Tương lai cho người khiếm thính
So với 3 khóa của giai đoạn I, khóa 4 (từ 8-2010 đến 1-2011), khóa đầu tiên của giai đoạn II trong khuôn khổ chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật (ITTP- It Training For People With Disabilities Project) tại Trường Đại học Văn Lang TPHCM có điểm đặc biệt nhờ sự tỏa sáng tài năng của các học viên khiếm thính.
Ngày hạnh phúc
Có mặt trong ngày lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp cho 42 học viên khuyết tật diễn ra vào cuối tháng 1-2011 vừa qua, chúng tôi lại thêm một lần nữa phải thốt lên trong lòng mình bốn chữ khâm phục và trân trọng trước ý chí, nỗ lực hết mình để vượt lên số phận của toàn thể học viên. Mặc dù phải đến 9 giờ buổi lễ mới bắt đầu, nhưng thầy Phan Quang Đính, giảng viên tin học của dự án, cho biết các em đã có mặt cùng với người thân từ sáng sớm với tâm trạng háo hức, mừng vui hiện rõ trên khuôn mặt.
Các học viên khiếm thính lớp kiến trúc đang trình diễn lại bài thi tốt nghiệp. Ảnh: KỲ VỌNG
Tuy không thể nghe và nói như các bạn khuyết tật khác nhưng các em khiếm thính cũng có cách biểu lộ niềm vui với mọi người khá độc đáo thể hiện qua ngôn ngữ của đôi tay. Hàng chục động tác bằng tay khác nhau được các em thực hiện nhanh thoăn thoắt và mềm mại như những nghệ sĩ múa. Cả khán phòng tràn ngập tiếng cười nói, trao đổi, hỏi thăm, chúc mừng lẫn nhau giữa các bạn học viên, giữa thầy với trò và giữa các vị phụ huynh, những người hạnh phúc nhất khi thấy số phận đã mỉm cười với con em mình.
Thông qua sự dẫn giải của cô Huỳnh Thị Cát Viên, giáo viên Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng I đồng thời là người phiên dịch ký hiệu ngôn ngữ của dự án, chúng tôi đã được nghe hai bạn Nguyễn Hữu Bình Sơn (21 tuổi), thủ khoa lớp kỹ thuật viên đồ họa (GD) và Nguyễn Phan Hải Triều (23 tuổi), thủ khoa lớp họa viên kiến trúc (AED), tâm sự về quá trình vượt khó của mình. Bình Sơn và Hải Triều cho biết các em bị tật không nghe và nói được từ bé, cha mẹ đều là công nhân, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Video đang HOT
Được người thân gửi vào trường khuyết tật khiếm thính để học chữ đã là may mắn chứ không nghĩ là sẽ có thể học được môn học cao cấp hơn đó là tin học. Buổi đầu tham dự lớp đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật, từ tập tin, thư mục, dòng lệnh đến các thao tác trên máy… đều là cái gì đó quá đỗi mới mẻ và mênh mông trong tiềm thức chứ chưa nói đến các học phần đồ họa “đẳng cấp” như AutoCad, Revit, 3Ds, Max. Nhưng rồi được sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình, nhẫn nại của các thầy cô cộng với sự cố gắng hết mình, các em đã hoàn tất khóa học một cách trọn vẹn. “Đây là ngày em hạnh phúc nhất” – Bình Sơn áp tay lên ngực diễn tả.
Bài học về ý chí
Hầu hết các thầy cô đã trực tiếp giảng dạy các em suốt khóa học cũng rất xúc động khi trao đổi với chúng tôi về sự thành công ngoài mong đợi này. Do phải sử dụng ngôn ngữ ký hiệu bằng tay nên việc tiếp thu bài học của các em khiếm thính chậm hơn rất nhiều so với các bạn khuyết tật khác. Ý tưởng của các em thường hay rời rạc, đứt đoạn, nên công việc của các giảng viên là phải lượm lặt, chắp nối các ý tưởng lại một cách liền mạch, qua đó mới giúp thầy hiểu trò và trò hiểu bài giảng của thầy. Không phụ lòng thương yêu, dạy dỗ tận tâm và nhẫn nại của thầy, các em cũng đã thể hiện quyết tâm của mình qua việc học hành rất chăm chỉ. Có những em tuy đã hết giờ học nhưng vì chưa hiểu rõ bài nên các em vẫn kiên quyết ngồi lại, liên tục giơ tay ra hiệu xin được dạy lại từng chi tiết chưa nắm bắt trong bài cho đến khi hiểu và thực hành được trên máy mới chịu về.
Một nét mới cũng rất đáng ghi nhận tại khóa học lần này đó là sự tham gia ủng hộ thiết thực đầy ý nghĩa của các mạnh thường quân là cán bộ đang công tác tại Viện Kiểm Sát, Hội Luật gia, Chi nhánh Ngân hàng Sacombank, Công ty Viễn thông Đa Thương Hiệu tại TPHCM với hàng chục bộ máy vi tính mới, giúp các em có thêm điều kiện học tập.
Kết thúc buổi lễ ấm cúng tràn ngập sự xúc động và niềm vui này, TS. Nguyễn Dũng, Hiệu Trưởng Trường Đại học Văn Lang, nhắn nhủ chân tình: “Dự án không thể giúp các em thành những người lành lặn, bình thường hay nuôi dưỡng trong các em “ảo tưởng” về sự dễ dàng trong cuộc sống. Chúng tôi đã đào tạo các em thành những người có nghề nghiệp, nhưng trở thành người giỏi nghề và được xã hội nhìn nhận một cách công bằng hay không còn phụ thuộc vào sự nỗ lực tiếp tục của các em. Tôi cảm ơn các em trong thời gian học tập dưới mái trường này đã đem đến cho cộng đồng sinh viên Văn Lang những bài học về cuộc sống, giúp họ sống có trách nhiệm hơn với bản thân mình và với những người xung quanh. Chúng tôi cảm ơn các em với sự khiếm khuyết, thiệt thòi của mình, các em đã mang đến cho chúng tôi sự đầy đủ trong suy nghĩ và nhận thức”.
ITTP là một dự án mang tính nhân đạo được hợp tác tổ chức thực hiện giữa Trường Đại học Văn Lang TPHCM, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội (ESTIH) và Tổ chức Thiện nguyện CRS (Catholic Relief Service) dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án đào tạo các khóa ngắn hạn với 4 ngành học: lập trình viên, kỹ thuật viên đồ họa, họa viên kiến trúc và tin học căn bản cho người khuyết tật. Trong suốt quá trình học, các học viên được hỗ trợ hoàn toàn học phí, ký túc xá, chi phí sinh hoạt cùng điều kiện ăn ở, đi lại. Trong giai đoạn 1 của dự án (từ tháng 2-2009 đến 6-2010), đã có 153/169 học viên thuộc 4 ngành tốt nghiệp và 84/111 học viên thuộc 3 ngành lập trình viên, kỹ thuật viên đồ họa, họa viên kiến trúc có việc làm chiếm tỷ lệ 76% (theo số liệu thống kê của Trung tâm Dạy nghề Kỹ thuật cao Đại học Văn Lang). Ngày 8-11-2010 Bộ GD-ĐT đã ký quyết định cho phép Đại học Văn Lang thực hiện giai đoạn II của dự án (từ tháng 8-2010 đến tháng 9-2011). Tổng trị giá giai đoạn 2 của dự án là 407.955 USD, trong đó 193.705 USD, do CRS đóng góp và USAID tài trợ; còn lại 160.500 USD do Đại học Văn Lang đóng góp và 53.750 USD do các doanh nghiệp hỗ trợ.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Mối tình lầm lỗi và tội ác thứ tha
Bị cáo Cường trả lời thẩm vấn trước tòa thông qua phiên dịch.
Tại TAND TP.HCM, phiên tòa xử Tòng Văn Cường được đánh giá là một trong những vụ án "đặc biệt trong năm" vì từ bị cáo đến bị hại và cả những người liên quan đều câm điếc.
Phiên tòa diễn ra khá yên tĩnh dù khán phòng xử án hôm đó đầy ắp người dự khán. Phần lớn trong số đó là những học sinh của trường Khuyết tật Hy Vọng 1, theo chân cô Hiệu trưởng Trần Thị Ngời (làm người phiên dịch tại phiên tòa) đến tham dự. Trong đồng phục màu xanh, các em học sinh dán chặt mắt nhìn theo từng động tác của cô hiệu trưởng phiên dịch nội dung trả lời và câu hỏi thẩm vấn của Hội đồng xét xử. Thỉnh thoảng lại thấy những gương mặt thơ ngây nhíu mày, ánh mắt thoáng u buồn khi hướng về bị cáo.
Án mạng
Trước vành móng ngựa, bị cáo Tòng Văn Cường, 27 tuổi, chỉ biết ú ớ khua tay khai lại nội dung vụ án và gật đầu lia lịa khi cô Ngời dịch trúng ý mình. Bị khiếm thính bẩm sinh nên việc giao tiếp của Cường với những người xung quanh vô cùng khó khăn. Mặc dù nghèo khó nhưng mẹ Cường vẫn cố gắng cho con vào trường dành riêng cho người khiếm thính.
Năm học lớp 3, kinh tế gia đình rơi vào kiệt quệ nên Cường phải nghỉ học giữa chừng. Bản tính hiền lành, lại có vẻ ngoài khôi ngô nên Cường được nhiều người quý mến. Cách đây ít năm, Cường dẫn về nhà một cô gái có hoàn cảnh như mình và xin làm đám cưới. Tuy kinh tế khó khăn, nhưng vì con, cha mẹ cậu cũng chạy vay tiền làm mâm cơm ra mắt họ hàng.
Phiên tòa kết thúc bằng bản án 9 năm tù dành cho Cường. Lặng người bên hành lang phòng xử án, mẹ và vợ Cường quệt nước mắt khi chiếc xe chở phạm nhân hú còi lao đi... Dẫn đám học trò ra về, cô Ngời chia sẻ: "Người khiếm thính nếu không được giáo dục tốt thì thường hành động theo bản năng, tôi dẫn các học sinh của trường đến dự phiên tòa nhằm mục đích hướng các em đến việc sống tốt và tránh những bản án đau lòng như thế".
Hằng ngày, Cường ra chợ đẩy xe, bốc vác kiếm tiền, còn vợ Cường ở nhà nội trợ, nuôi con. Trong những lần đi chơi cùng nhóm bạn khiếm thính, Cường lại nảy sinh tình cảm với một cô gái khác trong nhóm. Biết chuyện, chị N.T.T.V, một người bạn khiếm thính, ngăn cản. Cho rằng chị V. muốn chia rẽ tình yêu của mình nên Cường có những hành động xúc phạm và nảy sinh mâu thuẫn với V.
Rạng sáng một ngày cuối năm 2009, sau khi đi chơi về, Cường chở cô gái ấy đến quán của V. ở Công viên 23 Tháng 9 (Q.1). Thấy Cường, V. ra dấu đuổi đi, lập tức Cường dùng ghế đập vào tay V. Anh P.N.B, cũng bị câm điếc, đang ngồi nhậu với nhóm bạn gần đó liền đứng dậy can ngăn, xô Cường té và ra dấu đánh nhau. Vùng dậy, Cường xông đến đấm vào mắt B. rồi bế ngửa người này lên cao, buông tay cho nạn nhân rơi tự do làm anh B. chấn thương sọ não, tử vong.
"Xin tòa xử nhẹ cho nó"
Khi được hỏi: "Ra tòa rồi bị cáo cảm thấy thế nào?". Cường tỏ vẻ bức xúc, liên tục ra dấu như cố chứng tỏ rằng cậu không cố ý giết nạn nhân. Thông qua cô Ngời, mọi người mới hiểu ra rằng lúc bị anh B. xô ngã, đầu óc Cường choáng váng, chỉ muốn đánh cho hả giận. "Ở giai đoạn điều tra, khi gặp tôi Cường rất vui mừng vì nghĩ hậu quả không nặng nề. Thế nhưng khi nghe tôi nói nạn nhân đã chết thì cậu gục mặt, buồn xo", cô Ngời kể.
Cuối cùng, đại diện cho gia đình bị hại, một người phụ nữ thấp đậm, trước tòa cũng đã nói lời thứ tha cho thủ phạm gây ra cái chết của cháu mình. Bà không đòi bồi thường mà lại vỗ về an ủi bị cáo và khẩn thiết xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. Bà bảo: "Cháu tôi cũng bị tật bẩm sinh như bị cáo đây. Nó đi làm bốc xếp mà cứ bị người ta ăn hiếp hoài. Án mạng xảy ra cũng là chuyện xui rủi, cháu tôi thì mất đi, còn Cường ở trong nhà giam chắc cũng ân hận lắm. Xin tòa xử nhẹ cho nó sớm được về với gia đình".
Trong khi chờ nghe tuyên án, mẹ Cường nghẹn ngào tâm sự với chúng tôi: "Ở nhà nó nói có khi tôi hiểu, có khi không nên nó cũng có nhiều ức chế không thể san sẻ". Trong lúc đó, cô con dâu của bà mon men đến cửa phòng lưu phạm tranh thủ tâm sự với chồng. Không thể hiểu họ nói với nhau những gì, chỉ thấy Cường giơ tay chỉ vào chiếc nhẫn được bện bằng chỉ đeo ở ngón áp út, như để minh chứng tình cảm và chuộc lỗi lầm với vợ...
Theo Thanh niên
Con chó điếc nổi tiếng nhất nước Anh Một chú chó ở Boston, Anh đã giành huy chương vàng trong cuộc thi nghe lời chủ dù bị điếc hoàn toàn. Zippy và bà chủ. Zippy, 2 tuổi, mới đây đã nhận được giải thưởng cao nhất là huy chương vàng của Câu lạc bộ Kennel Club về sự phục tùng. Trong cuộc thi Kế hoạch huấn luyện chó ngoan (GDCS), Zippy...