Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Sáng nay, 5/6, Bộ GD&ĐT, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan phát động Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019.
Đây là một trong những hoạt động quan trọng của ngành Giáo dục hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng trong năm 2019 (Kỷ niệm 65 chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2019); 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019), 108 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước) và đẩy mạnh tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019).
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Cuộc thi là cơ hội để các đoàn viên, thanh thiếu niên, HSSV trong và ngoài nước nâng cao nhận thức sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức cách mạng, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, tìm hiểu những giá trị trong Di chúc của Người, nâng cao hiểu biết về lịch sử hào hùng của đất nước, chủ quyền quốc gia về biển, đảo Việt Nam, từ đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT mong muốn các đơn vị, cá nhân tiếp tục tích cực hưởng ứng và tham dự thi và mong sẽ có nhiều cách làm hay, sáng tạo từ phía các cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở Đoàn trong việc tạo môi trường, động lực, chỉ đạo, tổ chức phát động, tuyên truyền để các bạn đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia, tìm hiểu và dự thi, góp phần xây dựng thế hệ trẻ vừa “hồng, vừa chuyên” đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Thể lệ Cuộc thi năm 2019, các đơn vị sẽ lựa chọn các thí sinh xuất sắc ở các nhà trường và cơ sở giáo dục tham dự Vòng bán kết, Chung kết xếp hạng toàn quốc theo nguyên tắc đảm bảo tính đại diện cao cho các bảng thi, các vùng miền, các khối.
Video đang HOT
Nét mới của cuộc thi 2019 là thiết kế 3 bảng thi dành cho các nhóm đối tượng: Bảng A dành học sinh THCS, THPT, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên; Bảng B dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm và bảng C dành cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trẻ và những người quan tâm (dưới 35 tuổi) tham gia dự thi. So với các lần thi trước, Cuộc thi năm 2019 bổ sung thêm bảng C. Đồng thời tăng cường các điều kiện đảm bảo Cuộc thi an toàn, nghiêm túc.
Chi tiết Thể lệ, các hoạt động Cuộc thi trên website chính thức Cuộc thi: https://hocvalamtheobac.vn
Với 4 lần tổ chức, Cuộc thi ngày càng thu hút đông đảo thí sinh dự thi: Năm 2013 thu hút hơn 31.000 lượt thí sinh dự thi, năm 2015 thu hút hơn 75.000 lượt thí sinh dự thi, năm 2016: hơn 330 ngàn lượt thí sinh tham dự, năm 2018 đã có hơn 1,2 triệu lượt thí sinh dự thi.
NGHIÊM HUÊ
Theo Tiền phong
Những tấm gương hết lòng với học sinh
Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo, tại Bình Dương đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng về người giáo viên tận tụy với nghề, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.
Ngành giáo dục tỉnh Bình Dương có nhiều tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ. Trong ảnh: Cô giáo Nguyễn Thị Hải Phương và học sinh Trường tiểu học Bình Hòa 2 (thị xã Thuận An).
Tại thị xã Thuận An, cô giáo Nguyễn Thị Hải Phương, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa 2, là điển hình trong thi đua dạy giỏi. Là đảng viên, yêu nghề đã chọn, cô giáo Phương luôn tâm niệm cống hiến hết mình cho thế hệ mầm non. Nhiều năm liền cô Phương đoạt giải trong hội thi giáo viên dạy giỏi của Giải thưởng Võ Minh Đức cấp thị xã. Năm học 2017 - 2018, cô giáo Hải Phương đã đoạt giải nhì cấp tỉnh của giải thưởng này.
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Hải Phương tâm sự: "Đối với học sinh tiểu học, không chỉ dạy về kiến thức mà thầy, cô giáo còn phải rèn các em về nền nếp, ý thức học hành. Hơn nữa, kiến thức bậc tiểu học rất quan trọng, tạo nền tảng để chuyển cấp học, nếu học sinh nắm vững thì sẽ học tốt ở những bậc học tiếp theo. Chính vì vậy, tôi luôn tìm tòi phương pháp sáng tạo, trong giảng dạy, trong soạn giáo án, sử dụng đồ dùng dạy học nhằm giúp học sinh dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hiểu". Sáng kiến và những đề tài của cô Phương đã được áp dụng, tạo hứng thú trong mỗi giờ học cho học sinh toàn khối lớp 5 của Trường tiểu học Bình Hòa 2.
Bên cạnh việc giảng dạy, cô giáo Phương luôn quan tâm đến hoàn cảnh của học sinh. Tại lớp, phần lớn học sinh là con em người lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương làm việc, nên điều kiện quan tâm, chăm sóc của phụ huynh với các em không nhiều. Vì vậy, cô Phương luôn gần gũi, động viên các em. Trong giờ giải lao, cô thường dành thời gian chuyện trò với học sinh để hiểu rõ từng hoàn cảnh, từ đó có hướng giúp đỡ cụ thể. Với những học sinh chưa hoàn thành về mặt học tập, cô giáo Hải Phương có kế hoạch bồi dưỡng riêng và phối hợp phụ huynh cùng hỗ trợ các em. Cô giáo Nguyễn Thị Hải Phương còn thường xuyên phát động các phong trào thi đua học tập vào các dịp lễ, tổ chức đôi bạn cùng tiến để các em giúp bạn học tập tiến bộ. Chính sự tận tâm, tình thương yêu của cô giáo đã giúp học sinh lớp học do cô phụ trách ngày càng tiến bộ, toàn bộ học sinh đều hoàn thành chương trình tiểu học.
Được UBND thị xã Thuận An khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, là tấm gương sáng trong ngành giáo dục và đào tạo, với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga, giáo viên môn Địa lý ở Trường THCS Nguyễn Văn Tiết, đó không chỉ là niềm vui mà còn là động lực để cô và trò thêm gắn bó. Nhận thức học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ trong ngành phải xứng đáng là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Đó cũng là thông điệp và mục tiêu của cuộc vận động do ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương phát động. Cô giáo Nga đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp nội dung, chương trình của sách giáo khoa mới.
Để học sinh tiếp thu kiến thức dễ hơn, sinh động hơn, cô giáo Thanh Nga thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhiều đồ dùng dạy học. Với những học sinh giỏi, cô Nga tiếp tục bồi dưỡng phát huy năng khiếu; với học sinh yếu, cô động viên và có phương pháp bồi dưỡng thêm. Ngoài dạy chữ, cô giáo Nga thường xuyên chia sẻ những câu chuyện thú vị, dạy điều hay, lẽ phải, đạo đức làm người, giúp các em rèn luyện những chuẩn mực đạo đức, tác phong, biết đoàn kết, giúp đỡ bạn vượt khó học tốt và tiến bộ, biết quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may, gia đình neo đơn.
Với sự dạy dỗ tận tình của cô giáo Nga, nhiều năm qua học sinh lớp cô chủ nhiệm luôn cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức, nhân cách tốt, cuối năm đạt kết quả tốt, được nhà trường ghi nhận, phụ huynh học sinh yên tâm, tin tưởng. Bên cạnh đó, cô Nga tích cực tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng do ngành phát động. Năm học 2017 - 2018, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga đoạt giải nhì hội thi giáo viên dạy giỏi của Giải thưởng Võ Minh Đức cấp tỉnh; được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tặng bằng khen vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác hai năm liên tục.
Mỗi người một tấm lòng, một cách thể hiện trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Với mỗi thầy giáo, cô giáo như cô giáo Hải Phương, cô giáo Thanh Nga cùng bao tấm gương tiêu biểu khác đang ngày đêm rèn chữ, rèn nết người cho học sinh, sự trưởng thành của các em chính là niềm vui, là món quà lớn không gì so sánh được. Họ luôn tâm niệm, học tập và làm theo Bác, không phải ở đâu xa, mà ngay trong tình cảm, trách nhiệm đối với sự nghiệp trồng người.
BÀI, ẢNH: TRỊNH BÌNH VÀ ÁNH SÁNG
Theo nhandan
Một số thanh thiếu niên thiếu động cơ học tập rèn luyện đúng đắn Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 -...