Từ xét tuyển ĐH bằng học bạ nghĩ về thay đổi cách đánh giá học sinh phổ thông
Năm 2020, khi Bộ GD&ĐT công bố sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, giao kỳ thi về cho các địa phương, nhiều ĐH đã chọn xét học bạ THPT như một phương thức xét đầu vào ĐH. Có câu hỏi đặt ra rằng, đánh giá qua học bạ có đảm bảo chính xác và công bằng?
Từ câu hỏi này, mới thấy sự cần thiết của những điểm mới trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT.
Nhiều ĐH tăng trọng số của xét tuyển bằng học bạ
Theo phương án tuyển sinh mà các trường ĐH đã công bố, năm nay có nhiều trường chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ. Có trường dành tới tới 70% tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH bằng phương thức này.
Năm học 2020 – 2021, năm học đầu tiên trường ĐH Nông lâm TP HCM thực hiện xét tuyển bằng học bạ THPT với khoảng 40 – 50% tổng chỉ tiêu. Việc nhà trường thêm phương thức tuyển sinh này nhằm thích ứng với bối cảnh mới khi Bộ GD&ĐT không còn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Mặt khác, chất lượng giáo dục bậc học phổ thông trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây đã có sự chuyển biến rất rõ nét về chất lượng đào tạo, cũng như chất lượng giáo dục toàn diện là nguyên nhân khiến nhà trường chọn phương thức này.
Có câu hỏi đặt ra rằng, có thể tin tưởng vào phương thức xét tuyển này hay không khi chất lượng đào tạo ở phổ thông còn chưa được kiểm soát chặt chẽ? Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, nếu trường ĐH lấy chất lượng thí sinh làm tiêu chí hàng đầu khi tuyển sinh thì cần cân nhắc, tránh chỉ dùng điểm học bạ làm căn cứ xét tuyển, bởi một số trường trường phổ thông không quá khắt khe khi đánh giá, cho điểm học sinh. Khi đó, xét tuyển căn cứ bằng học bạ sẽ có yếu tố thiếu chính xác, không công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan.
Nhưng ở một chiều khác, cũng có ý kiến cho rằng: Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT giao cho các địa phương, việc học sinh được sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển vào ĐH là hoàn toàn đúng. Đánh giá năng lực, kết quả học tập phải trải qua một quá trình chứ không thể phụ thuộc vào điểm của một kỳ thi.
Có thể, việc “ làm đẹp học bạ” vẫn có nguy cơ xảy ra, tuy nhiên không thể là đa số và về cơ bản, đánh giá học sinh vẫn phải dựa vào cả quá trình. Như vậy, muốn xét tuyển bằng học bạ có cơ sở, đảm bảo tính chính xác, đánh giá được cả 3 năm học tập THPT của các em thì phương án thay đổi cách đánh giá học sinh THCS, THPT mà Bộ GD&ĐT vừa công bố được xem là phù hợp với thực tiễn và cần thiết cho quá trình đổi mới thi cử và giáo dục các năm tới.
Video đang HOT
Nếu đánh giá đúng quá trình học tập của học sinh những năm phổ thông thì phương án xét tuyển ĐH bằng học bạ sẽ không còn gây băn khoăn nữa. Ảnh: Khánh Huy
Đánh giá học sinh theo cả quá trình
Mới đây, Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố với nhiều thay đổi.
Theo đó, Dự thảo bổ sung một số hoạt động kiểm tra đánh giá vì sự tiến bộ của người học, coi kiểm tra đánh giá như một hoạt động học tập, để phát triển năng lực tự học của người học, trong đó, coi trọng kiểm tra đánh giá quá trình học tập.
Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá; tăng cường kiểm tra đánh giá quá trình, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá. Bước đầu sử dụng một số biểu hiện về năng lực, phẩm chất trong Chương trình GDPT 2018 để thực hiện kiểm tra đánh giá hành vi, thái độ, nhiệm vụ học tập của học sinh.
Đồng thời, hướng tới việc khen thưởng toàn diện hơn, khen thưởng các năng lực chuyên biệt của người học.
Trước đây, chú trọng kiểm tra đánh giá bằng điểm số, đánh giá định lượng nhiều hơn; chủ yếu kiểm tra đánh giá bằng các bài kiểm tra viết, kiểm tra hỏi đáp (miệng). Nay, hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên có: Hỏi – đáp, thuyết trình, viết ngắn (trên giấy hoặc trên máy tính), thực hành, sản phẩm học tập. Hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ có bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; thuyết trình; thực hành; sản phẩm học tập.
“Đánh giá thường xuyên là cách theo dõi và khích lệ sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập nên quy định mới sẽ không khống chế số lần đánh giá thường xuyên. Những học sinh được đánh giá nhưng chưa đạt điểm tốt có thể có cơ hội để đánh giá lại bằng các hình thức khác nhau” – ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo học trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết.
Cách đánh giá này sẽ tạo ra những điểm mới: Khích lệ học sinh tiến bộ, đánh giá đúng hơn về năng lực phẩm chất của các em. Và khi cách đánh giá này chính xác, thì sẽ tạo ra được sự tin tưởng về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhìn vào đánh giá và học bạ của các em qua các năm THPT, các trường ĐH sẽ có thông số chính xác, tin tưởng và thống nhất hơn trong việc lựa chọn xét tuyển bằng hình thức này.
Thực tế là những băn khoăn dành cho phương án xét tuyển học bạ hiện nay là do tiêu chí đánh giá học sinh ở mỗi địa phương chưa thống nhất, chưa tạo được sự tin tưởng cho công tác tuyển sinh đầu vào của nhiều trường.
Nếu thay đổi cách đánh giá, làm nổi bật quá trình học tập của học sinh các năm phổ thông, tạo ra sự tin tưởng, thì phương án xét tuyển dựa vào học bạ không có gì phải bàn cãi nữa. Vì thế, trong quá trình đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp đánh giá, đổi mới thi cử đều là những công việc cần thiết, tạo ra sự thông suốt về chất lượng giáo dục phổ thông.
TS Nguyễn Tùng Lâm: Tiêu chí đánh giá, xếp loại học sinh chưa khách quan
Trao đổi về dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh của Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm nhận xét: Quy định cụ thể hơn nhưng chưa khách quan.
Ông có ý kiến gì về dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS và THPT của Bộ GD&ĐT đang được lấy ý kiến đến hết ngày 16/7/2020?
- Dự thảo này đã được bổ sung những quy định cụ thể hơn so với Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐTvàtiếp cận được cách đánh giá hiện đại. Bên cạnh hình thức chấm điểm thì có đánh giá khuyến khích HS, chẳng hạn như: HS có tiến bộ, HS có cố gắng, HS thực hiện được những yêu cầu học tập.... Tuy nhiên, với cách đánh giá bằng nhận xét, giáo viên sẽ thêm phần vất vả vì phải mất thời gian làm công việc này.
Đọc hết bản dự thảo Thông tư, tôi nhận thấy Bộ GD&ĐT có quy định cụ thể về điểm kiểm tra đánh giá (KTĐG) thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ. Đặc biệt là, Bộ chấp nhận hình thức kiểm tra qua máy tính, bài tập hỏi đáp, chứ không phải chỉ một kiểu làm bài kiểm tra viết.
Bộ cũng chú ý đến việc đánh giá HS khuyết tật và đưa ra những quy định để động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của các em. Chẳng hạn như những môn HS khuyết tật được miễn sẽ không KTĐG. Nhưng, các môn học hoặc hoạt động giáo dục HS khuyết tật không có khả năng đáp ứng yêu cầu, thì đánh giá theo kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân. Như vậy là cụ thể và rất tốt.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, dự thảo tiêu chí đánh giá, xếp loại học sinh do Bộ GD&ĐT xây dựng chưa khách quan.
Nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá HS bằng nhận xét là nhân văn nhưng làm sao đảm bảo công bằng khách quan khi có yếu tố cảm tính?
- Việc đặt ra vấn đề không khách quan là có. Bất cứ một nhận xét nào cũng đều có cảm tính. Nhưng ở đây chúng ta đặt ra hai vấn đề khác nhau. Thứ nhất, giáo viên phải quan tâm đến sự phát triển của học trò cả phẩm chất và năng lực mới là quan trọng. Giáo viên có thể lúc đầu chưa làm quen với cách đánh giá bằng nhận xét nhưng sau đó sẽ thay đổi dần, chứ không phải chỉ ghi chung chung là HS có tiến bộ.
Nhưng để đảm bảo quyền lợi của HS, Bộ GD&ĐT nên cần đưa thêm quy định: HS được quyền khiếu nại với những nhận xét của thầy cô mà em đó cảm thấy chưa thật đúng, thỏa đáng. Như thế sẽ khách quan, đảm bảo quyền dân chủ của người học; tránh được tình trạng giáo viên trù úm, thành kiến với học trò.
Với quy định, KTĐG định kỳ gồm giữa kỳ và cuối kỳ có đủ? Việc không giới hạn KTĐG thường xuyên, có dẫn đến trường lạm dụng khiến HS bị áp lực?
- Quy định KTĐG định kỳ gồm giữa kỳ và cuối kỳ là đủ vì có tính hệ số. Còn kiểm tra thường xuyên, Bộ GD&ĐT quy định rõ, môn học có 35 tiết trở xuống/năm học có 2 điểm KTĐG thường xuyên, từ 35 tiết đến 70 tiết có 3 điểm KTĐG thường xuyên, môn học từ 70 tiết trở lên có 4 điểm KTĐG thường xuyên.
Ở đây Bộ GD&ĐT cũng đặt vấn đề khuyến khích HS nếu các em làm bài KTĐG thường xuyên chưa đạt yêu cầu được phép làm lại, để lấy điểm tốt nhất. Cho dù Bộ không quy định số lần nhưng chúng ta không lo HS bị áp lực vì giáo viên cũng không thích thú kiểm tra nhiều. KTĐG thêm chỉ áp dụng phần lớn cho HS học kém để các em có cơ hội cải thiện điểm số.
Với yêu cầu thêm cách đánh giá, xếp loại HS bằng điểm số, giáo viên phải thay đổi thế nào?
- Quy định KTĐG HS bằng điểm số và nhận xét có tiến bộ nhưng giáo viên phải được làm quen để thực hiện; và có hướng dẫn cho giáo viên cách nhận xét rất cụ thể theo từng học kỳ, chứ không chỉ ghi chung chung. Thực tế, có những trường hợp giáo viên rất ngại khi nhận xét vào học bạ, chỉ ghi chung chung vài chữ loằng ngoằng như: Tiến bộ, đạt yêu cầu...
Xin cảm ơn ông!
Giáo viên sẵn sàng nhận xét học sinh nhưng lo 'chê thế nào cho đúng' Nhiều giáo viên đồng tình với việc cần phải có sự kết hợp giữa nhận xét và cho điểm mới đảm bảo đánh giá đúng phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên, một số người lại bày tỏ lo ngại "không biết chê thế nào cho đúng". Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Thông tư Sửa đổi,...