Tuổi 18 miền Tây đi chọn trường
Từng nhóm các cô cậu học sinh mặc đồng phục với đủ màu sắc, hình vẽ hồ hởi kéo nhau đi nghe tư vấn tuyển sinh, làm trắc nghiệm trên máy, ngồi bàn luận.
Sân Trường ĐH Cần Thơ ngày chủ nhật 3/3, ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2013 với hơn 25.000 học sinh, nhộn nhịp từ sáng sớm tới chiều.
Tìm một động lực
Một bạn gửi đến ban tư vấn câu hỏi khó: “Em muốn được vào đại học, nhưng em cảm thấy mình chưa có đủ động lực mạnh mẽ, các thầy cô có thể giúp em được không?”. Câu hỏi khiến tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai (trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) phải “hóa thân” thành một nhà tâm lý học: “Em phải tự đặt câu hỏi ấy cho mình. Năm nay mình 18 tuổi rồi, mục tiêu của mình là gì, để đạt được mục tiêu ấy thì cần phải làm gì? Vào đại học mới chỉ là một bước đầu tiên, thử thách đầu tiên mà thôi. Hãy tưởng tượng về một ngày mai của mình, làm gì, trở thành người thế nào… Đó sẽ chính là động lực của em”.
Hàng ngàn học sinh ĐBSCL tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2013 tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ sáng 3/3 – Ảnh: Minh Đức
Rất nghiêm túc như Trịnh Cao Ngọc Trâm, học sinh Trường Tầm Vu, huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Chăm chú nghe và ghi chép lời các thầy cô tư vấn, Trâm còn tỉ mỉ đọc kỹ các ngành học thuộc khối D được giới thiệu trong tập Cẩm nang tuyển sinh. “Em chọn thi sư phạm, cả ở Trường ĐH Sài Gòn và ĐH Cần Thơ. Sau này làm cô giáo, trường nào nhận thì em sẽ dạy ở đó. Cả nhà nội em đều theo nghề sư phạm” – Trâm quả quyết.
Mới từ Phan Thiết quê nội chuyển vào Hậu Giang quê ngoại được hai năm sau khi cha mất, Trâm nhận xét thật tinh tế: “Có rất nhiều khác biệt khi từ miền Trung chuyển vào miền Tây. Các thầy cô ở đây gần gũi, thân thiện hơn khiến em cảm thấy rất ấm áp. Tuy nhiên các bạn thì có nhiều mối quan tâm khác, nhiều lựa chọn khác hơn là việc học, không giống học sinh miền Trung”.
Cùng tâm trạng với Ngọc Trâm, Cẩm Duyên đến từ Trường Giá Rai, Bạc Liêu, đã cố gắng đi khắp các gian tư vấn để tìm những trường có ngành dược. Đến khu vực tư vấn của nhóm ngành khoa học xã hội, y dược… vừa nghỉ chân, vừa nghe, vừa săm soi những bản tự giới thiệu của các trường, Duyên lo lắng, băn khoăn quay sang hỏi: “Năm ngoái ngành dược ĐH Cần Thơ lấy 18,5 điểm. Nếu em không đủ điểm thì sao?”. Hỏi rồi tự Duyên lại trả lời: “Không đủ điểm trường này em sẽ học trường khác, cùng ngành. Nếu không được nữa thì luyện tiếp để sang năm thi lại”.
Video đang HOT
Ngồi dưới nhìn các anh chị sinh viên điều khiển chương trình, ca hát, khởi động trên sân khấu, Duyên thì thầm: “Chắc mấy anh chị này học giỏi lắm. Trường ĐH Cần Thơ rộng, đẹp quá, nếu em được học ở đây, có ký túc xá trong trường chắc cha mẹ em an tâm”. Cha mẹ và hai anh trai của Duyên làm nghề chạy xe khách, không ai biết gì về môi trường đại học để gây dựng động lực cho bạn. Đầy lo lắng nhưng Duyên đã tự lo toan mọi việc: “Mấy đứa bạn rủ khi thi tốt nghiệp xong, còn một tháng thì lên Cần Thơ luyện thi. Nhưng em cũng nghe nói lên đây bạn bè rủ đi chơi hoài nên chắc thôi, em sẽ học ở Giá Rai đến khi thi”.
Hồn nhiên hơn các bạn gái, Lê Tuấn Khanh, Trường Thuận Hòa, Sóc Trăng, kể: “Nhà em ở tuốt trong ruộng, đạp xe ra trường học hơn 10km. Mà cũng nhờ vậy nên em sẽ được ưu tiên khu vực. Em mong được vào đại học, được ở ký túc xá lắm. Khu em ở chỉ có một, hai anh chị đang học ĐH An Giang thôi, nhưng mấy năm rồi tới hè, các anh chị sinh viên ở Sài Gòn, Cần Thơ về làm chương trình Mùa hè xanh. Các anh chị kể chuyện đi học, đi làm, công tác xã hội vui lắm. Gặp các anh chị ấy, em mong mình cũng được thành sinh viên…”.
Chọn ngành yêu thích
Vân Anh, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, Phong Điền, Cần Thơ, cứ chạy đi chạy lại giữa gian tư vấn gỡ rối và bàn trắc nghiệm bản thân. “Ngành em chọn ở Cần Thơ không có, em cũng muốn thử sức mình, muốn lên Sài Gòn học mà không biết có lên được không nữa, em hay khóc lắm, nhớ nhà lắm”. Gần như ngay lập tức, một câu hỏi được gửi lên: “Các thầy cô chỉ em cách làm sao khắc phục nỗi nhớ nhà để đi học xa?”. Vân Anh bật cười: “Thì ra không chỉ mình em lo chuyện đó”.
Các thầy cô đã chia sẻ bằng chính đời sống sinh viên xa nhà của mình trước đó mấy mươi năm với hàng trăm khó khăn, thiếu thốn, và bảo: “Các em giờ có nhiều phương tiện liên lạc hơn thời đó, giao thông cũng thuận tiện hơn trăm lần, lại có thêm rất nhiều mối quan tâm khác trong đời sống sinh viên, các em sẽ sớm vượt qua nỗi nhớ mẹ cha để thành người lớn thôi”. Ngồi dưới, Vân Anh gật đầu: “Em hiểu rồi. Em sẽ cố gắng”.
Hai bạn nữ khác chụm đầu bàn luận sôi nổi về việc nên chọn ngành mình thích hay ngành “hot” dễ có việc làm, thu nhập cao. Không kết luận được, một bạn chạy theo níu áo thầy cô tư vấn khi đã gần hết giờ. Lát sau cô gái quay lại quả quyết với bạn mình: “Kết luận là phải chọn ngành mình thích. Nếu làm việc mình không thích, dù cho kiếm được tiền nhưng tinh thần bị ức chế cũng không tốt. Làm việc mình thích, tinh thần thoải mái, làm việc tốt và kết quả là tăng được thu nhập. Đồng ý chưa?”. Hai cô gái đập bàn tay vào nhau rồi cùng nắm tay chạy đi, từ khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế chạy sang nhóm ngành xã hội.
Thảo Nguyên, Mai Giang Thu cùng học Trường THPT Thốt Nốt, Cần Thơ, ngồi nghiên cứu mãi các cuốn sách tư vấn tuyển sinh, so sánh các ngành học của ĐH Cần Thơ và ĐH Quốc gia TP.HCM rồi cùng kết luận: “Học ở Cần Thơ thì gần nhà, gia đình lại đỡ tốn kém, nhưng nếu được học ở TP.HCM chắc sẽ có nhiều cơ hội hơn”. Hai cô gái quyết sẽ học thật tốt các môn thi khối D để được đi Sài Gòn học. “Ba mẹ tụi em làm ruộng, nói con thích gì thì thi nấy, chỉ mong con gái đỡ khổ hơn cha mẹ là được”.
Đâu đâu trong ngày hội tuyển sinh cũng thấy những băngrôn với dòng chữ “Cùng bạn vào tương lai”. Đất miền Tây vẫn luôn “chờ sức người vươn”, và các cô gái chàng trai miền Tây tuổi 18 hôm nay đã vượt ra khỏi mơ ước khiêm nhường của cha mẹ để tự nắm lấy tương lai của mình.
Theo Phạm Vũ (Tuổi trẻ)
Tỷ lệ chọi ngành kinh tế sẽ ngất ngưởng
Mùa tuyển sinh năm nay sẽ có nhiều biến động trong việc xác định chỉ tiêu tuyển mới. Dù Bộ GD - ĐT cương quyết giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế, nhưng sức hút của khối ngành này với thí sinh vẫn chưa hết nóng.
Ảnh minh họa.
Kinh tế giảm, nông lâm ngư tăng
Mùa tuyển sinh năm nay nhiều trường ĐH - CĐ cắt giảm chỉ tiêu các khối ngành kinh tế như ĐH Sài Gòn vừa công bố giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế hệ ĐH và dừng tuyển sinh khối kinh tế hệ CĐ trong mùa tuyển sinh 2013 tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 3.900, giảm 1.400 so với năm 2012.
Tương tự, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM năm nay cắt giảm tới 1.100 chỉ tiêu. Trong đó, hệ ĐH và CĐ giảm 400 chỉ tiêu, hệ trung cấp giảm 700 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu tuyển mới của trường năm nay sẽ giảm xuống còn 4.700 (năm 2012 là: 5.800). Chỉ tiêu cắt giảm tập trung vào các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh... Trong khi khối ngành kinh tế giảm chỉ tiêu, thì khối ngành nông lâm ngư lại có xu hướng tăng.
ĐH Nông lâm TP.HCM dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 5.300, tăng so với năm 2012. Ông Huỳnh Thanh Hùng - phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm nay, trường sẽ ưu tiên tuyển sinh cho khối ngành thủy sản, chăn nuôi - thú y nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và xu hướng dịch chuyển ngành nghề chung".
TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp cũng dự kiến cắt giảm chỉ tiêu các ngành Kinh tế, Sư phạm tăng chỉ tiêu các ngành nông nghiệp. Theo đó, chỉ tiêu tuyển mới năm nay ở ĐH 2.500 chỉ tiêu và CĐ là 1.100.
Một số ngành khối nông nghiệp của ĐH Cần Thơ cũng dự kiến tăng chỉ tiêu trong năm 2013. Cụ thể: ngành phát triển nông thôn tăng từ 70 lên 80 chỉ tiêu; ngành thú y tăng từ 160 lên 180 chỉ tiêu; ngành khoa học cây trồng tăng từ 240 lên 270 chỉ tiêu; ngành nông học tăng từ 80 lên 120 chỉ tiêu... Tổng chỉ tiêu tuyển mới của trường tăng thêm 1.000, tập trung các khối ngành nông - lâm - ngư và kỹ thuật.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Tây Nguyên năm 2013 là 3.200 và trường cũng cơ cấu lại việc tuyển sinh theo hướng, giảm chỉ tiêu khối ngành quản trị kinh doanh, kế toán và tăng chỉ tiêu cho các ngành chăn nuôi, lâm sinh, khoa học cây trồng...
Thí sinh vẫn chuộng kinh tế
Cho dù các trường cắt giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế, nhưng tại các buổi tư vấntuyển sinh gần đây nhiều thí sinh vẫn đổ xô thi khối ngành này. Lý do được phụ huynh và học sinh cho rằng học khối ngành Kinh tế ra trường dễ xin việc hơn.
Lê Phương, học sinh lớp 12A2, trường THPT Lương Văn Can (quận 8, TP.HCM) nói: "Em chọn thi kế toán. Gia đình từ lâu đã hướng cho em thi ngành này. Em cũng lo lắng trước thông tin Bộ GD-ĐT giảm chỉ tiêu và nhu cầu việc làm sau này nhưng em vẫn thi kế toán".
Nguyễn văn Anh học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) cho biết, lý do em chọn thi vào ngành Quản trị Kinh doanh (ĐH Tài chính Marketing TP.HCM) vì gia đình em ai cũng học kinh tế hết và ai cũng thành đạt, vì em cũng thích kinh tế hơn.
Còn Bà Lê Thị Thúy Hồng, phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10) cho biết: "Các năm trước, tỷ lệ học sinh của trường chọn thi giữa khối ngành kinh tế và các ngành khác với tỷ lệ 60/40. Năm nay, học sinh có quan tâm đến khối Sư phạm, nhưng không nhiều. Phần đông vẫn quan tâm đến khối kinh tế".
Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM - thạc sĩ Nguyễn Văn Đương khái quát, nhóm ngành kinh tế vẫn thu hút thí sinh, đặc biệt là thí sinh khá giỏi. Xu hướng thí sinh vẫn thích chọn ngành Kinh tế là dễ kiếm việc làm. Mức lương cao cũng là một trong những yếu tố cơ bản khiến các ngành kinh tế hấp dẫn thí sinh.
Ông Trần Anh Tuấn, phó Giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: "Từ đầu năm 2013 tới nay, tôi đi tư vấn hướng nghiệp cho hơn 10 trường THPT trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành Đông Nam Bộ. Dù vẫn còn đắn đo trong vấn đề việc làm, mức độ cạnh tranh khi ra trường, nhưng các em vẫn quan tâm nhiều tới khối ngành kinh tế".
Ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho rằng: "Việc học sinh chọn khối kinh tế đã từ lâu và tiền lệ, lý do các học sinh chọn thi kinh tế là tâm lý và đa phần nhìn nhận học kinh tế ra trường lương cao... Tuy nhiên, các em cần lượng sức khi chọn thi khối ngành kinh tế vì điểm thi của khối này rất cao, những học sinh khá giỏi mới đủ sức để thi".
Theo Vietnamnet
Định hướng ngành học phù hợp Sáng 12.1, hơn 800 học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, Hóc Môn, TP.HCM tham dự buổi tư vấn mùa thi đầu tiên năm 2013 do Báo Thanh Niên tổ chức. Tại đây, học sinh được tư vấn định hướng lựa chọn ngành học đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, phù hợp với bản thân. Kinh tế suy thoái, nên học ngành...