Tư vấn tuyển sinh 2019: Những ngành học thí sinh nên lựa chọn
Đó là các ngành Khoa học Vật liệu, Công nghệ hạt nhân, Khí tượng – Thủy văn – Hải dương, Công nghệ biển, Khoa học đất… là những ngành học mũi nhọn, nhà nước đang đầu tư, thí sinh nên lựa chọn.
Nhiều ngành học tự nhiên phát triển bền vững trong tương lai, cơ hội nghề nghiệp lớn, thí sinh nên cân nhắc lựa chọn.
Ngành Khoa học Vật liệu
Mục tiêu đào tạo: Đáp ứng sự phát triển của khoa học vật liệu mới, trong đó có khoa học và công nghệ nano được nhà nước xác định là một trong những ngành khoa học mũi nhọn của đất nước.
Chương trình đào tạo cử nhân Khoa học vật liệu trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về vật lý, toán học, tin học, hoá học, khoa học và công nghệ vật liệu, đặc biệt là vật liệu điện tử nano (vật liệu từ, vật liệu bán dẫn).
Sinh viên cũng được trang bị các kiến thức về khoa học công nghệ các vật liệu tiên tiến khác như hợp kim đặc chủng, vật liệu tổ hợp, vật liệu nanô, các vật liệu quang điện tử sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sợi cáp quang, laser… những vật liệu nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 21.
Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên ngành Khoa học vật liệu đủ năng lực làm việc ở các hãng công nghệ cao, các viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước, của nước ngoài, các trường đại học.
Đặc biệt là sinh viên ngành này, nếu tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi, ngoại ngữ tốt có khả năng học tập và nghiên cứu ở các nước tiên tiến như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,…
Ngành Công nghệ hạt nhân
Mục tiêu đào tạo: Công nghệ hạt nhân là ngành đào tạo rất cần thiết phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước về phát triển ngành điện hạt nhân hiện nay. Nhu cầu của đất nước về nhân lực liên quan đến công nghệ hạt nhân là rất lớn.
Sinh viên trang bị những kiến thức về công nghệ hạt nhân cơ bản, hiện đại và cập nhật các tiến bộ của công nghệ và vật lí hạt nhân trên thế giới, được tham quan và thực tập thực tế tại các cơ sở hạt nhân trong nước.
Triển vọng nghề nghiệp: Đủ năng lực làm việc trên các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân như ngành năng lượng hạt nhân để phục vụ nhu cầu điện hạt nhân trong tương lai của đất nước, các ngành khoa học và kĩ thuật hạt nhân cơ bản và ứng dụng; các ngành kinh tế thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; y học xạ trị, khảo cổ học, địa chất thuỷ văn. Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
Ngành Khí tượng – Thủy văn – Hải dương
Video đang HOT
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Đồng thời, sinh viên còn được trang bị kiến thức khá đầy đủ về toán học, vật lý và tin học, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về kỹ năng lập trình, xử lý tính toán trên máy tính.
Hiện nay, với sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu về nghiên cứu và nhân lực ngành khí tượng, thủy văn, hải dương đang đứng trước những cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế. Vấn đề Biến đổi khí hậu và ứng phó trước tình hình biến đổi khí hậu đã được Chính phủ thông qua và duyệt triển khai với ngân sách lớn nhằm cải tạo điều kiện làm việc và đầu tư nghiên cứu.
Vấn đề Phòng chống thiên tai bão lụt là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng quan tâm và đầu tư lớn. Ngoài ra còn có các Chương trình Nước sạch nông thôn và Quy hoạch tài nguyên nước và Kiểm soát môi trường và Năng lượng sạch ( Thủy điện, Phong điện,,,, ). Đó là cơ hội và thách thức đối với ngành Khí tượng, Thủy văn và Hải dương
Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên các ngành Khí tượng, Thủy văn và Hải dương có nhiều cơ hội làm việc tại các Cơ quan trung ương và địa phương, như Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Cao không Trung ương, Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy văn, Các Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực), Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Môi trường, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, các Trường Đại học và Cao đẳng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân, Bộ Tư lệnh Hải quân, Viện Quy hoạch thủy lợi, Các công ty khảo sát điện, Viện thiết kế Bộ Giao thông vận tải, Viện Hải dương học, Viện nghiên cứu Hải sản…
Công nghệ biển là lĩnh vực ứng dụng các kiến thức khoa học về môi trường biển và những nguyên lý công nghệ: kỹ thuật xây dựng, cơ kỹ thuật, điện kỹ thuật, v.v… trong phân tích, thiết kế, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống hoạt động trong môi trường biển và ven bờ.
Việt Nam có 28 tỉnh và thành phố tiếp giáp với biển với nhiều công trình, dự án liên quan đến biển, đến cửa sông, nhiều đô thị, khu công nghiệp, công trình, làng nghề ven biển, các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch biển, giao thông vận tải thủy… cùng các hoạt động kinh tế-xã hội khác liên quan đến biển đang diễn ra hết sức sôi động.
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. kiến thức cơ bản về toán, vật lý, hóa học, tin học, các văn bản pháp quy, chính sách, kiến thức chủ yếu về khoa học biển, những nguyên lý công nghệ – kỹ thuật xây dựng, cơ kỹ thuật, điện kỹ thuật,…
Trong phân tích, thiết kế, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống hoạt động trong môi trường biển, các kỹ năng làm việc với tư cách nhà chuyên môn tư vấn, phân tích, quy hoạch, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế-kỹ thuật liên quan đến môi trường biển, đủ kiến thức để tự hoàn thiện hoặc được tiếp tục đào tạo thành chuyên gia bậc cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ biển.
Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực triển khai nghiên cứu khoa học bao gồm các khoa học cơ bản của hải dương học và công nghệ biển cũng như các khoa học ứng dụng của công nghệ biển trong các ngành công nghiệp, xây dựng, ngư nghiệp, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường biển v.v…
Có thể làm việc trực tiếp như một chuyên gia tư vấn, thiết kế, giám sát và quản lý trong từng lĩnh vực khoa học và công nghệ biển theo các chuyên ngành đào tạo: công nghệ bờ biển, công nghệ biển khơi, công nghệ môi trường biển, v.v… thuộc các lĩnh vực kinh tế xã hội, môi trường, đảm bảo anh toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển;
Các Cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học, tư vấn, thiết kế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố có biển trong cả nước …
Ngành Khoa học đất
Mục tiêu đào tạo : Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản hiện đại và thực tế ở Việt Nam, kiến thức cơ sở về địa chất, khoáng vật, phân tích các đối tượng đất, nước, phân bón, thực vật. những kỹ năng thông qua nghiên cứu khoa học và thực tập thiên nhiên, phân tích và nhận biết các mối quan hệ trong các quá trình hình thành đất, các loại đất ngoài thực địa và phương pháp đánh giá, tổng hợp các số liệu phân tích.
Lý giải mối quan hệ biện chứng giữa các quá trình trong đất – nước – phân bón và cây trồng. Kiến thức chuyên sâu về Khoa học đất và môi trường đất theo hướng sử dụng hợp lý tài nguyên cho sự phát triển nông lâm nghiệp và môi trường trên quan điểm sinh thái học và phát triển bền vững; quy hoạch sử dụng đất đai, đánh giá tác động của các quá trình sử dụng đến tài nguyên và môi trường đất.
Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học hoặc làm công tác quản lý ở các trường đại học, cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu, các bộ, ngành, các sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Khoa học và Công nghệ;
Trực tiếp lập các dự án về quản lý và sử dụng đất, đề xuất các biện pháp cải tạo và đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất đến môi trường đất-nước, đến các hệ thống nông nghiệp, đặc biệt ở các vùng nhiệt đới và quy hoạch môi trường đất hoặc trực tiếp chỉ đạo sản xuất nông – lâm nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý tài nguyên đất, nước.
Hồng Hạnh( tổng hợp)
Theo Dân trí
Học trước vào lớp 1: Vẫn chạy đua
Đến hẹn lại lên, thời điểm sau Tết là lúc các lớp học tiền Tiểu học nở rộ với đa dạng hình thức tổ chức: từ học chữ, làm toán, làm quen tiếng Anh, học phát triển kỹ năng học sinh tiền tiểu học...
Trong cuộc đua ấy, có bao nhiêu bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh ở khu vực thành thị, can đảm "phớt lờ" không cho con đi học trước như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT "cần chấm dứt dạy chữ trước khi vào lớp 1"?
Nhiều trường tổ chức khóa học tiền tiểu học thu hút đông học sinh chuẩn bị vào lớp 1. (Ảnh minh họa: https://brightschool.edu.vn).
Chi tiền triệu để làm quen
Khai giảng vào ngày 23/2/2019, chương trình Tiền Tiểu học do trường Tiểu học & THCS Tây Hà Nội (WHS) (phố Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức có tên gọi Con sẵn sàng 2019. Với thời lượng 12 buổi, bắt đầu từ 8h sáng đến 15h30' chiều thứ 7 hàng tuần, chi phí khóa học là 4 triệu VNĐ. Nếu học sinh nào có nhu cầu xe đưa đón tại nhà thì nộp thêm 600.000 VNĐ. Học sinh sẽ được học các môn logic và trí tuệ tư duy, ngôn ngữ và trí tuệ tình cảm, tiếng Anh và hội nhập, nghệ thuật (cảm thụ âm nhạc và hội họa), thể thao... Trong quá trình học, giáo viên sẽ lồng ghép các bài học nuôi dưỡng tâm hồn và rèn luyện kỹ năng chuẩn bị, làm việc và quản lý đồ dùng học tập, đồ đạc cá nhân, các kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng chấp hành nội quy và quy định...
Theo phòng tuyển sinh của WHS, học sinh tham gia khóa học này nếu có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt, khả năng giao tiếp phù hợp với lứa tuổi và nhận được đánh giá tích cực từ giáo viên dạy trong lớp sẽ được miễn kiểm tra đầu vào và được nhận thẳng vào trường.
Là trường có lượng thí sinh đăng ký đông hơn nhiều lần chỉ tiêu cần tuyển, trường liên cấp THCS, Tiểu học Ngôi sao Hà Nội (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tổ chức Câu lạc bộ (CLB) "The Little Hanser" 2019 dành cho các bé sinh năm 2013. Chi phí 3,8 triệu VNĐ /khóa học gồm 8 buổi. Theo cán bộ tư vấn tuyển sinh của nhà trường, chi phí này bao gồm học phí, tiền ăn, đồng phục, học liệu, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Nhà trường không có xe đưa đón. Dự kiến, trường tuyển sinh 15 lớp (32 học sinh/lớp). Hiện tại, lớp học ngày thứ 7 khai giảng từ ngày 16/2 đã nhận đủ học sinh. Chỉ còn một số suất học vào ngày chủ nhật còn trống (các lớp này cũng đã khai giảng từ 17/2 và sẽ học đến 7/4). Được biết, năm học 2019-2020 khối 1 trường Ngôi sao Hà Nội tuyển 210 chỉ tiêu.
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội khai giảng khóa học tiền tiểu học khá sớm, từ 5/1/2019. Khóa học 16 ngày với chủ đề Sẵn sàng cho hành trình mới có chi phí 6,2 tr VNĐ. Thời điểm này nếu phụ huynh đăng ký cho con học thì còn 11 buổi và học phí là 4.720.000 VNĐ. Ban tuyển sinh lưu ý, chương trình học các buổi độc lập với nhau nên con có thể tham gia vào bất kỳ thời điểm nào. Nhà trường khẳng định học sinh tham gia lớp học này sẽ không có thêm ưu đãi khi xét tuyển nguyện vọng vào trường so với những bạn không tham gia khóa học.
Trường Tiểu học và THCS Everest Hà Nội tuyển sinh CLB Tiền Tiểu học với học phí từ 4,8 tr nếu học vào thứ 7 hàng tuần từ 5/1 đến 25/5. Khóa học từ thứ 2 đến thứ 6 từ 3/6 tới 28/6 có học phí là 5,5 tr (bao gồm học liệu, sự kiện và dã ngoại).
Những lớp học Tiền Tiểu học tương tự cũng được nhiều trường tổ chức dành cho các đối tượng học sinh có nhu cầu học tập tại trường sau này. Với tâm lý tham gia khóa học, học sinh sẽ được trải nghiệm môi trường học tập tại trường cũng là một hình thức xem con có thích nghi được với trường học này hay không, nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại đăng ký cho con khóa học lên đến vài triệu đồng chỉ cho khoảng trên dưới 10 ngày học. Mặc dù có những trường ngay từ khi tư vấn khóa học đã khẳng định sẽ không có bất kỳ ưu đãi gì khi xét tuyển dù con có đăng ký học khóa học trải nghiệm này không, nhưng đa số phụ huynh vẫn có chung tâm lý ôn luyện tại lò thì sẽ có nhiều ưu thế "trúng tủ" hơn so với các bạn khác, nên nhìn chung, các lớp học trải nghiệm của các trường "hot" những năm qua vẫn luôn tuyển sinh rất tốt.
Sôi động lớp học chữ
Ám ảnh nhất với nhiều bậc phụ huynh hiện nay là việc rèn con học chữ, bởi mỗi chương trình, thậm chí mỗi giáo viên lại có phương pháp dạy chữ khác nhau. Vì vậy, dù con đọc thông, viết thạo nhưng rất nhiều phụ huynh tìm đến các lớp luyện chữ trước khi vào lớp 1 để đăng ký.
Chị Quỳnh Liên (P411, ct16, KĐT Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) có con năm nay chuẩn bị vào lớp 1 cho biết: "Từ trước tết, các bậc phụ huynh trong khu chung cư đã lập hội bàn luận về việc học chữ, làm toán cho con trước khi vào lớp 1. Nhiều quan điểm nhưng tựu trung lại, các mẹ đã mời một cô giáo dạy ở trường tiểu học sau này các con sẽ theo học đến dạy tại khu chung cư để các con đỡ phải đi lại xa. Học phí là 80.000 đồng/cháu cho 1 buổi học 1,5 h, một lớp 10 cháu. Riêng con nhà tôi, vì bé chưa biết hết mặt chữ cái nên tôi dự định dạy cháu nắm rõ mặt chữ rồi mới đăng ký cho con học luyện viết".
Chung quan điểm là học thầy cô nào thì đăng ký học thêm nhà cô giáo đó luôn, chị Ngọc Mai (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết xung quanh khu vực mình ở có rất nhiều trung tâm luyện chữ đẹp nổi tiếng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các bậc phụ huynh có con đang học trường tiểu học gần nhà, nếu cho con học ở trung tâm mà sau này cách viết chữ không giống với ở trường cô dạy thì sẽ rất khó để sửa cho trẻ. Vì vậy, chị cũng đang nghe ngóng thông tin cô giáo nào dạy tốt ở trường con sẽ theo học năm nay để đến nhà cô xin học thêm, sau đó nhờ cô nhận con vào lớp dạy luôn khi vào năm học.
Tìm hiểu các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở Hà Nội thời điểm này cũng liên tục chiêu sinh các lớp luyện chữ, làm quen với toán học, tiếng Anh trước khi vào lớp 1. Học sinh được học thử, được chọn thầy cô để theo học với số tiền dao động từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng. Tuy nhiên, các lớp học này thường khá đông, trên 10 học sinh nên nếu phụ huynh nào có nhu cầu, trung tâm sẽ giới thiệu các thầy cô đến tận nhà để kèm riêng. Mức học phí sẽ khoảng 350.000 đồng/1 buổi 1,5 h với thầy cô đã có kinh nghiệm hoặc 200.000 đồng với sinh viên. Thậm chí, trung tâm Thomas (Hà Nội) còn cam kết sau khi hết khóa học, các bé sẽ có kỹ năng giao tiếp tốt, tự tin biểu diễn trên sân khấu, đọc được truyện tranh, viết đẹp có nét thanh nét đậm, tư duy toán tốt, tự tin vào lớp 1...
Lưu ý rèn kỹ năng
Theo cô giáo Trần Thu Phượng (trường tiểu học Tân Mai, Hà Nội) các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ việc rèn chữ cho con trước khi vào lớp 1. Bởi việc dạy cho một học sinh chưa biết gì, "trắng phau" như tờ giấy trắng với một học sinh biết nhưng lại biết sai thì sẽ mất nhiều công sức hơn cho cả thầy vào trò. Chưa kể, trong một lớp có rất nhiều trình độ, vẫn có những em chưa từng học trước ở đâu nên cô giáo sẽ dạy từ những bài học đầu tiên có thể khiến những học sinh biết rồi nảy sinh tâm lý chán học, không tập trung vào bài giảng...
Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên đã nghỉ hưu của trường tiểu học Minh Khai (Phủ Lý, Hà Nam) có kinh nghiệm dạy tiểu học hơn 30 năm cho biết: theo kinh nghiệm của cô, quan trọng nhất với học sinh trước khi vào lớp 1 không phải là việc các con có biết chữ, làm toán hay không mà là việc rèn luyện ý thức tự lập, vì lên tiểu học, các con phải tự mình làm tất cả mọi việc, không giống như ở cấp học mầm non. Vì vậy, phụ huynh đừng mải mê cho con chạy sô hết lớp học này đến lớp học khác mà bỏ quên các kỹ năng cơ bản như tự mặc quần áo, tự buộc tóc (với con gái), tự ăn cơm và dọn dẹp sau khi ăn, sử dụng đồ dùng học tập...
Thực tế cô Thủy đã từng gặp những học sinh mà đến giờ ăn trưa, các em hầu như không ăn gì. Khi hỏi phụ huynh mới biết, vì ở mầm non các em khó ăn nên vẫn được cô giáo "ưu tiên" bón hộ. Về nhà lại được ông bà, bố mẹ xúc cho nên đến giờ ăn trưa ở trường tiểu học, các em rất "thờ ơ" với đồ ăn. Giải pháp cho những bạn này hoặc là bố mẹ đón về buổi trưa hoặc là cô sẽ động viên, nhắc nhở con trong những ngày đầu, nhưng kiên quyết không xúc hộ, để con làm quen với việc tự phục vụ bản thân vì không ai có thể làm hộ mãi...
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 bậc tiểu học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các địa phương chấm dứt ngay tình trạng dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1.
Hiện tại, Bộ GDĐT có văn bản chỉ đạo, theo đó chỉ được dạy, chuẩn bị cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 những kỹ năng làm quen với chữ cái và các hoạt động vận động, làm quen với môi trường học lớp 1. Phòng giáo dục cần chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy chữ trước lớp 1 cho trẻ mầm non.
Thu Hương
Theo Đại Đoàn Kết
Chương trình Tư vấn mùa thi đến với học sinh An Giang và Bến Tre Vào 8 giờ ngày 23.2, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ diễn ra tại hội trường Tỉnh ủy An Giang. Chương trình có sự tham gia trực tiếp của hơn 1.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn TP.Long Xuyên. Học sinh tham gia chương trình Tư vấn mùa thi 2019...