dụng nên còn hiện tượng tiếp nhận hồ sơ ứng viên dự tuyển chưa đáp ứng đủ các điều kiện.
Cụ thể có hồ sơ của ứng viên có trình độ chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm, thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm... Đồng thời, có trường học vẫn chưa sử dụng hết số người được giao nhưng lại thực hiện chế độ hợp đồng lao động đối với các vị trí chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc TPHCM đã "phá rào", bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng là cơ hội để thành phố rộng cửa thu hút nhiều ứng viên, tiếp nhận nhân tài trong khắp cả nước. Thế nhưng, theo nhiều quản lý, đây chỉ là phần khởi đầu theo kiểu "chăm chút" phần ngọn, chưa mang tính bền vững.
Trưởng phòng GD-ĐT một quận đang có nhu cầu tuyển dụng GV đợt 2 cho hay, việc tuyển được người đã khó nhưng việc ứng viên có gắn bó với công việc hay không mới là vấn đề quan trọng hơn. Bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng, ứng viên đông hơn nhưng GV ở tỉnh sẽ phải cân nhắc đồng lương với rất nhiều chi tiêu sinh hoạt ở thành phố như tiền trọ, ăn uống, đi lại...
Không chỉ chờ chính sách chính thức và cách đây nhiều năm, TPHCM cũng đã du di trong việc tuyển dụng GV chỉ cần có KT3. Từ năm 2017, các quận huyện đã chính thức đã chính thức được phép tuyển dụng GV mầm non không có hộ khẩu trên địa bàn thành phố, nguồn tuyển dồi dào hơn nhưng "rụng" cũng không ít.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân cho hay, quận từng tuyển được nhiều GV ngoại tỉnh nhưng số này nghỉ việc cũng khá nhiều vì xa nhà, lương thấp... Mức lương của GV mới ra trường cao nhất chỉ 3 triệu đồng trong khi rất nhiều khoản chi phí như tiền trọ, tiền ăn uống và các chi phí đắt đỏ không thể nào bám trụ nổi ở thành phố.
Thế nên có thực trạng, nhiều người chỉ xin việc tạm thời khi chưa có việc, đến khi có cơ hội thì họ rút dẫn đến đội ngũ biến động, thiếu ổn định.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Quảng Trị: Nhiều trường mầm non thiếu cô nuôi, giáo viên đứng lớp kiêm... "đứng bếp" Tình trạng thiếu nhân viên nuôi dưỡng ở các trường mầm non tại Quảng Trị thời gian qua khiến một số trường phải bố trí giáo viên đứng lớp vào bếp, vì chưa tuyển được hợp đồng. Ghi nhận tại các trường mầm non ở các vùng khó khăn Quảng Trị, các trường vẫn chưa bố trí nhân viên nuôi dưỡng (cô nuôi)....