“Tựu trường” ở lớp học đặc biệt
Không có cặp sách, quần áo, vở bút mới, không có tiếng trống trường rộn rã nhưng 58 em nhỏ trong lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa vẫn bước vào năm học mới với niềm hân hoan lộ rõ trên những gương mặt trẻ thơ.
Đó là lớp học đặc biệt được tổ chức gần sáu năm nay tại chùa Hương Lan, xã Đông Cựu, Chương Mỹ (Hà Nội). Gọi là “lớp học đặc biệt” bởi tất cả học trò đều mang trong mình những căn bệnh riêng, có em bị mắc bệnh tim, câm điếc, nhiễm chất độc da cam, em bị bại liệt, thiểu năng trí tuệ, không có khả năng nhận thức…
Lớp học được tổ chức từ năm 2007 do cô Lê Thị Hòa, giáo viên Trường tiểu học Đông Sơn, Đông Cựu, đứng ra nhận lớp. Cô Hòa tâm sự: “Năm 2007, ở trường có nhiều em học kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em bị khuyết tật bẩm sinh nhận thức chậm nên tôi cùng một số đồng nghiệp đã tới gặp sư thầy Thích Đàm Tiền – trụ trì chùa Hương Lan – mở lớp học đặc biệt này”.
Lớp học đặc biệt của cô giáo Hòa
Chỉ sau một năm tổ chức, các em đã bắt đầu nhận thức tốt hơn, số học sinh xin vào lớp ngày một nhiều. Trải qua gần sáu năm, đến nay lớp học đã có 58 học sinh trong độ tuổi 6-25. Toàn bộ bàn ghế, quạt điện, tủ sách, sách vở của “lớp học đặc biệt” đều do các câu lạc bộ tình nguyện, nhà hảo tâm kêu gọi và quyên góp.
Hầu hết các em đều gặp vấn đề về nhận thức nên việc truyền tải kiến thức đến các em vô cùng khó khăn. Cô Hòa cho biết: “Đôi khi cùng một câu nói phải nói đến 7-8 lần, vừa dạy học vừa phải dỗ dành, dọn vệ sinh, cho các em ăn uống, vất vả lắm nhưng việc gieo con chữ trên những mảnh đời bất hạnh đã thành niềm vui, hạnh phúc của mình rồi”.
Video đang HOT
Để truyền tải kiến thức đến các em, cô Hòa đã phải vật lộn với tất cả ký hiệu, ngôn ngữ, mỗi em cô phải học một cách truyền đạt riêng. Lớp học vào thứ bảy và chủ nhật, thành ra cô Hòa và các cô giáo khác luôn trong tình trạng không có ngày nghỉ. Cô Hòa là giáo viên đứng lớp chính. “Ban đầu lớp học có 21 giáo viên thay nhau đứng lớp, nhưng nay chỉ còn chín người phụ giúp vì công việc vất vả. Muốn gắn bó lâu dài phải tâm huyết và yêu thương các em thật sự” – cô nói.
Ông Đỗ Đình Bìa, trú tại Đông Cựu, phụ huynh của em Đỗ Thị Tư, chia sẻ: “Thật lòng tôi rất cảm ơn cô Hòa đã quan tâm và yêu thương các em như con đẻ của mình. Từ khi được đi học bé Tư vui vẻ hẳn lên, hăng hái làm bài tập về nhà khiến gia đình ai cũng mừng”.
Còn cô Hòa tâm sự: “Thật sự có những lúc mệt mỏi vô cùng vì không lo được cho các em sách vở, cặp sách mới như chúng bạn, những chi phí duy trì lớp học đè nặng, nhưng tôi biết mình không thể bỏ lớp học vì đó là gia đình thứ hai của tôi rồi”.
Theo tuổi trẻ
Lễ tựu trường muộn nơi cửa Phật
Không cờ hoa rực rỡ, không tiếng trống rộn rã nhưng đây là lễ khai giảng đặc biệt nhất mà những người có mặt tại chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) từng được chứng kiến.
Tựu trường nơi cửa chùa
Lớp học tình thương trong buổi khai giảng.
Trong khi hầu hết học sinh cả nước đã bước vào những buổi học đầu tiên của năm học mới thì 9/9 mới là ngày tựu trường của những em học sinh ở lớp học tình thương chùa Hương Lan.
Sau khi dâng hương lên Đức Phật, sư thầy Thích Đàm Tiền phát biểu khai mạc buổi lễ tựu trường. Lễ khai giảng ngày hôm nay để giúp cho các em không cảm thấy tủi thân với bạn bè cùng trang lứa.
Gọi đây là lớp học đặc biệt bởi nó là nơi cưu mang những em mồ côi, khuyết tật, bị mắc các căn bệnh như thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, không có khả năng học tại các lớp học bình thường.
Trong sự xúc động sâu sắc, sư thầy Thích Đàm Tiền chia sẻ: "Đây là năm thứ 6 nhưng là lần khai giảng thứ 4 của lớp học. Nhiều người hỏi tôi lớp học sẽ duy trì được đến khi nào, tôi nói rằng, khi nào tình thương trên nhân loại này còn thì các cháu còn ở đây".
Ngày khai giảng, tiếng cười trong trẻo pha lẫn tiếng ú ớ của các em học sinh khiến những người tham dự vô cùng xúc động. Sự có mặt của các bạn tình nguyện viên nhóm Vì cộng đồng, nhóm Chia sẻ tình thương cùng những món quà tặng các em là nguồn động viên rất lớn.
Người mẹ hiền và nhân duyên với lớp học đặc biệt
Bố đang chuẩn bị xe để đưa con đến chùa cho kịp buổi tựu trường.
Để duy trì được lớp học tình thương tới ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh, vất vả rất lớn của các sư thầy chùa Hương Lan cũng như các cô giáo ở địa phương, đặc biệt là cô Lê Thị Hòa.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ, cô Hòa là người duy nhất được đi học. Bố mẹ cô đều là trẻ mồ côi và không biết chữ nên khi cho cô đi học đã hướng cô trở thành một cô giáo. Ước mơ thành hiện thực, cô Hòa luôn có sự đồng cảm với những em học sinh nghèo.
Hơn 10 năm trước, cô Hòa đã mở lớp học nhỏ tại gia đình để dạy kèm cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà không nhận một đồng học phí, nhưng số học sinh ngày càng nhiều, căn phòng nhỏ tại gia đình không thể có đủ chỗ ngồi.
Từ khi được sư thầy Thích Đàm Tiền giúp đỡ dành phòng khách của nhà chùa để mở lớp học đến nay, ngoài khoảng thời gian dành cho gia đình và công việc, cô Hòa luôn dành hết sự quan tâm cho các em, những đứa trẻ thiệt thòi mà cô luôn coi như con.
Có tận mắt chứng kiến một buổi học ở đây mới hiểu hết sự vất vả của cô Hòa và các cô giáo tình nguyện đứng lớp. Đã 5 năm nay, trong căn phòng chừng 30 m, các cô phải chia học sinh thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm do một cô giáo đảm nhận.
Theo Kiến Thức
Cô thủ khoa "kép" mở lớp học tình thương Không chỉ đỗ thủ khoa đầu vào khối D kỳ tuyển sinh 2008, Nguyễn Thị Thùy Dung sinh viên lớp Chất lượng cao - Kinh Tế K47, ĐH Ngoại Thương còn là thủ khoa đầu ra của khóa 47. Hơn thế, trong 3 năm liền, cô sinh viên đặc biệt này còn mở nhiều lớp học tình thương dạy ngoại ngữ miễn phí...