Tựu trường trước khai giảng, học sinh chỉ được nghỉ hè 2 tuần
PGS Đoàn Hương Mai đề xuất cho học sinh tựu trường đúng ngày khai giảng 5/9, không học trước từ tháng 8. Năm học kéo dài, nếu tựu trường sớm, trẻ mất đi kỳ nghỉ hè ý nghĩa.
Chị Nguyễn Quyên, phụ huynh có con theo học bậc mầm non một trường tư thục liên cấp ở Hà Nội, cho biết toàn trường kết thúc năm học ngày 15/7. Trẻ mầm non chỉ nghỉ 2 ngày, sau đó học xuyên hè. Học sinh Tiểu học và THCS được nghỉ hè 2 tuần. Ngày tựu trường của năm học 2020-2021 từ 3/8.
Câu chuyện của chị Quyên cũng là trăn trở của nhiều phụ huynh khác. Do dịch Covid-19, thời gian kết thúc năm học 2019-2020 lùi đến 15/7. Nếu giữ ngày bắt đầu năm học mới như năm ngoái, tại nhiều tỉnh, thành, học sinh chỉ nghỉ hè khoảng 2 tuần đến một tháng.
Thời gian nghỉ hè ngắn cùng việc học sinh phải đến trường trong thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt mùa nóng ở miền Bắc, khiến nhiều phụ huynh, giáo viên lo ngại.
Một số phụ huynh mong muốn con được nghỉ hè nhiều hơn, đặc biệt khi thời tiết miền Bắc nắng nóng, khắc nghiệt. Ảnh minh họa: Việt Linh.
Mong con có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa
Chia sẻ với Zing, chị Nguyễn Quyên nói: “Trong mùa dịch, mọi người nói học là việc cả đời, nên cho học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn. Bây giờ, họ lại tiếc kỳ nghỉ hè 1-2 tuần của trẻ”.
Nữ phụ huynh chia sẻ thêm thời gian sau Tết, học sinh được nghỉ dài ngày vì dịch Covid-19. Nhưng đó không phải kỳ nghỉ đúng nghĩa khi trẻ thường bị bắt ở nhà.
Vì thế, chị mong muốn con có kỳ nghỉ hè thực thụ, về quê vài ngày hoặc đi biển cùng gia đình. Như vậy, con có thể bỏ qua chuyện sách vở, bố mẹ tạm gác công việc để ở bên nhau trong ít nhất một tuần.
Hơn nữa, việc để con vất vả đi học trong thời tiết mùa hè khắc nghiệt, nắng nóng, mưa giông cũng khiến chị Quyên lo lắng.
Cùng quan điểm, PGS Đoàn Hương Mai, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh thái học và Sinh học Môi trường, khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), mong muốn con có kỳ nghỉ hè dài hơn.
Bà Hương Mai thông tin con học tại trường ở Hà Nội. Trong 3 tháng nghỉ vì dịch Covid-19, học sinh phải học online trong một tháng. Ngày 4/5, con đến lớp trở lại và phải học đến 14/7 (gần 2,5 tháng). Như vậy, trong học kỳ 2, con học 3,5 tháng. Ngoài ra, chương trình học cũng đã được Bộ GD&ĐT tinh giản.
Trong khi đó, nếu không có dịch Covid-19, học sinh học từ 3/2 đến 24/5, tức chưa đến 4 tháng. Bà Hương Mai đặt câu hỏi với thời gian, chương trình học như thế, thực tế, học sinh và giáo viên có thực sự được giảm tải chương trình không?
Nữ phụ huynh thắc mắc với trường dân lập, tính học phí đủ 10 tháng, liệu việc kéo dài thời gian học có nhằm mục đích thu đủ học phí? Bà khẳng định gia đình sẵn sàng đóng đủ tiền học 10 tháng nhưng mong con có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa.
“Nếu thời tiết thuận hòa, việc các con đi học không sao, vì nhiều gia đình cũng muốn có nơi trông, dạy con. Nhưng với khí hậu khắc nghiệt như miền Bắc hiện nay, tôi thấy không nên bắt con đi học”, bà Hương Mai nêu quan điểm.
Cũng theo người mẹ này, trường chưa thông báo ngày bắt đầu năm học mới. Nếu như các năm trước, ngày 5/8, học sinh tựu trường, trẻ chỉ có khoảng 20 ngày nghỉ.
Các nhà sư phạm cho rằng có thể bắt đầu năm học mới từ ngày 5/9 để đảm bảo học sinh được nghỉ hè 1,5-2 tháng. Ảnh minh họa: Đoàn Tùng.
Video đang HOT
Nên có 1,5-2 tháng nghỉ hè
PGS Đoàn Hương Mai đề xuất cho học sinh tựu trường đúng ngày khai giảng 5/9, không học trước từ tháng 8. Đặc biệt, hai tháng hè, cao điểm nắng nóng, các em nên được nghỉ.
Đây cũng là mong muốn của nhiều người, đặc biệt khi chương trình học ở nhiều nơi kéo dài đến tháng 7. Cô Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), thông tin trường kết thúc năm học ngày 15/7, dự kiến bắt đầu năm học mới ngày 5/9. Theo đó, học sinh nghỉ hè khoảng một tháng 20 ngày.
Nữ giáo viên đánh giá thời gian như vậy hợp lý, phù hợp thực tế học sinh vừa nghỉ học dài ngày do dịch. Cô nói thêm năm nay, giáo viên khá bận rộn, thời gian nghỉ ít hơn, do phải coi, chấm thi các kỳ tuyển sinh đầu cấp, đồng thời chuẩn bị cho những đổi mới của giáo dục sắp diễn ra. Đây là nhiệm vụ của ngành, cô tin tưởng giáo viên sẵn sàng thích ứng công việc sắp tới.
Từ góc độ phụ huynh, cô mong muốn học sinh được nghỉ hè 1,5-2 tháng. Nếu năm học kết thúc giữa tháng 7, đến giữa tháng 8, học sinh đi học trở lại sẽ vất vả cho cả các em lẫn giáo viên.
Việc thời gian nghỉ hè 1,5-2 tháng giúp học sinh không quên kiến thức, đồng thời có độ giãn sau thời gian chạy nước rút như thời gian qua. Giáo viên cũng có thời gian làm hồ sơ chuyên môn, sổ sách, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn.
Vì thế, cô Huyền Thảo ủng hộ việc cho học sinh đi học đúng ngày khai giảng. Tuy nhiên, tùy địa phương, các trường linh động, lên kế hoạch sao cho phù hợp vấn đề kinh tế, xã hội, tâm lý học sinh.
“Điều kiện thời tiết vùng, miền khác nhau. Các trường cần căn cứ thực tế để chủ động thực hiện. Thời gian nghỉ hè nên linh động. Việc áp dụng cứng nhắc, máy móc sẽ không hợp lý. Điều này dễ ảnh hưởng sức khỏe và khả năng học tập của các em”, cô Thảo nêu ý kiến.
Đề xuất bắt đầu năm học mới từ ngày 5/9 cũng nhận được sự ủng hộ từ ông Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc.
Năm nay, do thời gian nghỉ vì dịch, các trường trên địa bàn kéo dài năm học. Tuy nhiên, vì thời tiết nắng nóng, sở đưa ra điều chỉnh, chỉ đạo các trường tiểu học không lắp điều hòa cho 100% học sinh không dạy buổi chiều. Cấp THCS, THPT chỉ tổ chức ôn thi buổi chiều cho học sinh lớp 9 và 12 theo tinh thần tự nguyện.
Dù vậy, các trường vẫn đảm bảo kết thúc chương trình trước ngày 15/7 theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, một số trường có thể cho học sinh nghỉ học từ cuối tháng 6.
Ông khẳng định Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc ủng hộ việc cho học sinh nghỉ hè sớm, miễn đảm bảo chương trình học. Theo ông, việc để các em đi học trong thời tiết nắng nóng, đặc biệt ở nơi không có điều hòa, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ông Hà thông tin thêm các năm trước, Vĩnh Phúc thường cho học sinh đến trường trước ngày khai giảng một tuần để dọn dẹp, chuẩn bị năm học mới. Việc học chính thức bắt đầu từ đầu tháng 9.
Như vậy, học sinh được nghỉ ngơi. Giáo viên có thời gian tham gia tập huấn, chuẩn bị cho chương trình mới.
“Nếu học xong vào 15/7 mà học sinh đi học lại từ tháng 8, thời gian nghỉ quá ít. Vĩnh Phúc không làm như vậy”, ông Việt Hà khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, đánh giá học trực tuyến, truyền hình với các sở GD&ĐT, trường đại học mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin các trường tiếp tục học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình. Giáo viên, học sinh được tăng thời gian nghỉ hè.
Đến nay, hai trường ở Hà Nội là THCS&THPT Nguyễn Tất Thành và THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) đã cho học sinh nghỉ hè.
Tuy nhiên nhiều trường học khác cho biết không thể kết thúc năm học sớm hơn thời đểm 15/7.
Nhiều trường kết thúc năm học sớm, kéo dài thời gian nghỉ hè
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, năm học 2019-2020 kết thúc trước ngày 15/7. Một số tỉnh đề xuất lùi thời điểm bắt đầu năm học mới để kéo dài kỳ nghỉ.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, đánh giá học trực tuyến, truyền hình với các sở GD&ĐT, trường đại học mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin các trường tiếp tục học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình. Giáo viên, học sinh được tăng thời gian nghỉ hè.
Ngày 5/6, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tổ chức lễ bế giảng năm học 2019-2020. Đây là trường đầu tiên trong cả nước cho học sinh nghỉ hè.
Trong khi đó, hầu hết trường học vẫn phải dạy đến đầu tháng 7 do thời gian dài học sinh nghỉ vì dịch Covid-19.
Học sinh tiểu học ở Hưng Yên. Ảnh: Hoàng Hà.
Kết thúc năm học trong tháng 6
Theo ghi nhận của Zing, đến nay, hai trường ở Hà Nội là THCS&THPT Nguyễn Tất Thành và THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) đã cho học sinh nghỉ hè.
Trong đó, trường Nguyễn Tất Thành kết thúc năm học ngày 5/6, dự kiến bắt đầu năm học mới từ ngày 1/8.
Tại trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, học sinh các khối kết thúc năm học ngày 6/6. Ngày 8/6, trường tổ chức lễ bế giảng cho học sinh lớp 12. Những học sinh mong muốn được giáo viên ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, trường vẫn tổ chức dạy, chia lớp theo chuyên đề.
Nói về việc cho học sinh nghỉ hè sớm, TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, cho biết trường bắt đầu năm học sớm hơn, việc dạy học dựa trên chương trình của Bộ GD&ĐT. Trường cũng tổ chức dạy online sớm hơn các trường khác ở Hà Nội.
"Ngay khi có dịch Covid-19, trường hướng dẫn các em tự học ở nhà. Đến đầu tháng 3, việc dạy học trực tuyến được triển khai. Như vậy, sau Tết, học sinh chỉ nghỉ học khoảng hai tuần", ông Lợi thông tin.
Khi mở cửa trở lại, trường tổ chức kiểm tra, đánh giá. Kết quả cho thấy các em đảm bảo kiến thức. Chỉ một số em chịu ảnh hưởng do không học tại trường.
Ông nói thêm học sinh trường chuyên Khoa học Tự nhiên có năng lực học tập, đặc biệt tự học tốt. Nhờ đó, các em học tại nhà hiệu quả. Song việc này khó triển khai đại trà.
Ông Lê Công Lợi khẳng định chỉ cho nghỉ hè khi đã đảm bảo nội dung chương trình, kiến thức cho học sinh. Trường dự kiến bước vào năm học mới từ ngày 3/8. Như vậy, học sinh được nghỉ hè gần hai tháng.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cũng thông tin các trường học trên địa bàn sẽ không kéo dài năm học sang tháng 7. Cụ thể, khối THPT kết thúc năm học ngày 25/6. Các khối lớp còn lại nghỉ học từ 30/6.
Tại Hà Tĩnh, một số trường cũng cho học sinh nghỉ hè trong tháng 6. NGƯT.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, giải thích trong đợt nghỉ vì dịch Covid-19, việc triển khai dạy học trực tuyến tại các trường khác nhau, trường dạy ít, trường dạy nhiều.
Do đó, khi cho đi học trở lại, trường tổ chức đánh giá, triển khai tiếp chương trình dạy học. Nếu hoàn thành sớm, trường có thể cho học sinh nghỉ trước. Tất cả trường học phải kết thúc năm học 2019-2020 muộn nhất ngày 15/7.
Nghệ An lùi thời gian bắt đầu năm học 2020-2021 để giáo viên, học sinh có thêm thời gian nghỉ hè. Trong khi đó, giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đề xuất tựu trường đúng ngày khai giảng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Đề xuất lùi thời gian tựu trường đến ngày 5/9
Năm nay, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, việc triển khai kế hoạch dạy học giữa các trường, các tỉnh có sự chênh lệch. Nếu vẫn giữa nguyên kế hoạch tựu trường như các năm (trước ngày 5/9 từ nửa tháng đến một tháng), phần lớn học sinh chỉ có khoảng một tháng nghỉ hè.
Học sinh luôn mong có kỳ nghỉ hè để thư giãn trước khi bước vào năm học mới. Giáo viên tiểu học cần tập huấn, soạn giáo án, chuẩn bị cho việc dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới từ năm học tới. Nếu có thêm thời gian nghỉ, thầy cô sẽ chuẩn bị tốt hơn.
Hiệu trưởng Dương Trần Bình
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho rằng học sinh, giáo viên cần có thời gian nghỉ hè để chuẩn bị tốt hơn cho năm học mới.
Tại tỉnh này, các trường có thể nghỉ hè trong tháng 6 do trong thời gian dịch Covid-19, các trường ở Nghệ An vẫn học thêm thời gian so với cả nước. Trong đó, bậc THPT học thêm 5 tuần.
"Việc dạy, kết thúc năm học phải theo chương trình. Các trường không thể đẩy nhanh lên để cho học sinh nghỉ học sớm", ông Thành nói.
Do đó, để đảm bảo thời gian nghỉ hè, tỉnh dự kiến bắt đầu năm học 2020-2021 muộn hơn thường lệ. Các năm trước, học sinh đi học từ 20-22/8. Năm nay, ngày tựu trường sẽ đẩy xuống 26/8, trước ngày khai giảng một tuần.
Tại Thừa Thiên - Huế, sau khi cho học sinh đi học trở lại, tỉnh chỉ đạo các trường dành 1-2 tuần để ôn tập, hệ thống kiến thức cũ trong quá trình dạy online, truyền hình. Sau đó, các trường mới tiếp tục chương trình.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, đến nay, học sinh vẫn học theo tiến độ mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Với các khối cuối cấp 5, 9, 12, ngành giáo dục tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình năm học trước 30/6, các khối lớp khác trước 11/7.
Như vậy, trừ học sinh cuối cấp, học trò được nghỉ hè khoảng một tháng, nếu giữ nguyên ngày tựu trường như các năm (ngày 15/8). Giáo viên gần như không được nghỉ vì còn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.
"Hai kỳ thi này hoàn tất khâu chấm thi, công bố kết quả cũng phải đến cuối tháng 8. Như vậy, năm nay sẽ không thể tựu trường giữa tháng 8 như hàng năm. Ngành giáo dục Huế dự kiến sẽ tựu trường vào đầu tháng 9. Như vậy, học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi trước khi bắt đầu năm học mới, giáo viên cũng có thêm thời gian chuẩn bị", ông Tân nói.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đề xuất năm nay, ngành giáo dục có thể tựu trường đúng ngày khai giảng năm học 5/9.
Trong khi đó, nhiều trường học ở TP.HCM cho biết khó có thể kết thúc năm học sớm. Ông Dương Trần Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Đức Thọ (TP.HCM), thông tin nhà trường dự kiến bế giảng năm học vào ngày 11/7.
Ngay sau khi quay trở lại trường sau dịch, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn chi tiết việc dạy và học. Các trường dành 2 tuần đầu ôn tập lại kiến thức. Thầy cô dạy theo chương trình đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, thầy Bình nhận định nếu kéo dài thời gian nghỉ hè, học sinh và giáo viên sẽ rất phấn khởi.
"Học sinh luôn mong có kỳ nghỉ hè để thư giãn trước khi bước vào năm học mới. Giáo viên tiểu học cần tập huấn, soạn giáo án, chuẩn bị cho việc dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới từ năm học tới. Nếu có thêm thời gian nghỉ, thầy cô sẽ chuẩn bị tốt hơn", thầy Bình ý kiến.
Trước đó, ngày 13/3, Bộ GD&ĐT gửi công văn hỏa tốc tới chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, năm học này sẽ kết thúc trước ngày 15/7.
Câu chuyện đẫm nước mắt ở "Lớp học Hạnh phúc" Nếu không có dịch Covid-19 thì vào thời điểm này học sinh đã bắt đầu kỳ nghỉ hè, thế nhưng đã có một lớp học vừa mới được khai giảng mang tên Hạnh phúc. Đó là lớp học đặc biệt dành cho bệnh nhi ung thư. Các bé phấn khích khi lại được cầm bút và sách vở Như mọi mùa khai giảng,...