Từ vụ 8 HS đuối nước: Đề xuất nhiều giải pháp, trẻ vẫn chết oan uổng
Mặc dù chưa vào mùa mưa bão nhưng đã có hàng chục vụ đuối nước khiến nhiều trẻ em tử vong. Ngày 21.3, nhiều người bàng hoàng khi hay tin cùng lúc 8 học sinh tiểu học và THCSở Hòa Bình chết đuối khi tắm trên sông Đà. Bàng hoàng, bởi chúng ta đã đề ra nhiều giải pháp phòng chống thương tích, đuối nước với trẻ em…
Những cái chết thương tâm
Chiều 21.3, do không phải đi học, một nhóm 10 học sinh Trường Tiểu học và THCSHữu Nghị (TP.Hòa Bình) rủ nhau ra bãi cát Thịnh Minh ven sông Đà, thuộc phường Thịnh Lang, TP.Hòa Bình, chơi và xuống tắm. Gặp nơi nước sâu, đã có 8 em bị đuối nước, tử vong…
Sáng 22.3, các học sinh Trường Tiểu học và THCS Hữu Nghị đến tiễn biệt bạn cùng lớp vừa qua đời do đuối nước chiều 21.3. Ảnh: VIỆT LINH
Trước đó, ngày 17.3, có 3 cháu bé rủ nhau đi tắm mương ở xã Cát Trinh (Phù Cát, Bình Định) cũng đã tử vong. Sự việc xảy ra vào khoảng 18 giờ ngày 16.3, người dân địa phương phát hiện trên bờ thuộc hệ thống mương thủy lợi Văn Phong ở thôn An Đức, xã Cát Trinh, có 2 chiếc xe đạp cùng 3 đôi dép, quần áo, mũ trẻ em nhưng không thấy người. Nghi ngờ có việc không lành, mọi người đã xuống mương tìm kiếm thì phát hiện thi hài 3 cháu bé gồm: T.H.N (6 tuổi); T.L.A.Q (11 tuổi) và em ruột là T.L.A.Q (7 tuổi). Theo người nhà, 3 cháu rủ nhau ra bờ mương để tắm và bắt cá nhưng gặp chỗ nước sâu, các cháu lại không biết bơi nên đã xảy ra tai nạn chết đuối.
Hôm 2.3, tại xã Ngọc Bay (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cũng đã xảy ra vụ 2 học sinh tiểu học bị cuốn trôi trên sông Đăk Bla. Khoảng 15 giờ hôm đó, 2 em nhỏ (cùng 11 tuổi, trú thôn Kon Hngo, xã Ngọc Bay) ra sông Đăk Bla để chơi đùa và tắm nhưng không may trượt chân xuống vùng nước sâu và bị nước cuốn trôi.
Video đang HOT
Phải thường xuyên nhắc nhở
Tình trạng trẻ em đuối nước không phải là chuyện mới, đã xảy ra rất, rất nhiều vụ việc đau lòng và nhiều giải pháp ngăn chặn đã được đưa ra… Ông Đào Trọng An – nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cũng đồng tình với nhận định đó, và cho biết nhiều năm qua tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn tồn tại, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Số vụ trẻ em chết do đuối nước còn tăng cao hơn cả số trẻ em chết vì tai nạn giao thông.
“Chúng ta có hẳn một đề án về phòng chống đuối nước, rồi địa phương có cả 1 tháng hành động vì trẻ em, nhưng vì những hoạt động đó vẫn còn tổ chức một cách hình thức nên hiệu quả chưa cao” – ông An nói.
Thêm vào đó, dù một số địa phương đã ưu tiên dành nguồn lực, các trường học đã dạy bơi cho học sinh, nhưng việc này chưa thường xuyên, liên tục nên chỉ như “nước đổ lá khoai”. “Các em còn nhỏ, rất ham chơi, đâu vui thì đến, đâu thích thì đi, vì thế chúng ta có thể cảnh báo nhắc nhở 1 lần nhưng lúc ham chơi thì các em có thể quên ngay lời ta nhắc. Vì thế quan trọng là các thầy cô, bố mẹ cần giám sát và thường xuyên nhắc nhở để ghi nhớ cho trẻ” – ông An nói.
Đồng tình với ý kiến của ông An, TS Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm E-Bơi cho rằng, việc dạy bơi là không đủ để phòng chống đuối nước cho trẻ em. Cần phải thực hiện một giải pháp tổng thể đồng bộ theo đúng kiểu “phòng, chống”. Theo đó, ngoài việc dạy bơi, nhà trường và bố mẹ các em cần dạy thêm kỹ năng bơi lội an toàn. “Bơi lội an toàn nghĩa là sao? Nghĩa là chỉ được bơi lội khi có vật dụng cứu hộ (phao cứu sinh, áo phao…), có người giám sát ở trên bờ. Trước khi bơi phải quan sát xung quanh, biết đánh giá phân biệt luồng nước có sự khác thường, biết cách cứu hộ, gọi cứu hộ hoặc tự nổi dưới nước chờ cứu hộ…” – ông Tuấn lý giải.
Điều ông Tuấn muốn nhấn mạnh, học bơi, dạy bơi là kỹ năng, nhưng chúng ta phải áp dụng được những kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. “Làm thế nào để em bé có thể tồn tại dưới môi trường nước để người lớn đến cứu, đó là điều mà ta cần hướng tới” – ông Tuấn nói.
TS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thì cho rằng, môn giáo dục thể chất từ lâu vẫn là vấn đề bất cập trong chương trình giáo dục Việt Nam. Tình trạng luôn bị coi là môn phụ, thậm chí dùng thời gian của môn này để học môn khác diễn ra không hiếm. “Phải giải quyết được 3 nhân tố chính là tâm lý của phụ huynh, chương trình học và cơ sở vật chất thì tình hình đào tạo kỹ năng sống, giáo dục thể chất mới cải thiện được” – bà Hương nói.
Riêng về tai nạn đuối nước thương tâm, theo TS Hương, để ngăn chặn thì bên cạnh việc bố trí cho con được học bơi bài bản, các phụ huynh cũng cần trang bị cho con các kỹ năng cần thiết để phòng nguy cơ đuối nước. Đối với trẻ chưa biết bơi tuyệt đối không chơi gần sát mặt nước. Nếu ở hồ bơi, cần đứng cách mặt nước 2m, nếu ở biển, nhất thiết phải theo sát cha mẹ hoặc người lớn trong gia đình, dù cho bé đã biết bơi…
Xây dựng nhà – trường và cộng đồng an toàn với trẻ em
Ngay sau vụ việc ở Hòa Bình, ngày 21.3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em đã yêu cầu Bộ LĐTBXH, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước… Tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện việc xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.
Theo Dân Việt
Tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em
Ngày 21/3, Ủy ban quốc gia về trẻ em có công văn số 1123/UBQGTE gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em.
Công văn nêu rõ, trong quý I năm 2019 đã xảy ra liên tiếp các vụ đuối nước gây tử vong cho trẻ em tại một số địa phương. Ngày 21/3/2019, trong lúc ra tắm sông Đà, 8 học sinh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã bị đuối nước tử vong thương tâm.
Dạy bơi cho trẻ em.
Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.
Ủy ban quốc gia về trẻ em đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em.
Tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện việc xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm.
Xây dựng và triển khai cơ chế phôi hơp giữa các nganh, đoàn thể trong phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ngành giáo dục và đào tạo tăng cường phối hợp với cơ quan LĐ-TB&XH, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em ở trường học, trong gia đình và cộng đồng.
VÂN KHÁNH
Theo baodansinh
Rất cần rèn kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em Vụ việc bé V.N.Q., 9 tuổi ở huyện Chương Mỹ bị kẻ xấu xâm hại và nhiều vụ quấy rối, xâm hại tình dục khác xảy ra gần đây khiến dư luận vô cùng lo lắng, phẫn nộ. Bảo vệ trẻ em trên đoạn đường từ nhà đến trường, ở lớp học, từ trường về nhà đang trở thành nỗi lo thường trực...