Tựu trường mà chưa khai trường
Liệu có những nghiên cứu xã hội học nào cho thấy tính ưu việt, hơn hẳn của cái sự có thêm “ ngày tựu trường” dọn đường cho “ngày khai trường” truyền thống?
Sáng nay bạn bè tôi ở một số tỉnh thành đã đưa con em tới trường để bắt đầu năm học mới 2019-2020.
Nhưng đây mới chỉ là ngày tựu trường, ngày để thầy trò trở lại trường làm những công việc tổ chức, sắp xếp, làm quen,… Còn ngày khai giảng, hay ngày khai trường, được thống nhất trên cả nước là ngày 5-9-2019.
Ngày tựu trường được linh động rải ra trong suốt tháng 8 cho tới đầu tuần cuối cùng của tháng tựu trường này. Vì thế, ngay từ ngày 1-8 đã có một số nơi tựu trường. Ở TP.HCM, gần 2 triệu học sinh các bậc tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên sẽ tựu trườngvào ngày thứ Hai ngày 19-8-2019 theo thông báo của UBND TP.HCM hồi tháng 7-2019.
Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh trong ngày tựu trường năm học 2018-2019. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Tựu trường có nghĩa là thầy trò “ game over” một mùa hè – từ hồi nào đó không còn gọi là “nghỉ hè” mà chính xác bản chất là “học kỳ 3″ hay “học kỳ phụ trội”. Nhà thơ Đỗ Trung Quân hồi năm 1984 trong bài thơ Chút Tình Đầu có vẻ lãng mạn, ngây thơ thảng thốt hỏi rằng “Em chở mùa hè của tôi đi đâu?” Có lẽ sau khi có con, ông đã tìm được câu trả lời cho chính mình: “Chở đi học hè chớ đi đâu!”.
Tôi cũng không nhớ từ năm nào lại nảy sinh ra hai cái ngày khác nhau: “Ngày tựu trường” và “ngày khai trường”. Liệu có những nghiên cứu xã hội học nào cho thấy tính ưu việt, hơn hẳn của cái sự có thêm “ngày tựu trường” dọn đường cho “ngày khai trường” truyền thống? Chỉ có thể chắc chắn rằng thầy trò đã bị lấy mất một miếng thời gian, có khi cả tháng trời, của mùa hè – vốn được cả thế giới, hình như trừ Việt Nam là cá biệt – thiết kế làm thời gian cho thầy trò thư giãn nghỉ ngơi cho giảm căng thẳng sau một năm học, và để thể xác lẫn tinh thần được hồi sức, tỉnh táo, khỏe khoắn sẵn sàng cho một năm học mới.
Video đang HOT
Có lẽ người ta giải thích rằng cần phải có sự chuẩn bị, ổn định trước để ngay sau khi làm lễ khai giảng là có thể bắt đầu học ngay. Mà có lẽ bây giờ cái sự học ở nhà trường nó phức tạp hơn xưa. Ngày trước chất lượng giáo dục được đánh giá cao không ai có thể phủ nhận mà chỉ có một ngày khai trường, làm lễ ngắn gọn và đơn giản xong là học sinh về lớp, chép thời khóa biểu năm học mới, là bắt đầu một năm học mới ngay và luôn. Chỉ có điều lẽ ra mọi sự chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới là phần việc của nhà trường, hoặc cùng lắm là lôi kéo thêm thầy cô vào.
Nói cách nào đó, đây là cái sự tới trường mà chưa phải là đi học. Và bởi đã tựu trường trong ấm ức (vì bị cắt mất mùa hè) nên các thế hệ học sinh không còn được trải nghiệm những cảm xúc thật sự của ngày khai trường. Đó là cái ngày lẽ ra ghi dấu ấn trong đời học sinh khi là lần đầu tiên đi học (cho người mới đi học) và ngày đầu tiên trở lại trường sau ba tháng nghỉ hè. Và cũng vì đã tựu trường nên ngày khai trường chỉ còn mang tính hình thức, nghi lễ, chủ yếu dành cho… người-lớn-không-phải-phụ-huynh. Và phải chăng vì vậy mà tiếng trống khai trường vốn thiêng liêng trong đời học sinh giờ trở nên xa vắng, ảo diệu, lạc lõng thậm chí già giả…
Theo plo.vn
Giáo dục vùng khó: "Mẹo" đón học sinh trở lại trường
Với giáo viên vùng cao, vùng khó khăn ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng kiến thức, tu sửa dọn dẹp trường lớp khang trang... thì công tác vận động học sinh trở lại trường đúng thời gian quy định cũng đòi hỏi nhiều công sức, trách nhiệm và tình yêu với học trò.
Ôn tập lại kiến thức cũ cho HS
Sẵn sàng cơ sở vật chất
Với nhiều trường học vùng cao, biên giới trước ngày tựu trường sự nỗ lực của thầy cô trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất để tạo tiền đề cho năm học mới đạt kết quả là rất đáng ghi nhận.
Thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường TH Trung Lý 1 (xã Trung Lý - huyện Mường Lát - Thanh Hóa) cho biết: Khoảng tuần thứ 3 tháng 8 học sinh (HS) mới tập trung chính thức. Thế nhưng CB, GV, NV đã có mặt đầy đủ từ 1/8. Tất cả cùng bắt tay vào dọn dẹp trường lớp, sửa chữa bàn ghế, tường rào, sân trường... "Giáo viên vùng cao cái gì cũng tự làm hết. Lấy đâu kinh phí mà thuê mướn nhân công..." - thầy Tùng khẳng định.
Năm nay Trường TH Trung Lý 1 sẽ đón trên 100 HS vào lớp 1. Gần 500 HS toàn trường tại 9 điểm trường sẽ được GV bồi dưỡng lại kiến thức cơ bản trong tuần đầu tiên...
Thầy Hà Trần Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lao Chải - Mù Cang Chải, chia sẻ: GV đã quay lại trường đầu tháng 8 để chuẩn bị cho năm học mới. Những công việc chính được tập trung chuẩn bị là dọn dẹp lại phòng ở nội trú, vệ sinh giường chiếu, làm sạch chăn màn cho HS bán trú. Làm sạch bếp ăn, kiểm tra và ổn định đường điện, nước, vệ sinh hệ thống bể, téc chứa nước... Đặc biệt để bổ sung cho số lượng SGK hư hỏng, mục nát... từ cuối năm học trước và vào đầu năm học mới, BGH đều tích cực huy động sách cũ từ nhiều nguồn khác nhau. Năm nay nhà trường huy động SGK cũ của khối lớp 8, 9. Với sự chuẩn bị chủ động này, tình trạng HS thiếu SGK đã cơ bản được khắc phục.
Cũng thuộc trường vùng cao khó khăn, cô Đinh Loan Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang) lại mang nỗi lo khác. Với hơn 200 HS nội trú toàn trường thì khâu chuẩn bị nơi ở, miếng ăn cho HS phải đảm bảo tốt nhất. GV toàn trường cùng dọn vệ sinh khu bán trú, kiểm tra lại kĩ càng về số lượng, chất lượng từng chăn đắp, màn, chiếu nằm của HS. Trong trường hợp hỏng rách, thầy cô khắc phục bằng cách khâu vá, gia cố lại bằng máy khâu.
Đối với BGH nhà trường, công tác dự trù lương thực, thực phẩm cho những ngày đầu HS tới trường cũng được tính toán cẩn thận...
Vệ sinh trường lớp đón HS
Nhiều nỗ lực giữ ổn định sĩ số
Tại Mường Khương - Lào Cai, việc huy động số lượng, duy trì tỷ lệ HS đi học đầu năm học được UBND huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến sự phát triển của giáo dục huyện. Vì thế, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND xã; thị trấn; phòng GD&ĐT; các đơn vị trường học trên địa bàn huyện làm tốt công tác tuyển sinh; tích cực tuyên truyền, vận động HS ra lớp; tổ chức ký cam kết huy động số lượng HS giữa lãnh đạo UBND xã, thị trấn với lãnh đạo huyện.
Sau dịp tết hay nghỉ hè thường được coi như thời điểm "nóng" về công tác vận động HS trở lại trường lớp và ổn định sĩ số. Trao đổi về vấn đề này, hầu hết các thầy cô giáo vùng cao, vùng khó đều xác định đây là nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, nếu không làm với tinh thần trách nhiệm cao và sự chung tay của chính quyền các cấp thì hiệu quả khó có thể như mong muốn.
Đặc biệt, công tác vận động học sinh ra lớp, duy trì học sinh đi học chuyên cần còn được đưa vào quy ước, hương ước và trở thành một tiêu chí xét gia đình văn hóa để tạo điều kiện cho con em đến trường.
Quyết liệt hơn, huyện còn giao trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách thôn bản; cán bộ GV phụ trách lớp để vận động HS nghỉ học quay trở lại trường lớp; Huy động sự vào cuộc của toàn thể các ban, ngành, đoàn thể trong xã, phối hợp với các đơn vị trường học nắm bắt tình hình đi học của học sinh theo từng buổi học; Cử cán bộ xã phối hợp với GV phụ trách HS của từng thôn có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân HS không đi học và kịp thời đưa HS ra lớp.
Ngành GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút HS đến trường. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học tích cực khuyến khích HS chủ động học tập, tạo không khí, môi trường học tập thân thiện giúp HS đến trường và học tập một cách chủ động nhất...
Bà Nguyễn Thị Minh Xuân - Trưởng phòng GD&ĐT Mường Khương khẳng định: Năm học 2019 - 2020 bên cạnh việc tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện các giải pháp duy trì tỷ lệ HS đi học chuyên cần thì ngành sẽ tăng cường đối thoại giữa chính quyền địa phương - nhà trường - nhân dân để nắm bắt tình hình giáo dục nói chung, công tác huy động HS ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần nói riêng để có giải pháp chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trên địa bàn...
Thầy giáo Hà Trần Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lao Chải cũng bày tỏ sự vui mừng khi nhận thức, sự quan tâm của người dân trong việc học tập của con đã nâng lên. Nhiều phụ huynh HS đã chủ động tới trường, hỏi thăm GV ngày nhập học để đưa con em tới lớp...
Tuy nhiên, các nhà trường và GV vùng cao cũng không vì thế mà chủ quan hay ít việc. Công tác nắm bắt tình hình quay trở lại trường lớp, hoàn cảnh, tâm lý... của HS vẫn luôn phải sát sao để kịp thời tháo gỡ. Trong trường hợp HS vắng mặt ngày trở lại trường thì GV chủ nhiệm có trách nhiệm kết hợp cùng chính quyền xã, thôn xóm... tìm hiểu lý do, vận động để HS sớm trở lại trường lớp.
Minh Tùng
Theo GDTĐ
Những điểm trường tan hoang sau lũ khi năm học mới cận kề Trận lũ lịch sử tràn qua xã Na Mèo, huyện vùng biên Quan Sơn (Thanh Hóa) khiến hàng chục người chết và mất tích. Sau khi lũ tràn qua, những điểm trường ở bản Sa Ná, bản Son... của xã Na Mèo trở thành đống đổ nát. Điểm trường Tiểu học bản Son (Na Mèo) không còn gì sau cơn lũ dữ. Trận...