Tuổi 17 của Duyên
Ở tuổi 17, Thượng Thị Mỹ Duyên (lớp 12A1, THPT An Nghĩa, Cần Giờ) đã nỗ lực vượt lên nghịch cảnh để hoàn thành vai trò của một người con ngoan.
“Cô chủ” chăm chỉ Mỹ Duyên bên xe nước mía…
Trưởng thành vì mẹ và em gái
Kết thúc buổi học lúc 11 giờ, Mỹ Duyên tất tả đạp xe về nhà ngay. Dưới cái nắng trưa gay gắt, mồ hôi vương đầy trên trán, trên lưng áo nhưng chẳng màng, cô bạn bắt tay ngay vào nấu cơm và chuẩn bị sách vở để đưa em gái Mỹ Huyền đi học. Nhìn cô gái mới 17 tuổi chăm chỉ, kiên nhẫn nấu cơm, dỗ dành em ăn, tắm rửa chuẩn bị quần áo, đầu tóc cho em đi học dễ thấy được sự chín chắn, trưởng thành hơn cái tuổi thật.
Mỹ Duyên phải chín chắn, trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa cũng bởi vì cuộc sống của cô bạn vốn không hề dễ dàng và may mắn. Cha bất ngờ qua đời vì một cơn nhồi máu cơ tim, Mỹ Duyên, lúc ấy mới học lớp 4 đã nhận rằng “Mình phải cố gắng mạnh mẽ vì mẹ và em”. Cha mất, khó khăn chất chồng nhưng Duyên luôn luôn nỗ lực để là một người con ngoan, một người chị tốt.
Em gái sinh ra chưa một lần thấy mặt cha thỉnh thoảng vẫn ngây thơ hỏi “Cha đâu hả chị?”, những lúc đấy Mỹ Duyên chỉ còn biết ôm em và bảo “Hai chị em mình phải cố gắng học giỏi vì cha em nhé”. Rồi như một người cha, Duyên chỉ bảo và dạy dỗ, kèm cặp em học tập. Mẹ bận rộn trên những chuyến ghe đi cân tôm, cân cá từ 2h sáng để trang trải cho cuộc sống, Duyên lại chăm sóc em từng miếng ăn đến giấc ngủ, chu đáo như một người mẹ.
Không chỉ là một người con ngoan, người chị tốt, Duyên còn là một “bà chủ” chăm chỉ của một quán nước mía. Quán của Duyên chỉ vỏn vẹn chiếc máy nước mía đã cũ bà ngoại để lại cho. Cô bạn vẫn tận dụng thời gian bán nước cho người qua đường để có thể kiếm thêm thu nhập phụ giúp mẹ.
“Mẹ mình thức khuya dậy sớm lo cho 2 chị em ăn học nên mình chỉ muốn đỡ đần để mẹ bớt cực nhọc hơn” – Duyên tâm sự.
Video đang HOT
Mẹ Duyên, cô Kim Huệ không giấu nổi tự sự hào xen lẫn chút chạnh lòng khi nhắc đến con “Duyên nó ngoan ngoãn và biết nghĩ cho mẹ. Giá mà nó có điều kiện học tập tốt hơn thì chắc…”
Mỹ Duyên hướng dẫn em học tập…
Học để đổi đời
Đưa em gái đi học xong Duyên lại vội vã trở lại trường cho kịp ca học ôn thi chiều. Những áp lực năm học cuối cấp có vẻ khiến Duyên hơi xanh xao nhưng nhắc đến chuyện thi đại học, cô bạn lại rạng rỡ kể về ước mơ trở thành một giáo viên dạy Toán như ước nguyện của người cha lúc còn sống.
Để đi đến những năm tháng cuối cùng này, con đường học tập của Mỹ Duyên trước đó đầy những chông gai. Cô Kim Huệ vẫn không thể quên được những năm tháng khó khăn của con: “ Sức khỏe Duyên yếu nên cứ ngất xỉu liên miên, nằm viện cả tháng, cô phải chạy vạy khắp nơi để lo cho con, thấy nó nằm thở nhọc nhằn, cô chẳng biết phải làm sao cho con”.
“Lực bất tòng tâm” khiến cô bạn từng có ý định nghỉ học để mẹ đỡ vất vả nhưng rồi những lời động viên của thầy cô, bạn bè và ý nghĩ, quyết tâm “Chỉ có học mới có thể thoát nghèo” khiến Duyên đứng dậy, tiếp tục cố gắng và đạt được những thành tích rất đáng nể phục.
Suốt 11 năm liền, Duyên luôn là học sinh giỏi. Không chỉ học giỏi những môn khối A, B là khối chính Duyên chọn thi đại học mà cô bạn còn học rất đều những môn học khác như Sử, Địa. Cô bạn đa năng này còn từng đoạt giải học sinh giỏi Sử, giải nhất tìm hiểu Em yêu Sử Việt, giải nhất Tìm hiểu sức khỏe sinh sản, giải nhì Tiếng hát hoa học đường.
Theo Diệu Thanh/Báo Mực tím
Những học sinh dân tộc thiểu số ghi danh bảng vàng
Dù điều kiện học tập không đầy đủ nhưng bằng sự quyết tâm, nhiều học sinh dân tộc thiểu số đã ghi danh trong bảng vàng những học sinh đạt giải quốc gia, thủ khoa đại học năm nay.
Học để thoát cái nghèo
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cậu học trò Hoàng Văn Chung, dân tộc Dao, ở xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê, Hà Giang vẫn có thành tích học tập rất đáng tự hào: giải ba cấp Quốc gia môn lịch sử, thi đỗ học viện An ninh với số điểm cao.
Hoàng Văn Chung, người dân tộc Dao.
Gia đình Hoàng Văn Chung có 5 anh em, anh cả lúc nhỏ bị bệnh nặng không có tiền chữa trị, nên mang tật nguyền, khiến cho gia cảnh nhà Chung vốn đã khó khăn, càng thêm khó khăn. Cộng thêm bố mẹ ở vùng sâu, vùng xa, không biết chữ, ít quan tâm đến việc học tập của con cái, nên hầu như cậu bé Hoàng Văn Chung phải "tự lực cánh sinh". Với tinh thần hiếu học, Chung kiên quyết xin bố mẹ cho em đi học.
Chung kể: "Có những hôm em đi bộ từ nhà tới trường, bụng đói meo, nhưng chẳng dám kêu ca tiếng nào. Hồi cấp 1, học ở trường không hiểu, về nhà bố mẹ không biết chữ, thắc mắc không biết hỏi ai nên nhiều khi cũng bí lắm. Nhưng em vẫn không nản, những gì không hiểu em ghi lại, sáng mai đến lớp hỏi thầy cô giáo". Nhờ tinh thần hiếu học mà từ lớp 1 đến lớp 9, năm nào Chung cũng là học sinh khá. Học hết cấp 2, trong khi nhiều bạn trong thôn nghỉ học, ở nhà lập gia đình, Chung tiếp tục ra trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Yên Minh để theo học. "Thi cấp 2 xong, bố mẹ cũng không muốn cho em đi học nữa đâu, vì không có người ở nhà làm ruộng. Nhưng em cứ kiên trì thuyết phục, rồi bố mẹ cũng cho đi. Lúc lên trường nội trú, em mới thấy mình kém hơn các bạn rất nhiều, nên lo lắng lắm. Tranh thủ khi các bạn ngủ hết, em lấy sách vở ra xem lại. Những lúc rảnh rỗi, em cũng không dám đi chơi mà chỉ ở nhà học bài", Chung chia sẻ. Nỗ lực hết mình, Chung không những theo kịp mà còn vượt xa các bạn. Được 600.000 đồng học bổng dành cho học sinh vượt khó, Chung dành hết để mua sách tham khảo. Năm lớp 11, Chung tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn lịch sử nhưng không đạt giải. Đến năm lớp 12, Chung giành được giải ba. Chung cho hay: "Em thích học môn lịch sử lắm. Những gì thầy cô giáo giảng đều để lại ấn tượng sâu trong đầu. Những gì mình học qua rồi thì vẫn nhớ. Hồi đi ôn thi học sinh giỏi, hầu như một ngày em chỉ dám ngủ mấy tiếng, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện học thôi. Phương pháp học môn lịch sử của em cũng đơn giản lắm, ngoài sách giáo khoa, em đọc thêm các tài liệu tham khảo rồi ghi những ý chính ra vở, vừa dễ học lại nhớ lâu". Để tiếp tục theo đuổi con đường học vấn và giảm gánh nặng cho gia đình, Chung đăng ký thi vào Học viện An ninh. Kết quả Chung đậu vào học viện với số điểm khá cao, 22 điểm. "Em chỉ đăng ký duy nhất một trường thôi, nếu rớt chắc chắn em sẽ đi học nghề để vừa làm vừa học phụ giúp bố mẹ. May sao em đã không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, thầy cô và bạn bè". Chung tủm tỉm cười. Mơ ước chữa bệnh cho người nghèo
Với thành tích đạt giải ba quốc gia môn hóa, Diệp Như Quỳnh, người dân tộc Sán Dìu, ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, đã được tuyển thẳng vào đại học và em đã đăng ký ngay vào đại học Dược Hà Nội, với nguyện vọng muốn trở thành một thầy thuốc giỏi để giúp đỡ người nghèo.
Diệp Như Quỳnh trên giảng đường đại học.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ, Diệp Như Quỳnh đã ngày ngày chứng kiến người cha gầy gò, ngoài việc nương rẫy, ngày ngày vẫn lên rừng hái lá thuốc để chữa bệnh cho người trong làng. Việc làm nhân đạo đó của cha đã nhen lên trong em ước mơ trở thành một thầy thuốc và quyết tâm học để thi vào trường dược.
Nhiều năm là học sinh giỏi ở cấp I, cấp II, Quỳnh đã cố gắng học và thi vào trường THPT chuyên Thái Nguyên để có điều kiện học tập tốt hơn. Trường cách nhà hơn 10 km, nhưng vì nhà nghèo, không có tiền để trọ lại học, nên sáng nào Quỳnh cũng phải đạp xe đến trường từ 5 rưỡi sáng, rồi chiều tối lại đạp xe về nhà.
Diệp Như Quỳnh chia sẻ: "Đi học xa em sợ nhất là mùa đông, có hôm trời rét đạp xe được đến trường thì chân tay đã bị cước, lạnh cóng không cử động được, có hôm phải hết tiết đầu tay em mới có thể cầm bút viết được bình thường. Nhưng nghỉ học ngày nào là em tiếc ngày đấy, nên em luôn cố gắng không bao giờ nghỉ học. Về nhà thường không có thời gian học vì còn phải giúp đỡ bố mẹ làm nương rẫy, đi lên rừng hái thuốc nên em thường phải tranh thủ buổi trưa ở trường để học bài, đọc thêm sách tham khảo, về nhà thì thường em chỉ học bài vào ban đêm".Khó khăn là vậy, nhưng thành tích học tập của Diệp Như Quỳnh lại luôn khiến các thầy cô, bạn bè phải khâm phục. Môn hóa là môn học chuyên và cũng là môn học mà Quỳnh có nhiều thành tích nhất khi ngoài giải thưởng ở các năm học, lớp 12 em đã xuất sắc đạt giải 3 quốc gia môn hóa, và cùng với đó là "tấm vé" vào đại học, toại nguyện được ước mơ. "Vì nhà nghèo nên khi em thi đỗ vào đại học, bố mẹ em vô cùng mừng, nhưng cũng đầy lo lắng. Mẹ em đã khóc vì lo không biết lấy gì để nuôi em học đại học. Thế nhưng bố mẹ em đã động viên em tiếp tục học tập thật tốt và cả nhà cùng quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ đó. Em rất muốn sau này sẽ theo ngành dược cổ truyền để tiếp nối nghề chữa bệnh bằng lá thuốc của bố em như ước mơ của bố", Diệp Như Quỳnh chia sẻ. Sẽ là bác sĩ vùng cao
Cũng nuôi ước mơ chữa bệnh cho người nghèo, nhưng Hà Thị Tú Linh, người dân tộc Tày, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái lại chọn cho mình chuyên ngành bác sĩ đa khoa, đại học Y Hà Nội, vì em muốn "tự tay mình chữa cho bà con khỏi bị đau, giúp bà con không bị ốm", Hà Linh chia sẻ.
Hà Thị Tú Linh trong lần đi nhận giải thưởng học sinh giỏi quốc gia.
Trong gia đình, Linh là luôn là một cô con gái chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ, ngoan ngoãn, học giỏi, có nhiều thành tích cao trong học tập, khiến bố mẹ luôn tự hào mỗi khi đi họp phụ huynh. Trong 3 năm cấp III, Linh đã đạt nhiều thành tích cao trong học tập như: giải 3 kỳ học sinh giỏi cấp tỉnh môn vật lý, giải nhất tỉnh Casio khu vực năm lớp 11; lớp 12 em lại tiếp tục giành giải 3 Casio khu vực, và đặc biệt là giải 3 quốc gia môn vật lý.
Linh tâm sự: "Sau khi được giải 3 quốc gia môn vật lý, nhiều trường đại học đã gửi giấy trúng tuyển gọi em nhập học, nhưng em vẫn nuôi mơ ước trở thành một bác sĩ để phục vụ quê hương, về với những vùng nghèo khó để chữa bệnh cho đồng bào, nên em đã bỏ qua những cơ hội tuyển thẳng đó. Em đã quyết định thi vào đại học Y Hà Nội dù phải chuyển sang thi khối B và phải thi bình thường như các bạn khác". Với dáng người nhỏ nhắn, gầy guộc, nhưng ý chí quyết tâm khiến Linh trông thật rắn rỏi. Khi được hỏi về những ngày bắt đầu bước chân vào học nghề y, Linh chia sẻ: "Mọi người cứ bảo em lẻo khoẻo thế này thì yếu đuối làm sao mà làm bác sĩ được. Khi mới đi học, được nghe các anh chị đã học kể về những bài học mà sinh viên ngành y phải trải qua để trở thành một bác sĩ, em cũng hơi sợ nhưng mà khi học thì lại thấy thú vị và tự tin hơn. "Các vùng xa ở quê em còn khó khăn, thiếu thốn lắm, học xong em sẽ quay về phục vụ quê hương. Sau này trở thành một bác sĩ, em sẽ là bác sĩ giỏi của các bản làng", Linh quyết tâm.
Theo Trọng Thủy - Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Từ bãi rác thẳng tiến đến Harvard Tờ New York Times vừa có bài viết về một học sinh đặc biệt nhận học bổng toàn phần của ĐH Havard. Đó là một thanh niên mồ côi, lớn lên từ bãi rác, đến từ Rwanda. 9 tuổi, mồ côi vì nạn diệt chủng, cậu sống trong một chiếc xe hơi bị đốt cháy nham nhở ở môt bãi rác tại Rwanda...