Tưởng đồ chơi nhà tắm sạch, ai ngờ bên trong nó lại chứa khoảng 20 triệu tế bào vi khuẩn và nấm mốc
Theo các nhà nghiên cứu, đồ chơi nhà tắm là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn và nấm mốc có khả năng gây bệnh
Hầu như trẻ nào cũng có đồ chơi nhà tắm, không nhiều thì ít. Đó có thể là một vài quả bóng, một hai chú vịt, hươu cao cổ… Đây là món đồ chơi mà con sẽ chơi trong khi tắm. Thường thì các bố mẹ nghĩ rằng đồ chơi tắm thì sạch hơn so với các loại đồ chơi khác vì ngày nào nó cũng được “tắm” trong nước, nên khi làm vệ sinh đồ chơi, nhiều bố mẹ bỏ qua các món đồ chơi nhỏ này.
Tuy nhiên, ông Frederik Hammes, một nhà vi trùng học tại Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Liên bang Thụy Sĩ, cho biết đồ chơi tắm lại là nơi tích tụ vi khuẩn có khả năng gây bệnh, vì môi trường bên trong đồ chơi ấm áp và ẩm ướt rất thích hợp cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển.
Đồ chơi tắm lại là nơi tích tụ vi khuẩn có khả năng gây bệnh (Ảnh minh họa).
Cụ thể là các nhà nghiên cứu đã lấy 19 mẫu đồ chơi trong phòng tắm đã qua sử dụng của các gia đình ở Thụy Sĩ. Họ cắt đôi các đồ chơi ra để kiểm tra. Kết quả cho thấy có khoảng 20 triệu tế bào vi khuẩn và nấm mốc nằm bên trong đồ chơi tắm. Tính ra trung bình là có 9,5 triệu tế bào vi khuẩn và nấm trên 1 cm vuông. “Phần lớn những vi khuẩn này là sinh vật Pseudomonas aeruginosa có khả năng gây bệnh cho những người có hệ miễn dịch yếu”, ông Frederik nói.
Ngoài ra, một nghiên cứu của Trợ lý Giáo sư Michael David – công tác tại Khoa Truyền nhiễm Trường Đại học Pennsylvania (Mỹ) cũng cho kết quả tương tự như của ông Frederik.
“Các bào tử nấm mốc luôn trôi nổi trong không khí và chỉ cần gặp điều kiện thích hợp là sẽ phát triển rất nhanh. Đồ chơi tắm luôn có các lỗ nhỏ để nước có thể ra vào, trong khi phòng tắm thường kín gió nên đây là địa điểm lý tưởng để nấm mốc sinh sôi nảy nở”, ông Michael cho biết.
Vậy làm thế nào để đảm bảo đồ chơi tắm của trẻ được sạch sẽ?
Đun sôi đồ chơi, ngâm đồ chơi trong nước pha với giấm hoặc chanh là những cách cha mẹ nên sử dụng để vệ sinh đồ chơi tắm cho con (Ảnh minh họa).
Theo ông Michael, mặc dù các loại nấm mốc phát triển trên vật dụng trong nhà rất hiếm khi gây bệnh, vì hầu hết trẻ em đều có hệ miễn dịch khỏe mạnh, có thể chống lại các loại vi khuẩn và nấm mốc, nhưng trong trường hợp trẻ có hệ miễn dịch yếu thì các loại vi khuẩn, nấm mốc này sẽ tấn công gây ra các bệnh như nhiễm trùng phổi, xoang mãn tính,…
Do đó, cha mẹ nên quan tâm đến việc vệ sinh đồ chơi tắm cho con bằng những cách sau:
- Vắt kiệt nước và phơi khô đồ chơi
Cha mẹ nên vắt hết nước trong đồ chơi tắm của con, và phơi cho nó khô hoàn toàn, tốt nhất là phơi ở ngoài trời. Nếu trong quá trình vắt nước mà cha mẹ thấy nước chảy ra có màu đen thì bạn nên vứt món đồ đó đi và mua một món mới.
Video đang HOT
Hãy làm điều này sau mỗi lần trẻ tắm xong. Nếu đồ chơi có thể tách đôi ra được, cha mẹ nên tách chúng ra và chà sạch nó bên trong lẫn bên ngoài bằng bàn chải đánh răng cũ với xà phòng và nước.
- Ngâm đồ chơi tắm trong dung dịch giấm hoặc chanh
Ngâm đồ chơi tắm trong chậu nước pha với dấm trắng/chanh từ 10 đến 20 phút cũng là cách để tránh nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Vì các axit có trong chanh hoặc giấm hoạt động như một chất khử trùng tự nhiên, đồng thời, đây cũng là một giải pháp khử trùng hiệu quả không gây hại cho trẻ.
- Đun sôi đồ chơi trong 10 phút
Có một cách khử trùng nữa là cha mẹ cho đồ chơi vào nồi đun sôi ít nhất 10 phút. Đây là phương pháp được các nhà nghiên cứu khuyên cha mẹ nên ưu tiên sử dụng. Sau khi đun sôi, cha mẹ nên chà sạch và lau khô chúng.
- Bịt kín các lỗ hở trên đồ chơi
Ngoài ra, ông Michael cũng gợi ý các cha mẹ có thể bịt kín các lỗ hở trên đồ chơi tắm để ngăn chặn nước, vi khuẩn, nấm mốc vào được bên trong. Tuy rằng làm như thế này cha mẹ không phải lo lắng gì nữa nhưng bạn vẫn phải cọ rửa đồ chơi và phơi chúng khô hoàn toàn.
HỒNG HẠNH
Ngoài rửa tay, có 1 việc bố mẹ nhất định nên làm thường xuyên để bảo vệ con khỏi nhiễm virus corona
Đây là nơi trẻ nhỏ tiếp xúc thường xuyên trong ngày, thậm chí còn đưa vào miệng nên việc vệ sinh, khử trùng có vai trò quan trọng không kém gì thói quen rửa tay sạch sẽ.
Vệ sinh đồ chơi cho trẻ là một việc rất cần thiết để đảm bảo sự an toàn của trẻ trước những mối nguy cơ tấn công từ vi khuẩn, virus, bụi bẩn. Trong tình hình virus corona lây lan nhanh như hiện nay, ngoài việc cho trẻ rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài thì bố mẹ còn cần tập thói quen vệ sinh đồ chơi của con đều đặn để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Các nhà khoa học cho biết, bề mặt của các món đồ chơi trẻ em chính là nơi lý tưởng để các vi khuẩn ẩn nấp và sinh sản, nhất là các khe nhỏ li ti khó nhìn bằng mắt thường trên bề mặt. Khi trẻ em cầm, nắm, hay đưa các món đồ chơi lên miệng... thì các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào cơ thể bé. Chính vì thế, để bảo vệ thiên thần bé bỏng của mình, các mẹ nên lưu ý ngoài việc lựa chọn những món đồ chơi trẻ em có xuất xứ rõ ràng, tránh mua những sản phẩm giá rẻ kém chất lượng... thì việc làm sạch đồ chơi cho bé là rất quan trọng.
Bề mặt của các món đồ chơi trẻ em chính là nơi lý tưởng để các vi khuẩn ẩn nấp và sinh sản.
Theo TS.BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng - ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh), đối với các gia đình có trẻ nhỏ, vệ sinh đồ chơi cho con thường xuyên là việc hết sức cần thiết: " Rửa tay cho trẻ thường xuyên, đảm bảo môi trường của trẻ không có các giọt dịch tiết nước bọt, làm sạch đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Bố mẹ nên chọn mua các loại đồ chơi trơn láng để dễ làm vệ sinh. Không chỉ đến mùa phòng chống dịch bệnh virus corona mới lên làm những việc này mà nên thường xuyên, đảm bảo vệ sinh để tránh lây nhiễm cho trẻ".
Bao lâu nên vệ sinh đồ chơi của con 1 lần?
Bất cứ món đồ chơi nào của trẻ khi bị dính bẩn hay rơi xuống đất cũng cần được làm sạch ngay. Ngoài ra, bố mẹ có thể làm sạch định kỳ đồ chơi của con theo tần suất gợi ý như sau:
- Đồ chơi vải, bông: 1 tuần/1 lần.
- Đồ chơi nhựa, đồ chơi điện tử: 2 tuần/1 lần.
- Đồ chơi nhựa mềm, ti giả: Vệ sinh ngay sau khi bé dùng hoặc khi đồ chơi chạm xuống đất.
- Búp bê: 2 tuần/1 lần.
- Đồ chơi mang theo đi tắm: Vệ sinh ngay sau khi dùng.
Khi đồ chơi bị dính bẩn, cần làm sạch ngay.
Cách vệ sinh đồ chơi cho trẻ
Mỗi loại đồ chơi có cách vệ sinh riêng để đảm bảo an toàn, sạch sẽ và phù hợp với chất liệu.
- Đồ chơi bằng nhựa cứng: Nếu làm sạch bằng tay, mẹ nên giặt bằng xà phòng rồi làm sạch với nước, sau đó phơi khô. Một cách khác là dùng dấm đề lau sạch bề mặt các món đồ chơi bằng nhựa. Ngoài ra, bố mẹ có thể vệ sinh bằng máy giặt, máy rửa bát.
Đồ chơi bằng nhựa thường có các chi tiết ráp nối nhỏ, các khe rãnh bé xíu. Với những chỗ này, bố mẹ nên dùng tăm bông hoặc cây cọ đồ chơi siêu nhỏ chuyên dụng ngoáy, cọ sạch các chất bẩn bám dính trên đó.
- Thú bông, búp bê: Tốt nhất nên giặt khô hoặc bỏ vào máy giặt.
Đồ chơi nhà tắm là "ổ vi khuẩn".
- Đồ chơi nhà tắm: Nhiều mẹ nghĩ rằng các món đồ chơi này được tiếp xúc với nước sạch và sữa tắm hàng ngày thì làm sao bẩn được! Nhưng đây là một quan điểm sai lầm bởi các món đồ chơi này khi chìm trong nước một khoảng thời gian dài sẽ trở thành một "ổ vi khuẩn", là nơi để các loại nấm mốc, rong rêu và vi khuẩn sinh sôi nảy nở với một tốc độ chóng mặt.
Vậy, làm sao để làm sạch đồ chơi nhà tắm? Hãy dùng một cái thau cho vào hỗn hợp giấm ăn và nước sạch theo tỉ lệ 50:50, sau đó ngâm đồ chơi nhà tắm vào qua đêm rồi vắt sạch nước trong đồ chơi và rửa lại bằng nước sạch. Sau đó, đem phơi thật khô.
Hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất tẩy rửa khi vệ sinh đồ chơi.
- Đồ chơi gỗ, đồ chơi điện tử: Xịt dấm ăn lên bề mặt đồ chơi rồi dùng khăn lau sạch.
Một số lưu ý khi vệ sinh đồ chơi cho trẻ
- Nên dùng một miếng bọt biển sạch hoặc khăn sạch chuyên để lau, cọ đồ chơi của bé.
- Kiểm tra kỹ chất liệu, cấu tạo các loại đồ chơi trước khi chọn phương thức làm sạch phù hợp.
- Nên vệ sinh đồ chơi cho trẻ khi bé không có nhà hoặc không chơi món đồ chơi đó.
- Không nên đổ nước nóng vào đồ chơi làm từ cao su, chúng có thể bị chảy và bị hỏng theo thời gian.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất tẩy rửa khi vệ sinh đồ chơi vì da trẻ rất nhạy cảm.
Theo Trí Thức Trẻ
Chủ động phòng bệnh đường hô hấp ngày mưa rét Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ hai ngày cuối tuần (8-9/2) sẽ có rét đậm, vùng núi có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất khoảng 12-15 độ, vùng núi 8-11 độ. Nhiệt độ xuống thấp kết hợp với mưa khiến trời rét buốt. Với thời tiết như vậy, người dân cần giữ ấm, chủ động phòng chống các bệnh về đường...